Khẩu độ (Aperture) Máy ảnh Là Gì? Nó Có ý Nghĩa Thế Nào Trong ...
Có thể bạn quan tâm
Khẩu độ có thể được coi là một trong ba “trụ cột” của nhiếp ảnh (còn lại là tốc độ màn trập và ISO), hơn nữa còn là trụ quan trọng nhất. Vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn và dễ hiểu nhất về chủ đề khẩu độ máy ảnh là gì, cũng như những thứ có liên quan với nó.
Mục lục bài viết Hiện mục lục 1. Khẩu độ (Aperture) máy ảnh là gì? 2. Khẩu độ (Aperture) và Độ phơi sáng (Exposure) 3. Khẩu độ ảnh hưởng thế nào đến Độ sâu trường ảnh? 4. F-Stop và F-Number là gì? 5. Khẩu độ lớn vs Khẩu độ nhỏ 6. Cách chọn Khẩu độ Máy ảnh phù hợp 7. Cài đặt Khẩu độ trên Máy ảnh 8. Khẩu độ Tối thiểu và Tối đa của ống kính 9. Ví dụ về sử dụng Khẩu độ Máy ảnh 10. Những ảnh hưởng khác của Khẩu độ đến bức ảnh của bạn 11. Biểu đồ về Khẩu độ ống kính cho Người mới bắt đầu 12. Một vài câu hỏi thường gặp về Khẩu độ máy ảnhKhẩu độ (Aperture) máy ảnh là gì?
Khẩu độ có thể được định nghĩa là độ mở trong ống kính mà qua đó ánh sáng đi vào máy ảnh. Đó sẽ là một khái niệm rất dễ hiểu nếu bạn chỉ nghĩ về cách đôi mắt của mình hoạt động, khi bạn di chuyển giữa môi trường sáng và tối, mống mắt trong mắt bạn mở rộng hoặc co lại, kiểm soát kích thước của đồng tử.
Trong nhiếp ảnh, “đồng tử của ống kính” được gọi là khẩu độ. Bạn có thể thu nhỏ hoặc phóng to kích thước của khẩu độ để cho phép lượng ánh sáng nhiều hơn hoặc ít hơn đi đến cảm biến máy ảnh của bạn. Hình minh họa dưới đây cho thấy khẩu độ trong một ống kính:
Khẩu độ có thể tăng thêm “không gian” cho ảnh của bạn bằng cách kiểm soát độ sâu trường ảnh. Ở một cực điểm, nó mang tới hậu cảnh mờ với hiệu ứng lấy nét nông tuyệt đẹp. Mặt khác, khẩu độ sẽ mang tới cho bạn những bức ảnh sắc nét từ tiền cảnh gần đó đến chân trời xa. Nhưng trên hết, nó cũng thay đổi độ phơi sáng của ảnh bằng cách làm cho chúng sáng hơn hoặc tối hơn.
Khẩu độ (Aperture) và Độ phơi sáng (Exposure)
Khẩu độ có một số ảnh hưởng đến ảnh, và một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất là độ sáng (hoặc độ phơi sáng). Khi khẩu độ thay đổi về kích thước, nó sẽ làm thay đổi lượng ánh sáng tổng thể đi đến cảm biến máy ảnh, do đó thay đổi luôn độ sáng trong bức ảnh của bạn.
Khẩu độ lớn (độ mở rộng) sẽ cho nhiều ánh sáng đi qua, dẫn đến ảnh sáng hơn. Ngược lại, khẩu độ nhỏ (độ mở hẹp) làm cho ảnh tối hơn. Bạn hãy xem hình minh họa bên dưới để biết nó ảnh hưởng đến độ phơi sáng như thế nào:
Trong môi trường tối như ở trong nhà hay vào ban đêm, bạn có thể sẽ muốn chọn một khẩu độ lớn để thu được nhiều ánh sáng nhất có thể. Đó cũng là lý do tại sao đồng tử của bạn giãn ra khi trời bắt đầu tối.
Khẩu độ ảnh hưởng thế nào đến Độ sâu trường ảnh?
Một hiệu ứng quan trọng khác của khẩu độ là độ sâu trường ảnh.
Độ sâu trường ảnh là thuật ngữ diễn tả bức ảnh của bạn xuất hiện sắc nét thế nào từ phía trước ra phía sau. Một số bức ảnh có độ sâu trường ảnh “mỏng” hoặc “nông”, trong đó hậu cảnh hoàn toàn không được lấy nét. Còn các bức ảnh khác có độ sâu trường ảnh “lớn” hoặc “sâu”, nơi cả tiền cảnh và hậu cảnh đều sắc nét.
Trong bức ảnh trên, bạn có thể thấy cô gái được lấy nét và xuất hiện sắc nét, trong khi hậu cảnh hoàn toàn bị mờ đi. Việc lựa chọn khẩu độ đóng một vai trò to lớn ở đây. Bạn nên sử dụng khẩu độ lớn để tạo hiệu ứng lấy nét nông, điều này giúp thu hút sự chú ý của người xem vào chủ thể hơn là phần hậu cảnh. Nếu chọn khẩu độ nhỏ hơn quá nhiều, bạn sẽ không thể tách chủ thể của mình ra khỏi hậu cảnh một cách hiệu quả.
Một mẹo nhỏ để ghi nhớ mối quan hệ này: khẩu độ lớn dẫn đến một lượng lớn hiệu ứng mờ tiền cảnh và hậu cảnh. Điều này thường được mong muốn đối với ảnh chân dung, hay nói chung là ảnh bao gồm nhiều đối tượng mà bạn muốn tách riêng chủ thể ra.
Đôi khi, bạn còn có thể tạo khung cho chủ thể của mình bằng các đối tượng nơi tiền cảnh, chúng cũng sẽ bị mờ so với chủ thể, như được thể hiện trong ví dụ dưới đây:
Ngược lại, khẩu độ nhỏ dẫn đến một lượng nhỏ mờ phông nền, điều này thường lý tưởng cho một số thể loại nhiếp ảnh như phong cảnh và kiến trúc. Bức ảnh phong cảnh bên dưới đã sử dụng một khẩu độ nhỏ để đảm bảo rằng cả tiền cảnh và hậu cảnh đều sắc nét nhất có thể, cả từ phía trước ra phía sau:
Dưới đây là một so sánh nhanh cho thấy sự khác biệt giữa việc sử dụng khẩu độ lớn so với khẩu độ nhỏ, và tác dụng của nó đối với chủ thể (so với tiền cảnh và hậu cảnh):
Như bạn có thể thấy, bức ảnh bên trái chỉ có phần đầu của con thằn lằn được lấy nét nên xuất hiện sắc nét, cả tiền cảnh và hậu cảnh đều chuyển mờ. Trong khi bức ảnh bên phải có mọi thứ từ phía trước ra phía sau đều sắc nét.
F-Stop và F-Number là gì?
Từ đầu cho đến phần này, chúng ta mới chỉ thảo luận về khẩu độ nói chung, như là lớn và nhỏ. Tuy nhiên, nó cũng có thể được biểu thị dưới dạng một số theo dạng “f-number” hoặc “f-stop”, với chữ “f” xuất hiện trước con số, chẳng hạn f/8.
Rất có thể, bạn đã nhận thấy điều này trên máy ảnh của mình trước đây. Trên màn hình LCD hoặc kính ngắm, khẩu độ của bạn sẽ hiển thị như: f/2, f/3.5, f/8,… Hoặc một số loại máy ảnh bỏ qua dấu gạch chéo và hiển thị f-stop như thế này: f2, f3.5, f8,…
Ví dụ, chiếc máy ảnh Nikon dưới đây được đặt ở khẩu độ f/8:
Vì vậy, f-stop là một cách mô tả kích thước của khẩu độ cho một bức ảnh cụ thể. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, chúng tôi cũng có một bài viết chi tiết hơn nhiều về f-stop để bạn có thể tham khảo.
Khẩu độ lớn vs Khẩu độ nhỏ
Đây là một phần quan trọng và khiến những người mới bắt đầu chụp ảnh cảm thấy bối rối hơn bất cứ điều gì khác. Vì vậy, bạn thực sự cần chú ý và đọc hiểu nó cho thật chuẩn xác: Số nhỏ tượng trưng cho khẩu độ lớn, ngược lại số lớn lại đại diện cho khẩu độ nhỏ (tương tự như cách tính phân số vậy, mẫu số càng nhỏ thì giá trị phân số càng lớn).
Ví dụ, f/2.8 lớn hơn f/4 và lớn hơn nhiều so với f/11. Hầu hết mọi người cảm thấy điều này hơi khó xử lý, vì chúng ta đã quen thuộc với việc các số lớn hơn đại diện cho các giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, đây là một thực tế cơ bản của nhiếp ảnh. Bạn hãy xem minh họa rõ hơn trong biểu đồ bên dưới:
Hay cụ thể hơn, khi nhìn vào mặt trước ống kính máy ảnh của bạn, đây là những gì bạn sẽ thấy:
Nếu các nhiếp ảnh gia đề xuất khẩu độ lớn cho một thể loại nhiếp ảnh cụ thể, họ sẽ yêu cầu bạn sử dụng một cái gì đó như f/1.4, f/2 hoặc f/2.8. Còn nếu họ đề xuất một khẩu độ nhỏ, họ sẽ khuyên bạn nên sử dụng một khẩu độ nào đó như f/8, f/11 hoặc f/16.
Cách chọn Khẩu độ Máy ảnh phù hợp
Chắn hẳn bạn đã làm quen được với f-stop sau một số ví dụ cụ thể vừa rồi, vậy giờ làm sao để bạn biết khẩu độ nào sẽ phù hợp để sử dụng cho bức ảnh của mình? Hãy quay trở lại một chút với độ phơi sáng và độ sâu trường ảnh – hai hiệu ứng quan trọng nhất của khẩu độ.
Đầu tiên, dưới đây là một sơ đồ nhanh thể hiện sự khác biệt về độ sáng ở một loạt các giá trị khẩu độ phổ biến:
Hoặc, nếu bạn đang ở trong môi trường tối hơn, bạn có thể sẽ muốn sử dụng khẩu độ lớn như f/2.8 để chụp được bức ảnh có độ sáng thích hợp hơn (một lần nữa, như khi đồng tử mắt của bạn giãn ra để thu từng chút ánh sáng cuối cùng):
Đối với độ sâu trường ảnh, bạn hãy nhớ lại rằng giá trị khẩu độ lớn như f/2.8 sẽ dẫn đến một lượng lớn mờ phông nền (lý tưởng cho ảnh chân dung lấy nét nông), trong khi các giá trị nhỏ hơn như f/8, f/11 hoặc f/16 sẽ giúp bạn chụp được các chi tiết sắc nét ở cả tiền cảnh và hậu cảnh (lý tưởng cho chụp phong cảnh, kiến trúc và macro).
Đừng lo lắng nếu bức ảnh của bạn quá sáng hoặc quá tối ở cài đặt khẩu độ bạn đã chọn. Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ có thể điều chỉnh tốc độ màn trập của mình để bù đắp lại – hoặc có thể tăng ISO nếu đã đạt đến giới hạn tốc độ màn trập của máy ảnh.
Dưới đây là một bảng tóm tắt nhanh lại mọi thứ:
Kích thước Khẩu độ | Độ phơi sáng | Độ sâu trường ảnh | |
f/1.4 | Rất lớn | Cho nhiều ánh sáng đi vào | Rất mỏng |
f/2.0 | Lớn | Ánh sáng bằng một nửa so với f/1.4 | Mỏng |
f/2.8 | Lớn | Ánh sáng bằng một nửa so với f/2 | Mỏng |
f/4.0 | Vừa phải | Ánh sáng bằng một nửa so với f/2.8 | Mỏng vừa phải |
f/5.6 | Vừa phải | Ánh sáng bằng một nửa so với f/4 | Vừa phải |
f/8.0 | Vừa phải | Ánh sáng bằng một nửa so với f/5.6 | Lớn vừa phải |
f/11.0 | Nhỏ | Ánh sáng bằng một nửa so với f/8 | Lớn |
f/16.0 | Nhỏ | Ánh sáng bằng một nửa so với f/11 | Lớn |
f/22.0 | Rất nhỏ | Ánh sáng bằng một nửa so với f/16 | Rất lớn |
Cài đặt Khẩu độ trên Máy ảnh
Nếu bạn muốn chọn khẩu độ theo cách thủ công trên máy ảnh (đó là điều chúng tôi khuyên bạn rất nên dùng), có hai chế độ hoạt động:
- Chế độ Ưu tiên khẩu độ (Aperture-priority Mode)
- Chế độ Thủ công (Manual Mode)
Chế độ ưu tiên khẩu độ thường được ký hiệu là “A” hoặc “Av” trên hầu hết các máy ảnh, trong khi chế độ thủ công được ký hiệu là “M”. Thông thường, bạn có thể tìm thấy những điều này tại mặt số trên cùng của máy ảnh:
Ở chế độ ưu tiên khẩu độ, bạn được chọn khẩu độ mình mong muốn và máy ảnh sẽ tự động chọn tốc độ màn trập cho bạn. Còn ở chế độ thủ công, bạn chọn cả khẩu độ và tốc độ màn trập theo cách thủ công. (Tham khảo thêm trong bài viết của chúng tôi về các chế độ chụp trên máy ảnh).
Khẩu độ Tối thiểu và Tối đa của ống kính
Mỗi ống kính đều sẽ có giới hạn về độ lớn hay độ nhỏ của khẩu độ. Nếu bạn xem qua các thông số kỹ thuật của ống kính, ở đó sẽ cho biết khẩu độ tối đa và tối thiểu là bao nhiêu. Đối với hầu hết mọi người, khẩu độ tối đa sẽ quan trọng hơn vì nó cho bạn biết ống kính có thể thu thập tối đa bao nhiêu ánh sáng (hoặc nói đơn giản hơn, bạn có thể chụp ảnh trong môi trường tối đến mức nào).
Ống kính có khẩu độ tối đa f/1.4 hoặc f/1.8 được coi là ống kính “nhanh”, vì nó có thể cho nhiều ánh sáng đi qua hơn. Ống kính có khẩu độ tối đa f/4.0 thì coi là “chậm”. Đó là lý do tại sao ống kính khẩu độ lớn thường có mức giá cao hơn.
Ngược lại, khẩu độ tối thiểu không quá quan trọng, vì hầu như tất cả các ống kính hiện đại đều có thể cung cấp ít nhất là f/16 ở mức tối thiểu. Bạn sẽ hiếm khi cần thứ gì đó nhỏ hơn thế cho nhu cầu chụp ảnh thường ngày.
Với một số loại ống kính zoom, khẩu độ tối đa sẽ thay đổi khi bạn phóng to và thu nhỏ. Ví dụ: với ống kính Nikon 18-55mm f/3.5-5.6 AF-P, khẩu độ lớn nhất chuyển dần từ f/3.5 ở đầu góc rộng sang chỉ f/5.6 ở tiêu cự dài hơn. Các ống kính zoom đắt tiền có xu hướng duy trì khẩu độ tối đa không đổi trong suốt phạm vi zoom của chúng, như Nikon 24-70mm f/2.8.
Còn loại ống kính một tiêu cự thì thường có khẩu độ tối đa lớn hơn ống kính zoom, đây cũng là một trong những lợi ích chính khiến cho người ta lựa chọn chúng.
Khẩu độ tối đa của ống kính rất quan trọng nên nó được bao gồm luôn trong tên của chính ống kính. Đôi khi, nó sẽ được viết bằng dấu hai chấm chứ không phải dấu gạch chéo, nhưng điều đó không làm thay đổi ý nghĩa (như Nikon 50mm 1:1.4G).
Ví dụ về sử dụng Khẩu độ Máy ảnh
f/0.95 – f/1.4: khẩu độ tối đa “nhanh” như vậy chỉ có trên các loại ống kính một tiêu cự cao cấp đắt tiền, cho phép thu thập nhiều ánh sáng nhất có thể. Điều này làm cho chúng trở nên lý tưởng cho bất kỳ thể loại nhiếp ảnh thiếu sáng nào, chẳng hạn như chụp bầu trời đêm, tiệc cưới, sự kiện tổ chức trong nhà, chân dung trong phòng thiếu sáng,… Với f-stop rộng như vậy, bạn sẽ có được độ sâu trường ảnh rất nông ở khoảng cách gần, nơi chủ thể sẽ tách biệt khỏi hậu cảnh.
f/1.8 – f/2.0: một số ống kính một tiêu cự được giới hạn ở f/1.8 và cung cấp khả năng thu ánh sáng kém hơn một chút. Tuy nhiên, nếu mục đích của bạn là mang lại hình ảnh đẹp mắt về mặt thẩm mỹ, thì những loại ống kính này có giá trị to lớn. Khi chụp từ f/1.8 đến f/2 thường có đủ độ sâu trường ảnh cho các chủ thể ở khoảng cách gần, trong khi vẫn mang lại hiệu ứng bokeh dễ chịu.
f/2.8 – f/4: hầu hết các ống kính zoom cấp độ chuyên nghiệp được giới hạn ở phạm vi f-stop từ f/2.8 đến f/4. Mặc dù chúng không có khả năng như ống kính f/1.4 về khả năng thu ánh sáng, nhưng chúng thường mang lại các lợi ích ổn định hình ảnh, do đó có thể khiến chúng trở nên linh hoạt ngay cả khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Giảm xuống phạm vi f/2.8 – f/4 thường cung cấp đủ độ sâu trường ảnh cho hầu hết các chủ thể và mang lại độ sắc nét tuyệt vời. Các khẩu độ như vậy rất phù hợp cho nhiếp ảnh du lịch, thể thao, thiên nhiên hoang dã, cũng như nhiều các thể loại nhiếp ảnh khác.
f/5.6 – f/8: đây là phạm vi lý tưởng cho nhiếp ảnh phong cảnh và kiến trúc. Nó cũng có thể là một phạm vi tốt để chụp ảnh các nhóm đông người. Việc giảm ống kính xuống phạm vi f/5.6 thường mang lại độ sắc nét tổng thể tốt nhất cho hầu hết các ống kính, và f/8 có thể được sử dụng nếu cần thêm độ sâu trường ảnh.
f/11 – f/16: thường được sử dụng nhất để chụp ảnh phong cảnh, kiến trúc và chụp ảnh macro trong đó độ sâu trường ảnh là càng nhiều càng tốt. Hãy cẩn thận khi giảm xuống ngoài f/8, vì bạn sẽ bắt đầu mất đi độ sắc nét do ảnh hưởng của nhiễu xạ ống kính.
f/22 và Nhỏ hơn: chỉ chụp ở các f-stop nhỏ như vậy nếu bạn biết mình đang làm gì. Độ sắc nét bị ảnh hưởng rất nhiều ở f/22 và các khẩu độ nhỏ hơn, vì vậy nếu có thể bạn nên tránh sử dụng chúng. Nếu bạn cần có thêm độ sâu trường ảnh, tốt nhất là bạn nên di chuyển ra xa chủ thể của mình hoặc sử dụng kỹ thuật xếp chồng tiêu điểm.
Những ảnh hưởng khác của Khẩu độ đến bức ảnh của bạn
Bạn đã bao giờ tự hỏi khẩu độ còn có những ảnh hưởng nào khác đến bức ảnh của bạn, ngoài độ sáng và độ sâu trường ảnh? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tất cả trong phần này của bài viết.
Trước khi đi sâu vào quá nhiều chi tiết cụ thể, dưới đây là danh sách nhanh về mọi thứ mà khẩu độ ảnh hưởng trong nhiếp ảnh:
- Độ sáng / độ phơi sáng trên bức ảnh
- Độ sâu trường ảnh
- Mất độ sắc nét do nhiễu xạ
- Mất độ sắc nét do chất lượng thấu kính
- Hiệu ứng Starburst trên ánh sáng rực rỡ
- Khả năng hiển thị của các đốm bụi cảm biến máy ảnh
- Chất lượng của điểm nổi bật nền (bokeh)
- Thay đổi tiêu điểm trên một số ống kính
- Khả năng lấy nét trong một số điều kiện ánh sáng yếu
- Kiểm soát lượng ánh sáng từ đèn flash
Chúng tôi đã giới thiệu hai mục ảnh hưởng đầu tiên ở các phần trước đó, nhưng vẫn còn khá nhiều điều cần xem xét. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào tất cả các yếu tố này và cách chúng hoạt động trong thực tế.
Các nhiếp ảnh gia chụp chân dung thích sử dụng khẩu độ rộng như f/1.4 hoặc f/2 để chủ thể của họ tách biệt khỏi tiền cảnh và hậu cảnh. Nó cho phép họ giữ chủ thể trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của người xem, đồng thời làm mờ đi các yếu tố gây mất tập trung khác. Những bức chân dung “mơ mộng” như vậy khá phổ biến trong thể loại nhiếp ảnh chân dung.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bức ảnh đều được mong muốn theo cách này. Ví dụ: các nhiếp ảnh gia phong cảnh và kiến trúc lại thích phía bên kia của dải khẩu độ, đó là sử dụng các khẩu độ nhỏ như f/8 và f/11. Mục tiêu của họ là lấy nét đồng thời cả tiền cảnh và hậu cảnh.
Ảnh hưởng tiêu cực của Nhiễu xạ
Vậy nếu bạn là một nhiếp ảnh gia phong cảnh muốn mọi thứ sắc nét nhất có thể, bạn nên sử dụng khẩu độ nhỏ nhất của ống kính, như f/22 hoặc f/32, phải không?
Không!
Nếu chúng ta quay lại và xem kỹ ảnh chụp con thằn lằn ở phần trước (sử dụng khẩu độ f/4 và f/32), bạn có thể thấy rõ một số vấn đề. Đây là cách hai bức ảnh trông như thế nào khi được phóng to ở chế độ xem 100%:
Ở đây, bạn đang thấy một hiệu ứng được gọi là nhiễu xạ. Sinh viên chuyên ngành Vật lý sẽ biết ngay chúng tôi đang nói về điều gì, nhưng nhiễu xạ là một khái niệm xa lạ với hầu hết mọi người. Vậy rốt cục đó là cái gì?
Sự nhiễu xạ thực ra khá đơn giản. Khi bạn sử dụng một khẩu độ nhỏ như f/32, bạn thực sự ép ánh sáng đi qua ống kính của mình. Kết quả là nó tự can thiệp vào chính nó, ngày càng mờ hơn và dẫn đến những bức ảnh kém sắc nét hơn đáng kể.
Khi nào bạn bắt đầu nhận thấy nhiễu xạ? Nó phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm kích thước của cảm biến máy ảnh và kích thước của bản in cuối cùng. Sự nhiễu xạ tuy không phải là một vấn đề lớn, nhưng nó tồn tại. Đừng ngại chụp ảnh ở f/11 hoặc f/16 chỉ vì bạn đánh mất đi một chút độ sắc nét. Trong nhiều trường hợp, độ sâu trường ảnh được bổ sung là xứng đáng để đánh đổi.
Làm thế nào Quang sai của ống kính làm giảm Độ sắc nét
Đây là một điều thú vị. Vì lý do nào đó, mọi người hầu như đều muốn chụp những bức ảnh trông thật sắc nét! Một trong những cách để làm như vậy là giảm thiểu khả năng hiển thị quang sai của ống kính. Vậy, quang sai ống kính là gì? Rất đơn giản, chúng là những vấn đề về chất lượng hình ảnh của một bức ảnh, do ống kính của bạn gây ra.
Mặc dù hầu hết các vấn đề trong nhiếp ảnh là do lỗi người dùng – những thứ như mất nét, phơi sáng kém, hoặc bố cục không rõ ràng – còn quang sai ống kính hoàn toàn do thiết bị của bạn. Đây là những vấn đề quang học cơ bản mà bạn sẽ nhận thấy với bất kỳ ống kính nào nếu bạn nhìn quá kỹ, mặc dù có một số ống kính tốt hơn. Ví dụ, hãy xem xét hình minh họa dưới đây:
Những gì đang xảy ra ở đây? Trong hình này, hầu hết các ánh sáng trông bị mờ hơn. Trên hết, phần cắt ra không được sắc nét cho lắm. Đó là quang sai ống kính khi làm việc! Trong thế giới thực, ánh sáng không mờ như vậy. Ống kính đã gây ra thêm vấn đề này.
Quang sai có thể xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau. Ví dụ: có khả năng ống kính của bạn mờ hơn ở một số khẩu độ nhất định hoặc ở góc của hình ảnh. Đó cũng là do quang sai của ống kính.
Bài viết này sẽ là quá dài nếu chúng tôi giải thích chi tiết mọi hiện tượng quang sai có thể gây ra: họa tiết, quang sai hình cầu, độ cong trường, biến dạng, viền màu và hơn thế nữa. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là phải biết tại sao quang sai xảy ra và cách cài đặt khẩu độ của bạn để khắc phục lại.
Nó bắt đầu với một thực tế đơn giản: việc thiết kế ống kính rất khó. Khi nhà sản xuất khắc phục một vấn đề, một vấn đề khác thường sẽ xuất hiện. Không có gì ngạc nhiên khi các thiết kế thấu kính hiện đại cực kỳ phức tạp.
Thật không may, ngay cả ống kính ngày nay cũng không hoàn hảo. Chúng có xu hướng hoạt động tốt ở trung tâm của hình ảnh, nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn ở gần các cạnh. Đó là vì ống kính đặc biệt khó thiết kế ở xung quanh các góc.
Và điều đó đưa chúng ta đến khẩu độ.
Nhiều người không nhận ra một sự thật đơn giản về khẩu độ: nó chặn ánh sáng truyền qua các cạnh ống kính theo đúng nghĩa đen. Lưu ý rằng, điều này không dẫn đến các góc đen trong bức ảnh của bạn, vì các vùng trung tâm của ống kính vẫn có thể truyền ánh sáng đến các cạnh của cảm biến máy ảnh.
Khi khẩu độ khép lại, ngày càng nhiều ánh sáng từ các cạnh của ống kính sẽ bị chặn lại, không bao giờ đến được cảm biến máy ảnh. Chỉ có ánh sáng từ khu vực trung tâm mới đi qua và tạo thành bức ảnh của bạn! Khu vực trung tâm dễ thiết kế hơn rất nhiều cho các nhà sản xuất máy ảnh. Kết quả cuối cùng là ảnh của bạn sẽ càng có ít quang sai hơn ở các khẩu độ càng nhỏ.
Điều này trông như thế nào trong thực tế? Hãy xem các bức ảnh bên dưới:
Những gì bạn đang thấy ở trên có thể giống như tăng độ sắc nét, nhưng thực sự đó là giảm quang sai. Kết quả cuối cùng? Ở f/5.6 – ảnh của bạn – được chụp với khẩu độ ít quang sai hơn – sắc nét hơn nhiều so với ở f/1.4.
Tuy nhiên, đây là một câu hỏi quan trọng: làm thế nào để quang sai cân bằng lại với nhiễu xạ, điều này gây hại cho độ sắc nét theo hướng ngược lại?
Trong thực tế, hầu hết các ống kính đều có được độ sắc nét nhất ở khoảng f/4, f/5.6 hoặc f/8. Các khẩu độ đó đủ nhỏ để chặn ánh sáng từ các cạnh của ống kính, nhưng chúng không nhỏ đến mức khiến nhiễu xạ là một vấn đề đáng kể. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra điều này trên thiết bị của riêng mình.
Tất nhiên, bạn vẫn có thể chụp ảnh tốt ở khẩu độ lớn như f/1.4 hoặc f/2. Các nhiếp ảnh gia chân dung đôi khi còn phải trả hàng nghìn đô la để sở hữu được một ống kính đúng với mục đích đó!
Hiệu ứng Starburst và Sunstar
Hiệu ứng ánh sao (starburst) hay còn được gọi là sao mặt trời (sunstar), là những yếu tố tuyệt đẹp mà bạn sẽ nhìn thấy trong một số bức ảnh. Dưới đây là một ví dụ:
Về cơ bản, đối với mỗi lá khẩu trong ống kính của bạn, bạn sẽ nhận lại một tia nắng. Điều này chỉ xảy ra nếu bạn chụp một điểm sáng nhỏ, chẳng hạn như mặt trời khi nó bị chặn đi một phần (khá phổ biến trong nhiếp ảnh phong cảnh). Nếu bạn muốn có hiệu ứng ánh sao tỏa sáng mạnh nhất có thể, hãy sử dụng khẩu độ nhỏ, thường là f/16.
Ngoài ra, hiệu ứng ánh sao trông sẽ khác nhau khi chuyển từ loại ống kính này sang ống kính khác. Tất cả phụ thuộc vào lá khẩu của bạn. Nếu ống kính của bạn có 6 lá khẩu, bạn sẽ nhận được 6 tia nắng. Nếu ống kính của bạn có 8 lá khẩu, bạn sẽ nhận được 8 tia nắng. Và, nếu ống kính của bạn có 9 lá khẩu, bạn sẽ nhận được 18 tia nắng.
Chờ đã, có gì đó hơi sai sai phải không?
Đó không phải là lỗi đánh máy đâu. Đối với các ống kính có số lá khẩu là số lẻ, bạn sẽ nhận được số lượng tia nắng nhiều gấp đôi. Tại sao vậy? Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực ra lý do lại khá đơn giản. Trong các ống kính có số lá khẩu chẵn (và thiết kế hoàn toàn đối xứng), một nửa số lượng tia nắng sẽ chồng lên nửa còn lại. Vì vậy, bạn không thấy tất cả chúng trong bức ảnh của mình.
Dưới đây là sơ đồ thể hiện dễ hiểu hơn:
Hầu hết các ống kính Nikon đều có 7 hoặc 9 lá khẩu, tạo ra 14 hoặc 18 tia nắng tương ứng. Trong khi đó, hầu hết các ống kính Canon có 8 lá khẩu, tạo ra 8 tia nắng.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là số lượng, mà hình dạng của chúng cũng rất quan trọng. Một số lá khẩu được làm tròn (dẫn đến hiệu ứng nhòe hậu cảnh ngoài tiêu điểm dễ chịu hơn) và những lá khẩu khác thì thẳng. Nếu mục tiêu của bạn là chụp các hiệu ứng ánh sao thật đẹp, các lá khẩu thẳng thường tạo ra các tia sáng nhìn rõ ràng hơn.
Một lần nữa, một số ống kính tốt hơn những ống kính khác về mặt này. Để có kết quả tốt nhất, bạn hãy tìm mua một ống kính được biết là có hiệu ứng tỏa sáng dạng ánh sao đẹp mắt, sau đó đặt nó ở khẩu độ nhỏ như f/16.
Cuối cùng, còn nốt một hiệu ứng liên quan mà chúng tôi muốn đề cập ngắn gọn mà thôi. Khi bạn chụp dưới ánh nắng mặt trời, bạn có thể bị lóa sáng trong ảnh của mình, như hình dưới đây. Tùy thuộc vào khẩu độ đã chọn của bạn, kích thước và hình dạng của ống kính này có thể thay đổi một chút. Đây tuy không phải là một vấn đề lớn, nhưng nó vẫn tồn tại.
Khẩu độ nhỏ và các yếu tố không mong muốn
Khi bạn chụp xuyên qua những thứ như hàng rào, cửa sổ bị lấm bẩn, cây cối và thậm chí cả những giọt nước trên ống kính, bạn có thể sẽ thất vọng vì những bức ảnh được chụp với khẩu độ nhỏ.
Các khẩu độ nhỏ như f/11 và f/16 cung cấp độ sâu trường ảnh lớn đến mức bạn có thể vô tình bao gồm cả các yếu tố mà bạn không muốn lấy nét. Ví dụ: nếu bạn đang chụp ở thác nước hoặc đại dương, khẩu độ f/16 có thể làm cho chỉ một giọt nước nhỏ trên ống kính của bạn trở thành một đốm màu xấu xí:
Trong những trường hợp tương tự như vậy, tốt hơn hết bạn nên sử dụng một khẩu độ rộng hơn, chẳng hạn như f/5.6, để cho giọt nước mất nét đến mức nó thậm chí không còn xuất hiện trong bức ảnh của bạn. Còn trong trường hợp cụ thể này, bạn có thể chỉ cần lau sạch giọt nước, nhưng điều đó không thể thực hiện được nếu bạn đang chụp xuyên qua một thứ gì đó, chẳng hạn như cửa sổ bị lấm bẩn.
Một ví dụ khác về chụp xuyên vật là khi một mảnh bụi rơi vào cảm biến máy ảnh của bạn. Thật không may, khi bạn tháo lắp để thay đổi ống kính, điều này rất dễ xảy ra. Các đốm bụi đó sẽ hiển thị rất rõ ràng ở các khẩu độ nhỏ như f/16 hoặc f/22.
May mắn thay, chúng rất dễ dàng để loại bỏ trong các phần mềm hậu kỳ như Photoshop hoặc Lightroom, mặc dù có thể sẽ gây khó chịu nếu bạn phải xóa hàng chục đốm bụi khỏi một bức ảnh. Đó là lý do tại sao bạn nên luôn cố gắng giữ cho cảm biến máy ảnh của mình thật sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu nó không sạch, bạn nên thận trọng khi sử dụng khẩu độ nhỏ.
Bạn hãy ghi nhớ mẹo này: sử dụng khẩu độ trung bình hoặc rộng có thể làm cho các đốm bụi ít bị nhìn thấy hơn.
Những thay đổi đối với Bokeh
Bokeh là gì? Có thể hiểu đơn giản đó là chất lượng của độ mờ nền. Khi chụp chân dung, thường thì bạn sẽ muốn làm mờ hậu cảnh trong hầu hết các bức ảnh của mình. Đương nhiên, bạn chắc hẳn cũng sẽ muốn chúng trông đẹp nhất có thể! Vậy thì các cài đặt khẩu độ khác nhau sẽ thay đổi hình dạng của độ mờ hậu cảnh. Tại sao vậy?
Độ mờ (hay độ nhòe) hậu cảnh của ảnh luôn giống với hình dạng của các lá khẩu. Vì vậy, nếu lá khẩu của bạn có hình trái tim, bạn sẽ làm mờ hậu cảnh hình trái tim. Hầu hết trường hợp, điều đó sẽ được coi là hiệu ứng bokeh gây mất tập trung, mặc dù nó trông khá dễ thương trong bức ảnh chụp hai chú rùa đồ chơi này:
Điều này thú vị là do trên một số ống kính, các lá khẩu thay đổi hình dạng đáng kể khi chúng mở và đóng. Mặc dù không phải tất cả các ống kính đều theo cách này, nhưng cài đặt khẩu độ lớn (chẳng hạn như f/1.8) thường có độ mờ hậu cảnh tròn hơn so với cài đặt khẩu độ nhỏ hơn. Bạn cũng sẽ nhận được nhiều hiệu ứng mờ nền hơn ở khẩu độ lớn, vì độ sâu trường ảnh của bạn mỏng hơn.
Bị giảm khả năng Lấy nét
Hệ thống lấy nét tự động trên máy ảnh của bạn sẽ không hoạt động tốt trừ khi nó nhận được nhiều ánh sáng.
Thông thường, điều này sẽ không thành vấn đề. Ngay cả khi bạn đang sử dụng khẩu độ nhỏ như f/16, máy ảnh của bạn vẫn sẽ sử dụng khẩu độ lớn như f/2.8 để lấy nét. Nó chỉ dừng lại ở f/16 khi bạn thực sự chụp ảnh. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng khả thi.
Ví dụ: nếu khẩu độ tối đa trên ống kính của bạn lại chỉ được khá nhỏ, chẳng hạn như f/5.6 hoặc f/6.3, máy ảnh của bạn sẽ không thể sử dụng khẩu độ lớn để giúp lấy nét. Đây là một lý do tại sao ống kính zoom 70-200mm f/2.8 đắt tiền của Nikon vẫn lấy nét thành công trong điều kiện ánh sáng yếu, trong khi các loại ống kính rẻ tiền hơn (như 70-300mm f/4.5-5.6) bắt đầu dễ bị mất nét hơn trong bóng tối.
Vì vậy, khẩu độ tối đa của ống kính là quan trọng để lấy nét dễ dàng hơn. Cho dù bạn đang chụp ở f/2 hay f/16, máy ảnh của bạn lấy nét ở cùng một khẩu độ cả hai lần (ngoài một số máy ảnh nhất định ở chế độ xem trực tiếp, hoặc nếu bạn có một ống kính cũ với khẩu độ hoàn toàn thủ công).
Hiệu ứng này có thể không quan trọng nếu bạn là một nhiếp ảnh gia phong cảnh, nhưng những người khác có thể thấy nó khá quan trọng. Ít nhất, bạn sẽ thích kính ngắm sáng hơn (khi sử dụng máy ảnh DSLR) đến từ ống kính có khẩu độ tối đa lớn, và sẽ không bao giờ là tồi nếu có thêm một số khả năng lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu.
Độ phơi sáng Flash
Khi bạn sử dụng đèn chớp nhanh hoặc bất kỳ loại đèn nháy nào, điều quan trọng cần nhớ: khẩu độ đảm nhận một vai trò hoàn toàn khác là kiểm soát độ phơi sáng flash. Trong khi vai trò của tốc độ màn trập trở thành việc kiểm soát ánh sáng xung quanh, chức năng của khẩu độ trong chụp ảnh có đèn flash là điều chỉnh hoàn toàn lượng ánh sáng mà máy ảnh có thể ghi lại từ một loạt đèn flash.
Đây là một chủ đề phức tạp không thể nói hết trong một vài dòng. Nhnưg chúng tôi vẫn muốn đưa nó vào đây, vì đèn flash liên quan chặt chẽ với khẩu độ ống kính.
Bảng tổng hợp về mọi thứ mà Khẩu độ gây ảnh hưởng
Việc hiểu tất cả các tác động của khẩu độ có thể mất một khoảng thời gian. Thực hành sẽ là người bạn tốt nhất của bạn. Hãy đi ra ngoài, chụp một vài bức ảnh và tự mình cảm nhận về khẩu độ.
Đây là bảng tổng hợp lại các thông tin chính trong bài viết này:
Khẩu độ Lớn | Khẩu độ Trung bình | Khẩu độ Nhỏ | |
Ví dụ Khẩu độ | f/2 | f/5.6 | f/16 |
Độ sâu trường ảnh | Nông | Trung bình | Lớn |
Độ phơi sáng | Sáng nhất | Trung bình | Tối nhất |
Nhiễu xạ | Không đáng kể | Nhiều hơn, nhưng vẫn khó nhận thấy | Dễ nhận thấy nhất |
Quang sai ống kính | Dễ nhận thấy nhất | Ít nhận thấy hơn | Ít nhận thấy nhất |
Độ nét ảnh | Tốt | Tốt nhất | Tốt |
Hiệu ứng Starburst | Ít nhận thấy nhất | Trung bình | Dễ nhận thấy nhất |
Bụi trên cảm biến | Ít nhận thấy nhất | Trung bình | Dễ nhận thấy nhất |
Biểu đồ về Khẩu độ ống kính cho Người mới bắt đầu
Không nghi ngờ gì nữa, khẩu độ có thể là một chủ đề khó hiểu đối với những người mới bắt đầu chụp ảnh. Như bạn đã thấy trong bài viết này, nó kiểm soát rất nhiều “biến số” trong bức ảnh của bạn, điều này có thể sẽ khiến bạn khó nắm lúc ban đầu. Vì vậy, giờ sẽ là một biểu đồ đơn giản hóa các khái niệm được đề cập tới trong bài viết này. Biểu đồ bao gồm các tác động quan trọng nhất của khẩu độ trong nhiếp ảnh, cũng như các thuật ngữ phổ biến mà các nhiếp ảnh gia sử dụng để mô tả các cài đặt của họ.
Để làm thể hiện được rõ ràng nhất có thể, biểu đồ sẽ không làm tối hoặc làm sáng bất kỳ hình minh họa mẫu nào (cho giống những gì xảy ra trong thế giới thực). Thay vào đó, chỉ có các từ ngữ đơn giản như “sáng nhất” đến “tối nhất” để mô tả các hiệu ứng mà bạn sẽ thấy, nếu chỉ điều chỉnh khẩu độ trong ống kính.
Một vài câu hỏi thường gặp về Khẩu độ máy ảnh
Khẩu độ ảnh hưởng đến Độ sâu trường ảnh như thế nào?Độ sâu trường ảnh đề cập đến khoảng cách giữa các đối tượng gần nhất và xa nhất trong một bức ảnh có vẻ sắc nét ở mức chấp nhận được. Nói chung, khẩu độ lớn dẫn đến một lượng mờ lớn tiền cảnh và hậu cảnh, tạo ra độ sâu trường ảnh nông. Mặt khác, khẩu độ nhỏ dẫn đến một lượng mờ nhỏ tiền cảnh và hậu cảnh, mang lại độ sâu trường ảnh rộng.
Khẩu độ ảnh hưởng đến Tốc độ màn trập như thế nào?Mở khẩu độ ống kính cho phép nhiều ánh sáng truyền vào máy ảnh hơn, cho phép nhiếp ảnh gia chụp được ảnh độ phơi sáng thích hợp ở tốc độ màn trập nhanh hơn. Mặt khác, giảm khẩu độ ống kính sẽ làm giảm lượng ánh sáng đi vào máy ảnh, điều này yêu cầu sử dụng tốc độ màn trập thấp hơn để mang lại bức ảnh có cùng độ sáng.
Khẩu độ ảnh hưởng đến hiệu ứng Bokeh như thế nào?Bokeh đề cập đến chất lượng của các đối tượng nằm ngoài vùng lấy nét (out of focus) của bức ảnh, được hiển thị bởi ống kính máy ảnh. Sử dụng khẩu độ tối đa của ống kính thường sẽ tạo ra các điểm nền sáng hình tròn có kích thước lớn, còn ngược lại thường sẽ dẫn đến các điểm sáng trông nhỏ hơn và có các hình dạng khác nhau như hình tam giác. Những hình dạng này phụ thuộc vào số lượng lá khẩu và độ tròn của chúng.
Khẩu độ Tối đa trong ống kính là gì?Khẩu độ tối đa là cách một ống kính có thể mở rộng tới đâu. Nó thường được biểu thị bằng f-stop, chẳng hạn như f/1.4 và được nêu trên tên của ống kính. Ví dụ: ống kính Nikon 35mm f/1.4G có khẩu độ tối đa là f/1.4, trong khi Nikon 50mm f/1.8G có khẩu độ tối đa là f/1.8. Một số ống kính có khẩu độ tối đa thay đổi tùy thuộc vào độ dài tiêu cự, như Nikon 18-55mm f/3.5-5.6 có khẩu độ tối đa là f/3.5 ở 18mm và f/5.6 ở 55mm.
Khẩu độ nào tốt nhất cho Nhiếp ảnh chân dung?Nếu mục tiêu của bạn là tạo ra một bức ảnh có độ sâu trường ảnh nông, trong đó chủ thể xuất hiện sắc nét còn lại tiền cảnh và hậu cảnh mờ, vậy thì bạn nên sử dụng các khẩu độ rất rộng như f/1.8 hoặc f/2.8.
Khẩu độ nào tốt nhất cho Nhiếp ảnh phong cảnh?Khi chụp ảnh phong cảnh, bạn sẽ thường muốn có độ sâu trường ảnh càng lớn càng tốt để cả tiền cảnh và hậu cảnh trông sắc nét nhất có thể. Trong những trường hợp như vậy, tốt nhất bạn nên đặt ống kính của mình xuống khẩu độ nhỏ như f/8 hoặc f/11.
Sở hữu Khẩu độ cao hơn hay Khẩu độ thấp hơn thì tốt hơn?Nó thực sự phụ thuộc vào những gì bạn đang chụp, và bạn muốn bức ảnh của mình trông như thế nào. Các khẩu độ thấp hơn như f/1.8 cho phép nhiều ánh sáng đi qua ống kính hơn và mang lại độ sâu trường ảnh nông. Trong khi đó, các số khẩu độ cao hơn như f/8 chặn ánh sáng và mang lại độ sâu trường ảnh rộng hơn. Cả hai đều có công dụng riêng trong nhiếp ảnh.
Khẩu độ có ảnh hưởng đến Lấy nét không?Thay đổi khẩu độ ống kính có thể ảnh hưởng đến lấy nét do “trượt nét” (focus shift). Do đó, tốt nhất là cài đặt ống kính xuống khẩu độ mong muốn trước khi lấy nét. Trên máy ảnh DSLR, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng chế độ xem trực tiếp để lấy nét ở khẩu độ mong muốn, giúp giảm tác động tiêu cực của việc “trượt nét”. Điều này là do trên thực tế, máy ảnh DSLR lấy nét ở khẩu độ rộng nhất.
Mọi thứ đều được lấy nét ở Khẩu độ nào?Điều đó thực sự phụ thuộc vào kích thước cảm biến của máy ảnh, độ dài tiêu cự của ống kính và độ gần máy ảnh của bạn với chủ thể. Nói chung, một khẩu độ nhỏ như f/8 sẽ cung cấp cho bạn đủ độ sâu trường ảnh để có thể làm cho hầu hết các bức ảnh của bạn sắc nét. Tuy nhiên nếu chủ thể ở quá gần máy ảnh của bạn, bạn có thể cần phải lùi lại để mọi thứ trông sắc nét.
Khẩu độ ảnh hưởng đến Độ sắc nét như thế nào?Khẩu độ lớn mang lại độ sâu trường ảnh nông hơn, làm mờ mọi thứ ở phía trước và phía sau chủ thể được lấy nét, làm cho các phần còn lại của bức ảnh có vẻ mờ. Khẩu độ lớn cũng cho thấy những điểm yếu của thiết kế quang học trong ống kính, thường dẫn đến quang sai ống kính có thể nhìn thấy được. Mặt khác, khẩu độ nhỏ mang lại độ sâu trường ảnh rộng hơn, giúp cho nhiều bức ảnh hiển thị sắc nét hơn. Khẩu độ nhỏ cũng thường che đi quang sai của ống kính.
Khẩu độ nào là tốt nhất cho Độ sắc nét?Hầu hết các ống kính không được thiết kế để mang lại độ sắc nét tốt ở khẩu độ tối đa, đó là lý do tại sao người ta thường muốn dừng lại ở khẩu độ nhỏ hơn như f/5.6 để có được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, khẩu độ tốt nhất của ống kính, hay “điểm ngọt” của nó thực sự phụ thuộc vào thiết kế quang học của nó.
Tôi nên sử dụng Khẩu độ nào để có nền mờ?Nếu bạn muốn chủ thể của mình tách biệt khỏi cảnh vật và làm cho hậu cảnh mờ đi, bạn nên mở khẩu độ ống kính ở mức tối đa và càng tiến lại gần chủ thể càng tốt. Ví dụ: nếu bạn đang chụp bằng ống kính một tiêu cự 50mm f/1.8, bạn nên chụp ở f/1.8 với chủ thể của mình ở khoảng cách gần.
Nếu bạn sử dụng ống kính zoom, bạn nên phóng to tới tiêu cự dài nhất và sử dụng khẩu độ rộng nhất, trong khi càng gần đối tượng càng tốt. Ví dụ: nếu bạn đang chụp với ống kính 18-55mm f/3.5-5.6, bạn nên zoom đến 55mm, sử dụng khẩu độ tối đa f/5.6 và tiến đến gần chủ thể của bạn.
NHIẾP ẢNH CƠ BẢN- Nhiếp ảnh là gì?
- Tốc độ màn trập là gì?
- Khẩu độ Máy ảnh là gì?
- F-Stop là gì?
- ISO máy ảnh là gì?
- Bố cục trong Nhiếp ảnh
- Đo sáng là gì?
- Chế độ chụp trên Máy ảnh
- Lấy nét là gì?
- Cách sử dụng đèn Flash khi chụp ảnh
- Mẹo chụp ảnh với đèn Flash
- Cách cài đặt Máy ảnh
- Cách chụp sắc nét với Máy ảnh
- Mẹo chụp ảnh đẹp
- Ý tưởng chụp ảnh
- Nên chụp ảnh RAW hay JPG?
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Khẩu độ (Aperture) máy ảnh là gì? Nó có ý nghĩa thế nào trong Nhiếp ảnh“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!
5/5 - (2 bình chọn)Từ khóa » Khép Khẩu
-
Mở Khẩu Hay Khép Khẩu? | @photochaybo
-
Khép Khẩu Càng Nhỏ ảnh Sẽ Càng Nét ?? Không, Bởi Vì Diffraction
-
Những Điểm Cơ Bản Về Máy Ảnh #1: Khẩu độ
-
[Bài Học 3] Tìm Hiểu Về Khẩu Độ
-
Khẩu độ Máy ảnh, ống Kính Là Gì? Có ý Nghĩa Thế Nào Khi Chụp ảnh?
-
Khép Khẩu Nhiều Hay ít Khi Chụp ảnh ? | IZdesigner
-
Khẩu độ Là Gì? Có ý Nghĩa Gì Trong Nhiếp ảnh?
-
Series Hiểu Về Phơi Sáng: Khẩu độ - Blogs Các Sản Phẩm Công ...
-
Khẩu độ Là Gì? Tìm Hiểu Về Khẩu độ Của ống Kính Máy ảnh | Aphoto
-
Hiệu ứng Tia Của ống Kính Và Những điều Chưa Biết - Binh Minh Digital
-
Kiến Thức Nhiếp ảnh Cơ Bản “Khẩu độ - Tốc độ - ISO ” | Anh Đức Digital
-
Tổng Hợp ống Kính Có Tia đẹp Khi Khép Khẩu | Aphoto
-
Khẩu độ Là Gì? - Tự Học Chụp ảnh Cho Người Mới