'Khế ước Xã Hội' - Sách Quan Trọng Nhất Của Trào Lưu Khai Sáng

Tên sách: Khế ước xã hội Tác giả: Jean Jacques Rousseau Dịch giả: Giáo sư Dương Văn Hóa Nhà xuất bản Thế giới

Được xuất bản lần đầu năm 1762, Khế ước xã hội là tác phẩm phác họa trật tự chính trị của Rousseau. Đây là cuốn sách có ảnh hưởng nhiều tới triết học phương Tây, được đánh giá là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ Khai sáng, mở đường cho Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn nhân quyền Pháp năm 1789.

Khế ước Xã hội là một học thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng. Về mặt luật pháp, Khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước, một bản hợp đồng mà trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để chung sống với nhau.

body-5368-1382526532.png

Bìa cuốn Khế ước xã hội vừa được Alphabooks phát hành.

Cuốn sách được chia làm bốn quyển, mỗi quyển gồm nhiều chương nhỏ, là tác phẩm mà Rouseau viết với mong muốn "tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý". Khi đặt bút viết Khế ước xã hội, Rousseau muốn tìm ra những nguyên lý chính đáng để thiết lập nhà nước và chính quyền dân sự. Nhà nước được thiết lập thông qua một khế ước do tất cả người dân đồng thuận, trao quyền lực chính trị cho chính quyền - những người công bộc của dân - để điều hành đất nước theo nguyện vọng và ý chí tập thể. Chính quyền đó có thể bị thu hồi quyền lực bất cứ lúc nào nếu không làm đúng những chức năng được nhân dân giao phó. Cuốn sách do đó được coi là bản họa đồ nhằm xây dựng một thể chế dân chủ - cộng hòa, ngày nay hiểu là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Trong Khế ước xã hội, Rousseau cho rằng trạng thái tự nhiên bị tha hóa, trở thành một tình trạng dã man không còn luật pháp hay đạo đức, nên loài người cần một thể chế để tồn tại. Theo Rousseau, bằng cách sát cánh bên nhau thông qua một khế ước xã hội và từ bỏ các quyền tự nhiên, cá nhân sẽ giải thoát cả hai áp lực về sự cạnh tranh và phụ thuộc vào nhau, và như thế loài người vẫn tồn tại tự do. Bởi khi đã trao quyền lực cho những người đại diện cho nguyện vọng và ý chí chung của quảng đại quần chúng, thì chính điều này đảm bảo cho cá nhân khỏi bị lệ thuộc vào ý chí của các cá nhân khác.

Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) sinh tại Thụy Sỹ, là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc. Rousseau cũng có nhiều đóng góp cho âm nhạc cả trên phương diện lý luận và sáng tác. Ông là người sáng tạo nên cách viết tiểu sử kiểu hiện đại với trọng tâm đặt vào tính chủ thể. Ông còn viết tiểu thuyết và đóng góp quan trọng cho trào lưu lãng mạn trong văn học. Tại Việt Nam, Rousseau đã được biết tới từ đầu thế kỷ XX với tên phiên âm là Lư Thoa. Tuy nhiên rất ít sĩ phu Việt Nam thời đó biết tới Khế ước xã hội. Cuốn Khế ước xã hội do giáo sư Dương Văn Hóa dịch giới thiệu tới độc giả Việt Nam bản tiếng Việt đầy đủ của cuốn sách - một trong những tư tưởng gốc của nền chính trị dân chủ. 

Hiền Đỗ

  • Lê Hồng Sâm tọa đàm về sách của Rousseau
  • Sách kinh điển về giáo dục của Rousseau ra mắt tại VN

Từ khóa » Thuyết Khế ước Xã Hội Của Rút Xô