Khế ước Xã Hội
Có thể bạn quan tâm
J. J. Rousseau Khế ước Xã hội
QUYỂN THỨ NHẤT
Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có chăng một số qui tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người; và có chăng những luật pháp đúng với ý nghĩa chân thực của nó. Trong bài nghiên cứu này tôi gắn liền cái mà luật pháp cho phép với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau.
Tôi đi ngay vào đề mà không chứng minh tầm quan trọng của đề tài. Người ta sẽ hỏi tôi có phải là vị nguyên thủ hay nhà lập pháp không mà viết về chính trị thế này? Tôi trả lời: Không; và chính vì thế mà tôi viết về chính trị. Ví phỏng tôi là nguyên thủ hay nhà lập pháp thì tôi chẳng mất công nói lên cái mà tôi phải làm, tôi cứ việc làm hoặc là cứ lặng thinh mà thôi.
Sinh ra là công dân của một nhà nước tự do, thành viên của một cộng đồng có chủ quyền, dù cho tiếng nói của tôi chỉ ảnh hưởng yếu ớt tới công việc chung, tôi cũng có quyền được chọn lựa đối với công việc chung, vì vậy tôi tự đặt cho mình nghĩa vụ phải tìm tòi, học hỏi vấn đề này. Sung sướng biết bao mỗi lần tôi suy tư về các nền cai trị quốc gia, vài tìm thấy những lý do mới để yêu sự cai trị ở xứ sở mình. (2)
1. CHỦ ĐỀ CỦA QUYỂN THỨ NHẤT
Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích (ND) [1*] - Có kẻ tưởng mình là ông chủ, mà thật ra còn nô lệ hơn cả tôi tớ của họ. Sự chuyển hoá đó được thực hiện như thế nào ? Tôi không biết. Cái gì đã làm cho sự chuyển hoá đó trở thành chính thức? Tôi tin rằng câu hỏi này có thể giải đáp được. Nếu tôi chỉ xem xét về lực và hệ quả của lực thì tôi sẽ nói rằng: Khi nhân dân bị cưỡng bức mà lại biết phục tùng, họ làm thế là phải; nhưng nếu có thể hất cái ách áp bức đó thì còn hay hơn nữa; vì thế là họ giành lại tự do mà họ vốn có quyền được hưởng, có quyền giành lại và không ai được tước đoạt tự do của họ.
Trật tự xã hội là một thứ quyền thiêng liêng làm nền tảng cho mọi thứ quyền khác. Nhưng trật tự xã hội không phải tự nhiên mà có, nó được xác lập trên cơ sở những công ước. Vậy phải tìm hiểu công ước đó là gì? Trước khi tìm đến chỗ hiểu tôi phải xác định cái mà tôi vừa mới nêu ra.
2. CÁC XÃ HỘI ĐẦU TIÊN
Trong tất cả các thứ xã hội chỉ có xã hội của gia đình là lâu đời nhất và hợp với tự nhiên nhất (ND) . Trong một gia đình chừng nào con cái còn cần có cha mẹ để sống, thì chúng phải cột chặt với cha mẹ. Khi chúng đã trưởng thành, sự cần thiết ấy không còn nữa thì mối liên hệ kia cũng khác đi. Lúc đó con không nhất thiết phải nghe theo cha, cha không nhất thiết phải chăm sóc. Cha và con đều hoàn toàn độc lập. Nếu cha con còn ở chung với nhau, đó không phải là tự nhiên mà là tự nguyện; và chính bản thân gia đình cũng chỉ tồn tại bằng qui ước.
Tự do là từ bản chất con người mà có. Luật đầu tiên của tự do là mỗi người phải được chăm lo sự tồn tại của mình. Những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân. Ở tuổi lí trí, con người phải tự mình định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình, và do đó tự mình làm chủ lấy mình.
Như vậy, ta có thể coi gia đình là mô hình đầu tiên của các thứ xã hội chính trị; cha là hình ảnh của người thủ lĩnh, con cái là hình ảnh của dân chúng. Thủ lĩnh cũng như dân chúng đều sinh ra bình đẳng, tự do, và họ chỉ từ bỏ quyền tự do của họ khi phải lo toan lợi ích của bản thân họ mà thôi. Tất cả sự khác biệt giữa gia đình và xã hội là ở chỗ: trong gia đình tình thương của cha đối với con tương ứng với sự chăm sóc; còn trong xã hội: người thủ lĩnh không có tình thương như vậy đối với dân chúng; thay vào đó là cái sở thích được điều khiển mọi người.
Grotius (3) cho rằng quyền lực con người đặt ra không phải là vì lợi ích của những kẻ bị trị. Ông lấy chế độ nô lệ làm ví dụ. Cách lý giải nhất quán của ông là đặt quyền hành trên cơ sở của thực tế [2*].Đó chính là cách làm của Grotius. Người ta có thể dựng những biện pháp nhất quán, mà không có lợi cho bọn bạo chúa. Grotius đặt vấn đề loài người phụ thuộc vào khoảng một trăm nhà cai trị, hay một trăm nhà cai trị ấy phụ thuộc vào loài người? Trong toàn bộ cuốn sách của mình Grotius ngả theo thuyết thứ nhất (loài người phụ thuộc vào các nhà cai tri). Đó cũng là quan điểm của Hobbes (4), loài người được coi như những đàn súc vật, mỗi đàn có người chăn. Anh ta chăm sóc chúng để rồi sẽ ăn thịt chúng.
Như người chăn cừu có bản chất cao quí hơn đàn cừu, các nhà cai trị chăn dân cũng phải có bản chất cao quí hơn dân chúng. Vua Caligula (5) cùng với Philon (6) đã lý giải như trên, Họ coi vua như Trời và dân chúng như súc vật.
Cách lập luận của Caligula được truyền tới Hobbes và Grotius. Trước họ rất lâu, Aristote (7) cũng đã nói rằng con người vốn không bình đẳng, có kẻ sinh ra làm nô lệ, có kẻ sinh ra để trị vì. Aristote nói có lý, nhưng ông đã lấy kết quả làm nguyên nhân. Bất cứ ai sinh ra trong hàng nô lệ thì đều là nô lệ; nói thế chẳng sai tí nào. Trong xiềng xích, người nô lệ mất hết mọi thứ, mất cả nguyện vọng thoát khỏi xích xiềng. Họ thích tận tụy phục vụ như những người tùy tùng Ulysse (8) yên phận với sự ngu dân của mình [3*].
Sở dĩ có người nô lệ bẩm sinh là vì trước đó đã có những người nô lệ không bẩm sinh (ND). Họ bị cưỡng bức làm nô lệ, rồi do tính hèn nhát mà họ thành ra nô lệ mãi.
Tôi chưa nói gì về vua Adam (9) hoặc hoàng đế Noé (10), thân sinh của ba vị lãnh chúa chia nhau trị vì vũ trụ như các con của thần Saturne (11) mà ngày nay người ta cứ tin rằng mình là hiện thân của các vị ấy.
Tôi có thể suy diễn ra rằng tôi là cháu chắt của các ông vua nói trên và có thể cháu chắt ngành trưởng nữa kia, nhưng tại sao bây giờ tôi lại chẳng phải là vua của loài người? Dầu sao, ta không thể chồi cãi rằng Adam chỉ cai quản một thế giới giống như anh chàng Robinson (12) cai quản hòn đảo hoang vu của y. Adam được cái thuận lợi là trong vương quốc của ông không sợ gì giặc cướp, chiến tranh và âm mưu thoán đoạt.
3. QUYỀN CỦA KẺ MẠNH
Kẻ mạnh không phải lúc nào cũng đủ mạnh đề mãi mãi làm người thống trị, nếu như hắn ta không chuyển lực thành quyền và chuyển sự phục tùng thành nghiã vụ (ND). Do đó mà có cái quyền của kẻ mạnh, một thứ quyền lực trớ trêu được thiết lập thật sự trên nguyên tắc. Nhưng có ai đã giảng giải cho ta về hai chữ "quyền lực" ?.
Lực là một sức mạnh vật lý. Tôi chẳng thấy chút đạo đức nào ở trong lực. Chịu theo lực là một cử chỉ bắt buộc chứ phải đâu là tự nguyện. Nói đúng hơn, đó là một cử chỉ khôn ngoan, chẳng có ý gì là nghĩa vụ cả.
Hãy nói về chữ "quyền" . Tôi cho rằng quyền chỉ là hệ quả của một thứ khái niệm hồ đồ mà thôi. Nói lực tạo ra quyền là không đúng. Khi lực thứ hai mạnh hơn lực thứ nhất, tự nó sẽ vượt lên ngôi mà nắm lấy quyền. Một khi cưỡng lại sức mạnh mà không bị trừng phạt thì người ta cứ việc cưỡng. Và vì rằng kẻ mạnh luôn luôn có lý thì người ta chỉ cố sức làm cho mình thành kẻ mạnh là đủ rồi. Vả lại quyền sẽ mất khi lực không còn nữa: quyền đó là cái gì? Nếu đã phải phục tùng theo lực, thì người ta cần gì phải phục tùng theo quyền và một khi không bi lực ép nữa thì người ta không cần phải phục tùng nữa.
Như vậy ta thấy rõ chữ quyền không thêm gì cho chữ lực cả. Chữ "quyền" không có nghĩa lý gì hết! Hãy tuân theo sức mạnh. Lời khuyên này là tốt, nhưng thừa, nếu nó có nghĩa là hãy chịu theo lực. Vì đã là lực thì không chịu theo cũng không được.
Tôi nhận thấy rằng tất cả sức mạnh đều do Trời, nhưng tất cả bệnh tật cũng từ Trời mà ra, thế mà có ai cấm ta mời thầy thuốc chữa bệnh đâu! Ví phỏng tôi bị tên cướp tóm cổ trong một góc rừng, tôi đành phải nộp của cho hắn. Nhưng nếu tôi đủ sức trừ khử hắn thì việc gì tôi phải tự nguyện nộp của? Chỉ tại khẩu súng trong tay thằng cướp cũng là một lực.
Vậy ta có thể kết luận rằng : lực không làm nên quyền, và người ta chỉ bắt buộc phải phục tùng khi mà sức mạnh đã thành hợp pháp. Thế là vấn đề đầu tiên của tôi vẫn luôn luôn được đặt trở lại.
4. NÔ LỆ
Không ai tự nhiên có quyền uy đối với đồng loại, thế mà lực thì chúng sinh ra quyền: vậy chỉ có những công ước (convention) là có thể làm cơ sở cho mọi quyền uy chính đáng giữa người với người mà thôi.(ND)
Grotius nói: Đã có người tử bỏ quyền tự do để làm nô lệ cho một ông chủ, thì cả một dân tộc sao lại không thể từ bỏ quyền tự do để làm thần dân của một ông vua ?
Trong câu nói này có khá nhiều chữ hồ đồ cần phải giải thích rõ. Nhưng ta hãy xoáy vào hai chữ "Từ bỏ". Từ bỏ có thể là cho, hoặc bán . Một con người chịu làm nô lệ chẳng tự đem mình mà cho không: anh ta bán mình để được sinh tồn. Còn một dân tộc thì việc gì mà phải tự bán mình. Dù là ông vua có cung cấp cho thần dân điều kiện sinh tồn, thì chính ngay nhà vua cũng được sinh tồn nhờ có thần dân. Rabelais (13) đã phân tích : nuôi sống một ông vua nào có ít ỏi gì ? Chẳng lẽ các thần dân hiến mình cho vua mà còn để vua lấy nốt cả tài sản của mình ư ? Thế thì về phần họ còn lại được cái gì nữa!
Người ta sẽ nói rằng dân được vua bảo đảm sự yên tĩnh. Ừ, cứ cho là như thế đi; nhưng dân chúng được gì nếu vua gây ra chiến tranh để thoả lòng tham, nếu ông ta thích vơ vét, nếu thói phiền hà trong nội các gây ra tranh chấp, phân liệt? ,và dân chúng sẽ được gì nếu ngay cả sự yên tĩnh cũng chỉ là yên tĩnh trong nghèo khổ? Nằm trong ngục tối người ta vẫn thấy yên tĩnh. Cái yên tĩnh ấy có ai thích thú? Dân Hi Lạp bị giam trong hang của thần Cyclope (14) cũng sống yên tĩnh để chờ ngày bị thần ăn thịt .
Nói rằng một người tự đem mình mà cho không, đó là chuyện hồ đồ không thể chấp nhận được. Cử chỉ ấy là không hợp lý và vô nghĩa. Kẻ nào làm thế là kẻ mất trí . Nói rằng có một dân tộc tự hiến thân vô điều kiện tức là giả đinh rằng dân tộc ấy điên rồ. Cái điên rồ không tạo nên quyền gì cả.
Nếu một người có thể tự từ bỏ mình, thì anh ta cũng không thể từ bỏ con cái. Chúng sinh ra vốn là người, và là người tự do. Tự do thuộc về chúng, không ai có quyền hưởng tự do hơn chúng. Trước khi chúng trưởng thành, người cha có thể nhân đanh chúng mà bố trí điều kiện sinh tồn, mưu hạnh phúc cho chúng, chứ không thể đem con mà cho không, cho hẳn đi. Cho như thế là trái ngược với tự nhiên và vượt quá quyền của người cha. Vậy muốn một chính phủ độc tài trở thành chính đáng, thì mỗi thế hệ dân chúng phải có quyền chấp nhận hoặc chối bỏ chính phủ. Nhưng như thế thì chính phủ ấy không còn là độc tài nữa.
Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người. Không thể không có tí đền bù tất yếu nào cho người đang từ bỏ tất cả. Bản chất con người không thể dung hòa với sự từ bỏ vô điều kiện như thế. Làm cho ý chí con người mất hết tự do tức là tước bỏ đạo lý trong hành động của con người. Cuối cùng, thật là mâu thuẫn và vô nghĩa nếu ta ghi vào công ước một bên là quyền hành tuyệt đối và bên kia là sự phục tùng vô hạn độ. Anh không có trách nhiệm gì đối với người mà anh có quyền đòi hỏi tất cả ư? Cái điều kiện đơn phương ấy, không có gì bù lại, không có vật ngang giá, sẽ làm cho điều khoản ký kết mất hết ý nghĩa. Người nô lệ của tôi có quyền gì chống lại tôi không? Tất cả mọi thứ của hắn đều thuộc về tôi cả, thì quyền của hắn cũng là quyền của chính tôi. Quyền của tôi để chống lại tôi? Thật là điều vô nghĩa!
Grotius (3) và một số người khác cho rằng nguồn gốc của quyền nô lệ từ chiến tranh mà ra. Kẻ thắng trận có quyền giết kẻ thua trận. Kẻ thua trận có thể đổi tự do của mình để chuộc lấy mạng sống. Thế là công ước chiếu cố lợi ích của cả hai bên, trở thành chính đáng.
Nhưng cái quyền được giết kẻ bại trận chỉ là mạo nhận mà thôi. Tình trạng chiến tranh không có cách gì để dẫn tới cái quyền ấy. Con người sống trong tình trạng độc lập nguyên thủy không hề có mối quan hệ thường xuyên để xác đinh trạng thái hòa bình hoặc chiến tranh; họ không là kẻ thù của thau. Làm nên chiến tranh là do quan hệ giữa sự vật với sự vật chứ không phải do quan hệ giữa người với người. Tình trạng chiến tranh chỉ tạo ra những quan hệ thực tế chung, chứ không tạo ra quan hệ cá nhân đơn thuần. Không thể có chiến tranh cá nhân trong trạng thái tự nhiên chưa ai có sở hữu thường xuyên, cũng như không thể có chiến tranh cá nhân trong trạng thái xã hội mà mọi người đều sống dưới quyền uy của luật pháp.
Những cuộc ẩu đả, đấu gươm, va chạm chỉ là những hành vi cá nhân chứ không phải một trạng thái xã hội. Ở nước Pháp dưới thời vua Louis IX cho phép tiến hành các cuộc chiến tranh tư nhân, sau cũng bãi bỏ. Đó chỉ là sự lạm dụng của chính phủ phong kiến, một thể chế hàm hồ, trái với nguyên tắc qui luật tự nhiên và trái với mọi thể chế chính phủ (politie) [4*] lành mạnh.
Chiến tranh không phải là quan hệ một người với một người, mà là quan hệ giữa quốc gia với quốc gia (ND).Trong chiến tranh, những con người cá biệt trở thành kẻ thù của nhau không phải với tư cách con người hay tư cách công dân [5*]mà là với tư cách người lính bảo vệ tổ quốc.
Chàng Caton con tham gia lữ đoàn của Popilius: khi lữ đoàn này cải tổ, ông Caton cha liền viết thư cho Popilius nói rõ: Nếu muốn tiếp tục dùng con trai ông dưới trướng thì phải cho anh ta tuyên thệ lại, vì lời tuyên thệ trước kia đã hết giá trị sau khi cải tổ lữ đoàn; nếu không tuyên thệ thì anh ta không đủ tư cách cầm vũ khí chống quân thù. Ông cũng viết thư cho con, dặn rằng không được ra trận nếu chưa tuyên thệ lại. Tôi biết rằng người ta sẽ bài bác ý kiến này bằng cách kể lại trận bao vây Clusium và một số chuyện lẻ tẻ khác; nhưng ở đây tôi chỉ nói về luật và tập quán chiến tranh. Người La Mã rất ít khi làm trái luật lệ của mình, và họ là dân tộc duy nhất có nhiều luật lệ này.
Một nước thù địch với một nước chứ không thể thù nghịch với những con người, vì giữa các vật thể khác loại, khác chất không thể xác định một mối quan hệ thật sự nào cả.
Nguyên tắc nói trên cũng phù hợp với châm ngôn của các thời đại và thực tiễn của mọi dân tộc đã khai hóa. Những lời tuyên chiến là tuyên với nhà nước chứ không phải với thần dân. Một người nước ngoài, là vua hay là dân, mà lấy cắp hoặc bắt giữ hoặc giết những công dân của một nước, nhưng không tuyên chiến với chính phủ nước đó, thì chỉ là một tên cướp, chứ chưa phải là kẻ thù của cả quốc gia. Khi xảy ra chiến tranh, ông vua tiến quân vào nước địch có thể chiếm đoạt mọi thứ thuộc về của chung cả nước; nhưng ông ta phải tôn trọng của cải tư nhân, là vì ông ta tôn trọng các quyền đối với chính của cải bản thân ông ta: Chiến tranh kết thúc tức là nước địch bị diệt; người ta có quyền giết những người đang cầm vũ khí kháng cự lại; một khi họ đã hạ vũ khí và đầu hàng thì họ không còn là kẻ thù hoặc công cụ của kẻ thù nữa, họ trở thành những người bình thường, và người ta không có quyền tiêu diệt sinh mạng họ. Nhiều khi người ta tiêu diệt một nước mà không giết một thành viên nào của nước đó. Chiến tranh không đặt ra những thứ quyền không cần thiết cho sự kết thúc chiến tranh.
Nguyên tắc chiến tranh không phải do Grotius, cũng không phải do các nhà thơ uy danh đặt ra, mà được rút từ bản chất của sự vật và được xác định qua lý tính.
Nói về quyền chinh phục thì cơ sở của nó cũng không ngoài cái luật của kẻ mạnh. Nếu chiến tranh không cho phép người chiến thắng có quyền được giết hàng loạt dân bại trận, thì cái quyền mà họ không có đó làm sao dẫn tới cái quyền bắt người ta làm nô lệ cho mình được? Người ta chỉ có quyền giết kẻ thù khi không thể bắt họ làm nô lệ. Cái quyền bắt họ làm nô lệ không xuất phát từ quyền được giết. Đã không có quyền đối với sinh mạng người ta mà bắt người ta đổi tự do để chuộc sinh mạng thì thật là một cuộc đổi chác bất công. Đặt quyền nô lệ trên cơ sở quyền sinh tử, hay đặt quyền sinh tử trên cơ sở quyền nô lệ thật là rơi vào cái vòng luẩn quẩn.
Giả thiết kẻ chiến thắng không có cái quyền ghê tởm là giết tất cả người chiến bại; vậy thì dân tộc chiến bại, người bị bắt lắm nô lệ còn có phận sự gì với kẻ chiến thắng? Họ chỉ tuân theo khi bị cưỡng bức. Kẻ chiến thắng không ra ơn mà chỉ nắm lấy một vật ngang giá với sinh mạng của người chiến bạl; giết chết nó mà không thu lại kết quả gì thì hãy "giết" một cách có ích còn hơn. Không thu lại một quyền uy gì gắn với sức mạnh, tình trạng chiến tranh giữa kẻ thắng vớl kẻ bại vẫn giữ nguyên, với những môi quan hệ cũ. Việc sử dụng quyền chiến tranh không qui đinh được mộc bản hòa ước nào cả. Kẻ chiến thắng với người chiến bại chỉ làm với nhau một công ước (convention), mà công ước đó không huỷ bỏ chiến tranh, nó vẫn ước định sẽ tiếp tục chiến tranh.
Như vậy, xem xét theo một hướng nào đó, thì quyền nô lệ là con số không, chẳng những nó không chính đáng, mà còn là mơ hồ, vô nghĩa lý. Chữ nô lệ và chữ quyền là hai chữ mâu thuẫn nhau, bài trừ lẫn nhau. Nói quyền nô lệ của một người đối với một người hay của một người đối với một dân tộc đều là nói điều vớ vẩn: Tao ký với mày một công ước mà mọi cái thiệt thì mày chịu, mọi cái lợi thì tao hưởng, chừng nào tao còn thích thú thì cả tao và mày cùng tôn trọng công ước này nhé ! (ND).
5. CẦN LUÔN LUÔN TRỞ LẠI VỚI CÔNG ƯỚC (CONVENTION) ĐẦU TIÊN
Khi tôi sẽ chấp nhận những điều mà từ trước đến nay tôi đã phản bác, thì bọn bạo chúa cũng chẳng có lợi gì hơn. Bao giờ cũng có sự khác biệt lớn giữa việc thống trị nhiều người với việc quản lý một xã hội. Bao nhiêu người hầu hạ một người, đó chỉ là nô lệ với chủ nô, chứ không phải một dân tộc với thủ lĩnh. Đó chỉ là một thứ ô hợp chứ không phải một tổ hợp xã hội, bởi vì trong đó không có phúc lợi chung mà cũng không có cơ thể chính trị. Con người cưỡi cổ đó, dù là thống trị một nửa thế giới cũng vẫn là một cá nhân; quyền lợi của hắn tách rời với mọi người, luôn luôn chỉ là quyền lợi riêng tư mà thôi. Một khi hắn chết, vương quốc của hắn cũng tan rã, khác nào cây sồi bị thiêu cháy đổ mục thành đống tro tàn.
Grotius nói một dân tộc có thể hiến thân cho vua. Cứ như ông nói thì dân tộc ấy phải tồn tại trước khi hiến thân. Ngay sự hiến thân ấy cũng là một điều khoản dân sự, tất nhiên phải bàn định rồi mới làm được. Trước khi người ta bàn định chọn một ông vua, người ta phải xem xét điều khoản xác định mình là một dân tộc. Điều khoản đầu tiên ấy chính là nền tảng của xã hội.
Nếu không có một công ước từ trước thì làm sao có được sự phục tùng của số ít theo ý muốn của số đông; làm sao mà một trăm người ưng thuận ông vua này lại có quyền nói thay cho mười người khác không ưng vua ấy. Luật số đông trong các cuộc bầu cử tự nó là thiết chế của công ước, làm tiền đề cho sự nhất trí.
6. CÔNG ƯỚC (PACTE) XÃ HỘI
Tôi giả định rằng có một lúc nào đó các trở lực gây hại cho sự sinh tồn của con người có thể lấn át sự kháng cự của từng cá nhân, lúc đó tình trạng nguyên thủy sẽ không còn nữa, loài người sẽ bị tiêu diệt nếu họ không thay đổi cách sống.
Nhưng con người không thể tạo ra lực mới, mà chỉ có thể kết hợp và điều khiển những lực sẵn có; cho nên phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, khiến cho mọi người đều hành động một cách hài hòa.
Cái tổng lực đó là của nhiều người góp lại. Nhưng sức mạnh và tự do của mỗi người là công cụ đầu tiên để cho họ sinh tồn; nếu họ đem nó góp vào của chung thì bản thân họ có bị hủy bỏ không? Họ có lơ là mất sự quan tâm đến bản thân mình không? Qui vào chủ đề của tôi thì điều rắc rối này có thể giải thích như sau: "Tìm ra một hình thức kết liên với nhau đẽ dùng sức mạnh chung mà bảo vệ mọi thành viên. Mỗi thành viên trong khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo chính bản thân mình ". Đó là vấn đề cơ bản mà khế ước (contrat) đưa ra cách giải quyết (ND). Các điều khoản trong khế ước là do bản chất của nó qui định nên chỉ cần vi phạm bản chất chút đỉnh thì nó sẽ trở thành vô hiệu. Có thể là Công ước không hề được công bố một cách hợp thức, nhưng đâu đâu nó cũng được mặc nhiên chấp nhận cho đến mức, ví phỏng Công ước xã hội (Pacte social) có bị vi phạm chăng nữa, thì mỗi thành viên sẽ sử dụng quyền nguyên thủy của mình; bởi vì một khi công ước không bảo đảm quyền tự do dân sự thì người ta từ bỏ công ước để giữ lại quyền tự do thiên nhiên vốn có.
Các điều khoản của công ước sẽ qui vào một điểm duy nhất là: mỗi thành viên từ bỏ quyền riêng của mình để góp hết vào quyền chung, ai ai cũng như vậy cả, không ngoại trừ một người nào; cho nên sẽ không ai muốn cho người khác phải thiệt thòi khi tham gia công ước xã hội.
Hơn nữa, khi mỗi người đã từ bỏ quyền riêng không ngần ngại, thì sự liên kết sẽ thật là hoàn hảo, không một thành viên nào phải kêu ca gì. Nếu còn giữ chút ít quyền riêng mà lại không có cái gì chung cao hơn, để nói lên quyền lợi công cộng, thì rồi mỗi người sẽ tự phán xét lấy mình và muốn phán xét cả mọi người khác, thế là sự liên kết sẽ thành vô hiệu, hoặc tất nhiên đôi chỗ võ đoán.
Rốt cuộc, mỗi người tự hiến dâng cho mọi người chứ không cho riêng ai, thì sẽ không một thành viên nào giành được đặc quyền; mọi người thu về một giá trị tương đương với cái mình đã cống hiến; và họ có thêm lực để bảo toàn cái mà họ có.
Vậy thực chất của công ước xã hội là: Mỗi người chúng ta đặt mình và quyền lực mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung, và chúng ta tiếp nhận mọi thành viên như một bộ phận không thể tách rời của toàn thể.
Hành vi liên kết sẽ tạo nên một cơ thể tinh thần chung, gồm bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu tiếng nói trong một hội đồng; mỗi thành viên nhận được sự nhất trí của mình trong hành vi liên kết đó, họ tìm thấy cái tôi tập thể tìm thấy cuộc sống và ý chí của mình trong tập thể. Con người công cộng được hình thành bằng sự liên kết với tất cả mọi người khác. Ngày xưa con người công cộng ấy được gọi là thành bang [6*] ngày nay chúng ta gọi nó là "nước cộng hòa" hoặc "cơ thể chính trị " . Mỗi thành viên ở thế thụ động thì gọi con người công cộng đó là "Nhà nước", ở thế chủ động thì gọi nó là "quyền lực tối cao". Khi đối sánh với đồng loại thì con người công cộng đó được gọi là "quyền lực". Về phần các thành viên, họ lấy một tên chung là "dân chúng"; mỗi người riêng lẻ thì gọi là "công dân" trong khi họ tham gia vào quyền lực tối cao; hoặc gọi là "thần dân" trong khi họ phục tùng luật pháp Nhà nước.
Các từ ngữ về cách gọi như trên thường lẫn lộn với nhau, ta chỉ cần phân biệt khi phải nói thật chính xác.
7 . QUYỀN LỰC TỐI CAO
Theo công thức nói trên, ta thấy hành động liên kết bao hàm một sự ước thúc giữa công chúng với cá nhân; và mỗi cá nhân trong khối liên kết tự thấy mình phải ước thúc trong hai mối quan hệ: anh vừa là thành viên của quyền lực tối cao liên hệ với các cá nhân khác, đồng thời anh là thành viên của quốc gia liên hệ với quyền lực tối cao. Nhưng trong dân luật có câu châm ngôn: Chẳng ai bị ràng buộc khi tự mình ước thúc mình, cho nên cần phân biệt giữa sự ước thúc đối với chính mình và sự ước thúc đối với tập thể.
Lại cần nhận xét thêm rằng cuộc thảo luận công cộng có thể ràng buộc tất cả mọi thành viên vào quyền lực tối cao do hai mối quan hệ khác nhau để ước thúc họ; nhưng theo một lý do trái lại, cuộc thảo luận công cộng không thể buộc quyền lực tối cao phải ước thúc với chính bản thân nó, cho nên, nếu quyền lực tối cao tự áp đặt cho mình một luật không thể vi phạm thì thật là trái với bản chất của cơ thể chính trị. Tự đặt mình trong mối liên hệ đơn phương như vậy thì quyền lực tối cao chẳng khác gì một thành viên khoán ước tự đối đãi với mình, thế thì không có và không thể có cái gì là luật cơ bản để ước thúc tập đoàn dân chúng, mà cũng không thể có công ước xã hội. Điều nói trên không có nghĩa là cơ thể này không thể liên hệ với một cơ thể khác, không có gì trái với công ước; vì đối với cơ thể khác thì cơ thể này cũng chỉ như một cá nhân đơn thuần mà thôi.
Nhưng cơ thể chính trị hay quyền lực tối cao chỉ tồn tại nhờ tính thiêng liêng của khế ước, cũng chẳng bao giờ có thể tự ràng buộc mình không vi phạm điều khoản nguyên thuỷ; như thế khác nào từ bỏ một bộ phận của cơ thể mình, hoặc tự đặt mình dưới quyền lực tối cao khác. Vi phạm điều khoản tạo sinh ra mình tức là tự xóa bỏ mình. Đã bị xóa bỏ rồi thì còn sản sinh ra được cái gì nữa!
Khi nhiều người đã liên kết thành một cơ thể, nếu ai xúc phạm một thành viên tức là xúc phạm vào cơ thể, cơ thể bị xúc phạm thì các thành viên tất nhiên phải cảm biết. Như vậy nghĩa vụ và quyền lợi buộc cả hai bên giao ước phải giúp đỡ lẫn nhau; mỗi người phải tìm cách liên kết ưu thế của mình lại theo mối quan hệ hai chiều. Tuy nhiên, quyền lực tối cao được thiết lập từ những cá thể thành viên hợp lại tạo ra nó, cho nên nó không có và không thể có lợi ích nào trái ngược với các thành viên (ND). Do đó quyền lực tối cao không cần phải bảo đảm gì đối vớI các thần dân; bởi lẽ một cơ thể không bao giờ lại muốn làm hại tất cả thành viên của nó, cũng như làm hại đến một thành viên riêng lẻ. Quyền lực tối cao chỉ nhờ có tính chất như trên, mới tồn tại được, nền luôn luôn tự nó là tất cả những gì tạo ra nó (ND) .
Những thần dân đối với quyền lực tối cao thì không như thế. Không có gì đáp ứng sự ràng buộc của thần dân vào quyền lực tối cao, nếu quyền lực tối cao không tìm ra những biện pháp để bảo đảm lòng trung thành của họ; mặc dầu thần dân vẫn có lợi ích chung trong cộng đồng.
Thật ra mỗi cá nhân có thể có ý chí riêng không giống hoặc trái với ý chí chung (ND) mà anh ta với tư cách công dân, cũng mang ý chí chung đó. Lợi ích riêng có thể nói vớI anh ta không như tiếng nói của lợi ích chung. Không có tập thể thì cá nhân anh vẫn cứ tồn tại một cách tuyệt đối và độc lập cho nên anh ta coi nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp chung chỉ là đóng góp không công, chỉ tốn kém cho riêng mình mà thôi; nếu anh không đóng góp thì cũng chẳng thiệt đến ai; thế là anh ta coi nhân cách tập thể tạo thành nhà nước chỉ là một lý tính, không phải một con người. Anh ta hưởng quyền công dân mà không muốn làm nghĩa vụ thần dân. Thái độ bất công đó của cá nhân nếu phát triển mãi ra thì sẽ dẫn tới sự suy đồi của cơ thể chính trị.
Muốn cho công ước xã hội không trở thành một công thức suông, nó phải ngầm bao hàm điều ràng buộc đốl với cá nhân. Chỉ có sự ràng buộc mỗi cá nhân, mới tạo ra sức mạnh cho mọi cá nhân khác, ai cưỡng lại ý chí chung liền bị toàn bộ cơ thể chống lại, cái đó có nghĩa là người ta buộc anh ta phải tự do.
Khi trao một công dân cho Tổ quốc thì phải bảo đảm rằng công dân đó phụ thuộc vào Tổ quốc. Điều kiện ấy làm cho các khoản cam kết dân sự trở nên chính đáng, không có điều kiện ấy thì mọi sự cam kết sẽ thành ra mơ hồ, võ đoán, làm đà cho sự lạm dụng to lớn hơn.
8. TRẠNG THÁI DÂN SỰ
Từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái dân sự, con người trải qua một chuyển biến lớn lao (ND). Trong xử sự của họ, công lý thay cho tiềm thức, trong hành vi của họ có thêm đạo nghĩa mà trước kia không có. Từ nay tiếng nói của nghĩa vụ thay thế những kích thích vật lý. Về quyền ham muốn, trước đây con người chỉ tính đến bản thân thì bây giờ họ phải hành động theo những nguyên lý khác; họ phải suy xét bằng lý trí trước khi nghe theo dục vọng. Tuy mất đi một vài lợi thế trong trạng thái tự nhiên, nhưng con ngườI thu lại những lợi thế lớn hơn; năng khiếu được vận dụng và phát triển, tư tưởng mở rộng ra, tình cảm cao quí thêm, tâm hồn được nâng lên đến mức mà ví phỏng hoàn cảnh hiện tạI có hạ anh xuống kém hơn hoàn cảnh trước kia, thì anh vẫn cứ phải cảm tạ cái thời điểm dứt anh ra khỏi giới động vật ngu muội và hạn chế để vĩnh viễn trở thành loài thông minh, thành một con người.
Hãy hạch toán lại sự hơn thiệt này một cách dễ hiểu hơn. Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiền nhiễn và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được, nhưng mặt khác con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có (ND). Cần phân biệt tự do thiên nhiên chỉ hạn chế chật hẹp trong khả năng sức lực một cá nhân với quyền tự do dân sự mà giớI hạn rộng rãi là ý chí chung của nhiều người. Lại nên phân biệt sự có được trong trạng thái tự nhiên chỉ là kết quả của sức mạnh và chỉ là cái quyền của kẻ chiếm lĩnh đầu tiền, vớI quyền sở hữu trong trạng thái dân sự được xây đựng trên một danh nghĩa tích cực.
Con người dân sự còn có tự do tinh thần khiến anh ta trở thành người chủ thật sự của chính mình; vì rằng làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, mà tuân theo qui tắc tự mình đặt ra lại là tự do.
Nhưng tôi đã nói quá nhiều về vấn đề này; chủ đề của tôi về ý nghĩa triết học của tự do không phải đặt ra ở đây.
9. LĨNH VỰC THỰC TẾ
Mỗi thành viên hiến dâng cho cộng đồng tất cả sức lực và tài sản của mình; như vậy không có nghĩa là sau hành động hiến dâng này sự chiếm hữu thay đổi tính chất, khi của cải được trao từ tay cá nhân sang tay cộng đồng và biến thành sở hữu quốc gia. Nhưng sức mạnh của thành bang so với sức mạnh của một người thì lớn hơn nhiều lắm; cho nên sở hữu công cộng trong thực tế cũng lớn hơn và vững chắc hơn sở hữu cá nhân rất nhiều. Nhà nước đốI với các thành viên, theo khế ước xã hội quy định là ông chủ tài sản của mọi thành viên, khế ước xã hội là cơ sở cho mọi thứ quyền trong một nước (ND). Nhưng đối với nước ngoài thì nhà nước chỉ là ông chủ tài sản theo quyền của người chiếm hữu đầu tiên.
Quyền của người chiếm hữu đầu tiên có vẻ thực tế hơn là quyền của kẻ mạnh. Tuy vậy nó chỉ trở thành một quyền thực sự sau khi đã thiết lập quyền tư hữu (ND). Trong tự nhiên, mọi người đều có quyền đối với những cái mà mình cần đến; nhưng trong dân sự thì điều khoản quy định cho anh thành người tư hữu một số của cải đã loại trừ anh đốI với những của cải khác. Một khi đã nhận phần tư hữu, anh phải nhận hạn chế mình trong phạm vi tư hữu ấy, anh không có quyền đối với những cái khác của cộng đồng.
Xem đó thì rõ tại sao quyền của người chiếm hữu đầu tiên là rất yếu ớt trong trạng thái tự nhiên lại được mọI người tôn trọng trong trạng thái dân sự. Người ta tôn trọng quyền chiếm hữu đầu tiên đối với tài sản thuộc cá nhân kẻ khác hơn là đối với những tài sản không thuộc về bản thân họ.
Nói chung thì khi cho phép ai làm người chiếm hữu đầu tiên trên một khoảng đất, cần có nhũng điều kiện như sau : +Một là khoảng đất chưa có ai ở; +Hai !à người chiếm hữu chỉ chiếm một phần vừa đủ cho sự sinh tồn của mình; +Ba là người chiếm hữu giữ lấy mảnh đất không phải bằng một nghi thức, mà bằng lao động và sự trồng trọt, đó là dấu hiệu duy nhất có ý nghĩa pháp lý để chứng tỏ quyền chiếm hữu khiến kẻ khác phải tôn trọng.
Tuy vậy, chấp nhận quyền chiếm hữu đầu tiên theo nhu cầu và theo lao động không phải là để cho người ta muốn chiếm hữu đâu cũng được (ND) . Phải chăng cần định giới hạn cho quyền chiếm hữu này. Phải chăng cứ đặt chân lên một mảnh đất chung là đủ để tuyên bố làm ông chủ của mảnh đất ấy? Làm chủ rồi anh có đủ sức đẩy người khác ra không cho ai trở lạI mảnh đất ấy nữa không? Một người hay một dân tộc đến ở vùng đất rộng lớn, có thể nào đuổi những ngườI khác ra khỏI đất ấy mà không dùng đến thủ đoạn cưỡng đoạt đáng trừng phạt hay không? Làm như vậy, họ phải tước đoạt sinh mạng và thức ăn mà thiên nhiên đã ban chung cho mọI người.
Khi chiếm hữu bờ biển và lãnh thổ vùng Nam Mỹ, Nunez Balbao (15) nhân danh vương triều Castille (16) có đủ quyền hành để tước đoạt của cải dân chúng để đuổi hết các vua chúa bản địa đi không? Ở đây, nhiều thứ lễ nghi suông đã được bày vẽ ra, và ông vua Thiên Chúa giáo chỉ cần trong phút chốc tuyên bố cả vũ trụ đều thuộc về triều đình của mình. Có điều là sau đó ông ta không loại bỏ những tài sản đã từng thuộc về quyền sở hữu các vua chúa bản đia.
Người ta thấy rằng những khoảnh đất tư nhân tiếp cận nhau nhập lại thành lãnh thổ chung, thế là các người sở hữu lại bị phụ thuộc hơn của cải, sức mạnh của họ trở thành vật bảo đảm lòng trung thành đốl với nhà vua. Ngày xưa các vua chúa ở Ba Tư, ở Scythe hay ở Macédoine có cái lợi thế mà họ không thấy được một cách đầy đủ, họ tự coi mình là thủ lĩnh của những con người hơn là thủ lĩnh của một xứ sở. Ngày nay, khôn ngoan hơn, các vị hoàng đế Pháp, Tây Ban Nha, Anh, v.v... nắm vững lãnh thổ và nắm cả dân chúng trên lãnh thổ nước mình.
Nét độc đáo trong trường hợp này là đáng lẽ chấp nhận thì họ lại tước đoạt tài sản của các thành viên. Họ chỉ đảm bảo cho các thành viên được có tài sản một cách hợp pháp; họ thay thế sự chiếm đoạt bằng quyền chiếm hữu thật sự, thay thế sự hưởng thụ bằng quyền sở hữu. Thế là những người chiếm hữu được coi như chủ nhân của tài sản chung; quyền của họ được mọi thành viên nhà nước chấp nhận và được bảo vệ bằng sức mạnh hiện có để chống lại người ngoài đến xâm phạm. Bằng một phiên họp có lợi cho mọi người và lợi hơn cho những kẻ chiếm hữu, họ giành được cái mà họ đã cho đi. Đó là một nghịch lý có thể giải thích dễ dàng bằng sự khác biệt của các thứ quyền mà cơ quan quyền lực tối cao và người sở hữu cùng chung vốn liếng với nhau, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
Cũng có thể có trường hợp người ta bắt đầu hợp nhau lại khi chưa có gì để chiếm hữco; và khi đã chiếm được một vùng đất đủ cho mọi người, họ cùng nhau mà hưởng, hoặc chia cho mỗi người một khoảnh bằng nhau, hay chia theo một tỉ lệ nhất định do cơ quan quyền lực tối cao qui định.
Dù theo cách nào thì quyền của cá nhân đối với phần chia của mình cũng phải phụ thuộc vào quyền của cộng đồng đối với tất cả (ND) . Không có sự phụ thuộc này thì sẽ không có tình đoàn kết và sự liên đới xã hội, mà cũng không có sức mạnh thực tế để thực hiện quyền lực tối cao.
Tôi kết thúc chương này và quyển thứ nhất này bằng một điều nhận xét làm nền móng cho cả hệ thống xã hội; đó là: Công ước cơ bản (pacte fondamental) không phá bỏ sự bình đẳng tự nhiên, nó xây dựng sự bình đẳng tinh thần và hợp pháp để thay thế cái mà thiên nhiên đã làm cho con người không bình đẳng về thế lực. Trên phương diện khế ước và pháp quyền, con người tuy không đồng đều nhau về thân thể và trí tuệ vẫn được hoàn toàn bình đẳng ngang nhau [7*] (ND).
[Mục lục] [Chương tiếp theo]
Chú thích
[1*]. Những đoạn in chữ nghiêng có (ND) là do người dịch nhấn mạnh để nêu bật ý lớn.
[2*]. Các công trình bác học nghiên cứu về công quyền thường chỉ là những câu chuyện lạm dụng ngày xua : và người ta ra sức nghiên cứu chúng chỉ tổ đau đầu vô ích" (Xem " Hiệp ước về lợi quyền nước Pháp liên quan lới các nước láng giềng " do Hầu tước d'Argenson viết, in ở Amsterdem, Nhà xuất bản Rey) . Đó chính là cách làm của Grotius.
[3*]. Xem luận văn của Plutarque "Ước gì loài vật cũng có lý trí
[4*]. Politie : Tiếng Hi Lạp, ngày nay không dùng nữa, có nghĩa là chính phủ.
[5*]. Người La Mã tôn trọng luật chiến tranh hơn bất cứ dân tộc nào khác. Họ rất quan tâm vần đề này. Một công dân La Mã không dược tham gia chiến đấu nếu chưa đãng ký long trọng nhận lấy tư cách chiến sĩ chống quân thù.
[6*]. Nghĩa chính của từ "Thành bang" đến thời nay đã bị hiểu lệch lạc mất rồi. Hầu hết mọi người coi thành bang là một thành phố và người thị dân là một công dân, Họ không hiểu rằng nhà cửa họp lại là thành phố, mà thị dân họp lạI mới là thành bang. Sai lầm này đã gây thiệt hại lớn cho người Carthagenois.. Tôi chưa từng đọc thấy ở đâu cái danh hiệu Cives (tiếng Latinh, nghĩa là công dân - ND) được dùng cho các thần dân của một vị nguyên thủ. Ngay cả đối với dân Macédonien cũng như đối với người Anh hiện nay, là nơi gần gũi với tự do hơn mọi nơi khác cũng chưa thấy danh hiệu này. Chỉ có người Pháp dùng từ "công dân" một cách thông tục, vì nó không mang ý nghĩa gì rõ rệt thật sự, như ta thường đọc thấy trong các từ điển Pháp. Không thế thì họ sẽ phạm tội bất cẩn vì xuyên tạc danh từ này. Ở Pháp từ "công dân" nói lên một phẩm cách con người chứ không nói về một quyền hạn. Khi Bodin (pháp quan và triết gia Pháp 1530-1598 - ND) nói về các công dân và các thị dân của ta, ông đã phạm một sai lầm quá đáng, lẫn lộn hai khái niệm này với nhau. Ông d'Alembert thì không lầm lẫn như vậy. Trong bài viết về Genève, ông phân biệt rõ bốn hạng người (có thể nói là năm hạng, kể cả hạng ngoại kiều) trong thành phố của ta, trong đó chỉ có hai hạng hợp thành nước cộng hoà. Ngoài ra không có ai trong các tác giả Pháp mà tôi được biết đã hiểu đúng nghĩa của chữ "Công dân".
[7*] Dưới quyền cai trị của một chính phủ tồi, sự bình đẳng này chỉ là bề ngoài và giả tạo; nó chỉ là một danh hiệu để gĩư nguyên người ngèo trong đói khổ và người giàu trong bóc lột. Thực tế thì pháp luật bao giờ cũng có lợI cho kẻ có của và hại cho nguờl không có gì cả. Vì vậy một thể chế xã hội chỉ có thể là tiến bộ khi mọi người đều có một cái gì đó, và không ai được có quá nhiều.
[Mục lục] [Chương sau]Thư viện | J. J. Rousseau
Từ khóa » Thuyết Khế ước Xã Hội Chỉ Ra Rằng Quyền Lực Của Nhà Nước Là Vĩnh Cửu Và Bất Biến
-
Thuyết Khế ước Xã Hội | Xemtailieu
-
Thuyết Khế ước Xã Hội - TaiLieu.VN
-
Thuyết Khế ước Xã Hội Là Gì ? Tìm Hiểu Về Thuyết Khế ước Xã Hội
-
Các Học Thuyết Tiêu Biểu Về Nguồn Gốc Của Nhà Nước
-
Lý Luận Về Nguồn Gốc Của Nhà Nước - HILAW.VN
-
Khế ước Xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ưu điểm Hạn Chế Của Thuyết Khế ước Xã Hội - Học Tốt
-
[PDF] Bộ Nội Vụ ——— Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
-
Nguồn Gốc Của Nhà Nước, Bản Chất Nhà Nước , Học Thuyết Mác - Lê Nin
-
Tìm Hiểu Học Thuyết Pháp Luật Tự Nhiên
-
Nhà Nước Là Hiện Tượng Vĩnh Cửu Bất Biến Là Quan điểm Của Thuyết ...
-
Thuyết Thần Quyền Và Khế ước Xã Hội Doc - Tài Liệu đại Học
-
[PDF] VẤN ĐỀ BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG TÁC PHẲM LVẬN VỀ NGUỒN ...