Khi Cam Quýt Cũng Thành Thi Tứ - Công An Nhân Dân

Còn gì khoan khoái hơn khi người bộ hành đường xa mỏi mệt, trong giây phút ngồi nghỉ bên đường giữa nắng trưa được uống một cốc nước dừa. Còn gì thích hợp hơn cho những người đang ốm hoặc vừa ốm dậy một ly nước cam sau mỗi bữa ăn. Và chỉ một quả quýt nhỏ thôi cũng có thể tạo ra rất nhiều dư vị khi bàn tiệc đã kết thúc.

Trong bài viết này, chúng tôi luận về hai loại quả quen thuộc và có thể nói gần như xuất hiện quanh năm trong đời sống sinh hoạt của người Việt, đó là cam và quýt.

Cam

Đã có một thời gian dài trong đời sống văn hóa - sinh hoạt của người Việt (thói quen này vẫn kéo dài đến tận hôm nay), cam được coi là sự lựa chọn hàng đầu cho việc thăm hỏi người ốm, hoặc giả chỉ là đến thăm nhau thông thường, người ta cũng mua cam.

Trong bài thơ "Mẹ ốm", Trần Đăng Khoa viết: "Người cho trứng, người cho cam/ Và anh y sĩ đã mang thuốc vào". Cam còn đi vào cuộc đối đáp văn học giữa nữ sĩ Hằng Phương và Hồ Chủ tịch năm 1946. Chuyện kể rằng, nữ sĩ Hằng Phương (1908 - 1983), người bạn đời của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã gửi biếu Bác Hồ một gói cam cùng bài thơ: "Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng/ Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu/ Đắng cay Cụ nếm đã nhiều/ Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây/ Cùng quốc dân hưởng những ngày/ Tự do hạnh phúc tràn đầy trời Nam/ Anh hùng mở mặt giang san/ Lưu danh thiên cổ vẻ vang giống nòi". Hồ Chủ tịch đã có bài thơ bốn câu đáp lại, được đăng trên báo Tiếng gọi phụ nữ như sau: "Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai".

Từ trước đến nay, người ta nhớ nhiều đến bài thơ của Bác Hồ mà nhiều khi quên đi bài của Hằng Phương, cái căn cớ tạo nên bài thơ của Bác. Hai chữ "cam" trong bài thơ của Hồ Chủ tịch có sự chuyển đổi ý nghĩa khá thú vị. Nếu như chữ "cam" trong câu đầu là quả cam thì chữ "cam" trong câu cuối lại được dùng với ý nghĩa "ngọt ngào", một cách chiết tự, chơi chữ từ câu thành ngữ "khổ tận cam lai" (hết đắng đến ngọt, hết khổ đến sướng).

Vườn quýt nổi tiếng tại Cần Thơ.

Về mặt ngôn ngữ học, hai chữ cam (quả cam) và cam (ngọt) được coi là cùng một gốc, đều được vay mượn từ tiếng Hán. Theo đó, "ngọt" được xem như một thuộc tính điển hình và nổi trội của cam. Khi thể hiện bằng chữ tượng hình, chữ "cam" (quả cam, cây cam), được phân biệt với chữ "cam" (ngọt) bằng việc cho thêm bộ "mộc" bên cạnh.

Lùi xa hơn về thế kỷ 13, lịch sử của người Việt đã lưu lại một điển tích nổi tiếng: Hoài Văn Hầu bóp nát trái cam. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Vương Nhân Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân". Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám chống lại".

Trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại sau này, cam đi vào thơ tình Nguyễn Bính, trở đi trở lại nhiều lần qua các hình ảnh "vườn cam", "hoa cam": "Ra vườn nhặt những hoa cam rụng/ Đem bỏ đầy nồi cất nước hoa (...) Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành (...) Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại/ Men nồng gạo nếp, nước hoa cam (...) Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ/ Vườn có trồng cam, có nở hoa? (...) Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng/ Tôi với em Nhi kết vợ chồng" (Hoa với rượu).

Bài thơ tôi vừa nhắc đến ở trên cũng là một trong những thi phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Bính trước Cách mạng, để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc, và nó đạt một độ dài kỷ lục trong những bài thơ của thi sĩ chân quê: 102 câu thơ.

Trong thơ Tố Hữu, cam cũng xuất hiện như là một vẻ đẹp của cuộc sống, gắn với lòng tự hào cũng như khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc: "Hỡi các chị các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng" (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, 1954).

Quýt

Nếu như cam có hai cách ăn cơ bản là ăn theo miếng và vắt lấy nước thì quả quýt lại có đặc trưng là chủ yếu ăn theo múi, mỗi múi là một miếng. Ở Việt Nam hiện nay, phổ biến nhất là loại quýt có vỏ màu vàng, còn gọi là quýt hồng. Bên cạnh đó còn có loại quýt vỏ màu xanh, dân gian thường gọi tên là quýt đường hay quýt ngọt. Ngoài ra còn có một vài loại khác như quýt hương hay quýt trần bì...

Đầu tiên, quýt đi vào khá nhiều câu ca dao như một loại trái cây gần gũi và dân dã, tác giả dân gian thường mượn quýt để nói về chuyện tình cảm con người: "Cam sen quýt ngọt người chê/ Người ăn khế rụng, tôi ghê thay người; Quýt rụng bờ ao ngọt ngào anh chuộng/ Trái mận hồng đào rụng cuống anh chê" (Ca dao).

Cho đến thế kỷ 19 thì thi ca thành văn của người Việt xuất hiện bài "Quất chi từ" (Lời quả quýt) rất độc đáo của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Tương truyền ngài làm bài thơ này để vịnh quả quýt ở vùng Hương Cần của xứ Huế. Nguyên văn chữ Hán như sau: "Ngữ nguyệt thanh thanh thập nguyệt hoàng/ Kỷ trùng phong vũ kỷ trùng sương/ Cam tâm phẫu tự tình nhân thủ/ Yêu thức nông gia triệt cốt hương" (dịch nghĩa: Tháng Năm xanh, Tháng Mười vàng/ Trải bao mưa gió trải bao sương/ Lòng mong được tự người yêu bóc/ Để biết mình thơm ngát tận xương).

Có khá nhiều cách hiểu xoay quanh bài thơ. Có người hiểu đơn thuần là ca ngợi một đặc sản vùng miền. Có người lại hiểu là cách tự bộc bạch của người quân tử. Lại có người hiểu ở đây kín đáo gửi gắm tình yêu nam nữ. Tôi đã mạo muội có bản dịch lục bát của bài thơ như sau: "Tháng Năm xanh, tháng Mười vàng/ Sương chiều gió sớm bàng hoàng bao phen/ Chỉ mong chạm tới môi mềm/ Để người biết được lòng em ngọt ngào".

Và một người bạn hồng nhan của tôi là nhà báo Phan Thanh Nhàn đã có một khúc cảm tác rất thú vị về bài thơ trên: "Trái đủ xanh xao đến độ vàng/ Mấy phen mưa tuyết mấy phong sương/ Tuyết ủ men nồng, sương ướp mật/ Tự biết mình thơm đến tận xương/ Thơm ngọt há cần ai biết đến/ Giấu dưới da xanh với áo hường/ Thỏ lặn ác tà lòng chẳng vội/ Đợi đến tay chàng để tỏa hương".

Sang đến nửa đầu thế kỷ 20, thiền sư Viên Thành (1879 - 1928) trong những năm cuối đời đã sáng tác bài thơ nổi tiếng: "Bài thơ khắc trên quả quýt", nằm trong tập "Lược ước tùng sao" - tập tác phẩm duy nhất của ông: "Ngọt ngào không rõ đặng trong lòng/ Rõ đặng trong lòng biết đục trong/ Biết đục trong hãy xin nếm thử/ Hãy xin nếm thử ngọt ngào không?".

Ở cách nhìn quả quýt của một thiền sư, ta lại thấy hiện lên những triết lý nhân quả, luân hồi của nhà Phật cùng những gửi gắm ẩn dụ về sự rèn luyện tinh tấn trong tinh thần của mỗi con người để thấu hiểu bản chất của cái đẹp nằm bên trong vạn vật.

Người Tàu có điển tích khá thú vị về Lục Tích giấu quýt cho mẹ ở tiệc của Viên Thiệu. Nhà Nho Lý Văn Phức của Việt Nam đã chuyển tích này thành thể song thất lục bát trong tác phẩm "Nhị thập tứ hiếu": "Hán Lục Tích thuở còn sáu tuổi/ Quận Cửu Giang đến với họ Viên/ Trẻ thơ ai chẳng yêu khen/ Quýt ngon đặt tiệc tiểu diên đãi cùng/ Cất hai quả vào trong tay áo/ Tiệc tan xong từ cáo lui chân/ Trước thềm khúm núm gởi thân/ Vô tình quả quýt nẩy lăn ra ngoài/ Viên trông thấy cười cười hỏi hỏi/ Sao khách hiền mang thói trẻ thơ/ Thưa rằng: Mẹ vốn tính ưa/ Vật ngon dành lại để đưa mẹ thì/ Viên nghe nói trọng vì khôn xiết/ Bé con con mà biết hiếu thân/ Cho hay phú giữ thiên chân/ Sinh ra ai cũng sẵn phần thiện đoan".

Và bây giờ tôi lại muốn trở lại với quả cam. So với quýt, cam có sự phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống của nhiều dân tộc trên thế giới. Chẳng thế mà nhà thơ Pháp nổi tiếng Paul Eluard (1895-1952) đã viết một câu đầy dư vị trong bài "Tình yêu thi ca" (L'amour de la poésie, 1928): "La terre est bleue comme une orange" (Trái đất xanh như một trái cam). Nhưng thực ra trước đó 6 năm (1922), thi sĩ người Nga Mayakovski đã viết: "Một nửa trái đất/ Tròn trịa/ Trên đầu tôi/ Lai láng đại dương bán cầu/ Nhìn xa/ Y như một trái cam/ Nhưng trái nọ vàng/ Trái này xanh".

Tựu trung lại, qua trái cam mà các thi sĩ đều gửi tấm lòng yêu mến thiết tha với thiên nhiên và cả địa cầu. Như vậy, bàn đến chuyện cam quýt cũng là để nói đến tình yêu muôn thuở với cuộc sống và con người mà thôi.

Từ khóa » Câu Thơ Hay Về Quả Cam