Khi điệp Viên Anh, Mỹ Bỏ Nhà Nước Ra Làm Tư Nhân

  • Tình báo Anh từ chối hợp tác trong chương trình tra tấn của Tổng thống Trump
  • Tình báo Anh trộm dữ liệu cá nhân
  • Tình báo Anh tuyển thêm 1.000 điệp viên mạng

Câu chuyện một cựu điệp viên MI-6 làm giả hồ sơ về các mối quan hệ bí mật của Tổng thống Mỹ với nước Nga và việc nước Nga thu thập thông tin về ông Trump đã làm dấy lên mối quan tâm về một thực tế các cựu điệp viên ở Anh (và cả thế giới) sau khi rời khỏi cơ quan tình báo của nhà nước đã chuyển sang làm việc trong các công ty tư nhân chuyên về các dịch vụ tình báo, thám tử tư, sẵn sàng làm bất cứ việc gì với mức giá không hề rẻ.

Jules Kroll, người tiên phong trong lĩnh vực tình báo doanh nghiệp.

Các cựu điệp viên trong ngành tình báo Anh là những người từng làm việc trong ba cơ quan tình báo chính của Anh là MI-5, MI-6 và GCHQ. Ba cơ quan tình báo này hiện đang sử dụng khoảng 12.000 nhân viên tình báo bao gồm cả điệp viên và chuyên gia phân tích, chưa kể các điệp viên hai mang, các "tài sản" ở nước ngoài.

Ba cơ quan tình báo này đảm trách hầu như toàn bộ hoạt động tình báo của nước Anh, từ đối nội, đối ngoại cho đến tình báo tín hiệu - nghe lén, thu thập thông tin qua Internet, điện thoại, vệ tinh. Người ngoài nhìn vào cho rằng làm điệp viên các cơ quan tình báo nhà nước là một công việc rất "oai", vì nó bí mật, vì nó rất quan trọng và vì nó "cao siêu" như các bộ phim điện ảnh mô tả.

Tuy nhiêu, đối với nhiều điệp viên Anh, làm việc cho các cơ quan tình báo nhà nước là một công việc không hề sung sướng chút nào, thậm chí rất cực nhọc, nguy hiểm và chán ngắt. Làm một công việc căng thẳng và đầy thử thách, nhưng các điệp viên Anh không được thù lao xứng đáng. Lương khởi điểm cho một điệp viên chuyên nghiệp tại ba cơ quan tình báo hàng đầu nước Anh là khoảng 37.500 USD/năm, quá thấp so với nhiều công việc khác, đó là chưa kể mức độ rủi ro và căng thẳng của công việc một điệp viên luôn phải đối mặt.

Clarridge rời bỏ CIA cách đây hơn 20 năm nhưng vẫn điều hành một mạng lưới tình báo phục vụ cho việc lập kế hoạch chiến đấu của quân Mỹ ở Afghanistan.

Chính vì thế, sau vài năm công tác, nhiều điệp viên đã chọn phương án rời bỏ công việc ra làm việc cho các công ty tư nhân hoặc tự mình đứng ra thành lập công ty. Bên cạnh vấn đề tiền bạc, còn một lý do khác nữa là cuộc sống của một điệp viên bị ngăn cách với thế giới đời thường. Điệp viên phải sống một cuộc sống "hai mặt", phải luôn luôn canh giữ những bí mật ngành nghề giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống. Điều đó tạo ra một áp lực quá lớn lên cuộc sống của người điệp viên.

Có điều lạ là việc các điệp viên ra làm việc tư nhân không những không bị cơ quan nhà nước ngăn cản mà ngược lại, còn được khuyến khích. Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne có vẻ "chữa cháy" khi cho rằng, việc các điệp viên, nhân viên tình báo ra làm tư nhân là "mang những khối óc xuất sắc nhất và trình độ chuyên môn sâu nhất ra khu vực tư nhân và mang những sáng tạo mới nhất ngược trở lại chính phủ".

Annie Machon, 48 tuổi, một cựu điệp viên MI-5, cho rằng có được quá trình công tác tình báo ghi trong lý lịch xin việc là một lợi thế lớn, vì điều đó được hiểu là một trình độ năng lực tốt hơn hẳn nhiều người khác. Điệp viên là những người được huấn luyện các kỹ năng rất tốt, giỏi về nhiều mặt, từ kỹ năng chiến đấu cho đến kiến thức khoa học, đời sống. Nhưng không phải ai cũng được như thế, nhất là những người rời khỏi cơ quan tình báo vì lý do không tốt, và giấy giới thiệu ghi những điều không hay.

Hoạt động của các doanh nghiệp tình báo tư nhân này khác các cơ quan tình báo nhà nước ở chỗ họ chuyên chú vào việc truy tìm các ông chồng ngoại tình và khám phá các trò gian lận trong thương mại, bao gồm việc điều tra các cựu nhân viên và các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Hiếm hoi lắm mới có một vài nhiệm vụ mang tính chất chính trị, an ninh quốc gia.

Ngành công nghiệp tình báo tư nhân vốn đã bắt đầu ra đời và tồn tại từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng âm thầm, ít ai biết đến. Khi vụ việc "Hồ sơ Trump" đổ bể và người ta biết được hồ sơ đó do Christopher Steele - một cựu điệp viên của Cơ quan tình báo đối ngoại MI-6 soạn thảo - hoạt động của ngành công nghiệp này mới bắt đầu được chú ý. Nhưng trước đó từ rất lâu, ngành công nghiệp tình báo này đã tồn tại trên phạm vi toàn cầu.

Christopher Steele, cựu điệp viên MI-6.

Thông tin trong ngành cho biết rằng các cựu điệp viên của CIA và MI-6 là những người giỏi nhất và họ thường tham gia thực hiện các phi vụ thương mại và chính trị với cái giá rất cao, lên đến 1.200 USD trên một giờ.

Ngành công nghiệp này ra đời đã khá lâu. Kể từ khi Jules Kroll, một luật sư chuyển sang doanh nhân trong ngành dịch vụ kiểm toán, trở thành người tiên phong trong lĩnh vực tình báo doanh nghiệp ở Mỹ vào thập niên 70 thế kỷ XX, ngành công nghiệp này đã phát triển vượt bậc, mở rộng ra phạm vi toàn cầu và đến nay được công nghệ cao nâng lên một bước phát triển mới, cao hơn.

Theo tính toán của các công ty kiểm toán, ngành công nghiệp tình báo tư nhân, bao gồm các điệp viên tư nhân, thám tử tư và chuyên gia an ninh, hiện có doanh thu ước tính khoảng 19,4 tỉ USD/năm. Con số này chưa tính các hoạt động nội bộ bên trong các tập đoàn lớn. Các cựu điệp viên, cựu nhân viên an ninh có lợi thế cạnh tranh hơn so với các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ở chỗ họ có thừa kinh nghiệm thực tế công việc và nhất là kỹ năng tạo dựng các mối quan hệ phục vụ cho công việc.

Còn tại Mỹ, kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, các công ty tình báo tư nhân và các nhà thầu an ninh đã chiêu mộ khá nhiều điệp viên kỳ cựu của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Tình trạng các quan chức chính phủ bỏ cơ quan nhà nước để ra làm việc cho lĩnh vực tư nhân "rầm rộ" chẳng khác gì một cuộc chạy đua. Các công ty tư vấn quốc phòng thường xuyên thuê các tướng nghỉ hưu từ Lầu Năm Góc, các cựu thành viên Quốc hội...

Làn sóng rời khỏi CIA phản ánh sự hạn chế việc tham gia của các quan chức về hưu vào các công ty thực hiện công tác tình báo cho chính phủ. Làn sóng này cũng cho thấy CIA phải chịu cảnh "chảy máu chất xám" và những mất mát kéo theo. Những vị quan chức bỏ CIA đi đều mang theo những kinh nghiệm quý báu về chuyên môn, những mối quan hệ rộng rãi và sự hiểu biết về các địa bàn nóng trên khắp thế giới mà chỉ những người làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ mới nắm được.

Trong số những "thiệt hại" mà CIA phải san sẻ cho khu vực tư nhân là các chuyên gia hàng đầu, trong đó có Stephen Kappes, người đã từng là điệp viên cao cấp nhất của CIA tại Moskva và cũng là người đã giúp thương thảo thành công vụ giải trừ vũ khí của Libya năm 2003; Henry Crumpton, một trong những quan chức hàng đầu của CIA tại Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11-9; hay như Cofer Black, Giám đốc trung tâm chống khủng bố của CIA…

Các cuộc ra đi của các quan chức để chuyển sang làm việc cho lĩnh vực tư nhân đã kéo theo sau sự bùng nổ các hợp đồng tình báo. Tiến hành một cuộc điều tra liên quan mang tên "Cuộc điều tra về những bí mật lớn nhất nước Mỹ", tờ Washington Post cho rằng trong số 854.000 người ra đi có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tình báo, có tới 265.000 người là các nhà thầu. 30% lực lượng lao động trong các cơ quan tình báo do các nhà thầu cung cấp.

Các nhà thầu này thực hiện một loạt các nhiệm vụ, trong đó có việc đánh giá các rủi ro trong công tác bảo mật, phân tích thông tin tình báo và cung cấp các dịch vụ "giảm nhẹ nguy cơ" ở nước ngoài. Đối với các công ty tư nhân cố gắng khai thác ngành công nghiệp tình báo được đánh giá là sinh lời này, giá trị khi thuê được các quan chức của CIA là khó có thể tính toán được. Và mặc dù CIA trả lương cho các nhà quản lý cấp cao của mình những mức lương hấp dẫn - những quan chức cấp cao nhất nhận được gần 180.000 USD mỗi năm - các công ty tư nhân còn sẵn sàng hào phóng trả cho họ những mức lương cao hơn nhiều.

Cũng theo ghi nhận của tờ Washington Post, phần lớn những mất mát đối với CIA xảy ra khoảng từ năm 2002-2007, khi mà hoạt động làm ăn với các nhà thầu tình báo bỗng dưng tăng vọt. Nhiều quan chức cung cấp thông tin cho tờ báo này hoàn tất cuộc điều tra nhưng họ yêu cầu phải được giấu tên vì "những chuyện nhạy cảm" và vì "bảo đảm cho chuyện kiếm sống lâu dài".

Rất ít người trong số họ cho rằng, các vấn đề về mối quan hệ tại nơi làm việc là nguyên nhân khiến họ ra đi và thay vào đó, họ nói rằng, quyết định ra đi của họ thường liên quan đến vấn đề tài chính. Một cựu quan chức cao cấp từng làm việc trong cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ hơn 25 năm cho biết, ông đã cân nhắc kỹ giữa các cơ hội thăng tiến tại cơ quan và chi phí cho con cái học hành. Cuối cùng ông chọn lĩnh vực tư nhân. "Đó là vấn đề thực tế", ông nói.

Duane R. Clarridge rời bỏ CIA cách đây đã hơn 20 năm, nhưng tại nhà riêng của mình gần San Diego, ông ta vẫn điều hành một mạng lưới gián điệp riêng. Clarridge từng theo học tại trường Đại học Brown trước khi về đầu quân cho CIA. Sau đó, Clarridge trở thành người đứng đầu bộ phận phụ trách khu vực Mỹ La tinh của CIA năm 1981 và giúp thành lập Trung tâm chống khủng bố của CIA 5 năm sau đó.

Trên cương vị của mình ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và một số nơi khác, với biệt danh Dewey Marone và Dax Preston LeBaron, Clarridge đã tạo nên sự nghiệp trong khoảng không kín bưng của chính sách đối ngoại Mỹ. Trong cuốn hồi ký năm 1997, Clarridge đã viết về việc cố gắng sắp xếp các chính phủ thân Mỹ ở Italia trong cuối những năm 1970 và giúp chính quyền Reagan trong cuộc chiến tranh du kích ở Trung Mỹ trong những năm 1980. Clarridge cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch ở khu vực rừng núi của Pakistan và vùng sa mạc cằn cỗi của Afghanistan.

Kể từ khi quân đội Mỹ cắt giảm nguồn kinh phí hồi giữa năm 2010, Clarridge đã phải dựa vào nguồn kinh phí của các nhà tài trợ tư nhân để chi trả cho các điệp viên nằm vùng nhằm tiếp tục thu thập thông tin về các chiến binh, những thủ lĩnh Taliban và cả những bí mật của lãnh đạo Kabul.

Những thông tin của Clarridge - trong đó bao gồm cả câu chuyện được ghi chép tại hiện trường, tin đồn, những phân tích và các bản báo cáo khác nhau - đã được gửi tới các quan chức quân đội Mỹ để các quan chức tìm kiếm những tin tình báo đủ tin cậy, phục vụ cho việc lập kế hoạch chiến đấu ở Afghanistan.

Hẳn nhiên, không phải ai rời khỏi các cơ quan tình báo nhà nước cũng đều làm việc trong các công ty tư nhân. Có những người thích làm việc trong môi trường giáo dục, thích nghiên cứu học thuật, và họ đã chọn làm giảng viên các trường đại học để truyền đạt những kiến thức mình tích luỹ được cho các thế hệ tiếp nối.

Từ khóa » điệp Viên Của Nhà Nước