Số Phận Một điệp Viên - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Điệp viên không bị kết án
  • Isaac Shoshan - điệp viên huyền thoại của Israel

Trước đó, do đang trong giai đoạn chiến tranh lạnh với Mỹ, Cơ quan An ninh XôViết KGB bằng nhiều cách, đã bí mật thẩm tra nhân thân Greville Wynne rồi biết rằng doanh nhân này là người vô hại, làm việc để kiếm tiền và chẳng dính líu đến các tổ chức tình báo phương Tây. Vì thế hồ sơ nhập cảnh của Greville Wynne luôn được Liên Xô và các nước Đông Âu nhanh chóng chấp thuận.

Điệp viên bất đắc dĩ

Trở lại cuộc gặp gỡ giữa Greville Wynne và Dickie Franks, gần cuối bữa ăn Dickie cho Wynne biết mình là người của Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh Quốc MI-6 rồi đề nghị Wynne trong chuyến đi Liên Xô sắp tới, sẽ rất hữu ích cho nước Anh nếu Wynne đồng ý tham dự buổi hội thảo do Ủy ban Nhà nước Liên Xô tổ chức với nội dung: “Các cơ hội liên kết chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”.

Nhiệm vụ của Wynne sau khi quay lại nước Anh chỉ là “tường thuật đầy đủ về buổi hội thảo”, còn làm cách nào để Wynne có thể tham gia thì theo Dickie, ông ta sẽ lo liệu hết.

Trong hồi ký “Người đến từ Moscow”, Wynne viết: “Tôi nhận lời vì thấy đề nghị của Dickie vô hại. Hơn nữa tôi hy vọng có thể tìm thêm khách hàng dù tôi thắc mắc vì sao MI-6 lại quan tâm đến một sự kiện chẳng liên quan gì đến chính trị”.

Và thế là trong chuyến đi Moscow vào tháng 12, theo chỉ dẫn của Dickie, Wynne gặp Đại tá Oleg Penkovsky thuộc Cơ quan Tình báo đối ngoại Xôviết (GRU) rồi được Oleg ghi tên vào danh sách những doanh nhân nước ngoài tham dự hội thảo.

Tại cuộc tiếp xúc sau đó trong một công viên, trước ngày Wynne trở về Anh, Oleg nhờ Wynne chuyển giúp một món quà đến Dickie, là một quả trứng Phục sinh bằng gỗ, chạm khắc và sơn phết rất đẹp.

Trong hồi ký, Wynne viết: “Tôi trở về Anh bình thường như những chuyến đi trước đây. Hải quan Liên Xô có vẻ không chú ý đến quả trứng bởi lẽ nó là vật lưu niệm mà hầu hết khách nước ngoài đều mua khi đến thăm nước Nga”.

Tuy nhiên, khi gặp và giao cho Dickie quả trứng, Wynne mới biết bên trong quả trứng có một đoạn vi phim, chứa đựng những thông tin tuyệt mật về nước Nga. Đến lúc ấy, Wynne lờ mờ hiểu rằng Dikie muốn sử dụng ông như một điệp viên mặc dù ông chưa hề trải qua trường lớp đào tạo.

Wynne bị bắt với tội danh gián điệp.

Vẫn theo lời Dickie, Oleg đang trong tâm trạng bất mãn vì không được thăng tiến trong sự nghiệp nên ông ta sẵn sàng tiết lộ những thông tin quân sự bí mật của Liên Xô cho Anh và Mỹ với hy vọng hai quốc gia này sẽ đồng ý để ông ta cùng gia đình tỵ nạn chính trị kèm theo những món tiền thưởng hậu hĩnh.

Vẫn trong hồi ký, Wynne viết: “Tôi lo sợ vì tôi đang tự đặt mình vào tình huống rất nguy hiểm nhưng nếu tôi không làm theo MI-6, cánh cửa kinh doanh của tôi có thể sẽ vĩnh viễn đóng lại”.

Tháng 6-1961, Oleg Penkovsky dưới vỏ bọc doanh nhân cùng một số nhân vật thuộc các tập đoàn công nghiệp Liên Xô đến London, Anh trong một chuyến thăm viếng ngoại giao, tìm kiếm đối tác. Vẫn dưới sự sắp xếp của Dickie, Oleg và Wynne gặp nhau.

Theo lời Oleg thì trong chuyến đi này, Oleg làm nhiệm vụ theo dõi an ninh những người trong đoàn và trước khi gặp Wynne, ông ta đã phải trả lời hàng chục câu hỏi của các nhân viên tình báo Anh, Mỹ về những diễn biến chính trị cùng tiềm năng quân sự của Liên Xô.

Sự năng động, nhiệt tình của Oleg khi cung cấp những thông tin ấy đã khiến cả MI-6 lẫn CIA đều hài lòng nên họ quyết định Wynne sẽ là đầu mối duy nhất tiếp cận với Oleg mỗi khi Wynne đến Liên Xô.

Trong hồi ký, Wynne viết: “Giữa tôi và Oleg dần dà nảy sinh tình cảm thân thiết. Tôi đưa ông ấy đi thăm nhiều nơi, ăn uống ở nhà hàng và giải trí trong các câu lạc bộ đêm (night club). Chúng tôi kể cho nhau nghe về thời thơ ấu, về quê hương của mình. Tôi thì thấp bé còn Oleg cao lớn, một sự tương phản kỳ lạ…”.

Tháng 9-1961, một lần nữa Oleg tháp tùng đoàn doanh nhân Nga đến Paris, Pháp. Chỉ 2 hôm sau, Wynne cũng sang Paris rồi được Oleg trao cho nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có bản danh sách và ảnh của 300 điệp viên thuộc Cơ quan Tình báo đối ngoại Liên Xô GRU dưới dạng vi phim.

Không rõ MI-6 và CIA thưởng cho Oleg bao nhiêu nhưng theo Wynne thì Oleg có rất nhiều tiền, thậm chí ông ta còn đưa cho Wynne 500 bảng Anh (tương đương 12 nghìn bảng hiện nay) để Wynne sửa sang một phần trong căn nhà của mình thành một quầy rượu, sau này có chỗ lui tới vì cả Oleg lẫn Wynne đều thích uống rượu.

Đại tá GRU, Oleg Penkovsky ra tòa vì phản bội tổ quốc.

Sa lưới

Sau lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 1962, Wynne quay lại Moscow vẫn với danh nghĩa ký hợp đồng bán thiết bị điện nhưng lần này, theo lệnh của Dickie, Wynne giới thiệu Oleg với một đầu mối khác. Đó là bà Janet Chisholm, vợ của một điệp viên MI-6 nằm vùng.

Trong hồi ký, Wynne viết: “Bởi vì mỗi năm tôi chỉ sang Liên Xô 2 hoặc 3 lần trong lúc MI-6 và CIA cần những tin tức cập nhật nhanh chóng nên họ mới sử dụng điệp viên địa phương”.

Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Janet và Oleg diễn ra tại một ghế đá trong công viên rồi sau khi trao đổi mật khẩu nhận diện, Oleg làm như vô tình đánh rơi một hộp kẹo vào chiếc xe đẩy, nơi có đứa con út của Janet đang nằm. Trong hộp kẹo có 7 cuộn vi phim, chụp những kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Một lần khác, Oleg giả như người đi dạo, lướt ngang Janet trong công viên rồi nhanh chóng nhét vào túi áo khoác của bà này một gói thuốc lá, bên trong cũng có những cuộn vi phim chụp một số điểm bố trí tên lửa hạt nhân.

Ít phút sau, bà Janet đến một bốt điện thoại công cộng, nhét đồng 2 xu vào máy rồi quay số gọi Đại sứ quán Anh nhưng khi chuông reo vừa đúng 2 lần thì Janet cúp máy, dấu hiệu ngầm báo cho người Anh biết bà đã nhận được “hàng”.

Trước đó, năm 1961, Geogre Blake, sĩ quan MI6 nhưng bí mật làm việc cho Cơ quan An ninh Liên Xô KGB tiết lộ cho KGB biết có một điệp viên MI6 nằm vùng tại Moscow và một điệp viên khác là cầu nối, thường xuyên đi lại giữa London và Moscow để nhận tài liệu từ một nhân vật cao cấp ở GRU.

Theo yêu cầu của KGB, với cấp hàm đại tá nên Geogre Blake dễ dàng moi được thông tin từ những đồng nghiệp trong MI-6 về “điệp viên cầu nối và nhân vật GRU cao cấp”.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, KGB chụp được ảnh Oleg và bà Janet gặp nhau trong công viên. Tuy cuộc gặp giữa Oleg và Janet chưa nói lên điều gì cụ thể nhưng từ đó, KGB phối hợp với GRU hủy bỏ tất cả những chuyến đi nước ngoài đối với Oleg đồng thời chuyển Oleg từ công việc theo dõi an ninh trong các đoàn doanh nhân sang bộ phận thu tin từ các đài phát thanh nước ngoài như BBC, VOA, Radio France…, một công việc vô thưởng vô phạt (Geogre Blake sau này bị MI-6 bắt vì phát hiện làm gián điệp hai mang cho Liên Xô).

Tháng 7-1962, khi mất liên lạc với Oleg, MI-6 cử Wynne sang Moscow. Tại khách sạn, Wynne nhận ra rằng hành lý của ông bị khám xét lúc rời khỏi phòng để ra ngoài ăn uống. Chưa hết, Wynne còn biết có vài người lạ mặt luôn theo dõi mình nên ông bỏ ý định gặp Oleg.

Trong hồi ký, Wynne viết: “Tôi làm việc với một số công ty thương mại Nga như những lần trước. Xong là tôi về phòng. Tôi cố chứng tỏ với những người theo dõi tôi rằng tôi chỉ là một doanh nhân. Tôi điện thoại về London cho Dickie theo số máy an toàn (nghĩa là số máy của một công ty thép hợp pháp) rồi báo rằng “hợp đồng chưa ký xong” (nghĩa là không gặp được Oleg).

Wynne khi được trao đổi tại một trạm kiểm soát cạnh bức tường Berlin.

Ngày 29-10-1962, chỉ vài giờ sau khi nổ ra vụ khủng hoảng tên lửa do Liên Xô đặt ở Cuba, hậu quả của việc những người Cuba lưu vong được CIA yểm trợ, đổ bộ lên Vịnh Con Lợn nhằm lật đổ chính quyền do Fidel Castro lãnh đạo, theo lệnh MI-6 Wynne đến Budapest, Hungary - là quốc gia trong khối Xã hội chủ nghĩa để tham dự một cuộc triển lãm các thiết bị công nghiệp do Anh Quốc chế tạo.

Sau đó Wynne sẽ cùng những người trong đoàn triển lãm này đi Moscow - cũng để tổ chức triển lãm. Tại Moscow, Wynne sẽ tìm cách gặp Oleg rồi với giấy tờ giả do MI-6 cung cấp, Wynne sẽ ghép Oleg vào đoàn triển lãm để đưa ông ta về Anh.

Trong hồi ký, Wynne viết: “Ngay khi tôi vừa bước lên hành lang dẫn vào khu triển lãm thì có 4 người đàn ông áp sát tôi. Một trong số họ hỏi nhỏ bằng tiếng Anh: “Ông là Wynne?”. Tôi vừa đáp: “Vâng” thì liền lập tức, họ đẩy tôi vào một chiếc xe hơi. Tôi bị bắt phải nằm xuống sàn xe, tay bị còng”.

Được đưa đến trại giam, các nhân viên KGB kiểm tra thân thể, quần áo, giày vớ của Wynne để tìm kiếm tài liệu. Mờ sáng hôm sau, họ đưa Wynne lên máy bay đi Moscow rồi tống ông ta vào nhà tù Lubyanka khét tiếng. Trong suốt 18 tháng, KGB liên tục thẩm vấn Wynne về những hoạt động gián điệp. Đến lúc ấy, Wynne mới biết 1 tuần trước khi ông ta đi Budapest, KGB đã bắt Oleg.

Ra tòa, Wynne bị kết án 8 năm tù với tội danh gián điệp còn Oleg bị tuyên án tử hình vì phản bội tổ quốc. Tổng cộng Oleg đã cung cấp cho tình báo phương Tây 111 cuộn vi phim chứa đựng những bí mật quân sự của Liên Xô cùng khoảng 10.000 trang báo cáo tình báo cũng dưới dạng vi phim và 140 tiếng đồng hồ trả lời những câu hỏi trực tiếp. Theo MI-6, đây là “hoạt động tình báo hiệu quả nhất từng được MI-6 và CIA tiến hành nhằm vào Liên Xô”.

Vài tháng sau khi Wynne bị kết án, qua nhiều cuộc tiếp xúc bí mật giữa Cơ quan tình báo MI-6 và Cơ quan An ninh KGB, Liên Xô đồng ý phóng thích Wynne để đổi lấy điệp viên Gordon Lonsdale lúc ấy đang bị người Anh bắt giữ.

Vụ trao đổi diễn ra tại một trạm kiểm soát nằm ngay bức tường Berlin ngăn cách giữa Đông và Tây Đức. Xuất hiện với cái đầu cạo trọc, Wynne đùa với các nhân viên MI-6 làm nhiệm vụ trao đổi, rằng “đây là kiểu tóc mốt nhất ở nhà tù Lubyanka”.

Sau khi được phóng thích, cuộc sống của Wynne trở nên khó khăn vì công việc kinh doanh không còn nữa. Và cũng vì Wynne là “điệp viên bất đắc dĩ” nên MI-6 chỉ hỗ trợ cho ông ta một ít tiền nhưng bù lại, cuốn hồi ký “Người đến từ Moscow” trở thành “Best Seller - sách bán chạy nhất” nhưng trong đó, có nhiều chi tiết Wynne bịa đặt nhằm tô vẽ cho vai trò của mình, chẳng hạn như ông ta và Oleg đã cùng đi trên một máy bay phản lực quân sự Anh Quốc từ London đến Washington, DC, Mỹ để gặp người chỉ huy CIA rồi lại trở về London chỉ trong 18 tiếng; nhưng năm 1961, không hề có loại máy bay phản lực nào có thể bay khứ hồi Anh-Mỹ với thời gian nhanh như vậy!

Wynne qua đời năm 1990 ở tuổi 71 vì ung thư vòm họng trong tình trạng suy sụp, túng thiếu. Trước đó, ông ta ly dị vợ, bỏ bê đứa con trai. Do nghiện rượu nặng nên Wynne luôn bạo hành người vợ thứ hai. Ông ta chết trong sự ghẻ lạnh của gia đình với một dòng cáo phó bé tí trên tờ Thời báo…

Từ khóa » điệp Viên Của Nhà Nước