Khí Hậu Tỉnh Bạc Liêu? Vị Trí địa Lý, điều Kiện Tự Nhiên Của Bạc Liêu

Nằm về cực Nam Việt Nam thuộc bán đảo Cà Mau trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là một miền đất trẻ do phù sa bồi đắp trải qua nhiều thế kỷ. Bạc Liêu là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho những bãi cát trắng mênh mông, núi non trùng điệp với bao cảnh vật tuyệt đẹp và những con người chất phác, siêng năng, phóng khoáng. Giữa miền Tây náo nhiệt và rộn ràng, hôm nay Dự báo thời tiết sẽ dừng chân lại “vùng xứ sở của công tử Bạc Liêu” để cùng khám phá về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu

MỤC LỤC

Vị trí địa lý của tỉnh Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu nằm ở Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tọa độ từ 9o00’00’’ đến 9o37’30’’ vĩ độ Bắc và từ 105o15’00’’ đến 105o52’30’’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với bờ biển dài 56km.

Vị trí địa lý tỉnh Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu ngày nay có diện tích 2.520,6km², chiếm 1/16 diện tích đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu có tỉnh lỵ là thành phố Bạc Liêu (nâng cấp từ thị xã Bạc Liêu ngày 27-8-2010 trên cơ sở dân số, diện tích tự nhiên và các đơn vị hành chính trực thuộc) và 6 huyện Hòa Bình (lập từ tháng 7 năm 2005), Đông Hải, Giá Rai, Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi.

Bạc Liêu nằm ở vị trí trung chuyển trên tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng của cả nước (quốc lộ 1A), cách thành phố Cần Thơ khoảng 110km và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280km về phía Bắc; hiện nay còn có các tuyến đường mới như Nam Sông Hậu, Ngã Bảy - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu trong sự giao lưu, phát triển kinh tế.

Đặc điểm khí hậu tỉnh Bạc Liêu

Bạc Liêu nằm ở vĩ độ thấp, trong khu vực gió mùa nên khí hậu Bạc Liêu mang tính chất cận xích đạo gió mùa (nhiệt đới gió mùa) rất điển hình, với nền nhiệt cao và ổn định, biên nhiệt dao động trong năm nhỏ, lượng mưa lớn, mưa theo mùa và thất thường. Thời tiết Bạc Liêu chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô (mùa nắng) bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau; mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10, tháng 11.

  • Nhiệt độ

Do góc nhập xạ quanh năm lớn nên tổng lượng bức xạ Mặt Trời lớn. Nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng 26 - 27oC. Tháng nóng nhất là tháng 5 với nhiệt độ 35 - 36oC và tháng thấp nhất là tháng 1 với nhiệt độ 20oC. Biên độ nhiệt năm trung bình khoảng 3,6oC.

  • Lượng mưa

Bạc Liêu có lượng mưa vào loại trung bình so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lượng mưa trung bình năm khoảng trên 1700 mm/năm.

Mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), chiếm khoảng hơn 93% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể.

Mưa không đều giữa các địa phương trong tỉnh, lượng mưa giảm dần từ tây sang đông, giảm dần từ nội địa ra biển và không đều theo các năm, có năm mưa nhiều, có năm mưa ít. Mưa thường diễn ra theo từng đợt, một đợt mưa có thể kéo dài từ 7 ngày tới 20 ngày, trường hợp cá biệt có thể tới hơn 1 tháng. Bên cạnh đó, đầu và cuối mùa mưa thường xuất hiện hiện tượng giông kèm sấm sét rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của nhân dân.

Biểu đồ lượng mưa và nhiệt độ theo tháng của tỉnh Bạc Liêu (nguồn: Climate-data.org)

  • Gió

Nằm trong khu vực gió mùa nên Bạc Liêu có hai mùa gió:

- Gió mùa mùa hạ: Thổi từ cuối tháng 4 đến tháng 10, hướng gió chủ yếu là Tây và Tây Nam mang theo lượng mưa lớn cho vùng. Bạc Liêu ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Vào mùa này, đôi khi có hiện tượng giông sét và vòi rồng, có gió giật mạnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống nhân dân.

- Gió mùa mùa đông: Hoạt động từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Hướng gió chính là hướng Đông, ngoài ra có gió thổi theo hướng Đông Bắc (thường vào tháng 11 và tháng 12), Đông Nam (thổi vào tháng 2, 3, 4) và hướng Đông Bắc (thổi xen kẽ với gió Đông và Đông Bắc trong tháng 11 và tháng 12). Những tháng chuyển tiếp từ chế độ gió mùa mùa hạ qua gió mùa đông thường xuất hiện gió Đông và Tây.

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu

  • Địa hình

Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng, không có đồi, núi chính và thấp vì lẽ đó cũng không có các chấn động địa chất lớn. Địa hình chủ yếu là đồng bằng, sông rạch và kênh đào chằng chịt. Độ cao khoảng từ 0,8 đến 1,5m so với mặt biển. Hướng nghiêng địa hình từ đông bắc xuống tây nam, độ nghiêng trung bình từ 1 đến 1,5 cm/km.

Thềm lục địa mở rộng, biển nông và bãi biển thoải từ 30 đến 70, dòng biển Đông Bắc ổn định, có vai trò quan trọng trong bồi tụ, mỗi năm mở rộng thêm ra biển hơn 30m tạo nên các bãi bồi. Bãi bồi mở tới đâu thì rừng ngập mặn tiến ra tới đó. Tuy nhiên, đoạn từ Ấp Gò Cát (xã Điền Hải) tới thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) lại đang diễn ra quá trình sạt lở cửa sông và bờ biển lại rất mạnh, khoảng 10m/năm.

  • Hệ thống sông ngòi

Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi, kênh đào chằng chịt có vai trò quan trọng trong tưới tiêu, thâm canh, tăng vụ, đặc biệt là rửa phèn, rửa mặn cho đất, cơ bản chia làm hai nhóm như sau:

- Nhóm 1: chảy ra hải lưu phía nam, gồm: sông Gành Hào (dài 55km) có các nhánh là rạch Giồng Ké, rạch Lộ, rạch Nhà Thờ, rạch Cái Keo, rạch Gốc,...; sông Mỹ Thanh (70km) có các nhánh là rạch Lé, rạch Bạc Liêu, rạch Trò Nho, rạch Trà Niêu, rạch Trà Teo, trong đó rạch Bạc Liêu dài 35 km.

- Nhóm 2: chảy ra sông Ba Thắc (thường gọi là sông Hậu, tức Hậu Giang). Nhóm này gồm rạch Ba Xuyên và các nhánh nhỏ của rạch Ba Xuyên.

Vẻ đẹp của sông Gành Hào tỉnh Bạc Liêu

Chế độ nước của các dòng sông phụ thuộc vào chế độ triều và chế độ mưa. Đây là điều kiện thuận lợi để Bạc Liêu phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản, làm muối và mở rộng diện tích rừng ngập mặn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thuỷ triều cũng làm cho nhiều vùng đất đang bị xâm nhập mặn, triều cường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng phía Nam Quốc lộ 1.

  • Tài nguyên thiên nhiên

Được thiên nhiên ưu đãi với thời tiết thuận lợi, ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hay thiên tai, lại thường xuyên được phù sa bồi đắp lấn ra biển Đông nên Bạc Liêu trở thành một vùng đất trù phú với những đồng lúa mênh mông, những cánh đồng muối trắng ngần ven biển hay những vườn cây trái sum suê, đặc biệt loại nhãn da bò nổi tiếng khắp vùng. Nơi đây còn được biết đến với những dãy rừng phòng hộ như những chiến sĩ tiền tiêu kiên cường bám trụ, giữ đất và lấn biển, một vườn chim còn nguyên nét hoang dã của thiên nhiên. Bạc Liêu còn sở hữu một bờ biển dài 56km có diện tích vùng biển đến 40.000km², là một ngư trường phong phú với 661 loài cá gồm 319 giống thuộc 138 họ, trong đó nhiều loài có trữ lượng và giá trị cao như cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường…, riêng họ tôm có đến 33 loài khác nhau. Bờ biển thấp và phẳng rất thích hợp để phát triển nghề làm muối, trồng trọt hoặc nuôi tôm, cá. Hàng năm, sự bồi lấn biển ở Bạc Liêu ngày một tăng, đây là điều kiện lý tưởng cho Bạc Liêu phát triển thêm quỹ đất, đồng thời là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển.

Vườn chim Bạc Liêu - Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và điểm tham quan hấp dẫn

Bài viết trên đây đã cung cấp đến các bạn đọc những thông tin về vị trí địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu. Với khí hậu chan hòa cùng với những hệ thống sông rạch phong phú đi qua các vùng cây ăn trái và các vườn chim, Bạc Liêu đã có những thuận lợi nhất định trong phát triển du lịch sinh thái và du lịch biển, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khắp bốn phương.

Từ khóa » Vị Trí Bạc Liêu