Khi Hỏi 'làm ăn được Không', Người Nam Thường Nói 'lai Rai', Vì Sao?

Khi hỏi làm ăn được không, người Nam thường nói lai rai, vì sao? - Ảnh 1.

Do tính chất công việc, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người, nhất là vào những ngày cuối cùng của năm.

Gặp một chị bán dưa Tết, tôi hỏi thăm từ đầu mùa cao điểm tới giờ bán được không, chị trả lời bằng cái giọng miền Tây ngọt ngào: "Lai rai à em ơi!".

Đi chợ ngày giáp năm, tính mình cởi mở nên hay bắt chuyện tình hình làm ăn dạo này của các chị, các bà tiểu thương ra sao, cũng chỉ nghe 2 tiếng "lai rai" lặp đi lặp lại.

Ngồi sau một anh xe ôm ngày giáp Tết, tôi lại hỏi: "Sáng giờ Tết nhứt chạy được không?" lại nhận được câu trả lời cũ: "Lai rai thôi!"

Hay gần đây, trước trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan tại giải Vô địch U23 châu Á, tôi ra Chợ Lớn mua cờ sỉ về bán ở trung tâm TP. Những người bán hàng ở đây dù rất chạy nhưng khi bắt chuyện buôn bán được không thì cũng nói "lai rai".

Tôi không hiểu "lai rai" hay những từ gần nghĩa như "đủ sống", "tàm tạm", "vừa vừa" phải chăng đã trở thành câu trả lời mặc định của người dân miền Nam cho những câu hỏi về tình hình làm ăn?

Vì sao họ không trả lời bằng một con số cụ thể như năm qua để dành được 20, 30 triệu, hay ít nhất bằng một tính từ cụ thể hơn: khá lắm, tốt lắm, hay thất lắm, bèo lắm… mà lại dùng những từ có ý chung chung, bình bình như "lai rai"?

Họ đang khiêm tốn hay đang muốn giữ bí mật câu trả lời thực sự?

Họ lo lắng về thu nhập của mình trong năm qua có thể bị người khác chê cười: "Xời! Có nhiêu đâu mà nói ra?" hay đang ngại người khác phê bình mình khoe khoang, "nổ cốm" mới nói "hụych toẹt" tình hình làm ăn như thế nào?

Hoặc phải chăng họ sợ rằng khi nói ra làm ăn khắm khá, năm sau sẽ không được phù hộ nữa?

Tôi tự hỏi trả lời "lai rai" có từ bao giờ? Và như thế là tốt hay xấu?

Ai biết, trả lời giúp!

Góc chia sẻ mới

Với góc chia sẻ này, các bạn có thể gửi tất cả thắc mắc lâu nay của mình, ở mọi vấn đề, đề tài trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như những kiến thức khoa học thường thức, văn hóa nghệ thuật...

Và các bạn bằng kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống của mình cũng thoải mái trả lời những thắc mắc của người khác.

Tuổi Trẻ Online tôn trọng và đăng tải những thắc mắc (hỏi) lẫn trả lời (đáp) chân thành, thuyết phục của các bạn, miễn không xúc phạm người khác. Thân mời bạn tham gia!

Từ khóa » Khắm Khá