Khi Khẩn Cấp Nhớ Niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát - HT. Tuyên Hóa

Trong giờ phút khẩn cấp hiểm nghèo, niệm được một câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát thì bằng cả trăm vạn câu niệm trong lúc bình thường. Tại sao vậy? Bởi trong lúc không có gì nguy hiểm, lời mình niệm chưa đủ tha thiết, lòng mình chưa đủ thành khẩn. Cho nên, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải hết lòng kiền thành, hết lòng chân thực, thì cảm ứng đó mới thật là không thể nghĩ bàn.

Hôm nay tôi xin truyền cho quý vị một yếu quyết. Ðó là yếu quyết để áp dụng trong giờ phút thật khẩn cấp. Gặp những trường hợp đó chúng ta phải giữ bình tĩnh, đừng hốt hoảng, chuyện sống chết hãy tạm gác một bên. Lúc ấy chỉ một lòng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn sự hiểm nguy sẽ hóa thành tốt lành, thoát khỏi ách nạn.

Trong giây phút khẩn trương, chúng ta hãy nghĩ rằng: “Ðàng nào cũng chết, vậy trước khi chết ta hãy dốc lòng niệm Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, biết đâu đó là niềm hy vọng.” Hành động như thế, tức là từ hiểm nguy mà gặp may mắn.

  • Niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát.
  • Chú Đại Bi nhiệm mầu.
  • Linh ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
  • Chú Đại Bi và Đại Bi Ấn Pháp.
  • Cảnh tỉnh về tu tập 42 thủ nhãn ấn Pháp.
  • Cuộc đời& đạo nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Khi khẩn cấp nhớ niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Khi khẩn cấp nhớ niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Lúc sanh tử hiểm nghèo nên Niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Khi đi máy bay, gặp lúc trên không máy bay gặp nạn, sắp bị rớt. Ngay lúc đó chúng ta hãy niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì rằng Ngài Quán Thế Âm là một vị Bồ tát chuyên cứu khổ cứu nạn, một vị Bồ tát có cầu có ứng. Nếu chẳng niệm danh hiệu Ngài, thì sanh mạng của chúng ta vô cùng nguy hiểm, không còn hy vọng gì nữa. Lúc đó chúng ta đem hết lòng thành niệm, cảm ứng tới đức từ bi của Ngài, thì toàn thể sanh mạng trên máy bay được cứu vớt. Vào thất Quán Âm chúng ta cũng phải khởi lên những ý tưởng như vậy để hạ công phu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Chúng ta lại tưởng tượng khi đi xe lửa và giả thử ngay khi biết xe lửa trật đường ray. Trong khoảng thời gian đường tơ kẽ tóc đó, nếu chúng ta không niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, toàn thể hành khách trên chuyến xe đó đều gặp nạn tử vong. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là phát ra lời kêu cứu. Bồ-tát nghe được tiếng kêu thì dầu có cách xa cả vạn ngàn sông núi, Ngài cũng tới ngay, tiếp cứu chúng ta ra khỏi khổ nạn. Thật linh nghiệm vô cùng.

*

Lại tưởng tượng chúng ta đi tàu trên biển, chẳng may gặp cảnh tàu sắp đắm, cái nguy cơ gửi thân trong bụng cá. Trong phút nguy cấp ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Tới phút chót cũng niệm, tới giây chót cũng niệm. Nếu được như vậy, nhất định là hung hóa cát.

Lại giả thử ta ngồi trên xe hơi đang chạy nhanh trên đường. Hốt nhiên xe không thể làm chủ được nữa, bay qua lề đường bên bờ vực sâu, vách dựng thẳng đứng. Xe hơi mà rớt xuống đáy vực thì là hết đời, xương tan thịt nát. Ngay lúc đó nếu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, với tất cả lòng thành khẩn, xe hơi sẽ đáp xuống an toàn; kinh hoàng nhưng không nguy hiểm. Ðây chính là sự cảm ứng của pháp niệm Quán Âm.

*

Vừa rồi tôi có nói với Quả Khiêm rằng: “Ngày nay ở tại Vạn Phật Thành này con có niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì hãy tưởng tượng như khi ở trên thuyền mà thành tâm khẩn niệm, tất sẽ có cảm ứng. Hồi đó, trong lúc sóng to gió lớn, nguy hiểm vạn phần như vậy. Nếu không niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì đâu còn hy vọng có ngày nay. Có niệm Quán Âm mới có phần hy vọng, hoặc giả được cứu vớt. Cho nên đã hết lòng khẩn niệm thì cuối cùng tai nạn sẽ vượt qua, gió im sóng lặng, đến được bến bờ. Bây giờ con niệm Quán Thế Âm còn để thì giờ để nghỉ ngơi, ấy là vì nay không còn ở trong cảnh ngộ nguy hiểm như trước.” Sự thực thì:

Một ngày qua đi, mạng cũng giảm dần,

Như cá thiếu nước, có gì mà vui!

Ðại chúng!

Phải lo tinh tấn, cứu lấy cho mình.

Nghĩ tới vô thường, chớ đừng phóng dật!”

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tùy nơi tùy lúc mà niệm. Nói một cách khác, đi, đứng, nằm, ngồi, đều niệm được cả. Miệng niệm hay tâm niệm, công đức cũng ngang nhau. Đừng khởi tâm phân biệt, lúc nào cũng tùy duyên. Phải nhớ rằng chờ tới lúc mạng chung mới niệm thì đã quá muộn, không còn cơ hội nữa. Vì vậy mới có câu: “Nghĩ tới vô thường, chớ đừng phóng dật.”

Tại sao chúng ta nên niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát?

Tại sao chúng ta phải niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát? Bởi vì đối với chúng sanh ở cõi Ta bà Ngài đều có nhân duyên. Ngài là vị Bồ tát tầm thanh cứu khổ và cứu nạn.

Có người nghĩ rằng: “Khi nào chúng ta gặp khổ và gặp nạn chúng ta mới cần cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Bây giờ không gặp cảnh khổ cũng không gặp cảnh nạn thì niệm danh hiệu của Ngài làm gì?”

Nói vậy hóa ra chúng ta chẳng khổ chút nào ư? Ðây là ngũ trược ác thế: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mệnh trược – Các chúng sanh đều bị khổ cả, khổ không thể nói hết. Rồi trong vòng luân hồi, các chúng sanh lên lên xuống xuống, vậy mà không phải khổ sao?

Một ngày, từ sáng tới tối trong tâm toàn là vọng tưởng thôi thúc, đấy chẳng phải là cảnh khổ ư? Rồi lo âu cho riêng mình, muốn có lợi cho riêng mình. Nhưng lo không được thì ngủ không an; cầu chẳng được thì ăn không ngon. Vậy mà nói là chẳng khổ ư? Ai dám đoan quyết rằng mình chẳng khổ? Họ chẳng khổ vì điều này thì lại khổ vì điều khác, tóm lại khổ bất ly thân. Trừ phi vạn sự đều buông bỏ, chẳng cầu điều gì họa may mới không khổ.

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát có Ý Nghĩa thế nào

Chúng ta niệm câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa câu này. Nam mô là tiếng Phạn, có nghĩa là quy mạng. Quán là quán sát, lấy diệu quan sát trí để quán sát. Ai có diệu quan sát trí? Ngài Quán Thế Âm, vì Ngài có loại trí huệ đó. Cho nên đối với hết thảy mọi âm thanh của thế gian Ngài đều hay, đều thấy, không hề bị lầm lẫn. Chữ Thế là chỉ thế gian. Âm là âm thanh.

Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu pháp môn phản văn văn tự tánh. Cho nên Ngài dùng tâm để quán sát tiếng kêu cứu của các chúng sanh trong thế gian. Khi Ngài nghe được sẽ tức khắc phân thân đến nơi để cứu độ nạn nhân ra khỏi bể khổ; thoát được khổ và được vui sướng, cho nên có câu kệ rằng:

Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng,

Khổ hải thường tác độ nhân chu.

Nghĩa là:

Ngàn nơi cầu, ngàn nơi ứng,

Ngài là thuyền vớt người trong bể khổ.

Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như các bậc mẹ hiền: Con cái cầu mẹ thì sẽ được mẹ cứu, không dến nỗi bị thất vọng bao giờ. Cho nên Ngài có danh hiệu là Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.

*

Chữ “Bồ tát” có một nửa là tiếng Phạn, nói cho đủ là Bồ đề tát đỏa. Dịch nghĩa thành Giác-hữu-tình hay Hữu-tình-giác, cũng nghĩa tương tự. Giác là giác ngộ, hữu tình chỉ chúng sanh. Giác-hữu-tình tức là một chúng sanh trong số người giác ngộ, hoặc kẻ giác ngộ trong số chúng sanh. Bồ-tát thuộc hàng thánh tự giác giác tha – Tự mình giác ngộ và giúp người khác giác ngộ – Không tự tư tự lợi, một lòng chỉ nghĩ tới hạnh phúc của chúng sanh, mà quên lợi ích của riêng mình. Ðó chính là tinh thần vô ngã.

Như chúng ta muốn cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ và phù hộ cho mình thì chúng ta phải thực lòng niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Lúc đó trong lòng mới thành khẩn và tác dụng cảm ứng mới phát sanh ra được. Lúc đó Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ nghe tiếng kêu cầu và tới nơi để cứu độ chúng ta ra khỏi bể khổ. Ngược lại nếu sự kêu cầu không thành tâm, hay lẫn lộn với những ý tưởng cầu danh cầu lợi, thì chẳng thể có cảm ứng.

*

Nay chúng ta niệm thánh hiệu: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Ta nên giữ lòng thanh tịnh, niệm một cách khẩn thiết và chí thành. Không vì lợi ích riêng tư, mà chính vì lợi ích cho tất cả chúng sanh trong cõi ngũ trược ác thế này. Chúng ta cầu Ngài rủ lòng từ bi tế độ, khiến cho toàn thể nhân loại trên thế giới khỏi ách nạn, tội diệt phước sanh, tất cả đều được lợi ích.

Tất cả mọi người cùng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Cùng hướng theo một tôn chỉ như vậy, ắt sức mạnh cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Nào! Quý vị hãy đem mọi công đức niệm thánh hiệu hồi hướng tới khắp chúng sanh trong pháp giới! Chính là:

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Ðệ tử và chúng sanh,

Ðều trọn thành Phật đạo.

Niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Trong Tự Tánh 

Nay chúng ta chuyên tâm một lòng niệm Ngài Quán Âm Bồ Tát. Ta cũng phải niệm Ngài Quán Âm trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta phải nghĩ rằng ở bên ngoài có cái gì, bên trong cũng có cái đó. Như ở bên ngoài có Quán Thế Âm Bồ Tát thì bên trong cũng có Quán Thế Âm Bồ Tát. Bởi vậy, khi niệm Ngài Quán Âm, ta phải làm sao niệm cho trong và ngoài là một, không phải hai.

Trong tự tánh của chúng ta, đã gồm đủ mọi đức tánh của vô lượng chư Phật, đông như số cát sông Hằng. Cho nên khi miệng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trong lòng cũng phải chí thành tha thiết; mọi tạp niệm đều chẳng sanh, mọi vọng niệm đều dứt bặt; và chỉ nhất tâm chuyên chú vào niệm. Không mong ước điều gì, không tham một sự gì, cũng chớ nên có ý nghĩ: “Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để làm gì?” Phải coi việc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chính là một tự tánh bổn phận.

Chúng ta niệm đến trình độ “niệm mà chẳng niệm, chẳng niệm mà niệm.” Đó là cảnh giới tự tánh Quán Thế Âm hiện tiền, kết thành một khối, quên người quên mình. Như vậy còn chỗ nào là phiền não nữa? Còn chỗ nào là vô minh?

*

Ðến cảnh giới vô ngại tự tại thì đại viên kính trí sẽ hiển lộ, bình đẳng tánh trí sẽ hiện tiền; rồi diệu quan sát trí cũng như thành sở tác trí đều đầy đủ. Có đủ bốn trí, nhưng chỉ mới tới giai đoạn đầu. Bởi trong bốn trí còn trăm ngàn vạn loại khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Chẳng phải mới thấy các trí xuất hiện mà cho rằng chúng cùng với bốn trí của chư Phật là giống nhau. Bất luận ở giai đoạn nào, tới được quả vị nào, thứ bậc không phải nhất loạt ngang nhau.

Người tu hành phải hiểu rõ ý nghĩa “sai một ly đi một dặm.” Phải tự nhắc mình dụng công đi đúng hướng, tránh rẽ ngang; khỏi đi vào bàng môn ngoại đạo, và lầm vào tình trạng tà tri tà kiến. Phải luôn luôn giữ chánh tri chánh kiến, tức chánh niệm mới hiện tiền.

Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của chúng ta; chớ không phải niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của người khác. Thế nào gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát của ta? Chính là ta với Quán Thế Âm Bồ Tát là cùng một thể! Niệm như vậy, nghĩa là ta cũng có đức từ bi, cũng có hỷ xả của Quán Thế Âm Bồ Tát; và cũng đầy đủ “bẩy nạn, hai cầu,” cũng ba mươi hai ứng thân như Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. 

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát khỏi chết

Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi và linh cảm ra sao? Thật là không thể nghĩ bàn. Nếu mọi người chúng ta thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì nhất định nghiệp chướng sẽ tiêu trừ, căn lành sẽ tăng trưởng. Có rất nhiều sự tích nói về sự linh cảm của Ngài. Nay tôi xin kể một chuyện xẩy ra tại đất Mỹ.

Có một bà đến nhà thương để sanh con. Ðây là một trường hợp đẻ khó, nên bác sĩ phải giải phẫu để lấy đứa nhỏ ra. Trong khi mổ người ta cắt phải ống dẫn nước tiểu của sản phụ mà không hay biết. Sau khi mổ và khâu lại, người sản phụ về nhà được mấy ngày mà không hề đi tiểu tiện, thân thể sưng lên.

*

Thấy sự việc xảy ra bất thường bà này bèn đến bác sĩ hỏi bệnh. Thế nhưng bác sĩ cũng không hiểu là bệnh gì. Sau thấy toàn thân phù thũng, bệnh nhân đành phải đi khám lại bệnh tình. Lúc đó huyết áp đã xuống thấp tới 18 độ, độc tố tích lại cùng mình. Bệnh viện không cách gì chữa trị nên đành nằm chờ chết. Một số thân hữu của nạn nhân gọi điện thoại tới Vạn Phật Thành cầu cứu.

Người ta báo cáo cho tôi hay, tôi bảo họ: Hãy thành tâm niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Họ rất thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ sau phép màu xuất hiện: Phù thũng tiêu dần, huyết áp tăng lên, đường nước tiểu thông trở lại; nạn nhân phục hồi sức khỏe rất nhanh chóng rồi xuất viện. Các sự tích về trường hợp từ cửa tử thần, hay từ bệnh nguy ngập mà hồi sanh; hoặc các chuyện tiêu tai giải nạn, ở tại thành Vạn Phật, kể ra không hết. Nay tôi chỉ kể một câu chuyện đó mà thôi.

(Niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát khi khẩn cấp – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị)

Tuệ Tâm 2021.

5/5 - (4 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Công đức Niệm Quán Thế âm Bồ Tát