QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM GIẢNG KÝ - Ni Giới Khất Sĩ

TRANG KINH ĐIỂN GIẢNG GIẢI

Tổng hợp các bài giảng về Kinh - Luật - Luận

NI GIỚI KHẤT SĨ

Huyền diệu trên đời Pháp rộng sâu, Trăm ngàn muôn kiếp dễ chi cầu. Nay con nghe thấy chuyên trì tụng, Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.  

 

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

PHỔ MÔN PHẨM GIẢNG KÝ

1.1.2.2.4. Năng đắc đa phước (được nhiều phước)

1.1.2.2.4.1. Khuyến trì giảo lượng (so sánh [công đức], khuyên nên trì niệm)

Chánh kinh:

Nhược hữu chúng sanh cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, phước bất đường quyên. Thị cố chúng sanh giai ưng thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu.

若有眾生恭敬禮拜觀世音菩薩。福不唐捐。是故眾生。皆應受持觀世音菩薩名號。

(Nếu có chúng sanh cung kính, lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, phước chẳng luống uổng. Vì thế chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát).

Tiếp theo là phần kinh văn nói [trì danh hiệu Quán Âm] sẽ được nhiều phước. Trước hết là khuyên trì danh hiệu Bồ Tát và so sánh công đức nhiều ít. Phật nói “nếu có chúng sanh” phát tâm “cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát”, kẻ ấy sẽ được phước đức, quyết định chẳng bị luống uổng. Đường () là uổng phí, Quyên () là vứt bỏ. “Bất đường quyên” nghĩa là chẳng nhọc nhằn uổng công vô ích. Vì thế, chúng ta cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, đừng nghĩ là chẳng ích gì cho mình cả, thật ra, cung kính có phước đức của cung kính, lễ bái có phước đức của lễ bái, tuyệt đối chẳng uổng phí, lãng phí thời gian.

Có người vì hằng ngày lễ bái Quán Thế Âm, xưng niệm Quán Thế Âm, nhưng trọn chẳng được Bồ Tát cảm ứng gì, bèn nghĩ lễ niệm Quán Âm vô ích, đã chẳng phát sanh trí huệ, lại còn chẳng tăng trưởng từ bi, càng chẳng đắc Thiền Định, nào biết nghĩ như vậy là lầm. Bởi thế, ở đây đức Phật đặc biệt nhắc nhở chúng ta: Nếu quả thật chân chánh xưng niệm, cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát thì tuyệt đối chẳng luống uổng. Đã như thế thì “thị cố chúng sanh, giai ưng thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu” (vì vậy, chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát). Thọ () là lãnh thọ, chủ yếu là do Tín lực duy trì; Trì () là Ức Trì (nhớ, giữ), chủ yếu là nhờ Niệm lực ghi nhớ. Lãnh thọ nơi tâm, chấp trì chẳng quên, thì gọi là Thọ Trì. Bởi thế thọ trì danh hiệu Bồ Tát là điều mỗi một cá nhân phải tuân thủ, nhớ kỹ.

Bây giờ tôi nêu chuyện của một vị đại đức được cảm ứng trong Cao Tăng Truyện để chứng minh:

Vào đời Tấn ở Trung Quốc, tại Trung Sơn, có vị tăng tên Bạch Pháp Kiều. Lúc niên thiếu, Sư rất thích tụng kinh, nhưng không rõ do nguyên nhân gì, thanh âm cứ bị vướng tắc không thông suốt. Pháp Kiều biết mình nghiệp chướng sâu nặng, bèn kiên định thực hành tuyệt thực, lại còn khẩn thiết chí thành sám hối. Trong bảy ngày bảy đêm kiền thành hướng về Quán Âm Bồ Tát lễ bái cầu nguyện, mong Bồ Tát gia bị khiến cho tiếng tụng kinh của mình thông suốt không trở ngại. Những pháp sư khác thấy Ngài chẳng ăn, chẳng ngủ, khổ nhọc tu hành, có hại cho thân thể nên khuyên Ngài bất tất phải hành xác như thế, nhưng Ngài vẫn cứ hành như vậy, chẳng đổi thay ý niệm ban đầu chút nào.

Đúng là người có tâm thành, Phật, Bồ Tát liền có cảm ứng. Bởi thế, đến ngày thứ bảy, cảm thấy trong họng tự nhiên nhẹ nhàng, biết là Bồ Tát cảm ứng, liền dùng nước súc miệng, đến khi tụng kinh lần nữa, tiếng vang hơn ba dặm. Người xa gần nghe thấy đều cảm thấy rất lạ lùng, người lẫn vật đều đến nghe Ngài tụng kinh. Cho đến năm chín mươi tuổi, thanh âm chẳng biến cải; cho thấy cung kính, lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát có cảm ứng, chẳng uổng phí công lao vậy.

Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Nhược hữu nhân thọ trì lục thập nhị ức hằng hà sa Bồ Tát danh tự, phục tận hình cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược. Ư nhữ ý vân hà? Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân công đức đa phủ?

Vô Tận Ý ngôn:

- Thậm đa! Thế Tôn!

Phật ngôn:

- Nhược phục hữu nhân thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, nãi chí nhất thời lễ bái cúng dường, thị nhị nhân phước, chánh đẳng vô dị. Ư bách thiên vạn ức kiếp bất khả cùng tận.

無盡意。若有人受持六十二億恒河沙菩薩名字。復盡形供養飲食、衣服、臥具、醫藥。於汝意云何。是善男子善女人。功德多不。無盡意言。甚多﹐世尊。佛言。若復有人。受持觀世音菩薩名號。乃至一時禮拜供養。是二人福。正等無異。於百千萬億劫。不可窮盡。

(Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, lại còn suốt đời cúng dường thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc men, ý ông nghĩ thế nào?

Vô Tận Ý đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Phật dạy:

- Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thậm chí là lễ bái cúng dường trong chốc lát, thì phước của hai người này giống hệt như nhau, trong trăm ngàn vạn ức kiếp chẳng thể cùng tận).

Phần trên là khuyên nên trì niệm, còn phần này là so lường công đức. Chúng ta thường ngày trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, rốt cuộc có công đức như thế nào? Đạt được công đức lớn hay nhỏ, chẳng có biện pháp gì biết được, chỉ từ sự so sánh ở đây mới hòng biết được. Tức là nếu so sánh công đức do thọ trì danh hiệu các Bồ Tát khác và công đức thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, ngay lập tức sẽ biết to nhỏ như thế nào.

Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát: “Nếu quả thật có người nào đó phát tâm thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát”: Hằng hà (Ganges) là một con sông lớn ở Ấn Độ, dài đến mấy ngàn dặm, rộng đến bốn mươi dặm, nhưng nước rất cạn. Cát trong sông Hằng rất mịn nhuyễn, kinh Phật mỗi khi nói đến số nhiều thường lấy cát sông Hằng làm ví dụ. Nếu dùng tay bốc lấy một nắm cát, số hạt cát ấy đã nhiều đến nỗi chẳng thể đếm nổi số. Một con sông có bao nhiêu cát càng khó hình dung hơn nữa. Mỗi một hạt cát ví như danh hiệu một vị Bồ Tát, danh hiệu Bồ Tát tượng trưng bởi số cát trong một con sông Hằng đương nhiên đã rất nhiều; nhưng ở đây nào phải nói số cát của hai ba con sông Hằng thôi đâu mà là cát của sáu mươi hai ức con sông Hằng! Số Bồ Tát được hình dung bởi những hạt cát trong các con sông Hằng như thế có thể nói là nhiều vô lượng vô biên. Chúng sanh thọ trì danh hiệu của các vị Bồ Tát nhiều như cát của sáu mươi hai ức sông Hằng, chẳng cần phải nói nữa, trì danh rất nhiều, phước điền cũng rất nhiều.

Không chỉ thọ trì xưng niệm danh hiệu đâu nhé, “phục tận hình cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược” (lại còn suốt đời cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc men), những thứ này gọi là “tứ sự cúng dường”. Lúc Phật tại thế, tín đồ cúng dường chẳng ngoài Tứ Sự. Có bệnh bèn cúng dường thuốc, bình thường thì cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ. Bởi lẽ bốn thứ này đều là những thứ cần thiết để nhân loại sanh tồn; Phật, Bồ Tát và thánh giả La Hán cũng chẳng ngoại lệ. Nhưng cúng dường như vậy phải đâu chỉ một hai ngày, nào phải một hai năm, mà là suốt đời cứ cúng dường như thế. Nếu như năm hai mươi tuổi phát tâm cúng dường, sống đến tám mươi tuổi mới chết thì cúng dường suốt sáu mươi năm. Nói chung, trọn khoảng thời gian mình sống được đều cúng dường tứ sự như thế.

- Thọ trì danh hiệu nhiều như thế là thọ trì rất nhiều, là đại công đức thứ nhất.

- Sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát là phước điền nhiều, là đại công đức thứ hai.

- Tứ sự cúng dường là cúng dường nhiều, là đại công đức thứ ba.

- Trọn tuổi thọ phát tâm cúng dường là thời gian nhiều, là đại công đức thứ tư.

Do đó, Phật lại hỏi Vô Tận Ý Bồ Tát: “Ư nhữ ý vân hà? Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân công đức đa phủ?” (Ý ông nghĩ như thế nào? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy công đức có nhiều chăng?) Nói đơn giản, nghĩa là người ấy có được nhiều công đức hay chăng? Vô Tận Ý Bồ Tát thành thật đáp: “Thậm đa! Thế Tôn!” (Thưa Thế Tôn rất nhiều). Người ấy đạt được rất nhiều công đức, chẳng riêng gì Bồ Tát Vô Tận Ý đáp như thế, nếu hỏi bất cứ ai cũng sẽ đều dị khẩu đồng thanh đáp: “Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân như thế đạt được công đức thật là rất nhiều, chúng con chẳng thể nói được nổi”.

Sau khi đức Phật nghe Vô Tận Ý Bồ Tát đáp xong, Ngài lại bảo tiếp cùng Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Kẻ đó công đức cố nhiên rất là nhiều, “nhược phục hữu nhân thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, nãi chí nhất thời lễ bái cúng dường” (nhưng nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thậm chí lễ bái, cúng dường một lúc) thì so ra người ấy đạt được công đức như thế nào? Nếu đối chiếu với người ở trên thì:

- Chỉ trì một mình danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng trì danh hiệu các Bồ Tát nhiều như cát trong sáu mươi hai ức sông Hằng, rõ ràng là trì danh ít.

- Niệm một thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng niệm Hằng hà sa số danh hiệu Bồ Tát, tức là phước điền ít.

- Xét về thời gian thì chỉ là lễ bái, cúng dường một lát, chẳng hề dài lâu đến hết tuổi thọ, so ra thời gian cũng ít.

- Đã là lễ bái, cúng dường trong một lúc, thì tứ sự dùng để cúng dường đương nhiên cũng chẳng thể rất nhiều. Đó là cúng dường ít.

So sánh một nhiều một ít như thế, nếu dùng con mắt thế tục để luận, ắt sẽ cho công đức của người trước lớn, công đức của người sau ít, thậm chí chẳng thể đem so sánh với nhau được. Nhưng Phật chẳng hề có cái nhìn như thế, Ngài dạy chúng ta: “Phước đức hai người đạt được chính là bình đẳng chẳng có sai khác gì, phước đức của người này lẫn kẻ kia đều là trong trăm ngàn vạn ức kiếp chẳng thể cùng tận”.

Ở đây ắt sẽ có người vặn hỏi: Vì sao lại có hiện tượng như vậy?

Dùng thí dụ để nói: Như một viên Ma-ni bảo châu giá trị vượt hẳn ngàn vạn vạn lần các thứ báu khác trong biển cả. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát như Ma Ni bảo châu, niệm sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát như các chất báu khác trong biển, bởi thế phước đức có lớn - nhỏ sai khác.

Lại như một lượng vàng ròng giá trị hơn ngàn cân lúa; niệm Quán Thế Âm Bồ Tát giống như vàng ròng, niệm sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát giống như lúa, bởi thế phước đức có lớn nhỏ sai khác.

Lại như kinh nói: “Bố thí ngàn vạn người ác, chẳng bằng bố thí một người thiện. Cúng dường ngàn vị phàm phu Tăng, không bằng cúng dường một La Hán. Cúng dường ngàn vị La Hán không bằng cúng dường một vị Bồ Tát”. Vì sao vậy? Ác nhân chẳng bằng thiện nhân, phàm phu Tăng vẫn chưa liễu thoát sanh tử, La Hán lại chỉ cầu tự độ chứ chẳng độ sanh; bởi thế phước đức có lớn - nhỏ sai khác.

Người đời đa phần đều có quan niệm như thế này: Cứ nghĩ càng niệm nhiều càng tốt, đâu biết ý niệm quá nhiều thì vọng tưởng cũng nhiều; luận trên phương diện công phu vẫn chưa phải là lý tưởng. Bất luận làm như thế nào, đều phải chuyên nhất, nhất quyết chẳng được tham nhiều. Nhưng chúng ta thường nghe thấy hoặc trông thấy rất nhiều người học Phật có lúc nghĩ muốn niệm bộ kinh này, có lúc toan niệm bộ kinh khác, có lúc vui thích bái sám, có lúc lại nẩy sanh hứng thú niệm chú, thật là lung tung chẳng biết đường đâu mà lần. Làm như vậy chẳng phải là không có công đức, nhưng có lúc đến nỗi loạn tâm bất định, lại hóa thành chướng ngại cho việc tu hành.

Bởi thế, chẳng bằng chí thành khẩn thiết chuyên nhất bất nhị, hoặc tụng niệm phẩm Phổ Môn, hoặc trì thánh hiệu Quán Âm, so ra được ích lợi nhiều hơn. Huống nữa, nhất tâm vô nhị dụng, ngay khi đó khắp cả pháp giới danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát không danh hiệu nào chẳng bao gồm trong đó. Bởi thế, chuyên niệm là thỏa đáng tốt lành nhất.

Phải biết rằng: Nói nhiều hay ít đó vốn là nói một cách tương đối, cũng chỉ là so sánh, chứ trong Thật Tướng các pháp, hết thảy đều là tuyệt đối, hoàn toàn bình đẳng, về căn bản chẳng có sai biệt nhiều ít gì. Bởi thế, trong kinh Hoa Nghiêm thường hay nói đến lý viên dung “một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Do vậy, chúng ta cũng có thể nói niệm một vị Quán Thế Âm Bồ Tát cũng chính là niệm sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, mà sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát đó cũng có thể nói chỉ là hóa thân của một vị Quán Thế Âm Bồ Tát. Đã là như vậy thì lễ bái, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát và lễ bái cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát công đức hoàn toàn bằng nhau, đương nhiên chẳng có điểm nào đáng làm chúng ta kinh dị cả, cũng như chẳng có điểm nào đáng làm chúng ta hoài nghi cả!

Bởi thế, tôi mong mỗi một Phật tử nếu có thể phát tâm thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì phải chuyên tâm nhất ý mà trì, tuyệt đối chớ có tam tâm lưỡng ý. Nếu tam tâm lưỡng ý, vị này cũng niệm, vị kia cũng niệm, kết quả, chẳng những không được Quán Âm Bồ Tát cứu tế, mà cũng chẳng được Bồ Tát nào cứu tế cả, thật có thể nói là mất trắng đôi đàng!

1.1.2.2.4.2. Kết hiển đa phước (kết lại phần kinh văn nói về nhiều phước)

Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, đắc như thị vô lượng vô biên phước đức chi lợi.

無盡意。受持觀世音菩薩名號。得如是無量無邊福德之利。

(Này Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát được lợi vô lượng vô biên phước đức như thế đó).

Đây là câu tổng kết phần ý nghĩa thọ trì danh hiệu Quán Âm Bồ Tát được phước đức. Phật bảo cùng Vô Tận Ý Bồ Tát: Bất cứ chúng sanh nào trong thế gian, nếu có thể thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, người ấy tất nhiên đạt được vô lượng vô biên lợi ích về mặt phước đức như trên vừa nói, tuyệt đối chẳng phải là luống uổng.

Từ phần mở đầu phẩm này đến đây là phần Vấn Đáp Nguyên Nhân Có Được Danh Hiệu, đã giảng xong. Từ cuộc vấn đáp này, chúng ta chẳng những hiểu nguyên do vì sao Quán Thế Âm có danh hiệu là Quán Thế Âm, mà còn biết những sự việc cứu khổ cứu nạn và thỏa mãn nguyện cầu của Quán Âm Bồ Tát đối với chúng sanh, bởi thế, càng phải nên tín phụng Bồ Tát.  

 

Nguyện đem công đức lành, Hồi hướng cho tất cả. Chúng con với chúng sanh, Đều chứng thành Phật quả.

TRANG CHỦ BAN THỰC HIỆN LIÊN KẾT

Nguyện ai xem được trang này Cây mầm tuệ giác đêm ngày phát sanh Pháp mầu nhuận thấm an lành Đến bờ Bát Nhã tâm thanh nhẹ nhàng

 

Ban Chứng minh: NT. Tràng Liên, NT. Ngoạt Liên, NT Tân Liên

Ban Cố vấn: NT. Phục Liên, NT. Viên Liên, NT. Tố Liên NT. Thẩm Liên, NT. Khiêm Liên, NS. Tín Liên, NS. Phụng Liên

Ban Chủ nhiệm: NS. Tuệ Liên, SC. Nghiêm Liên

 

Tịnh xá Ngọc Phương, 498/1 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, TP.HCM Bài vở, hình ảnh đóng góp, xin vui lòng gởi attachment về Ban biên tập qua địa chỉ Email: nigioikhatsi@gmail.com Hoan nghênh mọi hình thức phổ biến trang này.  

Từ khóa » Công đức Niệm Quán Thế âm Bồ Tát