Khi Linh Sơn Lương Hết Mấy Tuần - Huyện Lang Chánh

Các địa danh tại xã Giao an, Giao thiện gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Tại 2 xã Giao an, Giao thiện huyện Lang Chánh, Tỉnh Thanh hóa ngày nay còn lưu truyền nhiều câu chuyện liên quan đến những tháng ngày gian khổ, nếm mật, nằm gai, bảo toàn lực lược trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, của nghĩa quân Lam Sơn. Những câu chuyện này như một nguồn tư liệu quí giá cần nghiên cứu và bổ xung để làm sáng tỏ thêm và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

      Năm 1416, Lê Lợi và 18 người thân tín đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai, kết nghĩa anh em, quyết tâm đánh giặc cứu nước. Trong suốt 10 năm chiến đấu gian khổ với những chiến tích hào hùng của nghĩa quân Lam Sơn, vùng núi rừng miền Tây Thanh Hóa nói chung và huyện Lang Chánh nói riêng là nơi chứng kiến những tháng ngày gian khổ, nếm mật, nằm gai, bảo toàn lực lược trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, của nghĩa quân Lam sơn. Có thể coi Lang Chánh là địa bàn chiến lược để nghĩa quân trú ẩn và phát triển hùng mạnh, giành thắng lợi sau này.

       Trong những lần rút lên núi Chí Linh. Lần thứ nhất “hơn mười ngày chỉ ăn củ nâu và mật ong, người ngựa đều khốn đốn . Lần thứ hai trải qua ba tháng tuyệt lương, phải tìm măng tre, nứa và các loại cây, củ có thể ăn được để sống qua ngày. Lần thứ ba Lê Lợi phải cho giết cả voi, ngựa và cả con ngựa của mình cưỡi để nuôi quân. Sự gian khổ ở Chí Linh đã lựa chọn thể hiện trong bài "Bình Ngô Đại cáo" để nói lên những thời điểm cam go đầy thử thách của 10 năm kháng chiến:

"Khi Linh sơn lương hết mấy tuần,

Lúc Khôi huyện quân không một đội...."

      Địa danh Núi Chí Linh (hay Linh Sơn) thuộc dãy núi Pù Rinh là một vùng núi hiểm yếu bậc nhất ở thượng  nguồn sông Chu, đỉnh cao nhất tới 1.291m so với mực nước biển, kéo dài và chiếm một khu vực khá rộng lớn thuộc hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân.  Địa bàn huyện Lang chánh ngày nay có 4 xã nằm dưới chân núi Chí Linh là Giao thiện, Giao an, Trí Nang và Yên Thắng.

 Tại xã Giao an Nhiều dấu tích trải qua 6 thế kỷ vẫn còn lưu lại như là những minh chứng rõ ràng cho quãng thời gian hào hùng ấy:

     Suối Lá (Huối Vớ)  chảy qua địa phận thôn Chiềng  Nang ở xã Giao An, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi, trong những ngày “nằm gai nếm mật” đã cho người dùng mật, bôi lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi vi vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”, sau đó, kiến rừng ăn mật, vô tình đục thủng lá cây, để lại dòng chữ trên lá rồi thả xuống  khiến cho quân sỹ tin tưởng đây là mệnh trời, thêm dốc lòng đánh giặc.

     Cạnh suối Vớ có suối Láu (Tiếng Thái là rượu) , theo truyền thuyết, nơi đây thủ lĩnh Lê Lợi đã cho đổ rượu xuống suối, cùng ba quân múc uống  như trong bài cáo Bình Ngô có đoạn "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào."

 

Huối Vớ  chảy qua địa phận thôn Chiềng  Nang ở xã Giao An, Huyện Lang chánh ngày nay.

     Nói  đến những di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Lang Chánh không  thể không nhắc đến các địa danh thôn bản tại khu vực xã Giao Thiện một địa bàn giáp ranh giữa Lang Chánh và địa danh Lũng Nhai nơi diễn ra hội thề  của nghĩa quân Lam Sơn thuộc Lương Sơn,Thường Xuân ngày nay.

  Làng Chiềng Lẹn:  Ngày nay  nhân dân thôn Chiềng Lẹn xã Giao thiện còn lưu truyền : Một lần Lê Lợi chạy trốn giặc Minh qua đây thì cả làng đóng góp lương thảo cho nghĩa quân rồi cùng Lê Lợi chạy lên làng Húng. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, đất nước hòa bình, nhân dân mới quay về làng làm ăn sinh sống. Vì lẽ đó mà làng có tên là Chiềng Lẹn (tức làng Chạy).

    Tại  xã  Giao thiện hiện nay còn có Làng Húng: Tương truyền một hôm khi bị giặc bao vây ráo riết, Lê Lợi đang tìm đường để thoát thì từ trong rừng sâu núi thẳm âm u bỗng thấy một điểm sáng ở phía Tây Nam. Lê Lợi cùng nghĩa quân cắt rừng nhằm hướng có điểm sáng để đi. Đến nơi, trời cứ sáng rõ rần và quả là có đường đi để thoát. Lê Lợi đặt tên cho nơi ấy là làng Húng. Húng trong tiếng Thái có nghĩa là “sáng”, được nhân dân dùng làm tên làng cho đến ngày nay.

       Gắn với bước chân của nghĩa quân Lam Sơn trên vùng đất  Giao An, Giao Thiện  huyện Lang Chánh còn nhiều địa điểm, mà ngày nay các truyền thuyết vẫn còn in đậm trong tâm thức của người dân nơi đây. Đó không chỉ  là những là những “gạch nối” của quá khứ hào hùng với hiện tại, mà còn là nguồn tư liệu lịch sử - văn hóa quý báu có thể phát huy trong bối cảnh hiện tại để phát triển kinh tế - xã hội  hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới cho địa phương.

                                                                                           

Duy An Đài TT-TH

Từ khóa » Núi Chí Linh Còn Gọi Là Núi Gì