Khi Nào Thì Cơ Thể Cần Truyền Dịch

Trước đây việc truyền dịch cho người bệnh chỉ được thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế và theo chỉ định của bác sỹ. Nhưng hiện nay, việc truyền dịch đơn giản, dễ dàng hơn… Chỉ cần người bệnh có nhu cầu thì có thể mời bác sỹ, y tá đến truyền tại nhà.

Mục lục

  • 1 Dịch truyền là gì?
  • 2 Cần truyền dịch ở đâu?
  • 3 Yêu cầu khi truyền dịch
  • 4 Có những loại dịch truyền nào?
  • 5 Khi nào thì cần phải truyền dịch
  • 6 Truyền dịch không đúng sẽ nguy hiểm như thế nào?
  • 7 Các biểu hiện của người bệnh
  • 8 Thực trạng truyền dịch tại Việt Nam
  • 9 Ý kiến của chuyên gia
  • 10 Lời kết

Vậy dịch truyền là gì, khi nào cần truyền dịch? Truyền dịch không theo chỉ định của bác sỹ có ảnh hưởng gì không?

Dịch truyền là gì?

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất, ngoài ra có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.

Cần truyền dịch ở đâu?

  • Các bệnh viện.
  • Cơ sở y tế.

truyền dịch

Truyền dịch (Ảnh minh họa) 

Yêu cầu khi truyền dịch

  • Người truyền dịch phải là những cán bộ y tế có nghiệp vụ, chuyên môn trong việc truyền dịch.
  • Tuân thủ các quy định trong truyền dịch như: tốc độ truyền, thời gian, số lượng..
  • Dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
  • Phải có đầy đủ những dụng cụ, thiết bị xử lý khi xảy ra tai biến.
  • Người bệnh phải được theo dõi trong suốt quá trình truyền dịch…

Có những loại dịch truyền nào?

Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành ba nhóm cơ bản:

  • Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể: glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin.
  • Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu: dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%…
  • Nhóm đặc biệt: huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử… dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Khi nào thì cần phải truyền dịch

  • Khi một trong các chỉ số trung bình trong máu, về các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải… thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép.
  • Bác sỹ sẽ căn cứ vào các kết quả của xét nghiệm của người bệnh để quyết định trường hợp nào cần thiết để truyền bổ sung và số lượng bổ sung là bao nhiêu.
  • Trong một số trường hợp đặc biệt, khi các bác sĩ chưa có kết quả xét nghiệm vẫn phải cho bệnh nhân truyền dịch, đó là khi bệnh nhân bị: mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, bị ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật.

Truyền dịch không đúng sẽ nguy hiểm như thế nào?

1. Phản ứng nhẹ:

  • Gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền.

2. Phản ứng nặng hơn:

  • Gây viêm tĩnh mạch (nhất là khi truyền các loại nước biển ưu trương)

3. Tai biến nguy hiểm:

  • Phản ứng toàn thân khiến bệnh nhân rét run, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực… dẫn đến những tai biến khó lường.

Các biểu hiện của người bệnh

  • Dị ứng.
  • Sốc.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Phù não, phù phổi..
  • Rối loạn điện giải…

Thực trạng truyền dịch tại Việt Nam

Tình trạng truyền dịch đặc biệt phổ biến ở nông thôn, thị trấn… nơi kiến thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế, việc giám sát hành nghề y dược tư nhân còn lỏng lẻo.

Những người đòi hỏi được truyền dịch chỉ hiểu một cách sơ sài rằng dịch truyền là chất “bổ”, nên cứ thấy mệt là muốn bổ sung, họ không biết rằng các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được dùng khi bác sĩ khám và kê đơn. Rất nhiều loại bệnh chống chỉ định với việc truyền dịch.

Chị T.T.H  xã Ea Noul (huyện Buôn Đôn)

Chị H bị cảm cúm, nhức đầu nên người mệt mỏi, chán ăn, khó chịu. Sau khi uống thuốc cảm, chị H đã đỡ đau đầu hơn…nhưng khi thấy trong người vẫn chưa khỏe hẳn, lại có người mách truyền nước sẽ rất tốt nên chị đến quầy dược để truyền nước hoa quả cho nhanh khỏe.

Truyền hết một chai vẫn thấy bình thường, chị truyền chai thứ 2.. Nhưng khi truyền được gần nửa chai dịch thứ 2, chị cảm thấy đầu choáng váng, nôn ói, rồi lên cơn rét run, tay chân cứng đờ, không nói được nữa.

Cô dược tá vội vàng gọi xe đưa chị vào viện để cấp cứu. Bác sĩ cho biết chị bị sốc phản vệ do truyền dịch, nếu chậm trong giây lát có thể sẽ không giữ được tính mạng.

Chị Đ.Đ.M 46 tuổi (Phú Thọ)

Khi thấy người mệt mỏi, ăn không ngon miệng… chị M đến trung tâm y tế gần nhà đề nghị được truyền dịch nhưng các bác sĩ từ chối, bảo không cần thiết.

Bực mình, chị M đến phòng khám tư, người ta vui vẻ truyền dịch cho chị M ngay. Đúng là vừa nhanh, vừa tiện… Tuy nhiên, sau khi truyền dịch chị M vẫn thấy người mệt mỏi… Hiện tượng này chỉ mất đi sau đó 2 tuần.

Đến bây giờ chị M vẫn không biết có phải dịch truyền làm chị đỡ mệt mỏi hay không?

Bà N.T. H 72 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nên khi thay đổi thời tiết bà H lại bị: hắt hơi, xổ mũi, đau  mình mẩy, người mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên… bà lại mời bác sỹ về nhà để “truyền đạm”.

Khi gặp bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khuyên bà nên vào viện khám, làm các xét nghiệm rồi truyền theo chỉ định của bác sỹ vì bà tuổi đã cao khi truyền dễ gây biến chứng… thì bà H tỏ ý không bằng lòng… Chỉ đến khi người hàng xóm bằng tuổi bà bị “sốc” khi mời bác sỹ đến truyền tại nhà bà mới biết “sợ” vì hậu quả của nó quá nguy hiểm.

Ý kiến của chuyên gia

Bác sĩ Trần Việt Hùng – Bs Bệnh viện Bạch Mai

“Khi truyền dịch với bất cứ loại dịch truyền nào, đều có thể tiềm ẩn những tai biến xảy ra. Dịch truyền chỉ tốt đối với cơ thể thiếu nhưng khi cơ thể không “cần” thì đó sẽ tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn.

Ngoài ra, do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận… Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu” như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm.

Về nước hoa quả, đây là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp có thể cải thiện sức đề kháng, giúp ăn ngon nên chỉ dành cho những trường hợp yếu sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, ăn uống kém. Nó không phải là “thần dược” để có thể tái tạo làn da hay “cải lão hoàn đồng” như mọi người vẫn lầm tưởng.

Ngay cả việc đưa các dưỡng chất vào trong cơ thể qua đường máu cũng phải hết sức cân nhắc và phải được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, chỉ định truyền sau khi đã có những xét nghiệm đầy đủ có kết quả về cơ thể đang thiếu hụt những gì.

Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như: phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ.

Trên thực tế, không ít trường hợp bị sốc khiến cơ thể lạnh toát hoặc tím tái ngay sau khi truyền được vài phút. Nếu không kịp thời xử lý diễn biến sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong”

Lời kết

Truyền dịch là một biện pháp tối ưu cho sức khỏe. Tuy nhiên truyền dịch chỉ thực sự có lợi khi chỉ số trung bình trong máu, các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép.

Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng… Ngoài ra, nơi truyền dịch phải có đủ các điều kiện xử lý chống sốc để phòng sự cố.

Vì vậy, khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau ốm người bệnh không nên tùy tiện mời bác sỹ về nhà hoặc đến các cơ sở khám bệnh tư nhân để truyền dịch mà phải vào bệnh viện, các cơ sở y tế để được thăm khám. Qua đó, các bác sỹ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm để chỉ định truyền dịch phù hợp với thực trạng cơ thể.

Chia sẻ

Từ khóa » Truyền Nước Cho Người ốm