Khiếm Nhã - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Minh họa: TRẦN NGỌC SINH |
Cửa phòng ngủ khép hờ. Một sự lạ vì nó vẫn luôn đóng. Ông đẩy cửa bước vào và thấy vợ đang nằm trên giường. Lại một sự lạ nữa, vì ba chục năm nay kể từ ngày cưới mỗi người ngủ riêng một phòng. Các con ông cũng vậy. Như tây. Nhà ông có điều kiện để sống như tây. Cả hai ông bà cùng học lâu năm ở nước ngoài, cưới nhau ở nước ngoài, cách sinh hoạt, cư xử cũng giống tây. Lịch sự, điềm đạm, trọng hình thức đến mức lạnh nhạt và hơi kiểu cách. Mỗi người một phòng riêng, một thế giới riêng, và như thỏa thuận trước, không ai can thiệp vào thế giới người khác. Các thế giới riêng ấy bây giờ trở nên xa hơn, khép kín hơn khi các con đã lớn và đi xa.
Thế mà đêm nay bà tự xuống phòng ông, đang nằm trên giường và chắc đã thiếp đi vì phải chờ lâu. Gần như trần truồng với chiếc áo ngủ vải mềm mỏng tang. Màu hồng hơi sẫm, cái màu ngày mới cưới một lần ông nói “rất đẹp và khêu gợi”.
Vậy là hôm nay bà đã phá nó để bước sang thế giới của ông. Hơn thế, còn chủ động khêu gợi. Hơi thiếu tế nhị và gây sốc chút ít với một người suốt đời nghiên cứu Mạnh Tử và các bậc thánh hiền khác như ông.
Ông nhíu mày nhìn vợ một lượt từ đầu đến chân rồi lặng lẽ quay lại phòng làm việc.
... Mạnh Tử lấy vợ lúc mười chín tuổi, vừa trở về sau khi theo học thầy Tư Đồ Ngưu ba năm ở nước Lỗ. Một cuộc hôn nhân do bà mẹ sắp đặt trước. Điền thị, vợ ông, là người nết na, hiếu thảo. Một hôm bất chợt bước vào phòng, ông thấy bà đang thay áo, để ngực trần. Theo Nho giáo nghiêm khắc ông lĩnh hội được và đang ra sức thuyết giảng, đấy là một khiếm nhã lớn, một sự xúc phạm đối với chồng. Và ông đã lớn tiếng đuổi bà ra khỏi nhà...
Giờ không là lúc người ta dễ dàng đuổi nhau ra khỏi nhà (nếu thực tình muốn đuổi), nhất lại vì những lý do như thế. Hơn hai nghìn năm đã trôi qua kể từ thời Mạnh Tử. Cuộc sống và quan niệm, kể cả quan niệm về đạo đức, đã khác. Thay áo trước mặt chồng là chuyện bình thường. Nằm trần truồng trên giường chờ chồng cũng bình thường. Vậy sao ông cảm thấy khó chịu?
Hơn nữa chỉ mấy phút trước đó ông chợt nảy ý định muốn gần vợ, dù chưa nói trước. Ông bà vẫn có lệ “nói trước” chuyện ấy. Thế mà bây giờ cái cơ thể chờ đợi cùng màu áo ông thích kia chẳng làm ông mảy may xúc động. Ngược lại, nó còn khiến ông nguội lạnh. Vì sao? Ông cố tự cắt nghĩa mà không được.
Thực ra thì Mạnh Tử đuổi vợ không hẳn vì lý do đạo đức, mà cái chính là vì Điền thị xấu xí, ngay từ đầu ông đã không ưng nhưng không dám trái ý mẹ. Lần này Mạnh mẫu cũng quyết không để người con dâu yêu quý phải nhục nhã ra khỏi nhà. “Thế trước khi vào phòng con có gõ cửa không?” - bà hỏi. “Không”. “Vậy con mới là người khiếm nhã, xúc phạm vợ con!”. Mạnh Tử phải xin lỗi vợ và mời bà ở lại (Tào Nghiêu Đức: Mạnh Tử truyện).
Hôm nay ai khiếm nhã, ai xúc phạm ai? Vợ ông, người bỗng dưng đến nằm xuống giường chờ chồng? Hay ông, chồng bà, thấy thế còn bỏ sang phòng làm việc?
Cỗ máy trong ông hình như gặp một trục trặc nhỏ. Ông ngồi thừ người, chẳng biết nghĩ thế nào.
Giáo lý “nam nữ thụ thụ bất thân” của Khổng được Mạnh nâng lên tới mức vợ vô tình thay áo để lộ ngực trần với chồng cũng là tội lớn. Thế mà theo dã sử, đã có lần ông cùng bạn tới lầu xanh. Đạo đức giả? Hay đàn ông được phép làm điều đó?
Phụ nữ ở những nước đạo Hồi nghiêm khắc thậm chí đến nay vẫn không được phép để đàn ông nhìn thấy mặt mình hoặc nhìn mặt họ, trừ chồng, bố và các anh, em trai. Vì sao có sự phi lý ấy? Sao phụ nữ những nơi ấy và phụ nữ thời Mạnh Tử không vùng lên như vợ ông hôm nay?
Cuối cùng, khi ông quay lại phòng ngủ thì bà vợ đã không còn trên giường.
*
Sáng hôm sau, mãi đến tám giờ ông mới dậy. Vợ ông đang ngồi chờ chồng xuống ăn sáng bên chiếc bàn đá trong vườn. Trên bàn có chiếc khay nhỏ với ổ bánh mì, hộp bơ, đĩa trứng tráng và hai cốc nước cam rót sẵn. Bà đang đọc báo như thường lệ. Ông lại gần, cúi hôn nhẹ lên má vợ. Nét mặt và điệu bộ bà vẫn bình thường như mọi ngày, như không hề có chuyện đêm trước. Tất nhiên ông cũng tỏ ra như vậy.
Bà đưa tờ báo cho ông, trỏ ngón tay vào chỗ bà muốn ông đọc.
Đó là tin về một phụ nữ trẻ người Nigeria, một nước châu Phi theo đạo Hồi luôn chìm trong bạo lực và nghèo đói. Người này bị tòa án Hồi giáo kết án tử hình theo luật Sharia về tội trót sinh con ngoài giá thú. Tức là sẽ bị chôn xuống đất chỉ chừa lại cái đầu để người ta ném đá cho đến chết. Cả thế giới xúm vào xin tha cho cô nhưng không được. Trong khi đó, trên đường phố của chính cái thành phố cô ta phạm tội tày đình ấy, ban đêm vẫn nhan nhản gái điếm đứng đợi những người đàn ông mộ đạo, nghiêm khắc đã kết án một trong những người bạn khốn khổ của họ.
“Ông thấy có kinh khủng không?” - bà hỏi.
“Ừ, kinh khủng thật”.
Ông khẽ đáp rồi quên cả ăn, ngớ người nhìn bà. Ông lại nhớ chuyện Mạnh Tử nhẫn tâm đuổi vợ vì tội khiếm nhã.
Ông còn nhớ cả chuyện, không hiểu sao mãi đến giờ mới nhớ, rằng (cũng theo Tào Nghiêu Đức) sau khi bị mẹ mắng, Mạnh Tử mới nghĩ đến việc suốt hàng chục năm liền vợ ông phải hi sinh, chịu đựng thế nào để ông lĩnh hội và truyền bá cái đạo lý mà bà trở thành nạn nhân. Nghe nói từ đó Mạnh Tử trở thành người chồng mẫu mực về mọi phương diện và rất yêu thương vợ.
Từ khóa » Khiếm Nhã Là Như Thế Nào
-
Khiếm Nhã - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "khiếm Nhã" - Là Gì?
-
'khiếm Nhã' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Khiếm Nhã - Từ điển Việt
-
Khiếm Nhã Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Khiếm Nhã Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Khiếm Nhã
-
Từ Điển - Từ Khiếm Nhã Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
6 Kiểu Cư Xử Khiếm Nhã Nơi Công Sở - Zing
-
Từ điển Tiếng Việt - Từ Khiếm Nhã Là Gì
-
Khiếm Nhã Là Gì ? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt Ý ...
-
Khiếm Nhã Có Nghĩa Là Gì - Học Tốt
-
KHIẾM NHÃ Là Gì??? [Lưu Trữ]
-
11 Hành động Bị Coi Là Khiếm Nhã ở Bên Ngoài Lãnh Thổ Nước Mỹ - PLO