Khò Khè ở Trẻ Nhỏ - Phổi Việt

Khò khè ở trẻ nhỏ

Khò khè ở trẻ nhỏ

ThS.BS. Nguyễn Hữu Hoàng

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

1. Như thế nào là khò khè?

- Khò khè là tiếng ran rít, ngáy phát ra từ các đường thở trong lồng ngực có thể nghe được bằng ống nghe khám bệnh hoặc áp tai vào lưng hoặc ngực của người bệnh. Ran rít ngáy (khò khè – wheezing) thường nghe trong thì thở ra và đôi khi cả thì hít vào biểu hiện của tắc nghẽn ở đường thở nhỏ bên trong phổi, còn tiếng rít (stridor) trong thì hít vào thường là âm thanh phát ra do tắc nghẽn ở thanh, khí quản lớn. Khò khè ở trẻ nhỏ

- Các âm khò khè phát ra từ vùng mũi khi bé hít thở không phải là khò khè được đề cập tới các bệnh của đường thở dưới.

- Đa số các ông bố, bà mẹ hay nhầm lẫn khò khè do nghẹt mũi và các tiếng rít vùng thanh khí quản với khò khè phát ra từ vùng phổi.

2. Có mấy loại khò khè?

- Đối với bé dưới 24 tháng (<2 tuổi) thì có 2 khả năng có thể xảy ra là:

o Viêm tiểu phế quản: Những bé có số lần khò khè ≤ 3 lần và không kèm theo tiền căn dị ứng bản thân và gia đình (mề đay, chàm da, người thân ruột thịt bị hen suyễn) và các đợt bệnh của bé thường kèm với triệu chứng nhiễm siêu vi (sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, ho…)

o Hen suyễn: Những trẻ gần mốc 2 tuổi kèm với tiền căn dị ứng của bản thân hoặc gia đình, số lần khò khè trước đó ≥3 lần và khi bác sĩ dùng thuốc phun khí dung để điều trị thì bé cải thiện triệu chứng khò khè, khó thở.Hen phế quản

- Đối với bé từ 2 tuổi tới 6 tuổi thì có các khả năng sau đây:

o Hen suyễn: Các bé có các đợt khò khè tái đi tái lại kèm với tiền căn dị ứng bản thân hoặc gia đình và đáp ứng với các thuốc điều trị hen suyễn.

o Khò khè khởi phát sớm: Các bé có các đợt khò khè không nhiều nhưng thường liên quan tới các đợt nhiễm siêu vi, không có tiền căn dị ứng bản thân và gia đình kèm theo.

- Đối với bé từ 6 tuổi trở lên:

o Nếu khò khè lần đầu thì có thể là một đợt viêm phế quản do siêu vi hoặc vi khuẩn.

o Nếu khò khè tái đi tái lại nhiều lần mà lại kèm theo tiền căn dị ứng bản thân hoặc gia đình thì nên nghĩ tới hen suyễn và khởi động điều trị phòng ngừa cho bé.

- Ngoài ra còn có các trường hợp gây khò khè ở trẻ nhỏ khác như:

o Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): thường xẩy ra ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi với các triệu chứng trớ sữa, ọc sữa, nôn ói thường xuyên. Bé thường biểu hiện bệnh khi nằm xuống và giảm hẳn khi bé được bế tư thế đứng hoặc ngồi.

o Dị vật đường thở: Bé có biểu hiện hít sặc vật lạ (ho sặc sụa, thở mệt, tím tái…) nghe khò khè thường sẽ 1 bên phổi bị dị vật.

o Các nguyên nhân khác.

3. Chẩn đoán khò khè bằng cách nào?

- Để chẩn đoán khò khè cách tốt nhất là bác sĩ sẽ khám bằng ống nghe vùng phổi của các bé. Trong trường hợp khò khè nhiều và âm lớn thì ba mẹ có thể áp tai sát vào vùng ngực hoặc lưng của bé để nghe được âm thanh này.Khám trẻ

- Để loại trừ các trường hợp khò khè nghe thấy ở trên thì nên vệ sinh mũi của bé sạch sẽ bằng nước muối sinh lý và lúc hít thở yêu cầu bé thở bằng miệng.

- Nhằm loại trừ các tiếng rít do viêm thanh khí quản thì bác sĩ sẽ dùng ống nghe vùng cổ để nghe và loại trừ.

- Các bé dưới 5 tuổi khi bị khò khè thường sẽ có thở mệt với co lõm ngực (vùng mạn sườn sẽ lồi lõm theo nhịp thở của bé). Các bé lớn hơn thì không còn thấy hình ảnh rút lõm ngực.

- Có thể dùng các xét nghiệm như Hô hấp ký cho nhóm trẻ từ 6 tuổi trở lên để xác định hen suyễn và IOS (đo kháng lực đường thở) dành cho nhóm tuổi từ 2 – 5 tuổi.

4. Điều trị khò khè như thế nào?

Tùy từng chẩn đoán khác nhau sẽ được được cho toa thuốc và cách điều trị khác nhau.

o Viêm tiểu phế quản:

  • Thông thoáng đường thở vùng mũi họng.
  • Thuốc dãn phế quản nếu đáp ứngXông khí dung cho trẻ
  • Bù nước đủ bằng đường uống và dinh dưỡng đầy đủ
  • Vật lý trị liệu lấy đàm nếu cần.
  • Kháng sinh chỉ được dùng khi bác sĩ thấy cần thiết.

o Hen suyễn:

  • Phòng ngừa bằng các thuốc phù hợp với từng độ tuổi
  • Dùng thuốc cắt cơn khi cần
  • Bù nước và dinh dưỡng đầy đủ
  • Vật lý trị liệu lấy đàm nếu cần.
  • Kháng sinh khi bác sĩ thấy cần thiết.
  • Giáo dục về hen suyễn: tránh các yếu tố gây nặng bệnh và cách xử lý các cơn suyễn khi bé bị lên cơn.

o Khò khè khởi phát sớm:

  • Điều trị triệu chứng khò khè là chính, tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ cho các thuốc làm dãn phế quản, kháng viêm, long đàm, kháng sinh nếu cần.
  • Bù nước và dinh dưỡng đầy đủ.

o Điều trị các nguyên nhân khác như: trào ngược dạ dày thực quản, dị vật đường thở…

5. Cách phòng ngừa để bé không bị khò khè

- Hen suyễn:

o Điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ vì hen suyễn có thể kiểm soát được và ngưng thuốc được.

o Tránh các yếu tố làm nặng bệnh như những thức ăn làm bé dị ứng, các chất làm bé dị ứng như phấn hoa, mùi vị nồng hắc, hóa chất, khói thuốc lá…Yếu tố kịch phát hen

o Chích ngừa cúm hàng năm cho các bé. Và chích ngừa đầy đủ các bệnh khác.

- Khò khè do nguyên nhân khác:

o Việc vệ sinh chăm sóc mũi họng rất quan trọng: cần vệ sinh mũi họng và răng miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

o Dinh dưỡng đầy đủ và vận động hợp lý.

o Chích ngừa đầy đủ

o Tránh xa khói thuốc lá và khu vực ô nhiễm.

6. Kết luận

Khò khè ở trẻ nhỏ là một triệu chứng thường gặp. Tùy vào từng lứa tuổi và triệu chứng thì sẽ có chẩn đoán khác nhau và điều trị khác nhau. Đáp ứng điều trị của mỗi bé và từng bệnh cũng khác nhau vì thế ba mẹ cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Việc tốt nhất để ngừa cho các bé ít bị khò khè là dinh dưỡng đầy đủ, uống nước đầy đủ hàng ngày, thường xuyên ăn các loại hoa quả trái cây, giữ ấm tốt, vệ sinh mũi họng và răng miệng tốt, tránh xa khói thuốc lá và các thức ăn không có lợi cũng như môi trường ô nhiễm.

Từ khóa » Tiếng Khò Khè ở Trẻ Em