Khóa Tu Phật Thất - Chùa Hoằng Pháp

Ngôi chùa Hoằng Pháp uy linh Mái cong ngói đỏ đậm tình quê hương.
  1. Trang chủ
  2. Thư viện kinh sách
  3. Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn Khóa tu Phật thất Khóa tu Phật thất Tác giả: Thích Chân Tính Mục lục
  • Ý nghĩa & mục đích khóa tu Phật thất
  • Nội quy & oai nghi khoá tu Phật thất
  • Mô hình tổ chức khóa tu Phật thất
  • Nghi thức tụng niệm
  • Chú thích
  • Mấy lời tâm huyết
Xem thêm Nội quy & oai nghi khoá tu Phật thất Nội quy & oai nghi khoá tu Phật thất                  Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật   Kính thưa quý Phật tử!    Với mong ước làm thế nào để đưa vấn đề tu tập của hàng Phật tử ngày càng đi vào nề nếp, quy củ theo đúng chánh pháp của Phật, đồng thời để tạo điều kiện cho Phật tử tại gia cắt bớt trần duyên, hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật, nên khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp ra đời.   Để quý Phật tử tham dự khóa tu Phật thất đạt được kết quả mỹ mãn, Ban tổ chức yêu cầu Phật tử phải nắm vững chương trình tu học, tuân thủ nội quy và các oai nghi. Quý Phật tử phát tâm vào đây là để niệm Phật thành Phật, thì phải học và tu theo hạnh của Phật. Muốn được vậy, phải giữ gìn năm giới cấm, là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu thật chu đáo. Nếu không giữ được một giới nào thì làm sao gọi là Phật tử? Người đời không theo đạo Phật mà còn biết giữ đúng tư cách như không uống rượu, không hút thuốc, không trộm cắp thay huống hồ gì là Phật tử.   Chúng ta đến với đạo Phật là vì muốn vượt lên trên cuộc đời tầm thường của thế nhân để đạt được chân thiện mỹ. Nếu chúng ta vào đạo rồi mà vẫn tiếp tục cuộc đời trôi nổi cũ hay còn tệ hơn cuộc đời thường của thế nhân thì đó chỉ làm hoen ố đạo chớ không phải là người mộ đạo.   Cho nên, là Phật tử thì phải có tinh thần trách nhiệm nuôi dưỡng, hiếu thuận với cha mẹ, kính thờ sư trưởng, tu tập thập thiện, phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, tinh tấn tu hành, cố gắng giữ giới để xứng đáng với danh nghĩa của người có đạo đức, nhằm đem lại hạnh phúc cho mình và cho chúng sinh. Một xã hội mà mọi người đều thực hiện năm giới cấm thì đó là một xã hội gương mẫu văn minh nhất thế giới vậy. Muốn có đạo đức thì phải theo học với các bậc đức hạnh thanh cao siêu thoát, mà đức Phật là đấng trọn lành tiêu biểu cho nền đạo đức toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.    Có đạo đức, con người mới có lòng từ bi, sáng suốt, công bình, gia đình mới có hạnh phúc chân thật, xã hội mới được thực sự văn minh cả về hai phương diện vật chất và tinh thần. Người muốn học hỏi đạo lý và đức hạnh của Phật thì trước phải quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới. Sau đó người Phật tử phải tinh tấn trau giồi đức hạnh và học hỏi các phương pháp tu giải thoát bằng cách cải thiện mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày như sau:   1/ Hết lòng tôn kính Phật, Pháp, Tăng là những bậc thầy cao quý, hộ trì ngôi Tam bảo để Phật Pháp trường tồn, thường niệm Phật để tâm được an định.    2/ Nghiêm trì giới luật mà mình đã thọ để khỏi gây tạo nghiệp ác, tránh quả báo về sau.   3/ Tập ăn chay kỳ, chay trường để trưởng dưỡng lòng từ bi. Vừa bớt tính hung hăng, hiếu sát và để bảo vệ sức khỏe, ít bệnh hoạn.   4/ Dứt bỏ những tính hung dữ, gian tham, trộm cắp, dối trá, để trở nên con người hiền lành ngay thẳng, chân chính.   5/ Loại bỏ các thói hư tật xấu như cờ bạc, hút sách, ăn chơi phung phí v.v..., phải biết giữ tiết độ trong việc ăn mặc và ngủ nghỉ. Tập theo lối sống đơn giản, giảm bớt những nhu cầu vật chất không cần thiết. Không cầu kỳ, không lập dị, không xa hoa, không buông lung.   6/ Không lười biếng ỷ lại mà phải siêng năng sốt sắng, đảm đang, tinh tấn tu học với ý chí tự lập tự cường, kiên nhẫn chịu đựng để vượt qua mọi gian lao trở ngại.    7/ Làm việc phải có tinh thần trách nhiệm. Việc làm phải nhẹ nhàng khéo léo, sạch sẽ, gọn gàng.   8/ Hành động, cử chỉ, lời nói phải luôn luôn ôn hòa nhẹ nhàng, khiêm tốn. Không cống cao ngã mạn, khinh người.   9/ Đối với mình thì khắc kỷ chế ngự vọng tâm, đối với người thì đại lượng bao dung và nhiệt tâm giúp đỡ. Khuyên mọi người chung quanh đều hướng về đường lành, trau giồi đạo đức, phát huy trí tuệ, dẹp bỏ các hủ tục mê tín dị đoan.    10/ Thường nghiên cứu kinh điển để có thể hiểu biết và thực hành đúng chánh pháp của đức Như Lai.    11/ Mỗi tháng nên đến chùa ít nhất hai ngày sám hối để sám trừ tội chướng, ăn năn lỗi trước, tránh chừa lỗi sau.   12/ Học thuộc các nghi thức tụng niệm thông thường để hòa được chúng khi tụng chung. Ngoài ra, nếu có hoàn cảnh thuận tiện, mỗi tuần hay mỗi tháng nên dành ra một ngày để về chùa thọ Bát quan trai, để học hỏi thêm những giáo lý cao siêu hơn và được gần gũi với chư Tăng trọn một ngày trong không khí trong lành thanh tịnh, khiến cho tâm hồn hưởng được những phút giây nhẹ nhàng an lạc, mà ở tại nhà thế tục không tìm thấy được.   Tu học và thực hành được những điều trên đây là người dám làm cuộc cách mạng bản thân, bỏ tà quy chính, cải ác tùng thiện, mới xứng đáng là người Phật tử thuần thành và chân chính, để từng bước tiến lên hạnh xuất gia giải thoát.   (Phần Oai nghi trong tập sách này có tham khảo và trích từ cuốn Oai Nghi Của Hàng Phật Tử Tại Gia của Thích Minh Chánh).   NỘI QUY   Chùa Hoằng Pháp tổ chức các khóa tu Phật thất với mục đích để giúp cho Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, hầu thúc liễm thân tâm, nghiêm trì tịnh giới, tinh tấn tu tập, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật.    Tất cả Phật tử tại gia đều có thể tham dự khóa tu. Yêu cầu phải có đủ sức khỏe và không bị bệnh truyền nhiễm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, bệnh đau thắt ngực. Không nhận người già yếu, đi đứng khó khăn, lẩm cẩm, tai điếc.   Để khóa tu Phật thất thành tựu được năm điều: lục hòa , nghiêm tịnh, tinh tấn, nhất tâm và an lạc, Phật tử tham dự phải chấp hành nội quy sau đây: Giữ năm giới đã thọ Giữ oai nghi lúc đi, đứng, nằm, ngồi Giữ thân khẩu ý thanh tịnh Chấp hành đúng nội quy và thời khóa tu tập Luôn hoan hỷ và hòa nhã với mọi người Hạn chế nói chuyện với nhau  Không nói chuyện thế sự  Không lớn tiếng nói cười Không ra khỏi phạm vi chùa Hạn chế tiếp xúc với người ngoài Không trang điểm phấn son và đeo nữ trang. Không được ăn, ngủ ngoài giờ đã quy định. Không được hút thuốc, ăn trầu.   Đến giờ ngủ nghỉ phải im lặng, không được đi lại gây náo động.     THỜI KHÓA TU TẬP  03h 30   :    Báo thức 04h - 5h 30 :    Công phu niệm Phật 06h  - 6h  30:    Điểm tâm sáng 07h - 8h 30 :    Nghe pháp 09h -10h 30 :    Công phu niệm Phật 11h - 11h 45:    Thọ trai 12h - 13h 30:    Ngủ nghỉ 14h - 16h :    Công phu niệm Phật 16h - 18h :    Tắm giặt 18h - 18h 30:    Ăn chiều 19h - 20h 30:    Công phu niệm Phật 21h - 21h 30:    Tịnh tọa 21h 30  ----- :    Ngủ nghỉ   Ngoài các điều nêu trên, Phật tử còn phải tuân thủ những điều được hướng dẫn dưới đây:     I. Trước khi đến đạo tràng    Phật tử muốn tham dự khóa tu, cần phải:   – Đăng ký với Ban tổ chức khóa tu đúng ngày, tháng quy định (có thể liên hệ qua điện thoại hoặc gởi thơ). Khi đăng ký phải ghi rõ họ tên, pháp danh, tuổi, địa chỉ. Khi liên hệ bằng điện thoại, quý vị chỉ gọi trong thời gian sau: sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ.   – Sau khi đăng ký, nếu có duyên sự không tham dự được, phải báo cho Ban tổ chức biết. Không được tự ý chuyển phiếu đăng ký cho người khác.   – Phải có áo tràng lam (theo mẫu đồng phục của chùa). Người tham dự lần đầu tiên được mượn áo tràng đồng phục.   – Phải có hai bộ quần áo màu lam (nên thêu tên, pháp danh vào quần áo). Nếu đã tham dự hai khóa mà không có áo tràng và quần áo đồng phục vẫn được dự tu nhưng không cấp giấy chứng nhận.   II. Khi đến đạo tràng    – Phải đến đúng ngày giờ đã quy định. Nếu đến trễ, Ban tổ chức không nhận đăng ký.   – Khi đi nhớ đem theo CMND (bản chính và bản photo có thị thực), cùng phiếu đăng ký đã ghi đầy đủ họ tên, pháp danh, địa chỉ đến bàn đăng ký để ghi danh.   – Chỉ mang theo quần áo và những vật dụng cá nhân thường dùng, không nên đem đồ vật quý giá hoặc đắt tiền. Không đem mùng mền, chiếu gối, nệm lót, tọa cụ, bồ đoàn, phích nước, thau giặt, kem đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt và đồ ăn, thức uống.    – Khi nhập khóa, mỗi Phật tử được phát một túi vải để đựng các thứ như: tập sách, bút, thuốc uống và bàn chải đánh răng. Hành lý cá nhân của Phật tử đem theo được cất vào phòng và khóa lại.   III. Trong thời gian tu học    1. Chọn pháp tu   Pháp môn chính của khóa tu Phật thất là chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Để cho việc công phu niệm Phật đạt được kết quả tốt đẹp, quý vị nên chọn một trong ba phương pháp sau đây:   – Tín tâm niệm Phật: công phu tại chánh điện, kinh hành niệm Phật 15 phút và ngồi niệm Phật 15 phút (niệm ra tiếng).    – Chuyên tâm niệm Phật: công phu tại giảng đường, ngồi niệm Phật 30 phút và kinh hành 15 phút (niệm thầm).    – Nhất tâm niệm Phật: công phu tại giảng đường, ngồi niệm Phật (niệm thầm) từ 1 giờ đến 2 giờ.   2. Tu tập    Khi nghe hiệu lệnh 3 tiếng chuông, các Phật tử mặc áo tràng chỉnh tề: Phật tử tín tâm niệm Phật tập trung xếp hàng đúng số thứ tự trong vòng 5 phút, chắp tay nghiêm trang, kinh hành đúng bước chân theo câu nhạc niệm Phật tiến lên chánh điện. Nếu ai tập trung trễ, phải đứng bên ngoài, chờ đại chúng đi hết mới được đi tiếp theo sau, không được chạy theo chen vào hàng. Phật tử chuyên tâm và nhất tâm niệm Phật tập trung tại giảng đường (nơi hành lễ) trong vòng 10 phút, ngồi theo đúng số thứ tự, không được giành chỗ ngồi. Sau 10 phút, những chỗ trống được đôn lên, người đến trễ phải ngồi phía sau.    Sau khi xưng tán đức Phật, mọi người ngồi xuống đọc bài tán Phật A Di Đà và niệm Phật. Trong lúc công phu không được nói chuyện, quay tới quay lui làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm thanh tịnh của đại chúng. Phải cố gắng chánh niệm chú tâm theo câu niệm Phật, miệng phải niệm từng chữ từng câu rõ ràng, tai nghe rõ ràng, danh hiệu Phật phải từ tâm ý mà lưu xuất.   Khi kinh hành, chắp tay trang nghiêm trước ngực, từng bước chân đi đúng theo câu niệm Phật, mắt nhìn về phía trước, không vừa đi vừa xá chào.   Khi ngồi niệm Phật thì ngồi thẳng lưng, chân xếp theo kiểu bán già, hai bàn tay để ngay ngắn trên đùi. Bàn tay phải đặt ngửa trên lòng bàn tay trái, không lạy, không lần chuỗi hoặc dùng quạt giấy. Không ngồi duỗi thẳng chân (chỉ ngồi nghiêm trang niệm Phật). Không đem nước uống và khăn lên chánh điện.   Thời công phu kết thúc, Phật tử chỉnh đốn lại y phục, lần lượt từng hàng (đã được Ban tổ chức sắp xếp) kinh hành theo câu nhạc niệm Phật đi xuống, không được chen lấn hay tách hàng xuống trước.   3. Giờ nghe pháp    Nghe tiếng chuông báo hiệu đến giờ thính pháp, tất cả khóa sinh mặc áo tràng chỉnh tề xếp đúng hàng, đúng chỗ ngồi Ban tổ chức đã quy định.    Trong lúc chờ đợi giảng sư thăng tòa, không được nói chuyện, đi lại để giữ gìn trang nghiêm thanh tịnh đạo tràng.   Trong giờ nghe pháp, phải ngồi ngay ngắn, tập trung tâm ý nghe giảng, không được đi lại hay đổi chỗ cho nhau. Không ngồi tựa lưng vào tường hoặc duỗi thẳng chân.   Sau giờ nghe pháp, không nên chen lấn chạy theo giảng sư. Nếu khóa sinh muốn chụp hình lưu niệm với giảng sư phải xin phép giảng sư và Ban tổ chức. Lần lượt từng đoàn thể, sau đó là các cá nhân. Tuyệt đối không được lôi kéo làm mất oai nghi, phải nhanh gọn để bảo đảm giờ công phu sáng.    4. Ăn uống   Tất cả Phật tử tham dự khóa tu phải ăn chay trong suốt thời gian tu tập. Mỗi ngày dùng 3 bữa sáng, trưa và chiều. Không được ăn phi thời.   Trước giờ thọ trai, nghe tiếng chuông báo hiệu, tất cả khóa sinh phải mặc áo tràng chỉnh tề, xếp hàng đúng theo số thứ tự, không chắp tay, lần lượt từng hàng đi đến trai đường.   Tại trai đường, tất cả Phật tử phải ngồi đúng bàn, đúng chỗ Ban tổ chức đã sắp xếp. Trường hợp Phật tử không xếp hàng kịp đại chúng, tuyệt đối không chạy theo chen lấn vào hàng mà phải chờ cho đại chúng đứng đúng vị trí rồi mới xin phép vào.   Tất cả đứng đúng vị trí của mình, lắng nghe tiếng chuông hiệu lệnh và thực hành như sau: tiếng chuông thứ nhất tất cả Phật tử chắp tay trước ngực, tiếng chuông thứ hai xá xuống, tiếng chuông thứ ba nhẹ nhàng ngồi xuống. Khi ăn xong cũng nghe theo hiệu lệnh: tiếng chuông thứ nhất đứng dậy thật nhẹ nhàng, nhấc ghế để lùi phía sau, chắp hai tay. Nghe tiếng chuông thứ hai xá một xá. Tiếng chuông thứ ba tuần tự rời khỏi bàn ăn.   Trong khi ăn phải giữ chánh niệm và không được nói chuyện, không gây ồn ào trong trai đường, hạn chế tối thiểu tiếng khua chén bát. Không được mang thức ăn riêng để ăn một mình nhằm bảo đảm tính lục hòa của khóa tu. Tránh việc khạc nhổ mất vệ sinh làm ảnh hưởng đến những người bên cạnh.   Để đảm bảo vệ sinh chung và tránh sự lây lan bệnh truyền nhiễm qua đường ăn uống, trong khi ăn nên dùng đũa gắp thức ăn và dùng muỗng để ăn.   5. Ngủ nghỉ   Các Phật tử tham dự khóa tu phải tôn trọng nội quy ngủ và thức đúng giờ đã quy định.    Nếu không ngủ được phải nằm yên tại chỗ, không nói chuyện ồn ào, không đi lại làm động chúng.    Không được tự ý dời chỗ ngủ.   Trước giờ ngủ buổi tối có nửa giờ tịnh tọa, các Phật tử phải tập trung tại chỗ ngủ của mình, ngồi yên lặng để tĩnh tâm niệm Phật. Sau khi xả tịnh không được nói chuyện ồn ào.   Không mang túi xốp và hành lý vào phòng ngủ, trừ các túi vải do Ban tổ chức phát.   Mỗi người chỉ dùng một gối và một mền. Không lấy gối và mền lót ngồi, không trải mền để nằm.   Đúng 3 giờ 30 nghe tiếng chuông báo giờ thức chúng mới được bật đèn. Sau khi thức dậy phải xếp mùng mền gọn gàng, để đúng nơi quy định.    Không ngủ nghỉ phi thời.   Khi ngủ, nam không được ở trần, nữ không được mặc áo sát nách (hoặc áo thun, áo lá), quần ngắn.   6. Tiền bạc    Tiền bạc, tư trang phải tự bảo quản hoặc có thể gởi cho Ban tổ chức giữ giùm. Nếu tự giữ lấy, khi mất Ban tổ chức không chịu trách nhiệm.   Không được kêu gọi quyên góp tiền bạc.   Mọi sự phát tâm cúng dường xin để vào thùng công đức, không cúng dường riêng cho Tăng chúng.     7. Sinh hoạt    Trong suốt thời gian 7 ngày tu tập, các Phật tử phải mặc quần áo lam.Không được tự ý phổ biến tài liệu khác ngoài những tài liệu của khóa tu Phật thất.    Được phép về nhà khi có việc nhưng không nên quá 24 tiếng đồng hồ. Nếu quá 24 tiếng sẽ không được cấp giấy chứng nhận.    Các Phật tử tham dự khóa tu nên dặn thân nhân chỉ đến thăm vào sau các giờ thọ trai. Không được tiếp xúc với người thân nơi khu vực tu tập hoặc trong phòng ngủ của đại chúng.    Chỉ gọi điện thoại khi có việc thật cần thiết    Ban tổ chức dành riêng một khu vực “Tịnh tâm niệm Phật”. Tất cả Phật tử đến khu vực này chỉ niệm Phật, không được nói chuyện. Nếu có thân nhân bạn bè đến thăm, không được tiếp xúc trong khu vực này.   Hành lý phải để tập trung trong các phòng đã quy định, không được đem đến chỗ ngủ nghỉ.    Phòng hành lý được mở cửa mỗi ngày 2 lần, sáng từ 5 giờ đến 6 giờ, chiều từ 16 giờ đến 18 giờ.   Phải giữ gìn sạch sẽ chung quanh khuôn viên chùa và trong các phòng để hành lý cũng như phòng ăn, phòng ngủ.    Không xả rác trong các chậu cây cảnh.   Áo tràng phải treo đúng số thứ tự. Khu vực treo áo tràng không được treo khăn và quần áo khác. Khi lấy áo tràng phải coi cẩn thận đừng lấy lộn áo người khác.   Trong các phòng ngủ không được treo áo tràng và quần áo.    Giày dép phải xếp ngay ngắn, không vứt bừa bãi. Không để dép tại hành lang các dãy lầu. Không mang dép của người khác.Khi mất đồ dùng nên báo cho Ban tổ chức biết.   Phụ nữ mỗi tháng đến kỳ, không được lên chánh điện, không lấy tọa cụ lót ngồi, phải cẩn thận giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.   8. Tắm giặt, vệ sinh    Các sinh hoạt cá nhân như tắm giặt, vệ sinh phải theo thứ tự. Ai ra trước sử dụng trước, không nên tranh giành.    Trước khi vào phải gõ cửa ba tiếng để biết có người bên trong hay không. Khi vào phải khép cửa nhẹ nhàng, không nên đóng mạnh gây tiếng động, nhớ cài khóa cửa cẩn thận.    Khi vệ sinh xong nên dùng nước rửa sạch hơn là dùng giấy. Khi ra phải dội nước và rửa tay sạch sẽ. Chú ý nhớ sửa lại y phục cho chỉnh tề.   Trong khi tắm rửa, vệ sinh không được ca hát, nói chuyện, cười giỡn với người bên ngoài.   Không niệm Phật ra tiếng.   Không được mặc áo tràng vào nhà vệ sinh   Phải tiết kiệm nước, xà bông khi tắm giặt. Không lấy xà bông của đại chúng cất xài riêng.   Không khạc nhổ, tiểu tiện trong nhà tắm.   Nam giới không ở trần hoặc mặc áo thun, quần ngắn khi ra khỏi nhà tắm.   Giấy rác phải bỏ vào giỏ đựng rác, không được vứt bừa bãi hoặc bỏ xuống hầm cầu.    Đồ dùng cá nhân của phụ nữ sau khi sử dụng phải xử lý kỹ lưỡng, không được vứt bỏ bừa bãi.   Quần áo phải giặt đúng nơi, phơi đúng chỗ đã quy định. Quần áo lót phải treo kín đáo bên trong quần áo ngoài, không nên phơi bày lộ liễu mất thẩm mỹ.   Khi phơi quần áo ướt nên để ý đừng làm ướt quần áo đã phơi khô của người khác.    Nam giới và nữ giới có khu vực nhà tắm và vệ sinh riêng biệt, không được sử dụng lẫn lộn. Không được sử dụng phòng tắm và vệ sinh của chư Tăng.   9. Kỷ luật    Các Phật tử tham dự khóa tu phải chấp hành đúng nội quy, thời khóa tu tập cùng những hướng dẫn vừa nêu. Nếu ai vi phạm lần một nhắc nhở, lần hai sám hối trước đại chúng, và kỷ luật không được tham dự khóa tu kế tiếp.   IV. Trước khi ra về    Phải kiểm tra hành lý, tránh việc bỏ quên quần áo và đồ dùng cá nhân. Gởi trả lại Ban tổ chức các túi vải, thẻ số thứ tự và thẻ phơi quần áo.Chúng tôi mong tất cả Phật tử tham dự khóa tu Phật thất phải nắm rõ nội quy và thời khóa tu tập, tinh tấn hành trì, thúc liễm thân tâm, đạt được an lạc hạnh phúc trong thời gian tu tập.  OAI NGHI TÁC PHONG & HẠNH KIỂM   Nhà Phật gọi tác phong là oai nghi và  tế hạnh.    Tác phong là hành vi cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc hằng ngày. Hạnh kiểm là những tính hạnh nết na. Người có hành vi cử chỉ đúng đắn, nghiêm chỉnh, tính hạnh nết na hiền hòa, vui vẻ, nhã nhặn lễ độ thì được khen là đức hạnh tốt. Trái lại, nếu người có hành động, cử chỉ thô tháo sỗ sàng, tính nết thô lỗ, hung dữ, xấu xa thì không ai muốn gần.    Oai nghi tế hạnh của người Phật tử được thể hiện trong những hành động như: xá chào, lạy Phật, đi đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, ngủ nghỉ v.v...   XÁ CHÀO    Khi gặp chư Tăng hay bạn đồng đạo, chắp tay xá chào như sau:   Đứng ngay thẳng, hai tay chắp ngang trước ngực, 10 ngón tay hướng lên. Khi chắp tay không được bọng giữa, các ngón tay không so le, không để ngang miệng, hai bàn tay không xà xuống.   Trước khi xá chào hai tay chắp trước ngực, trong khi xá toàn thân trên khom xuống một góc khoảng gần 60o, tay cũng xá xuống, kèm theo câu niệm “A Di Đà Phật”.   Không đứng xa quá 3 mét. Không đứng trên cao xáù xuống, không ngồi xá, không vừa đi vừa xá, không xá một tay, không cầm vật trên tay xá, đang làm việc hoặc tay dơ bẩn không được xá, không xá theo kiểu gật đầu lia lịa.   Người Phật tử khi đến chùa và lúc ra về phải chào thầy trụ trì.   LẠY PHẬT   Khi nghe tiếng chuông thì lạy xuống, nghe dập chuông thì đứng dậy. Không đứng chính giữa chánh điện làm lễ. Không đi ngang qua chỗ người đang lễ. Không lên chỗ bục của chư Tăng hành lễ.   Khi chư Tăng đang ăn cơm, cạo tóc, đọc kinh, làm việc, kinh hành... đều không được làm lễ.   Tư thế khi lạy: điều chỉnh thân nghiêm chỉnh, hai chân khép lại theo hình chữ V, hai tay từ tư thế chắp trang nghiêm trước ngực từ từ đưa lên trán, khom mình xuống, chống hai tay xuống đất xong ngửa hai bàn tay ra và trán chạm xuống đất ở giữa hai bàn tay. Toàn thân phải hạ sát đất, hai bàn chân duỗi ra, mông chạm sát trên hai gót chân. Đó gọi là “năm vóc sát đất”.    Khi đứng dậy, hai tay úp lại, đẩy người từ từ đứng lên trở về vị trí ban đầu, đồng thời xá một xá.   Tư thế quỳ: lưng phải ngay thẳng, đầu hơi cúi xuống, hai tay chắp ngay ngắn trước ngực.   TƯỚNG ĐI    Người Phật tử phải đi khoan thai nhẹ nhàng, chững chạc, dù trong nhà hay ngoài đường lúc nào cũng phải giữ tướng đi cho ngay thẳng trang nghiêm nhưng không mất vẻ tự nhiên. Không được vừa đi vừa nhảy, không liếc ngó hai bên, hoặc hát nghêu ngao, không đi ưỡn ẹo, không đi nhón gót, không vừa đi vừa đưa tay lên xuống quá cao, không vừa đi vừa mặc hoặc cởi áo tràng.   Phải nhường bước cho người lớn đi trước. Không đi trước mặt thầy, không đi ngang vai với thầy, phải đi phía sau thầy. Lên xe, phải nhường cho người già cả, yếu đuối lên trước. Đừng chen lấn, xô đẩy giành chỗ ồn ào làm mất tư cách của người Phật tử.   KINH HÀNH   Bước chân đúng theo tiếng niệm Phật, bước chân phải đặt xuống đúng ngay chữ “A” và chữ “Phật”, bước chân trái rơi vào chữ “Nam” và chữ “Đà”. Hai tay chắp trang nghiêm trước ngực, không lắc vai nghiêng mình, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống không nhìn hai bên. Đi nhiễu Phật theo chiều kim đồng hồ từ trái sang phải, khi xoay mình cũng xoay theo chiều kim đồng hồ.   TƯỚNG ĐỨNG   Không đứng dựa tường, dựa ghế, dựa cột, không đứng khúm núm, không đứng chống nạnh ra oai. Khi đứng nói chuyện với chư Tăng nên đứng nghiêm chỉnh, hai tay chắp hoặc buông xuống. Khi hành lễ, tụng kinh phải đứng ngay thẳng, hai tay chắp trước ngực. Không xoay qua xoay lại liếc ngó láo liên. Không đi tới lui làm mất trật tự.    Không được đứng trên cao nói chuyện hay kêu gọi chư Tăng ở dưới thấp.   TƯỚNG NGỒI   Nếu ngồi trên ghế phải ngồi thẳng lưng, hai chân thòng xuống để ngay ngắn trên đất. Khi ngồi không ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, không khom lưng, không dựa ngửa, dựa nghiêng, không ngồi úp mặt trên bàn, không ngồi chồm hổm trên ghế, không ngồi gác chân chữ ngũ, không ngồi rung đùi, không lắc lư hai chân, không gác chân lên ghế, lên bàn.   Khi tụng kinh, tọa thiền phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng như tường vách. Có hai cách ngồi:   - Kiết già: bàn chân trái đặt lên đùi chân phải và bàn chân phải đặt lên đùi chân trái (kéo sát vào thân). Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau.   - Bán già: bàn chân trái đặt lên đùi chân phải hoặc bàn chân phải đặt lên đùi chân trái. Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau.   Đang ngồi tự do nếu thấy chư Tăng đi qua phải đứng dậy xá chào.   Không được ngồi nói chuyện khi chư Tăng đang đứng (hoặc ngồi thiền, niệm Phật).   Khi tiếp xúc với thầy, thầy cho phép ngồi mới ngồi, không được tự ý ngồi trước.   TƯỚNG NẰM    Khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi, không nằm nghiêng bên trái, vì trái tim nằm về phía trái của lồng ngực, tim sẽ bị đè nén, máu không lưu thông được, dễ dẫn đến ác mộng, (có thể nằm ngửa với tư thế thân ngay thẳng, hai chân khép lại, tay đặt trên bụng hoặc duỗi thẳng, nên lấy mền che phần bụng dưới lại cho kín đáo). Không nên nằm sấp vì buồng phổi bị ép làm khó thở.   Nằm theo thế cát tường tức là nằm nghiêng bên phải, chân tay duỗi thẳng (giống tư thế đức Phật nhập Niết bàn), đây là cách nằm an lành tốt đẹp, vừa trang nhã vừa có lợi cho sức khỏe.   TƯỚNG ĂN     Trong chùa khi ăn cơm phải cúng quá đường. Đại chúng mặc áo tràng, khi ngồi nhớ vén vạt áo tràng phía sau cho gọn gàng, lưu ý tay áo rộng đừng cho chạm vào thức ăn.   Cách thức cúng quá đường:   Tay phải kiết ấn cáùt tường: ngón tay cái đặtù lên ngón áp út co sát vào trong lòng bàn tay, ba ngón tay còn lại vươn thẳng lên. Tay trái: ngón giữa và ngón áp út co lại, ba ngón còn lại vươn thẳng lên, tạo thành thế kiềng ba chân, đặt chén vào giữa. Tay trái nâng bát đưa lên ngang tầm mắt, tay phải kiết ấn đặt ngang miệng chén.    Tam đề, ngũ quán: trước khi ăn ba muỗng và quán năm pháp, dùng hai tay nâng bát ngang tầm mắt, mỗi tay chỉ sử dụng ba ngón: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Sau đó để bát trên lòng bàn tay trái, tay phải cầm muỗng xúc ba muỗng cơm quán tam đề. Xong để muỗng úp xuống bát cơm, quay về phía trước, bàn tay phải đặt dưới bàn tay trái, nâng bát ngang chấn thủy, thầm niệm ngũ quán.   Trước khi ăn cơm nên rửa tay sạch sẽ. Phải ngồi ngay thẳng vững vàng, chẳng nên cúi sát mặt bàn, áp măït sát vào chén mà húp canh và cơm. Khi ăn chẳng nên ngậm cơm nói chuyện. Không gãi đầu làm bụi bay qua người khác, hay vào thức ăn. Khi nhảy mũi, bị sặc cơm phải quay ra phía sau tránh phun trúng người ngồi gần. Chẳng nên nhổ khạc, ợ ngáp ra tiếng, (khi ngáp phải lấy tay che miệng), hạn chế tối đa tiếng khua chén đũøa. Không hả miệng lớn lúc chờ đợi cơm. Lúc xỉa răng phải che miệng lại. Trong cơm có sâu kiến phải kín đáo gắp ra chớ để người ngồi gần thấy. Trên bàn ăn có món ngon món không ngon, đừng sinh tâm tham, gắp món ngon nhiều lấn phần người khác mà chê món dở. Cần món gì ngoài tầm tay, ra hiệu nhờ người khác chuyển giùm, chẳng nên gọi to nói lớn hoặc đứng dậy lấy thức ăn. Khi ăn không hà hít chắt lưỡi khen ngon chê dở, nên quán thức ăn để chữa bệnh ốm gầy. Khi uống nước nên rót ra bát, hai tay nâng bát lên uống chậm rãi. Ăn xong trước phải đợi mọi người cùng ăn xong, đứng dậy một lượt.    Sống trong gia đình hay trong chúng phải áp dụng đúng câu “lợi hòa đồng quân”, nghĩa là phải chia nhường nhau hưởng dụng của cải vật chất một cách công bình, không nên giành phần hơn.   CÁCH THỨC THỈNH TĂNG VÀ CÚNG DƯỜNG   Phật tử có duyên sự muốn cung thỉnh chư Tăng hoặc cúng dường, trước hết phải thành tâm, mặc áo tràng, tay bưng khay lễ trên đặt phẩm vật cúng dường. Tác bạch thỉnh Tăng hoặc cúng dường theo đúng nghi lễ (lạy một lạy, đứng lên rồi quỳ xuống tác bạch, hoặc đứng trang nghiêm xá một xá rồi tác bạch). Sau khi chư Tăng đã nạp thọ, lạy ba lạy rồi lui ra.Cúng dường Tam bảo là bổn phận của người Phật tử tại gia, nhằm góp phần hộ trì Tam bảo và hoằng dương Phật pháp. Khi cúng dường, nên để tịnh tài vào một đĩa nhỏ đặt trên bàn, không nên cầm tiền trên tay hoặc nhét vào túi áo chư Tăng (không được lịch sự).   CÁCH MẶC Y PHỤC    Người Phật tử nên mặc y phục trang nhã, kín đáo vừa hợp tầm vóc, không quá chật hay quá rộng. Không dùng những màu sắc sặc sỡø, bông hoa lòe loẹt, không mặc loại vải quá mỏng, không mặc y phục kiểu cách kỳ dị, hở hang, khêu gợi.   Khi đến dự khóa tu Phật thất, tất cả đều phải mặc y phục màu lam.    CÁCH GIAO TIẾP VỚI MỌI NGƯỜI    Khi giao tiếp với ai phải giữ thái độ điềm đạm, hoan hỷ. Không nên quá niềm nở hoặc cười cợt lả lơi. Phải thành thật ngay thẳng, nhu hòa khiêm tốn. Không nói hớt, không giành nói, không đùa dai.   Khi nói chuyện với thầy phải giữ lễ độ, đứng chắp tay hoặc đứng trang nghiêm, không nên cười giỡn hoặc nói lớn tiếng. Không kết tình cha mẹ, anh chị em với người xuất gia.   Khi gặp việc gì dù khó khăn rắc rối cũng phải giữ bình tĩnh ôn hòa, không tỏ vẻ cau có bực bội.   Phải biết giữ uy tín và danh giá của mình bằng cách không nói càn hứa ẩu. Đừng nói mập mờ để người ngộ nhận, rất có hại, phải biết lắng nghe và nói đúng lúc, nói đúng lý. Không nói quá nhiều, không nói lớn lối khoe khoang, không nói chê bai, không nói đùa giỡn, không nói lời khích bác.   NHỮNG PHẦN PHỤ   * Khi lên chính điện cần lưu ý:   - Khi vào lễ Phật, nếu đã có nhang cắm trong lư rồi không nên thắp thêm.   - Không đứng trên chính điện mặc áo tràng.   - Không tùy tiện đánh chuông, trống, mõ, khánh.     - Không nên tranh giành chỗ ngồi.   - Tay dơ bẩn không nên cầm kinh.   - Khi muốn ngáp phải che miệng.   * Bổn phận chúng trưởng:   Thường xuyên theo dõi, săn sóc, nhắc nhở chúng viên của mình như khi đau ốm, ăn ngủ phi thời, không giữ đúng oai nghi. Thường xuyên báo cáo lên Ban tổ chức biết những việc cần thiết cũng như những điều không tự giải quyết được.   Ngoài ra, khóa sinh phải sống đúng tinh thần lục hòa. Không nên thấy lỗi người khác, phải thực sự đóng góp xây dựng để giúp đỡ người thiếu sót về phong cách đạo đức. Không nên bỏ mặc làm ngơ trước sự thiếu sót của người khác về mặt tác phong.   Trên đây là những vấn đề thiết yếu trong đời sống tu tập của hàng Phật tử, quý vị cần phải lưu tâm, học hỏi và hành trì để trong những ngày tu Phật thất đạt được nhiều kết quả an vui, lợi lạc.                                     Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.                                                         TM. Ban tổ chức khóa tu Phật thất                                                            Thích Chiếu Triết biên soạn   "Lục hòa nghiêm tịnh tinh cầnNhất tâm an lạc trọn phần khóa tu"                                    Thích Chân Tính Facebook Google Tweet Xem tiếp Sách cùng thể loại
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Còn Lại 1 Nhiều tác giả
Góc Khuất
Góc Khuất Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại HT. Ngộ Chân Tử
Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Còn Lại 2 Nhiều tác giả
Xem tất cả

Từ khóa » đi Tu Học ở đâu