Mấy Lời Chia Sẻ Cho Người Muốn Xuất Gia - Sư Tâm Pháp
Thưa Thầy, Bấy lâu nay con bị Tham dục, Sân hận chi phối, con vẫn tưởng ở đời chỉ cần tu tập cho tốt, là có thể bình ổn vượt qua được, nhưng không thưa Thầy, càng gần Ái dục, con càng bất toại nguyện, càng Sân, càng không vừa ý, trái ý nghịch lòng ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh, con sân với người Thân, bạn bè, đồng nghiệp, và ngay cả với Thầy, người con kính trọng. Con đã mất kiểm soát hoàn toàn, và cho đến gần đây, con nhận ra rằng, ở đời không phải là môi trường, dù có thành công, thành đạt đến mấy, để những tâm Thiện phát triển, con đã xin nghỉ việc, đang bàn giao công việc, con đã xin phép Bố Mẹ, và Bố Mẹ con cũng bằng lòng cho con xuất gia. Nghĩ đến Thầy, người đầu tiên dẫn con đến với Đạo Phật Nguyên Thủy, cũng là người con đã phạm sai lầm khi sống trong tham áii bủa vây, với con lúc này, mong muốn được chia sẻ và tâm sự với một Người đi trước như Thầy, con mong nhận được một lời khuyên, sự cảm thông và chỉ đường cho con trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời con. Con mong được vào chua VK xin sống một thời gian, hay một ngôi chùa Nguyên Thủy nào đó, hay xin sang Miến Điện học tập, mong Thầy giúp con và cho con lời khuyên ạ. Con mong tin Thầy.
Con H.
Con thân mến, Con nhất quyết dành cuộc đời mình cho việc giải thoát bản thân mình khỏi khổ đau, đó là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng. Đó là việc đáng làm trong cuộc sống làm người này con ạ. Nếu con đã quyết như vậy, thì theo thầy con hãy sang Miến Điện. Miến Điện hội tụ những đỉnh cao của pháp học, pháp hành của Phật giáo Nguyên thủy, nơi đó có những vị thầy đáng kính và giàu kinh nghiệm, có cộng đồng chư tăng đông đúc và chất lượng, có truyền thống Phật giáo lâu đời của cả dân tộc Miến, có đầy đủ điều kiện hỗ trợ mình trên con đường phát triển tâm linh. Vì vậy thầy và nhiều vị sư trẻ có khát vọng tu tập giải thoát sau này đều sang Miến Điện xuất gia tu tập. Đất Miến Điện tuy nghèo, cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng là nơi tu hành lý tưởng, nơi sản sinh ra nhiều bậc Thánh tăng. Con hãy sang bên đó mà tu. Con ạ, khi đi xuất gia, nơi mình chọn để đến ở đầu tiên và xuất gia là rất quan trọng. Vì đó là những yếu tố định hình cho cuộc đời xuất gia sau này của mình. Con nên tìm đến một nơi có truyền thống tu tập, có giới luật tinh nghiêm, có đồng đạo chư tăng đức hạnh và nhất là được ở gần và học hỏi từ những vị thiền sư có kinh nghiệm. Con có thể sang một số trường thiền ở Miến Điện như Fa Auk hoặc Panditarama để xuất gia và ở bên đó một số năm tu hành. Ít nhất từ 5-10 năm. Nhiều vị sư trẻ VN đã ở bên đó đến cả 15 năm, vừa học vừa hành. Các sư đã từng tu tập lâu ở Miến Điện thường là những vị sư đức hạnh, có chất lượng, có “mùi tu” với phong cách khác hẳn những vị sư khác. Con cũng cần chuẩn bị sẵn tư tưởng cho mình.
Xuất gia có nhiều khó khăn, cuộc sống thiếu thốn, kham khổ, một cuộc sống hoàn toàn khác biệt với cuộc sống mình vẫn sống trước đây, vô sở hữu. Cộng với sự thực hành miên mật, vất vả kiên trì, nếu không có quyết tâm và đức tin mạnh mẽ, trong sạch thì khó trụ lại được lắm. Cái đó con phải chuẩn bị. Nếu không mình sẽ bị đi xuống theo 2 hướng: trở lại đời hoặc đầu hàng sự dễ duôi trở thành một kẻ danh lợi tầm thường khoác áo nhà sư. Trong hai khả năng ấy, khả năng thứ hai là tệ nhất, nhưng khổ thay, lại là khả năng dễ xảy ra nhất đối với người tu hành ngày nay. Danh và lợi, sự dễ duôi không kham chịu khổ, sự khẳng định bản ngã nó rất vi tế và khó nhận ra, đối với người tu thậm chí còn vi tế và khó nhận ra hơn nữa. Vì vậy điều quan trọng hàng đầu là phải xác định tư tưởng cho thật đúng đắn: tu vì mục đích giải thoát chính bản thân mình, đó là mục đích mà hàng ngày hàng giờ không thể nào quên. Hãy quan sát thật rõ tâm mình xem những động cơ thực sự của mình là gì, có thể bây giờ nó vẫn núp bóng tu giải thoát, nhưng ngay cả đi xuất gia rồi chúng ta vẫn phải hàng ngày hàng giờ quán xét lại nó, có thể còn lâu lắm chúng ta mới phát hiện ra và thoát khỏi nó. Nếu không như vậy, người tu sẽ còn bị kẹt, kẹt khó thoát vô cùng, bề ngoài là đạo mà sâu bên trong thâm tâm vẫn là đời, không có cái khổ nào sâu kín hơn cái khổ ấy, cái khổ của kẻ “nửa đạo, nửa đời” !
Nếu xuất gia con nên đi Miến Điện, vì 1 lý do khác nữa là mình bước sang một cuộc đời mới, muốn cho trọn vẹn thì phải cắt duyên, không để cho cuộc đời cứ ảnh hưởng, tác động đến mình nữa. Đi biệt khỏi VN một thời gian dài, chuyên tu để tạo lập một cuộc đời mới, một nhân cách mới để khi trở lại mình mình là con người mới – một vị Tỳ Khưu đích thực. Hơn nữa, khi sống ở một môi trường văn hóa xã hội hoàn toàn mới, môi trường cộng đồng chư tăng của một đất nước khác, với những sức mạnh truyền thống khác, tiếng nói khác … sẽ làm mình phải trở thành một con người mới, phải dứt bỏ mọi thói quen, cách sống, cách nghĩ, cách nói năng, sinh hoạt … một cách triệt để hơn. Những điều đó ở VN con không làm được đâu nhất là đối với những người rời khỏi cuộc đời cư sỹ đi xuất gia thì điều này rất cần thiết. Nếu không quanh đi quẩn lại cũng chỉ làm cái việc học nghề. Bỏ cái nghề cũ để học cái nghề mới: nghề tu ! Xuất gia – từ bỏ cái nhà nhỏ hẹp để vào cái nhà mới đông đúc và hoành tráng hơn: cái chùa ! Thầy có vài điều chân thật từ sự trải nghiệm của chính mình như vậy để tâm sự với con, mong con tìm ra được con đường đúng cho mình.
Làm một vị Tỳ Khưu đầu trần, chân đất, không nhà cửa, không người thân, không tài sản, đâu đâu cũng là nhà, ba y một bát ngàn nhà xin ăn … là cuộc sống hoàn toàn khác, với niềm hạnh phúc hoàn toàn khác thế gian, cùng với những khó khăn và những vấn đề hoàn toàn khác, đòi hỏi mình phải có một cách nhìn hoàn toàn khác nữa, thực sự là cải tổ, là từ bỏ: cái cần nhất mà cũng khó bỏ nhất chính là lối sống, lối suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc đời của con người cũ. Điều đó cần thời gian và sự trải nghiệm, tu tập thực tế. Vì vậy để khoác lên tấm y cao quý thì rất dễ, nhưng để trở thành một vị Tỳ Khưu thật sự, xứng đáng với tấm y ấy thì không dễ chút nào, chỉ có năm tháng và sự kiên trì, tinh tấn mới giúp con làm được điều đó. Chính vì thế, nhìn nhiều vị sư mọi người vẫn có cảm tưởng họ và bộ y hình như không hợp nhau, mặc nhầm áo, trông cứ “cộc lệch” thế nào ấy. Đi tu đa phần vì lý tưởng, vì hình ảnh cao đẹp của một vị Tỳ Khưu mà mình muốn trở thành. Nhưng hãy cẩn thận với lý tưởng ấy, nó chỉ là động lực mạnh lúc ban đầu thôi, nó không bền vững đâu. Nếu không biết thay thế dần động lực ấy bằng động lực chân chính hơn có được do thực hành pháp thì sẽ đến lúc mình mất nhiệt huyết dần, những ảo tưởng vô tận khi đối diện với thực tế của đời tu, của cộng đồng tu sỹ sẽ biến mình trở thành một kẻ bất mãn và tầm thường lúc nào không hay. Cạm bẫy trong đời tu thì vô số và khó nhận diện, khác biệt rất nhiều, khó vượt qua rất nhiều so với cạm bẫy đời thường, bởi vì chúng nằm ngay ở chính nơi mình nghĩ là an toàn nhất – trong chính tâm mình, trong chính suy nghĩ của mình, trong những điều mình vốn vẫn cho là đúng đắn, là lý tưởng !
Con cần sự hỗ trợ lâu dài của các bậc thầy và cộng đồng tăng chúng thanh tịnh, của sự thực hành pháp của chính bản thân con trong một thời gian dài, có thể rất dài, để vượt qua tất cả những điều ấy và tìm được hạnh phúc cao thượng của cuộc đời xuất gia. Thầy có đôi điều “food for thought” như vậy để con suy nghĩ chín chắn và chuẩn bị cho tốt. Công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng nếu con muốn cuộc đời xuất gia của mình sau này được tốt đẹp. Đừng vội vàng con ạ, hãy dành thời gian chuẩn bị mọi mặt, vì có nhiều thứ mà khi đã xuất gia rồi con không có điều kiện chuẩn bị được nữa. SUCCESS LOVES PREPARATION! Thành Công Luôn Cần Sự Chuẩn Bị. Xuất gia không phải là trốn đời, nên không cần phải vội vàng quá mức con ạ ! Thầy chúc con sớm thành đạt được ý nguyện của mình. Có cần sự giúp đỡ gì từ thầy thì con cứ liên lạc với thầy, đừng ngại nhé ! Với tâm từ của thầy Thầy
Từ khóa » đi Tu Học ở đâu
-
Muốn Xuất Gia Thì Cần Những điều Kiện Gì? - .vn
-
"Đi Tu" Là... đi đâu? - Giác Ngộ Online
-
Em Muốn đi Tu ạ - Phật Học Vấn Đáp
-
Cô Gái Tuổi đôi Mươi Từ Bỏ Tất Cả để Xuất Gia Tu Học Theo Phật - DPNN
-
Khóa Tu Phật Thất - Chùa Hoằng Pháp
-
Xuất Gia đi Tu - Chùa Bửu Châu - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
Chùa Giác Ngộ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI THAM GIA KHOÁ TU ...
-
Thủ Tục Xuất Gia Đi Tu - Thủ Tục: Đăng Ký Người Vào Tu - Tam Kỳ RT
-
Hành Trình Xuất Gia Của Một Người Trẻ | Phật Giáo Việt Nam
-
Khóa Tu - Chùa Dược Sư
-
Lời Khuyên Cho Phật Tử Bắt đầu Tu Tập Theo Đạo Phật Nên Bắt đầu Từ ...
-
Thiếu Gia Nức Tiếng đi Tu ở Sài Gòn Khiến Dư Luận Dậy Sóng - Kenh14
-
Câu Hỏi Dành Cho Người Muốn Xuất Gia đi Tu - Ô-Hay.Vn
-
Đi Tu để Học - Báo Thanh Niên