Khoảng Lặng Chiến Tranh - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Những tác phẩm được vẽ rất vội trong bối cảnh ở nơi chiến trường Quảng Trị 1971-1972 khốc liệt nhất những năm tháng chống Mỹ cứu nước, nhưng giúp người xem cảm nhận được một khoảng lặng bình yên hiếm hoi thời chiến tranh chưa xa.

Kỷ vật vô giá

Phòng triển lãm "đồ sộ" với hơn 200 bức ký họa, 100 bức sơn dầu, phần lớn đã ố vàng, cũ kỹ, rách góc bởi thời gian. Có những bức được họa sĩ phóng to với những lời tri ân: "Những con người này, vĩnh viễn tôi không còn cơ may gặp lại, nợ các anh tôi không thể trả. Thành tâm kính cẩn".

Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu và gia đình đã nâng niu và gìn giữ gia tài đồ sộ này trong suốt hơn 40 năm qua. Trong gia đình ông, dù là những ngày chật chội trong 9m2 ở Kỳ Đồng hay trong căn nhà ngập nước ở Điện Biên Phủ, các bức tranh này vẫn luôn được đặt ở một ví trí trang trọng và an toàn. Nay cả gia đình thấy cần thiết phải trưng bày, như một cử chỉ tri ân, như một lời nhắn tìm đồng đội - những nguyên mẫu đã hy sinh hay lẩn khuất đâu đó giữa đời thường...

Năm 1971, chàng trai sinh viên Mỹ thuật hăm hở lên đường, với một túi đồ nghề, nơi đến là Quảng Trị, đó là những chuyến đi thực tế dài ngày 3 tháng, đối diện và cận kề với cái chết. Anh đi vào từng ngõ ngách của chiến hào, chứng kiến và tận mắt nhìn thấy niềm tin và ý chí của con người ở vùng đất thép này.

Có những hình ảnh trong ký họa của anh đã trở thành biểu tượng, có những nhân vật trong tranh của anh, chỉ vài phút sau khi bức tranh hoàn thành, đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại, chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Anh kể, có lần đang vẽ dở một chiến hào bị pháo kích, những thân cây, cột nhà chồng chéo lên nhau, in trên nền trời rực lửa buổi hoàng hôn trông thật hùng vĩ. Bên cạnh là một chiến sĩ thông tin đang làm nhiệm vụ, ông đã hối hả ghi lại những cảm xúc của mình.

Bỗng một đợt pháo ập xuống, bối cảnh vẽ bị phá tung, cậu lính kéo dây vội đẩy ông xuống hầm, dù không kịp thu dọn đồ nghề nhưng cậu vội chồm lên lao ra lấy cái cặp vẽ. Phạm Ngọc Liệu đã kịp ghi lại khoảnh khắc đó, dù bức tranh này, theo ông về bố cục chưa phải là chặt chẽ.

Rồi có những khi, vừa vẽ xong cảnh các chiến sĩ trao đổi tình hình trên trận địa chốt bên sông Thạch Hãn, anh vừa quay đi thì một quả bom rơi trúng cái hầm đó, những gương mặt thanh niên đẹp trai, thông minh vừa rời ghế nhà trường vẫn chưa khô nét mực trong các ký họa của anh đã vĩnh viễn ra đi.

Những bức ký họa đó đối với anh là những kỷ vật vô giá, vì thế bao năm qua, có rất nhiều người ngỏ ý muốn mua, nhưng anh không bán, bởi đó không chỉ giản đơn là những ký họa mà nó còn lưu giữ dấu ấn của một thời rực lửa mà anh cùng những người lính đã đi qua.

Những khoảng lặng hiếm hoi trong chiến tranh

Xem những bức ký họa của Phạm Ngọc Liệu, có một cảm giác thật yên bình. Dường như nét cọ của ông đã "chớp" được những khoảng lặng hiếm hoi trong chiến tranh. Đó là: Những người phụ nữ Vĩnh Linh còn có thể xe sợi, dệt vải… làm phân bón 1971, hay chân dung những O, những Bọ, cảnh vá lưới, cảnh thóc vào kho, bãi biển…

Nếu chúng ta từng biết đến Quảng Trị, Vĩnh Linh những năm tháng của mùa hè đỏ lửa, thì đây, qua những bức ký họa của Phạm Ngọc Liệu, nhịp sống vẫn diễn ra từng ngày, yên bình, giản dị, và trong mưa bom bão đạn, nhịp sống đó càng trỗi lên mãnh liệt.

Đó là những nét vẽ đời thường, nhưng vô cùng đáng trân trọng vì đằng sau sự bình thản ấy là những khốc liệt của chiến tranh. Thậm chí đôi khi chính những con người trong các bức ký họa của ông đang cận kề với cái chết, và có thể có những người vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Nhưng dường như đó là một quy luật, phút bình yên hiếm hoi ấy là khoảng lặng giữa hai trận đánh, để người lính, người dân hồi sinh lên sức mạnh của tình yêu nước, của ý chí sắt đá quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Đó là những khoảng lặng thiêng liêng.

Các ký họa chủ yếu được vẽ trên giấy Việt Trì, hay giấy in báo ngày xưa, dụng cụ vẽ khi là một thỏi mực nho, khi là phẩm nhuộm màu ngâm rượu có thuốc hãm, cọ vẽ là cây bút sắt Trung Quốc, rất đơn sơ, nhưng đến hôm nay, khi Phạm Ngọc Liễu cho công bố kho tàng của mình, người xem không khỏi ngỡ ngàng.

40 năm đã qua đi, nhưng những bức ký họa dường như vẫn còn nguyên những giá trị, giúp các thế hệ hôm nay có một cái nhìn trực diện và những chiêm nghiệm về chiến tranh. Nếu ai đó xem những ký họa này mà phát hiện đưa những nguyên mẫu để tác giả được đón họ hội ngộ ở phòng tranh thì hạnh phúc biết nhường nào

Từ khóa » Khoảng Lặng Hiếm Hoi