Khóc Mướn Giữa Thời đại Acòng@. - Trịnh Thanh Thủy - Chim Việt

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Khóc mướn giữa thời đại acòng@.
Trịnh Thanh Thủy
Gần đây cư dân mạng được xem một video clip gây "sốc" của một người vợ hiền không chọn khóc chồng bằng nước mắt vật vã trước quan tài mà bằng một bài hát karaoke "Tìm lại giấc mơ". Sau khi clip được đăng tải, có nhiều người rơi nước mắt và tỏ ra khâm phục sự mạnh mẽ của chị Yến, bởi việc cầm mic để hát hết một bài hát trong đám tang tặng chồng là điều không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, có người chê bai là giả dối, thương chồng mà tỉnh queo, còn bình tĩnh mà hát là kịch cỡm, vô duyên. Người thì không đồng ý với cách thể hiện tình cảm này, vì nó không hợp với tập tục Việt Nam tự ngàn xưa, nói đến tang ma thường phải nghe tiếng khóc. Để tỏ lòng thương tiếc đậm sâu có nhiều tang gia còn mướn người khóc mướn cho tăng phần ảo não.

Sự phê bình gợi tôi nhớ lại cách đây không lâu hình ảnh một phụ nữ cầm một cây micro lăn lộn khóc thuê trong một tang lễ ở Trung Quốc đã khiến cả thế giới ngạc nhiên. Những người khóc thuê - còn gọi là kusangren - được thuê để bảo đảm rằng tang lễ diễn ra thống thiết. Hu, 53 tuổi, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Bà tới nơi làm việc với đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng và 6 thành viên của nhóm được gọi tên là "Dàn nhạc của Vì sao và Dòng sông Trùng Khánh".

Cuối tháng 12, 2011, trong tang lễ Kim Jong il, thế giới được chứng kiến hình ảnh dân Bắc Hàn than van ầm ĩ, khóc lóc thảm thiết để tỏ mối thương tâm cho một lãnh tụ vừa qua đời. Sau đó có nguồn tin từ Hãng thông tấn Nam Hàn cho biết những người không khóc trong đám tang Kim Jong- il (Kim Chính Nhật) có thể sẽ phải chịu mức án tới 1 năm rưỡi lao động cải tạo. Và khi đoàn xe tang của Kim Jong-il đi qua những con đường của Bình Nhưỡng, bâ?t cứ ai trong biển người mà không có vẻ gì đau buô?n sẽ gă?p tai ho?a. Thế là toàn dân Bắc Hàn phải chịu sắm vai khóc mướn không lương.

Ai oán hơn, tháng 7 năm rồi, một ngư dân đã bỏ tiền ra thuê người khóc ma và làm đám tang long trọng dành cho cá. Mục đích của tiếng khóc bi thương này là để đánh động lương tâm của chính quyền đã đòi thu hồi lại khu nuôi cá ở thôn Cao Phong, xã Lưu Phương, khu Giang Hạ, Trung Quốc. Trong một vụ tranh chấp hợp đồng, Ủy ban nhân dân xã và thôn tịch thu đất trại, cắt điện, cắt nước, khiến cả trăm nghìn con cá chết. Những người khóc thuê đãngân nga điệu hát ai oán "cá chết, người đau, ai hiểu nỗi lòng?". Tiếng khóc gượng gạo cưỡng chế của người dân Bắc Hàn giả tạo bao nhiêu thì tiếng khóc ma cá của người dân Trung Quốc mất nhà, mất đất, thê thảm bấy nhiêu.

Những tập tục tang ma, hôn lễ nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề văn hoá Trung Hoa được phổ biến rộng rãi và ăn sâu trong đầu óc dân gian tự ngàn xưa. Trong phần Gia Lễ Chỉ Nam của cuốn Thọ Mai Gia Lễ có hướng dẫn đầy đủ những nghi thức tang chế tuy không rập khuôn theo Tàu nhưng cũng trích lại phần lớn nghi thức của Chu Công Gia Lễ của người Hoa. Một người thân vừa qua đời, tức là "mất đi". Tuy mất nhưng hình ảnh của người đó vẫn còn hiện hữu trong ký ức của người sống. Khóc là một hành động tự nhiên của lòng xúc cảm và tưởng tiếc. Khóc là một cách thể hiện tấm lòng đau buồn của người ở lại tiễn người ra đi. Do đó trong một đám tang Việt Nam sự buồn khổ, ai oán phải được biểu lộ trên khuôn mặt gia quyến hay người đi đưa. Một thành ngữ "khuôn mặt đưa đám" đã tỏ rõ tập quán này. Tuy nhiên, mỗi con nguời là một cá thể dị biệt, có người bộc lộ tình cảm lên khuôn mặt, có người chỉ dấu trong lòng, có người ồn ào, có người tĩnh lặng. Vì thế quan sát một đám tang, ta có thể thấy được những nét tôn giáo hay văn hoá Đông, Tây hoặc pha trộn của tang quyến.

Cũng theo tinh thần nệ cổ này, người Việt thường tổ chức tang lễ thật long trọng và kéo dài cả tuần lễ. Đã là đám ma thì phải có nước mắt, do đó để tránh lời đàm tiếu, dèm pha kiểu "Xem nó kìa, cha ruột mất mà không thèm nhỏ lấy một giọt nước mắt tiếc thương" hay "Bác gái ấy thật vô phúc, nằm xuống mà con cháu trong nhà cứ dửng dưng thế nào", nhiều người phải trông cậy vào đội quân khóc mướn. Thực ra có khi người lặng lẽ nhất mới chính là người thương tiếc thật sự.

Xa quê hương mấy chục năm, tôi chưa từng được chứng kiến tận mắt một đám tang bên Việt Nam xảy ra như thế nào nhưng khi đọc những bài tường thuật bên quê nhà, giờ vẫn còn các "khóc sĩ" hành nghề(mà lại rất đắt hàng), tôi rất ngạc nhiên. Hình ảnh một phụ nữ vật vã bên quan tài hay một người đàn ông tỉ tê kể lể(có vần, điệu, bài bản rất hay) nước mắt đoanh tròng hoà với tiếng nhạc bát âm thảm thiết trong đêm vắng, khiến khách hồng trần ai nghe mà không tan nát cả lòng. Nó khiến ta bùi ngùi liên tưởng tới cái lẽ vô thường, cái giờ "tử biệt", ai cũng phải trải qua trong một kiếp người. Nhưng khúc phim trên chỉ là một cảnh phụ diễn được trả tiền cho buổi tiễn đưa thêm phần trang trọng, cả người thuê, lẫn người được thuê đều hả hê vì đã theo đúng luật tục.

"Phú quý sinh lễ nghĩa" nên những kẻ có của ngày nay bắt đầu cuộc sống trưởng giả, trọng hình thức, ưa rườm rà, đã làm sống lại những tục lệ xưa như một cách phô trương. Tục đốt vàng mã, giờ sắc sảo hơn với những vật dụng thủ công tỉ mỉ. Thiên hạ đua nhau "vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy", đốt hàng mã, xe hơi, tủ lạnh, Cell phone, giấy tiền đô la, thậm chí cả những cô hầu gái trẻ đẹp để các đại gia thêm phần hưng phấn chốn thiên đường. Những ngôi nhà từ đường thênh thang, lộng lẫy, những ngôi mộ hoa lệ kiến trúc nửa tây nửa ta của người giàu có, liên tiếp mọc lên chung quanh các khu xóm nghèo như những miếng thịt thơm tho nằm giữa một tô cháo trắng lõng bõng nước.

Đi sâu vào nghiệp khóc mướn chúng ta thấy, trước đây khóc thuê là một nghề khá phổ biến, từ chốn thôn quê cho đến thị thành. Chẳng hiểu vì định kiến xã hội hay bị chính quyền ngăn cản mà nó ngày càng mai một, tưởng đã chuyển thành một thứ kỷ niệm "vang bóng một thời". Thế mà tục lệ được cho là hủ tục này được hồi phục và canh tân cho thêm phần hiện đại và có lúc còn bẻ sang một bước ngoặc khác tạo nên đường nét bi hài lạ lẫm.

Mỗi miền đất nước khóc một kiểu khác, đám ma ở miền Bắc thường có phường bát âm với khúc nhạc lễ "Lâm khốc", "Tử biệt sinh ly" hay "Di oán" não lòng. Theo ông Kiều Văn Hào là một "khóc sĩ" hay "kép nhà đám" xã Đông Yên, tỉnh hà Tây thì: Bát âm nghĩa là có 8 thứ nhạc cụ gồm: trống, kèn, sáo, nhị, thanh la, đàn tam, đàn nguyệt và...ghi ta điện! Có nơi dùng đàn bầu và trống cơm. Bây giờ là thời "hại điện" nên người ta cần tiếng âm thanh "Lâm khốc" phải vang to cho thiên hạ biết nên dĩ nhiên phải bổ sung thêm thiết bị điện tử: loa, đài, tăng âm, micro...Để hoàn chỉnh một phường bát âm khóc mướn còn phải may thêm vài bộ trang phục sặc sỡ theo lối cổ nữa.

Nếu trên đời có 36 điệu cười thì người khóc mướn cũng sáng tạo ra 36 kiểu khóc, mà có khi còn nhiều hơn. Có kiểu, khóc nhập vai người quả phụ khóc chồng, khóc nhập vai những người con đi xa mới đột ngột biết tin về chịu tang bố, mẹ, khóc nấc lên nghẹn ngào... rồi lại đứt tiếng như không thốt ra thành lời, khóc gọi người quá cố được kết hợp với những từ cảm thán như "Ối!", "Trời ơi!"... Rồi còn cả kiểu khóc như Nguyễn Khuyến đã khóc Dương Khuê, đó là khóc bạn hữu, tri kỉ, được thể hiện bằng những lời tâm tình, hồi tưởng lại ngày xưa trong tâm trạng đau buồn khi biết tin bạn mất...

Điều đặc biệt gây tò mò và khiến thiên hạ tán thưởng chính là sự ứng tác mau lẹ và nhạy bén của những người hành nghề khóc mướn ở xã Đông Yên. Mỗi lời khóc của họ là một bài thơ có vần, có điệu. Giải thích cho điều này, anh Kiều Văn Thanh- con trai cả của ông Kiều Văn Hào cho biết: "không có sự chuẩn bị sẵn cho bất kì bài khóc nào mà phải khóc tuỳ theo yêu cầu của gia chủ. Người thuê khóc sẽ cho câu khóc đầu tiên. Sau đó chúng tôi phải ứng biến thành bài khóc hợp cảnh". Rất nhiều người đã đổ lệ khi nghe những bài khóc thuê như thế dù đấy không phải khóc cho cha mẹ họ. Cái đức của nghề khóc mướn là ở chỗ không vô tâm, không vô cảm mà họ luôn có lòng thành với người quá cố.

Nghề này được trả công theo nhiều giá khác nhau, như "khóc khô"(khóc không nước mắt) thì ít tiền hơn "khóc ướt"(khóc có nước mắt), tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi của khách hàng. Tổng cộng vốn đầu tư cho một phường khóc thuê vào khoảng 4-6 triệu đồng. Tiền thu mỗi đám bình quân được 800.000 đồng, mỗi tháng kiếm được chừng mươi mười lăm triệu đồng. So với lực điền canh nông thì giàu to.

Ngày nay nghệ thuật khóc đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn theo nhu cầu của nhiều bậc trưởng giả, vì vậy mà những "khóc sĩ" cần phải chuyên môn hóa. Chỉ riêng ở Hóc Môn, quận 12, Củ Chi, đã có trên 20 nhóm khóc mướn, mỗi nhóm có 4-6 người, hoạt động khắp thanh phố và đi "" luôn các tỉnh.

B.N, làm nghề khóc mướn chuyên nghiệp đã hơn 8 năm nay, được xem là một nữ "khóc sĩ" có tài làm xiêu lòng nhiều người ở miệt Bà Điểm, Hóc Môn. Hầu như không ngày nào là cô không có "". Mỗi suất khóc trong khoảng 10-15 phút, N. được trả 50.000 đồng. Nhiều khi "trúng sô", một đêm cô kiếm được 400.000-500.000 đồng là chuyện bình thường. Công việc này lại đang trở thành một nghề thời thượng hẳn hoi và có cả "" dạy khóc.

Căn phòng khách rộng khoảng 20 m2 tại tư gia của thầy Đ.A Hạnh, Thông Tây, Gò Vấp được "cải tạo" thành "giảng đường" với một loạt ghế đẩu xếp phía dưới. Cuối góc phòng là bục giảng với một số dụng cụ trợ giảng như đờn nhị, đờn cò, trống...Cả thảy có 18 học viên, có cả nam lẫn nữ và đều ở lứa tuổi khoảng chừng 20-30. Học phí trọn khóa là 600.000 đồng, kéo dài trong vòng 3 tháng, mỗi tuần 3 buổi. Các môn học gồm: Nghệ thuật tạo ra nước mắt, 10 điều cấm kỵ của nghề khóc mướn, 12 kiểu khóc thông dụng, khóc ở các đám ma gia đình Bắc - Trung - Nam có gì khác nhau... và 2 buổi đi thực tập theo nhóm của anh T. Theo lời thầy A., nếu học viên "tốt nghiệp" xuất sắc sẽ được thầy "giới thiệu việc làm" tại một số nhóm khóc mướn trong và ngoài thành phố.(Theo Người Lao Động) Các "khóc sĩ" và dàn nhạc hiếu trong một đám tang

Đám tang ở miền Nam lại có một nét văn hoá riêng. Chuyện thuê "khóc sĩ" cũng có nhưng ít hơn . Có nhà, ngoài đội kèn bát âm còn thuê cả đội kèn Tây chơi cả những bản trữ tình, để mua vui cho người chết, và làm cho không khí đám ma đỡ căng thẳng, buồn bã. Một số gia đình người Nam bật nhạc cho đám tang sôi động, gần như là đang bật cho đám cưới. Ý nghĩa của việc này không xấu, vì có tang nghĩa là đau buồn, đối với cả người còn sống và đã khuất, nên cần phải xua tan bớt bầu không khí ảm đạm đó để mọi người được thanh thản hơn, có khi còn ... vui như hội. Đám tang kiểu này không có tiếng khóc bi ai, kể lể não lòng mà chỉ có những câu hát như "Yêu anh, em vượt giông tố" hay "Vội vàng làm chi trách nhau bạc tình" hoặc "Anh không chết đâu em". Không còn ai lạ lẫm khi nghe điệu lăm-ba-đa nóng bỏng hay nhạc khúc shalala rộn ràng trỗi lên giữa các đám tang ấy. Có người bình luận: "Trường học không dạy học sinh ngả nón khi gặp xe tang thì chuyện đám ma mà tấu nhạc quán bar cũng là điều dễ hiểu".

Tất nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Càng về sau, các đám tang vui tươi này càng trở nên lố bịch khi ban nhạc gồm các anh pê-đê cứ ồn ào kèn trống suốt ngày đêm. Nhiều nhóm pê-đê không giữ được chừng mực, bắt đầu hát những câu bất lịch sự phần nhiều là nhạc chế và biểu diễn các trò xiếc, múa lửa, thậm chí còn "show hàng" để kiếm tiền "boa", mặc kệ có trẻ em trong nhà. Đáng trách hơn là có gia chủ còn hưởng ứng luôn, cha vừa chết mà con thì đầu chít khăn trắng, chân nhảy với pê-đê xinh tươi, bà con hàng xóm đến xem đông như trẩy hội, cười nói rôm rả. Cũng có gia chủ thấy bất bình và xông vào ẩu đả với chính nhóm nhạc pê-đê mà mình đã thuê.

Kinh ngạc hơn, người ta còn thấy những gia đình giàu có người Đài Loan đã thuê những thiếu nữ ăn mặc cực kỳ hở hang đến ca hát hoặc múa cột như một nghi thức trang trọng không thể thiếu trong đám tang. Hiện tượng "Những thiếu nữ trong bộ đồ "séc-xy" đứng biểu diễn trên chiếc xe trang trí đầy neon lấp lánh" ngày đưa ma, ngày càng trở thành "mốt" trong giới thượng lưu ở các vùng quê Đài Loan. Một số người Đài Loan cho rằng, con ma cũ hay bắt nạt ma mới, vì thế mà những màn biểu diễn này sẽ khiến ma cũ sao nhãng đi và để yên cho ma mới làm quen với môi trường của thế giới bên kia. Ngoài khóc thuê còn có xiếc, múa lụa

Trong khi người Tây Phương tiễn người ra đi về thế giới bên kia âm thầm và lặng lẽ hơn. Tôi từng được dự những đám tang của người Hoa Kỳ và những người Việt ở hải ngoại được tổ chức ở Mỹ với màu sắc văn hoá khác biệt. Người mình phần lớn tổ chức đám tang ở nhà quàng theo nghi lễ tôn giáo riêng của mỗi gia đình. Ngoài những nghi thức chính như cầu nguyện, cầu siêu, vài gia đình còn có phần phát biểu cảm tưởng hay tâm sự, kể lể về những kỷ niệm đã trải qua với người đã mất. Có người còn hát những bài ca nhẹ nhàng và ý nghĩa như một tưởng niệm. Có một lần, tôi được dự đám tang công giáo, nhưng lại có thuê một đội bát âm thổi kèn tiễn đưa người quá cố. Giữa xứ cờ hoa, tiếng đàn cò tỉ tê, ai oán nghe như tiếng thở dài của con chim Quốc văng vẳng đâu đây.

Tục khóc mướn không những chỉ có ở vài nước Á Châu và Phi Châu, Trung Đông mà Âu châu cũng có từ thời xa xưa. Trong Kinh Thánh và những vở kịch về thời Hy Lạp cổ có nhắc nhở đến các "khóc sĩ" chuyên nghiệp này. Đám tang thời đó, gia chủ thường thuê những người làm xiếc, vũ công và người khóc mướn. Họ thường là đàn bà, khóc la thảm thiết, cào mặt, xé quần áo, để gây thương cảm và khiến kẻ khác mủi lòng. Ngày xưa, Ở Israel, đám tang bắt buộc phải có người khóc mướn, kể cả những gia đình nghèo nhất cũng phải thuê ít nhất là một "khóc sĩ", vừa khóc vừa lo thủ tục tẩm liệm cho người chết trước khi chôn. Riêng tại Ái Nhĩ Lan, các phụ nữ khóc thuê hát những khúc bi ai giống "Lâm khốc" trong khi các phụ nữ khác vừa vỗ tay vừa gõ nhịp. Bên Âu châu trong thời Trung Cổ và Victorian các "khóc sĩ" mặc áo choàng đen, đeo găng tay và đầu đội nón có những dải băng đen đượm màu u tối. Trong tác phẩm "Oliver twist" của Dickens có nhắc nhở đến hai kẻ khóc mướn vào thập niên 1600 đến 1914 mà ngày nay hầu như đã bị lãng quên. Khóc mướn ở Âu Châu chỉ thịnh hành đến khoảng thế kỷ thứ 17, 18 thì dừng lại. Cuốn phim "Crying ladies" được giải thưởng năm 2003, đã mô phỏng đời sống của 3 phụ nữ làm nghề khóc mướn bán thời gian cho cộng đồng Phi-Tàu ở phố Tàu, thủ đô Manila bên Phi Luật Tân.

Chết trong yên lặng không phải là một phong tục của Kenya và Brazil. Người ra đi phải được đưa tiễn với một nghi thức trang trọng chính là khóc và la cho nhiều. Kenya được gọi là xứ sở của người khóc mướn, các "khóc sĩ" làm giàu ở đây. Có đám ma nhà giàu thuê hàng trăm người khóc mướn.

Trong những nét văn hoá khác biệt của các giống dân trên thế giới, cách tổ chức và nghi thức tang ma là những nét đặc thù nghịch lý và đầy vẻ hiếu kỳ. Khóc mướn trong tang lễ là một trong những điều kỳ lạ nhất. Chuyện khóc mướn ngày nay, dù tốt hay xấu, hay hoặc dở tùy theo quan niệm riêng của từng cá nhân, dân tộc. Tuy nhiên nó đã tạo được công ăn việc làm cho một số người trong thời đại kinh tế yếu kém này, âu cũng là khía cạnh tích cực của một nét văn hoá cổ vậy

Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo

- Mutes and professional mourners http://en.wikipedia.org/wiki/Funeral

- Professional mourners http://www.dailymotion.com/video/xl51gd_hundreds-of-mourners-attend-kenia-monge-s-funeral_news

- Thuê người khóc ma cho cá chết http://www.baomoi.com/Thue-nguoi-khoc-ma-cho-ca-chet/58/4903194.epi

- Nghệ nhân khóc thuê ở Trung Quốc http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/06/nghe-nhan-khoc-thue-o-trung-quoc/

- Bạc bẽo đời khóc mướn http://www.phapluatvn.vn/doi-song/201112/Bac-beo-doi-khoc-muon-2061913/

Từ khóa » Nhạc đám Ma Nghe Não Lòng