Làm “ma Sống” - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
- Chỉ còn anh ở lại
- Hoa rừng
- Người tình tiền kiếp...
1.“Hú ba hồn bảy vía! Linh hồn ông Trần Văn X. ở đâu thì về nhập xác!”.Ông Sến tay cầm chiếc gậy vừa gõ tong tóc vào thành chiếc quan tài vừa hô dõng dạc ba lần cái câu mà ở lễ khâm liệm nào trong vùng, ông cũng là người đọc.
Trên giường, một cái xác to uỵch nằm thẳng thưỡn, chân đi tất, hai bàn tay được xỏ găng rồi buộc hai ngón cái lại, đặt ngay ngắn trên bụng. Cái bụng phưỡn ra quá mức như muốn nổ tung. Bệnh xơ gan cổ trướng là vậy.
Miếng giấy bản được lật ra, một khuôn mặt vàng ệch như nghệ, lỗ tai và lỗ mũi được nút kín bằng bông gòn trắng ởn trông rờn rợn. Ánh điện sáng trưng căn phòng. Xung quanh, con cháu, anh em gia đình người chết vây kín lấy chiếc gường. Tiếng khóc than, khói hương nồng nặc phả ra nghẹt thở. Mặc kệ, tôi đang tập trung làm công việc của mình.
Ông Sến hô:“Bắt đầu nhập quan!”.Tôi cùng ba, bốn người nữa cúi xuống khệ nệ nhấc bổng cái xác đặt vào quan tài. Quái lạ, cái xác vẫn nằm chềnh ềnh trên miệng ván không chịu xuống. Trường hợp này tôi cũng đã gặp phải do thân hình của người chết quá khổ. Nhưng không sao, chúng tôi sẽ có cách.“Không lọt rồi, người nhà đâu? Đem cho tôi đôi đũa cả!”. Ông Sến ra lệnh.
Tôi và chú Lừng cầm hai chiếc đũa cả đút vào dưới hai bả vai của người chết rồi bẩy mạnh. Vừa bẩy vừa lấy tay ấn ngực xuống. Một lúc sau cái xác đã nằm lọt vào đáy quan tài một cách không được thoải mái lắm. Chà, đã to như tấm phản rồi lại còn mặc comple. Không vào được là phải. Tôi vừa quệt mồ hôi vừa lẩm bẩm.
Minh họa: Phạm Minh Hải |
Tiếng gào thét, tiếng rống của lũ con cái nghe ầm ầm bên tai. Chúng bu lại kín quanh quan tài. Có đứa úp mặt vào ngực người chết rồi quay lại nhìn chúng tôi với con mắt hằn học: “Các người ác lắm! Sao lại nỡ làm bố tôi như thế này?”. “Gia đình tránh ra cho chúng tôi làm việc!”. Tôi nhẹ nhàng bảo. Nó vặc lại: “Không, tôi không đi đâu cả! Trả bố tôi đây! Ối bố ơi là bố ơi...!”. “Tránh ra! Chúng tôi không làm thì để cho thối ra chắc?”. Ông Sến đỏ mặt quát lớn. Lũ con dạt ra. Im bặt.
Chú Lừng phủ tấm vải điều có viết chữ nho lên kín lòng quan tài. Tôi cầm bộ bài tổ tôm rải đều từ đầu đến chân cái xác. Tấm ván thiên được úp lên khít khịt. Ông Sến cầm búa đóng từng chiếc đinh nghe “cồông... cộôc” xoá tan màn đêm lạnh buốt. Trong đầu tôi lại vẳng lên câu thơ quen thuộc “...Có là thằng, có là ông/ Ván thiên sập xuống là xong một đời...”(*).Vậy là xong một kiếp người! Tiếng khóc lại rộ lên.
Tôi cùng mọi người khiêng chiếc quan tài vàng choé ra xoay ngang giữa nhà rồi đi rửa ráy để chuẩn bị trống kèn. Ông Sến quay ra hiên nhà đánh ba hồi chín tiếng trống phát tang cho dân làng biết.
Ơ kìa, trong nhà có đứa nằm vật ra vừa gào vừa giãy dụa như ăn vạ. Đứa thì ôm lấy chân quan tài vừa lay vừa gọi “Bố ơi, về với chúng con đi bố ơi!”. Nghe thì có vẻ thảm thiết đấy nhưng tôi thừa biết rằng chúng đang lu loa lên để dân làng cảm động và thấu hiểu nỗi lòng của chúng đang đau khổ cực cùng. Khốn nạn thật!
Cách đây hơn nửa tháng, chúng ở thành phố về đòi ông X. viết di chúc để tranh nhau căn nhà và mảnh vườn rộng đang nằm trong dự án quy hoạch của tỉnh. Ông thều thào bảo: “Tao đã chết đâu mà chúng mày vội tính toán thế?”.
Thằng cả đáp tỉnh queo: “Bố ơi, bị bệnh này thì làm sao mà sống nổi. Tứ chứng nan y đấy!”. “Trước sau gì bố cũng mất, bố xem cho chúng con mỗi đứa được bao nhiêu? Lâu nay bố bệnh, vợ chồng con thuốc thang chăm sóc bố nhiều nhất đấy!”. Đứa con gái thủ thỉ nịnh khéo. Thằng chồng nó đứng sau gật gật đầu đồng tình.
Ông X. nửa nằm nửa ngồi trên giường vừa nhọc nhằn thở hắt, vừa tức tưởi rớm nước mắt. Chúng mày chỉ là một lũ khốn! Mẹ chúng mày vừa mất chưa đoạn tang. Tao còn sống sờ sờ đây mà chúng mày đã vội cấu xé tranh giành nhau như loài chó lợn. Chúng mày còn vẽ ra cái cảnh khi tao chết sẽ san phẳng khu nhà này và xây khách sạn với lại siêu thị mi ni mi niếc. Được rồi, chúng mày muốn thì cứ làm đi nhưng nhớ cho một điều rằng, khi tao chết xong thì hãy đem bát hương đang thờ vứt xuống sông cho khuất mắt. Coi như chưa bao giờ có cái gia đình này nữa. Thế thôi!
Cuộc đời ông X. như một chiếc lá úa đã bị mục ruỗng rơi oặt xuống đất đem theo biết bao nhiêu xót xa, uất ức. Âu cũng là số kiếp trời định. Và có lẽ những người gần ông nhất lúc khâm liệm và dạo những bản nhạc ai oán não nề để đưa ông về bên kia cõi thực là chúng tôi. Qua mỗi đám hiếu tôi lại càng ngộ thêm về nhân tình thế thái, về cuộc đời và số phận của mỗi con người.
2.Tôi có một sở thích quái gở (có lẽ chẳng giống ai) là... thích xem người chết! Cái sở thích này có từ hồi còn bé. Hễ trong làng có ai vừa chết mà tôi biết được là lập tức tôi sục đến ngay. Đến để xem cho thỏa trí tò mò. Để xem người chết khác với người sống như thế nào. Rồi xem họ khâm liệm ra làm sao.
Đôi khi khâm liệm xong, ván thiên vừa đóng kín, tôi cũng mó một tay vào khiêng quan tài ra giữa nhà giúp họ. Tôi đã bị cha tôi phang cho lên bờ xuống ruộng không biết bao nhiêu lần vì cái tội “Ngu như con lợn!” như cha tôi nói. Mặc kệ. Tôi không chừa. Ở đâu có đám ma là tôi vẫn lẻn đi xem bằng được.
Đại để là, có cả những vụ chết trôi, chết tai nạn giao thông, chết thắt cổ... tôi cũng phải xem cho thỏa mãn hiếu kỳ. Đã thế, ban đêm tôi còn đến nhà có đám để ngồi xem ban nhạc hiếu thổi kèn, đánh trống, kéo nhị. Tôi ngồi xem họ chơi nhạc đến mê mẩn, mặc cho thân nhân người chết trong nhà khóc than ai oán.
Thỉnh thoảng, nhân lúc ban nhạc nghỉ giải lao, tôi đánh liều mượn nhạc cụ của họ để tập chơi. Tay cầm cây mã vĩ run run miết vào cần nhị làm nó phát ra tiếng kêu “khọt... khẹt”như ống bơ gỉ. Miệng chu lại thổi kèn mà nó cứ nhai đi nhai lại cái âm điệu “tọt... toét... tọt” làm mấy bác ban nhạc phải phì cười.
Ông Sến, trưởng ban nhạc hiếu bảo “Thằng cháu trông vẻ có khiếu đấy! Có thích theo nghề không? Nhưng mà phải học đấy!”. Câu nói của ông Sến làm tôi như mở cờ trong bụng. Tôi vẫn ước mình được chơi nhạc đám ma thật giỏi để phục vụ dân làng. Hừ, có phải cứ đứng trên sân khấu hát hò nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc vàng hay chơi nhạc dân tộc, nhạc hiện đại, giàn nhạc giao hưởng thính phòng hay thính phiếc gì đó mới gọi là nghệ sĩ đâu! Chơi nhạc đám ma cũng nghệ sĩ quá đi chứ! Tôi suy luận như một nhà nghiên cứu âm nhạc.
Âm nhạc đích thực phục vụ ai? Có phải phục vụ quảng đại quần chúng không? Thế thì nhạc hiếu không phục vụ rộng rãi bà con nhân dân à? Gia đình nào rồi mà chẳng có lần phải mời ban nhạc hiếu đến phục vụ? Nhân văn quá đi chứ! Nghĩa tử là nghĩa tận. Tổ chức đám hiếu cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt. Một vẻ đẹp mang tính nhân văn rất cao.
Tôi luôn tự hào về điều đó và nuôi quyết tâm học nhạc hiếu cho bằng được. Tất nhiên, việc này phải giấu cha mẹ tôi. Nếu không, tôi sẽ nhừ đòn. Có khi, cha tôi sẽ tuyên bố từ tôi luôn cũng nên.
3.Tôi vẫn coi ông Sến là thần tượng của mình. Nói thế không phải vì tôi nịnh ông là sư phụ của tôi. Không phải vì ông có thâm niên mấy chục năm trong nghiệp kèn trống đám ma, mà quả thật, ông chơi được (rất hay) tất cả các loại nhạc cụ trong ban nhạc hiếu. Tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng đàn bầu của ông có một sức lôi cuốn con tim tôi ghê gớm.
Đêm khuya, ngồi chiếu hóng nghe ông chơi mấy bản “Lưu thủy”, “Nam ai”, “Lâm khốc” mà tôi cứ lâng lâng trong người. Rồi ông và chú Lừng, chú Thiện thay nhau hát. Con cháu và người thân trong gia đình người chết đều nhờ ban nhạc thổ lộ giúp nỗi lòng đau xót cho mình. Có những người thân ở xa không về được nên cũng nhờ khóc hộ.
Cái chuyện khóc hộ cũng phải tuân theo quy luật nhất định. Đầu tiên, người hiếu than sẽ hát những câu giới thiệu về người còn sống: là ai, ở đâu đến, quan hệ với người chết như thế nào, sau đó là miêu tả nỗi buồn đau trước cái chết. Tỷ như: "Mọi khi nhận điện thì vui, hôm nay nhận điện rụng rời chân tay. Ước gì con được về ngay, để con báo đáp công này mẹ ơi". Hay: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.
Tiếng hát, không phải, tiếng khóc than có nhạc đệm, có vần điệu luyến láy đầy đủ “vang, rền, nền, nẩy” theo nhịp phách mới não nề, bi ai làm sao. Gia đình người chết thì khỏi nói, cứ chốc chốc họ lại thả từng tờ bạc vào chiếc đĩa ở giữa chiếu để khích lệ, cảm ơn ông cùng ban nhạc đã cho họ được những cảm giác đỡ lạnh lẽo, cô quạnh hơn. Để cho thêm gần gụi hơn cái sự cách biệt âm dương ngàn trùng sâu vời vợi.
Và mỗi lần ông Sến đàn, kéo nhị, lên trống hay hát, tôi đều thấy ông dốc lòng ra mà hát, như thể người vừa nằm xuống kia là thân nhân của ông, là người có máu mủ với ông. Mà không riêng gì ông Sến, cả ban nhạc đám hiếu đều dốc lòng ra mà chơi nhạc, mà bày tỏ nỗi xót thương người chết như chính người thân máu mủ của họ. Chính vì vậy mà ban nhạc hiếu ở làng tôi có uy tín trong bà con rất lớn. Chúng tôi luôn được dân làng tôn trọng và yêu quý
Tôi phục ông Sến không chỉ vì mỗi tài chơi nhạc hiếu mà còn một điều nữa chắc cũng không ai làm được như ông. Đã từ lâu, dân trong vùng ai cũng biết ông là một tay câu cá ngạnh, cá lăng cự phách. Những khi không có đám, ông lại ôm cần đi câu.
Mà cái sự câu của ông cũng hết sức đặc biệt. Cứ mười hai giờ đêm ông mới vác cần đi ra con sông Vét gần nhà để câu. Chỉ mỗi một mình ông đi và âm thầm ngồi cho đến sáng. Có lẽ vì đời ông gắn chặt hai công việc (nhạc hiếu và câu cá) đó nên ông cũng được dân làng gán cho cái biệt danh Sến “ma”.
Trời tờ mờ sáng ông đã xách một bao cá về làng. Con nào con nấy to vật vã dễ đến bảy, tám cân. Cái loài cá da trơn to nằm chềnh ềnh giữa sân, da đen thui nhìn như con lợn con trông chết khiếp. Lúc đó vợ ông lại tất tả đem ra chợ bán. Loáng cái đã hết sạch.
Có mấy người trong làng thấy ngon ăn quá cũng bèn học theo ông, nhưng sáng nào cũng vác cần về không. Thảng hoặc, cũng được đôi con bé như cán liềm. Chẳng bõ công thức đêm với chả thức hôm. Dân làng khao nhau ông Sến có bí quyết câu cá Lăng cá Ngạnh.
4.Có lẽ năng khiếu trời cho, cộng với niềm say mê, thêm trong lòng có thần tượng ông Sến nên việc học nhạc hiếu của tôi cũng khá suôn sẻ. Khi có đám thì tôi cắp tráp theo thầy để học tại chỗ. Khi không có đám mà cần bổ túc nâng cao thêm thì ông Sến điều cả ban nhạc ra mượn nhà kho của hợp tác xã để tập cho tôi thuộc các làn điệu cũng như “hoà tấu” các bản nhạc thường sử dụng.
Có khi đang nhọn mỏ tập thổi kèn thì ông lại đem khế chua hoặc chanh ra nhai trước mặt làm tôi cứ tứa nước miếng ra không tài nào mà thổi được. Ông bảo làm như thế để luyện thần kinh của mình cho vững, không bị cảm giác phân tán trong lúc làm việc.
Ông còn lên lớp cho tôi những kiến thức cơ bản về ý nghĩa, cách thức thực hiện của một số nghi lễ như nhập quan, tế ngu, thành phục… rồi một số thủ tục khi khâm liệm người quá cố. Càng nghe tôi càng bị cuốn hút bởi sự hiểu biết thông tuệ của ông về các lễ nghi, tập tục từ ngàn xưa để lại.
Ngoài ra ông Sến còn truyền cho tôi tình yêu thương đối với con người, nhất là sự hóa thân, đồng cảm chia sẻ với gia đình có đám hiếu. Ông nói làm người lo đám hiếu, thì tâm phải thực thiện, lòng phải đủ rộng lớn sự nhân hậu thì mới nên làm. Tôi tiếp thu khá nhanh những bài giảng của thầy và nhanh chóng hoà đồng vào cuộc sống của các chú, các anh trong ban nhạc.
Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra huống hồ chi cái chuyện chết chóc, tiếng trống, tiếng kèn trong vùng. Cha mẹ tôi thừa biết cái công việc tôi đang làm. Ban đầu thì cũng làm căng đấy, cũng chửi rủa đấy, cũng đòi từ đấy. Nhưng rồi cuối cùng ông bà thấy không lay chuyển được cái đầu óc u muội của tôi nên rồi cũng đành chịu.
Cha tôi lắc đầu trong cay đắng: “Tưởng đẻ mày ra để mày làm được cái gì cho ra hồn, để mày báo ơn chúng tao, không ngờ mày lại lao đầu đi làm con ma sống. Nhục!”.
Tôi biết cha mẹ tôi thất vọng và đau khổ về tôi quá lớn. Tôi đã phụ công ơn sinh thành của họ. Thực tình, tôi cũng có phải là đứa không biết suy nghĩ đâu. Cũng đã nhiều đêm tôi nằm vắt óc để cố nghĩ ra một cái nghề cho phù hợp với mình nhưng cuối cùng cũng chẳng chốt hạ được nghề gì cả.
Làm ruộng. Tất nhiên là tôi vẫn đang làm ruộng cùng gia đình đấy thôi. Đi buôn à? Buôn gì? Vốn liếng đâu? Mà tôi lại chúa ngại cái khoản tính với chả toán. Không khéo là mất sạch. Chả dại gì mà buôn với bán. Làm thợ mộc? Cũng được, nhưng cả cái làng này cũng đầy người làm nghề mộc. Ai cũng kêu ca rằng bây giờ gỗ lạt hiếm hoi. Mà dân bây giờ họ chỉ thích dùng loại đồ gỗ mùn cưa ép, dán ốp can ốp kiếc gì đấy. Vậy thì mình học nghề xong rồi thì làm ra rồi bán cho ai? Đi xe ôm? Tôi không có khả năng tranh cướp, chụp giựt khách. Vả lại, xe ôm bây giờ còn đông hơn cả “quân Nguyên” ngày xưa. Bây giờ phải gọi là “Đông hơn xe ôm” mới phải.
Nghĩ mãi rồi cũng thế. Chẳng có nghề nào phù hợp với mình hơn là nghề trống kèn đám hiếu. Quan trọng là tôi thích đánh trống thổi kèn. Hơn nữa, nghĩa tử là nghĩa tận. Được chia sẻ bớt đau thương với nhà có đám tôi cũng cảm thấy lòng nhẹ nhõm ấm áp hơn. Có đám thì đi phục vụ, không có thì ta lại ở nhà vui vầy với con trâu, cái cày, đồng ruộng.
Mà biết đâu được, thầy Sến lại truyền cho mình cái bí quyết câu cá lăng, cá ngạnh giỏi như thầy thì sao? Mình sẽ tích cực tăng gia sản xuất nâng cao đời sống của bản thân và kinh tế gia đình. Thế là mãn nguyện lắm rồi. Cái hạnh phúc nhất của con người đó là được làm cái gì mình thích. Mà cái mình làm ở đây hoàn toàn có ý nghĩa nhân văn cao cả. Tôi tặc lưỡi đắc ý với những suy nghĩ hết sức logic của mình.
5. Tuần vừa rồi có lẽ là một tuần bận rộn nhất của ban nhạc hiếu vì chúng tôi phục vụ ba đám liên tục. Chắc là dầm phải hơi lạnh nhiều cộng với thức đêm nên ai nấy người rũ ra như tàu lá chuối héo.
Đám đầu tiên là một cô gái trẻ ở xã bên. Cô gái cũng mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Lúc ở nhà thì phổng phao, tươi non rờ rỡ. Vậy mà, cách đây hai năm cô ra thành phố làm công nhân may vá gì gì đó. Cô yêu phải gã đàn ông họ Sở. Thất tình, đau khổ cô liền nhắm mắt đưa chân bán thân nuôi miệng và đã dính bệnh vào người. Cô thừa biết mình bị bệnh nhưng vì căm thù lũ đàn ông khốn nạn nên cứ mặc kệ. Từ ông già đến bọn trẻ choai có nhu cầu là cô chiều hết. Cô trả thù đời cho hả giận vì đời đã làm cho cô tan nát như cánh hoa bị bão quật.
Rồi cô trở về làng khi thân hình xác xơ, tàn tạ. Bố mẹ gia đình cô hoảng hốt vội đưa cô đi viện, đi chùa để chữa chạy nhưng tất cả đều vô vọng. Nghe tin cô chết, cánh đàn ông đã từng ngủ với cô đều giãy lên như đỉa phải vôi. Họ giấu bặt gia đình, vợ con vội đi xét nghiệm, thử máu. Kết quả như thế nào thì chỉ có trời mới biết. Chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.
Cô gái nằm đó chỉ còn da bọc xương. Đôi mắt trũng sâu, tay chân lở loét. Nghe nói có người chết vì “ếch nhái” nên bà con dân làng ai cũng chờn. Không ai dám đến. Ngôi nhà hoang lạnh đến rợn người. Bà mẹ thì khóc ngất. Mấy đứa em thì vật vã thét gào. Chỉ có ông bố là ngồi chết trân như tượng. Cái sự đau khổ đến cực cùng đã làm ông như hoá đá. Có người chỉ đến thắp vội nén hương rồi đi ngay.
Lúc này chỉ có tình thương yêu đồng loại mới có thể giúp gia đình cô gái đỡ đau khổ đi phần nào. Chúng tôi, những người ở ban nhạc đám hiếu đã không nề hà cùng nhau bắt tay vào làm việc. Tắm rửa, khâm liệm cho cô gái một cách chu đáo, và thức suốt đêm cùng gia đình, chơi những bản nhạc để vợi bớt cái không khí lạnh lẽo, u ám rợn người, và cũng là để bày tỏ sự chia sẻ của chúng tôi với gia đình nhà cô gái.
Đám thứ hai lại là một vụ án. Anh chồng đi làm thuê quanh năm ngoài thành phố đột ngột về nhà và bắt gặp vợ mình đang ngang nhiên làm tình với một thằng râu quai nón ngay trên chiếc giường của mình. Nhìn hai kẻ gian phu dâm phụ trần truồng, trắng hếu như lợn cạo đang quặp nhau như sam, anh chồng điên tiết rút ngay chiếc mác cài ở cửa xông vào.
Nhát đầu tiên anh ta chém xả vai tên tình nhân. Mặc dù bị thương nhưng hắn vẫn cố đạp cửa sau chạy ra vườn khoai lang kêu cứu. Anh chồng quay lại. Cô vợ vơ vội chiếc chăn che người rồi kêu khóc van xin. Mắt anh ta long lên rồi dại đi. “Phập!”. Một nhát đâm thấu tim. Cô vợ chết ngay tức khắc. Anh chồng đứng nhìn một lúc rồi choàng tỉnh. Nghe tiếng kêu la, bà con hàng xóm chạy sang. Lúc này anh chồng vội vứt mác rồi chạy ra uỷ ban xã đầu thú.
Chờ cho Công an huyện làm việc xong các thủ tục cần thiết thì chúng tôi lại làm cái công việc của mình: Khâm liệm, trống kèn, đưa tang. Một đám tang đau xót bẽ bàng, người đến viếng trước cửa thì thành kính thắp hương, sau cửa thì trề môi đàm tiếu. Mặc kệ thiên hạ rủa nguyền người chết, ban nhạc chúng tôi lặng lẽ chơi nhạc để an ủi linh hồn người đã mất và cả người đang sống.
Còn đám thứ ba, chẳng ai khác mà chính là con trai cả của ông X. Có lẽ là do tai nạn lao động. Sau khi ông X. mất được vài tháng thì mấy anh em trên phố kéo về đem máy ủi san phẳng ngôi nhà và mảnh vườn mà họ đã sinh ra và lớn lên. Nghe đâu, ông con này làm Tổng giám đốc một công ty xây dựng trên thành phố, ăn được nhiều sắt thép xi măng nên cũng giàu có.
Gần một năm sau, một khách sạn chín tầng được mọc lên nơi đây và đang vào công đoạn hoàn thiện. Sáng sớm tinh mơ, chẳng hiểu ông ấy trèo lên sân thượng ngắm nghía kiểu gì mà (có lẽ) trượt chân ngã xuống, chết không toàn thây. Chúng tôi lại đến làm các thủ tục như đã từng làm cho hàng ngàn con người quá cố.
Nghe tin ông con chết, hàng đoàn xe từ thành phố lũ lượt đổ xô về làng. Họ đòi phải đưa ra ngoài đó để làm lễ truy điệu tại nhà tang lễ thành phố. Chôn tại nghĩa trang thành phố mới xứng tầm của ông Tổng giám đốc. Một ông bác trong họ bảo: “Nó sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, bây giờ nó chết cũng ở ngay mảnh vườn của tổ tiên để lại nên hãy để chúng tôi chôn nó tại nghĩa trang của xã nhà, để cho mấy bố con, mẹ con được gần nhau!”.
Trước ý kiến của ông bác họ, đám xe ôtô đành phải nghe theo. Ông Sến, chứ Lừng, chú Thiện và tôi lại phải thức đêm bên chiếc quan tài to vật vã đặt trong tầng một cái toà khách sạn xây dở kia để sáng mai kịp đưa người vắn số về nơi an nghỉ cuối cùng.
6.Đã hơn mười giờ sáng mà vẫn chưa thấy ông Sến vác cần và cá về nhà, bà vợ và mấy đứa con sinh nghi. Thằng con út phóng xe máy xuống nhà tôi hỏi xem ban nhạc hôm qua có đi đám nào đột ngột không mà chưa báo cho gia đình biết.
Đang ngủ vùi trong chăn sau cả tuần vật lộn với tử khí và thức đêm phục vụ đám tang, cơ thể tôi mỏi mệt rã rời. Khớp tay khớp chân đau nhức. Nghe thằng Hiếu hỏi đến ông Sến, tôi giật nẩy người và đoán có việc chẳng lành. Tôi vùng dậy và ngồi sau xe nó phóng ra sông Vét. Bờ sông vắng lặng. Nước đục ngầu, chảy xiết. Tôi và nó vất xe trên bờ đê rồi chạy xuống sát mép nước.
Rà soát, kiếm tìm một lúc thì tôi lạnh người khi phát hiện được một chiếc dép, cái bao đựng cá và lọ mồi câu rỗng tuếch của ông Sến nằm dưới bụi cỏ lác. Thằng Hiếu rú lên. Mặt nó méo xệch rồi tái mét.
Thôi chết rồi! Có thể mấy hôm nay phục vụ đám ma liên tục, cái cơ thể còm cõi của ông Sến đã suy nhược bởi chứng đau dạ dày (hậu quả của mấy mươi năm uống rượu đám ma) hành hạ nên ông đã ngã xuống sông và tử nạn? Tất cả đều chỉ là giả thiết. Việc quan trọng nhất là phải tìm được xác ông.
Tôi đã theo ông làm nghề được mười mấy năm trời. Ở cùng ông, tôi đã học được nhiều điều mà không dễ gì ai cũng học được. Mắt tôi ầng ậc nước nhìn xuống dòng sông đỏ ngầu đang cuộn chảy dữ dằn.
Bà con dân làng, gia đình, chính quyền tung người đi khắp nơi mò tìm, người ta còn dùng lưới có móc lưỡi câu vây kín mặt sông nhưng vẫn chưa tìm được ông. Tất cả đang rơi vào bế tắc thì bốn ngày sau, có một cú điện thoại gọi từ vùng hạ lưu sông Vét báo lên là tìm thấy một xác chết trôi. Tôi cùng mọi người ào xuống. Ông Sến, đúng là ông Sến rồi! Cái xác đã bắt đầu phân huỷ. Tôi cùng các chú trong ban nhạc nhanh chóng khâm liệm cho ông.
Đám tang ông Sến được cử hành trong ánh hoàng hôn chập chờn ma quái. Những bó đuốc được đốt lên soi nhập nhoạng một cõi đường quê. Chiếc xe tang đi trong vội vã để chạy trốn bóng đêm gớm ghiếc đang đổ về. Tiếng trống điểm từng hồi ba tiếng nghe phũ phàng làm sao.
Miệng ngậm chiếc sâu kèn để thổi bản “Lưu thuỷ” tiễn ông mà nước mắt tôi cứ trào ra nhoè nhoẹt mặn ướt đầu môi. Mùi khói hương quyện lấy mùi thơm nồng của đồng lúa chín vàng sắp đến ngày gặt làm cho tôi cứ lâng lâng như thằng say rượu.
Ông Sến đã lìa xa cõi trần để thành ma thật rồi. Một con ma chết.
Còn tôi, một con ma sống vẫn đang ngày ngày long nhong giữa chốn trần ai...
Rằm tháng Bảy năm Canh Tý
-----------------------------
(*) Thơ Phạm Ngọc Cảnh
Từ khóa » Nhạc đám Ma Nghe Não Lòng
-
Nhạc đám Ma Nghe Nẫu Ruột - YouTube
-
Nhạc Đám Ma - YouTube
-
Nhạc Đám Ma - Nhạc Lễ ( Lòng Mẹ , Tình Mẹ) - GCT- Tiền Giang
-
Nhạc Đám Ma - V.A - NhacCuaTui
-
Nhạc Hiếu Cổ Truyền
-
Dạy Chơi Nhạc Đám Hiếu ( Nhạc Đám Ma ) Phần 1
-
NHẠC ĐÁM MA VIỆT NAM VÀ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG PHẢI AI ...
-
Đạo Hiếu: Người Thổi Kèn đám Ma - Phật Học đời Sống
-
Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam GS Nguyễn Kỳ Hưng
-
Khóc Mướn Giữa Thời đại Acòng@. - Trịnh Thanh Thủy - Chim Việt
-
[PDF] 1 NUSASONIC NGHI THỨC TANG LỄ NỈ NON, HỘI LÀNG, VÀ ...
-
Những Người Tấu Khúc Biệt Ly - Tuổi Trẻ Online