Khối Hộp Chữ Nhật & Khối Lập Phương -Toán Lớp 1 - HoaiPhong.Com

Trong sách toán lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, mà cụ thể là trang 52, 53 các bé lớp 1 sẽ được học về khối hộp chữ nhật và khối lập phương. Link trang sách ở đây.

Có lẽ mục đích ở đây là giúp trẻ nhận biết được đâu là khối hộp CN, đâu là khối lập phương. Trẻ sẽ được học thông qua nhận biết trực quan, chưa sử dụng tới các khái niệm hay định nghĩa toán học.

Như vậy ta cần nắm được rõ mục đích của bài học là trẻ phân biệt được đâu là khối lập phương, đâu là khối hộp CN là thành công. Đáng tiếc là các bài tập cho học sinh nó lại vô cùng “phản toán học”.

Bạn biết đấy, khối lập phương chỉ là một trường hợp đặc biệt của khối hộp chữ nhật, và đã là khối lập phương sẽ là khối hộp chữ nhật. Hãy quan sát ảnh dưới đây:

Câu hỏi SGK Toán Cánh Diều, Trang 53
Câu hỏi SGK Toán Cánh Diều, Trang 53

Giả sử ở hình trên đầu, góc phải thì đáp án sẽ là 5 khối LP và 2 khối hộp CN. Rõ ràng câu trả lời này sai về mặt toán hoặc, đáp án chính xác phải là 7 khối hộp CN, trong đó có 5 khối LP.

Người ta giải thích rằng học sinh lớp 1 chưa hiểu được khối LP là 1 trường hợp của khối hộp CN nên phải rạch ròi để cách bé phân biệt. Theo HP đó chỉ là bao biện cho cách viết sách đi ngược lại triết lý toán học.

Chúng ta không cần dạy trẻ rằng khối LP vẫn là khối hộp CN quá sớm, nhưng chỉ cần tinh tế một chút trong cách ra đề bài sẽ không gặp phải trường hợp trên:

Bài phía trên góc phải con HP đã ghi 7 Hộp CN, 5 LP lại bị gạch đi vì sai.

Chúng ta có những giải pháp đơn giản hơn rất nhiều, để giúp trẻ phân biệt hình HCN vs LP, chỉ cần tuân thủ quy tắc sau:

Trong 1 hình có cả khối HCN và LP, chỉ hỏi có bao nhiêu khối LP. Trẻ đếm chính xác số khối LP bản chất đã thỏa mãn yêu cầu phân biệt của mục tiêu bài học. Hỏi số hộp CN sẽ xảy ra tình trạng: Trẻ phải trả lời sai toán học để đúng với đáp án theo những gì được dạy.

Trong các hình lộn xộn, không chưa khối LP có thể hỏi về số lượng khối hộp CN.

Đáng tiếc là những nhà biên soạn không nhìn ra điều cơ bản này, để trẻ phải trả lời sai cả toán học. Hãy nhìn một ví dụ đơn giản hơn:

Đề bài toán số hình vuông, CN
Đề bài toán số hình vuông, CN

Nếu đề bài bên trái: Có bao nhiêu hình chữ nhật ở hình trên?

Tương tự như câu chuyện khối LP phía trên, đây sẽ là một đề tài “phản toán học” cho trẻ lớp 1. Với kiến thức được dạy, trẻ buộc phải trả lời đó là chỉ có 1 HCN (2 hình vuông không được tính là HCN). Trong khi đáp án thực tế phải là 3, cách ra đề “thiếu tinh tế” đã khiến trẻ rơi vào tình huống trả lời đúng bản chất sẽ sai theo ý của “sách”. Đối với hình này, câu hỏi chỉ nên là: Có bao nhiêu hình vuông?

Đối với hình bên phải, khi không tồn tại hình vuông trong HCN, thì có thể hỏi gì cũng được. Có thể là số hình CN, số hình vuông.

Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có những cách để kiểm tra sự phân biệt của trẻ, nhưng lại không sai toán học. Sự tinh tế là dẫn dắt trẻ đúng với kiến thức trong tầm hiểu biết, nhưng không nên sai bản chất của vấn đề đi.

Từ khóa » Hình Khối Chữ Nhật