Khởi Nghiệp Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Vịt đẻ - KontumTV

Kinh tế

Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi vịt đẻ

28.11.2021

(kontumtv.vn) – Người xưa có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, thế nhưng, chàng trai trẻ 9x Hoàng Quốc Toản ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà lại chọn mô hình nuôi vịt đẻ để khởi nghiệp, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Anh Hoàng Quốc Toản bén duyên với nghề nuôi vịt đẻ từ năm 2017 trong một lần về thăm quê vợ tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương phù hợp để phát triển đàn vịt đẻ, với sức trẻ và bản tính cần cù, siêng năng, chàng trai trẻ 9x đã tích cực học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm, ấp ủ ước mơ khởi nghiệp trên đồng đất quê hương. Qua khảo sát, cánh đồng thôn 1, xã Đăk La có suối nước và nằm xa khu dân cư, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng mua đất, xây dựng chuồng nuôi và mua hơn 3.000 con vịt giống về nuôi nhốt. Qua hơn 4 tháng, đàn vịt của gia đình đã đẻ trứng. Lúc bấy giờ vì chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc đàn vịt đẻ cùng số vốn ít, anh Toản đã quyết định bán đi đàn vịt để đầu tư đàn tiếp theo.

Tích lũy kinh nghiệm theo thời gian cùng số vốn sẵn có, đầu năm 2018, anh Toản tiếp tục đầu tư mua hơn 5000 con vịt đẻ giống. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi nhốt, nhất là chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt của gia đình phát triển tốt. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, lần này anh Toản đã để lại 2.500 con vịt đẻ trứng nuôi theo hình thức chạy đồng. Tận dụng điều kiện sẵn có tại địa phương là diện tích đồng lúa rộng lớn, tranh thủ thời điểm sau thu hoạch lúa, anh Toản đã thả đàn vịt ra đồng kiếm ăn trong ngày. Hiện nay, với 2.500 con vịt, bình quân mỗi ngày đàn vịt đẻ từ 1.700 đến 2.000 quả trứng. Với giá bán dao động từ 2.200 đến 2.500 đồng/quả, mỗi năm, đàn vịt đẻ cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Cùng với đó, với hình thức nuôi nhốt về đêm, gia đình anh Toản đã tận dụng được nguồn phân vịt bón cho 2 héc ta cà phê của gia đình. Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi vịt đẻ anh Toản cho biết, để vịt đẻ đều, trứng to, vịt cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, và hai năm nên thay lứa một lần. Anh Hoàng Quốc Toản cho hay: “Chuồng trại rồi thức ăn, thức uống mình cho ăn hợp lý, cho ăn điều độ rồi thuốc men nó sẽ đạt thôi. Mình cũng tùy theo mùa mưa, mùa nắng nữa, mùa mưa con vịt nó thay lông nó không có đẻ, thời gian đó nó không đạt còn trời nắng lên nó đê đạt bình thường. Hiện tại là có 2 ngàn rưỡi vịt tùy theo thời điểm mà vịt nó đẻ đạt, nó đẻ đạt thì cơ 2 ngàn 2, 2 ngàn 3 quả một đêm.”

Là hộ nông dân có đàn vịt đẻ chạy đồng lớn nhất huyện Đăk Hà hiện tại, với cách làm hay cùng sự nhạy bén, năng động, anh Toản đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất giỏi tại huyện Đăk Hà. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ kinh nghiệm về chăn nuôi cho các hộ nông dân tại địa phương. Ông Văn Bá Hà, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 1, xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết:  “Nói riêng về mô hình anh Toản đây thì rất hiệu quả, về sẻ chia kinh nghiệm của anh Toản đây, giờ anh sẵn sàng anh nông dân nào có muốn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi vịt thì anh sẵn sàng chia sẻ. Mô hình đây thì nông dân ở đây có học hỏi, giờ nói chung cây trồng vật nuôi trước mắt mình phải phòng bệnh, phòng bệnh hơn chữa bệnh, phải định kỳ hàng tháng, hàng quý là phải tiêm vắc xin đầy đủ.”

Đầu tư xây dựng quy mô chuồng trại bài bản, gắn chăn nuôi với phòng chống dịch bệnh là hướng chăn nuôi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Toản. Mô hình này cũng đã được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà học hỏi và làm theo./.

CTV Minh Thái

Từ khóa » Vịt đẻ Chạy đồng