Nhớ Xưa, Nuôi Vịt Chạy đồng!
Có thể bạn quan tâm
Ảnh minh họa.
Cách đây hai mươi năm về trước, thời ấy người ở quê tôi chỉ trồng lúa 2 vụ: hè -thu và đông- xuân. Vụ lúa đông - xuân người ta trồng giống lúa dài ngày, thân cao khi gần chín gặp gió chướng thổi mạnh thân nằm rạp xuống, khi thu hoạch phải dùng "vòng hái" (hình chữ V có tra lưỡi hái vào) mới tiện nhưng điểm hạn chế là lúa bị sót lại và bị rụng nhiều. Với những cánh đồng bao la, rộng lớn người ta thường nuôi vịt chạy đồng để cho chúng ăn lúa rụng.
Để đàn vịt chạy đồng ăn được lúa rụng, người nuôi vịt cũng phải canh làm sao khi người vừa thu hoạch xong vụ đông- xuân là vịt nuôi cũng ăn được lúa, vì vậy mới lùa ăn hết đồng này sang đồng khác, nên gọi là vịt… chạy đồng!
Nuôi vịt chạy đồng có rất nhiều cái thú và cũng nhiều gian nan, vất vả. Khi vịt được trên tháng bắt đầu chạy đồng, khi chạy đồng người chăn vịt cũng "chạy" theo chúng và phải mang theo nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nào những tấm mành, lưới mùng để chiều lùa vịt vào cho chúng ngủ, nào mùng mền cho người chăn vịt ngủ, cơm nước, thuốc lá...
Do vụ đông- xuân người ta thu hoạch vào dịp cận tết Nguyên đán, ấy là mùa khô. Nên cái thú ngủ ngoài trời cùng bầy vịt không phải sợ mưa bão và có thể ngắm sao trời, còn vào những đêm trăng sáng vằng vặt, nằm dưới tấm chiếu manh có lót rơm phía dưới, người chăn vịt có thể "thưởng nguyệt" suốt đêm. Để vịt mau lớn và không bị mất sức, người chăn vịt còn "bồi bổ" cho chúng những con còng gió, còng lửa, còng quều béo ngậy. Muốn có còng cho vịt, tối người ta phải đi soi còng. Với cái bình ắc quy "3 hộc" và cái đèn đội trên đầu, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ sẽ có một giỏ còng đầy nhóc. Còng mang về bỏ vào thau, dùng chày đâm dập dập sau đó cho vịt ăn, đây là món khoái khẩu của chúng.
Hồi xưa, người ta nuôi vịt đẻ chủ yếu lấy công làm lời, tuy có cực nhưng lợi nhuận cũng cao. Có người nuôi khi chúng lớn, đủ lông đủ cánh, mập mạp rồi bán. Có người nuôi cho chúng tới khi "rớt hột" (vịt đẻ), vịt nuôi đủ lúa đủ mồi và sung sức thì năm tháng mấy gần sáu tháng chúng sẽ đẻ. Khi vịt đẻ người ta ít chạy đồng xa mà chỉ chạy đồng gần, nếu ai có vài công ruộng, lúc vịt đẻ sẽ làm chòi và chuồng cố định. Chỉ cho chúng chạy qua những mương ruộng lân cận.
Nuôi vịt đẻ niềm vui mỗi sáng là được vào chuồng nhặt trứng vịt. Vịt đủ mồi, đủ lúa đẻ rất say. Khi thu hoạch trứng người ta sẽ đếm để biết vịt chừng nào sẽ đẻ đủ, vì không phải tất cả các con vịt mái đều "rớt hột" trong cùng một thời điểm. Và vịt đẻ đủ rồi cũng vẫn phải đếm trứng nếu ngày nào vịt đẻ thiếu sẽ canh nhặt vì chúng sẽ "đẻ rớt" trên đồng…
Cuộc sống của nông dân thời xưa đa số là như vậy, cứ tuần hoàn theo thời gian hết mùa này sang mùa khác. Cuộc sống tưởng chừng không có gì mới mẻ đối với những người ngoài cuộc, nhưng thật sự ẩn sâu trong phong cách sống chân phương có rất nhiều điều thú vị mà ta chưa hiểu thấu hết. Những mùa vịt chạy đồng ngày xưa là một trong những điều thú vị ấy.
TRẦN THÀNH NGHĨA
Từ khóa » Vịt đẻ Chạy đồng
-
Vịt Chạy Đồng đẻ Hàng 1000 Trứng Sau Một đêm, 30K 1 ... - YouTube
-
The Duck Song-Một Con Vịt -Vịt Đẻ Chạy Đồng Nhiều Như Kiến ...
-
Gian Nan Nghề Nuôi Vịt Chạy đồng Mùa Nước Nổi | ANTV - YouTube
-
Gian Nan Nghề Nuôi Vịt Chạy đồng Mùa Nước Nổi | VTC16 - YouTube
-
Kỹ Thuật Nuôi Vịt đẻ Chạy đồng - Trại Giống Thu Hà
-
Vịt Chạy đồng - Báo Cà Mau
-
Nuôi Vịt đẻ Chạy đồng
-
Nuôi Vịt Chạy đồng, Nghề Lượm Bạc Cắc Gắn Với Người Miền Tây
-
Nuôi Vịt đẻ Chạy đồng
-
Đêm Ngủ đông, Ngày ăn Bụi, Long đong Nghề Nuôi Vịt Chay đồng
-
Đến Mùa Vịt Chạy đồng - Báo Nhân Dân
-
Thu Lãi Cao Từ Nuôi Vịt Lấy Trứng | Kinh Nghiệm Làm ăn
-
Khởi Nghiệp Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Vịt đẻ - KontumTV