Khơi Nguồn Và Tôn Vinh Nền Văn Minh Lúa Nước Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I tại Hậu Giang từ 28-11 đến 2-12-2009, dự kiến có khoảng 20 chuỗi sự kiện diễn ra tại lễ hội sẽ giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Qua đó, tôn vinh những nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cây lúa nước. Festival còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của người sản xuất, chế biến; cầu nối những suy nghĩ, sáng kiến góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
* Khơi đúng tiềm năng
Niềm vui lúa trúng mùa được giá của nông dân ĐBSCL. Ảnh: VŨ HÀ |
Tại Festival, lần đầu tiên dưới sự bảo trợ của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng công ty Lương thực miền Nam... với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp Việt Nam và chuyên gia nước ngoài, Ban Tổ chức Lễ hội mong muốn đánh giá đúng tiềm năng, đóng góp của cây lúa trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Thông qua các hội thảo chuyên đề như: Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập, Kinh xáng Xà No- con đường lúa gạo miền Hậu Giang... Festival Lúa gạo sẽ tạo nên diễn đàn giao lưu văn hóa, tìm nguồn cội của nền văn minh lúa nước Việt Nam và đề xuất giải pháp thiết thực cho định hướng phát triển cây lúa.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang cho rằng: Hậu Giang còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng việc tổ chức Festival Lúa gạo tại đây thể hiện sự quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26 - NQ/TW về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Festival sẽ đi vào chiều sâu, tìm nguồn cội của nền văn minh lúa nước Việt Nam và xây dựng, phát triển cây lúa nước trong tương lai. Với chủ đề vì sự phát triển nông nghiệp- nông thôn- nông dân, Festival thu hút trên 500 gian hàng của các tỉnh, thành, doanh nghiệp kinh doanh lương thực, vật tư nông nghiệp, máy nông nghiệp... trên cả nước tham gia trưng bày. Ông Trịnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Rất nhiều vấn đề bất cập trong sự phát triển của cây lúa sẽ không thể giải quyết hết tại lễ hội, bởi tháo gỡ vướng mắc cần rất nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi mong muốn qua các cuộc hội thảo chuyên đề về cây lúa, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý sẽ chỉ ra cho địa phương những định hướng cụ thể để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo địa phương”. Festival được tổ chức bên bờ kinh xáng Xà No- con đường lúa gạo miền Hậu Giang, một trong những nơi có gạo xuất khẩu sớm nhất của Nam bộ. Bởi từ năm 1913, miền Hậu Giang đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo và từ năm 1928, Hậu Giang có kho trữ hơn 100.000 tấn gạo. Cùng với hội thảo chuyên đề sẽ đi sâu vào phân tích quá trình hình thành, phát triển và đứt quãng của con đường lúa gạo này.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, nhưng chất lượng hạt gạo rất kém làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu hạt gạo. Thêm vào đó, năng suất lúa của vùng đang có nguy cơ chựng lại do mức đầu tư đã quá giới hạn chịu đựng của nông dân. Nếu không giải quyết tốt khâu tiêu thụ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đảm bảo ANLT và xuất khẩu. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năm 2009 sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL khoảng 20,63 triệu tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2008. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: “Thành tựu trong sản xuất lúa gạo Việt Nam là khống chế được rầy nâu, bệnh vàng lùn... cơ cấu giống lúa dần ổn định, chất lượng hạt gạo cũng cải thiện dù so với nhu cầu chưa đạt. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất lúa của nông dân cũng được nâng lên rõ rệt”. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Vấn đề này phải bắt đầu từ cánh đồng 1 giống và vùng sản xuất ổn định. Quan trọng hơn là có doanh nghiệp đặt hàng dài hạn với nông dân để họ an tâm đầu ra, khi người trồng lúa gắn bó chặt chẽ với đồng ruộng của mình, tiềm năng phát triển sẽ được khai thác triệt để và tạo nên diện mạo mới cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
* Chọn hướng đi mới
Theo khảo sát của các nhà khoa học, chi phí cho công tác khuyến nông của Việt Nam rất thấp so với Thái Lan và Philippines, nhưng thực tế đã chứng minh rằng năng suất lúa của Việt Nam hiện cao nhất so với các nước ở vùng Đông Nam Á. PGS.TS Dương Văn Chín, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Cần giảm bớt khó khăn của nông dân trong khâu tiêu thụ lúa hàng hóa. Phần lớn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL có diện tích nhỏ khoảng 1ha/hộ; khi thu hoạch chỉ 6-7 tấn lúa, nếu giá lúa trên thị trường cao thì họ bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái. Tuy nhiên, nếu lúc thu hoạch, giá lúa sụt giảm thì họ không muốn bán ngay mà chờ giá lên, nhưng lại không có kho trữ đảm bảo”. Do vậy, ngân sách trung ương và địa phương cần đầu tư mạnh cho công tác khuyến nông nhằm gia tăng năng suất, chất lượng lúa gạo; đồng thời, đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nông nghiệp, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch để đưa ngành sản xuất lúa gạo lên tầm cao mới.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đang đe dọa năng suất và giảm sản lượng lúa của vùng trồng lúa nước Việt Nam, nếu không có chiến lược, giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ sẽ trả giá trong tương lai. Bởi theo tính toán của ngành nông nghiệp, các chuyên gia, ĐBSCL không thể làm giàu chỉ từ cây lúa. Do vậy, Chính phủ cần có chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật cho nông dân- nông thôn, thu mua bảo quản chế biến lúa gạo nhằm duy trì và phát triển bền vững ngành trồng lúa cho vùng. Đặc biệt, đảm bảo quỹ đất trồng lúa. Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực cũng nhập cuộc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho mình, nhằm chủ động thị trường và xây dựng thương hiệu chung cho hạt gạo Việt Nam.
Hiện tại, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận ở ĐBSCL mới đạt khoảng 32%. Phần lớn nông dân tự giữ giống hoặc trao đổi với nhau, nên chất lượng hạt giống kém. Các nhà khoa học cho rằng, từng địa phương cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tổ chức sản xuất và kinh doanh giống; đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng giống xác nhận mới tiến đến xây dựng thương hiệu một cách bền vững và khoa học. Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh để làm thay đổi tập quán sản xuất mùa vụ liên tục hiện nay tại ĐBSCL, nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách triệt để.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết: “Hằng năm, Hậu Giang có trên 1 triệu tấn lúa hàng hóa và tương lai sẽ duy trì sản lượng này. Để có tiếng nói chung cho quá trình phát triển của cây lúa đồng bằng cần chọn hướng đi mới, phù hợp và quan trọng là các địa phương trong vùng cần liên kết lại để mùa vụ thắng lợi hơn. Còn về thương hiệu cho hạt gạo, hiện Hậu Giang đang hợp tác cùng Viện Lúa ĐBSCL trồng giống HG 2, với diện tích khoảng 3.000-4.000 ha. Tuy nhiên, đây chỉ là thương hiệu đặc thù của Hậu Giang, nên các tỉnh, thành trồng lúa cần liên kết lại để xây dựng thương hiệu chung. Khi đó, việc vươn ra thị trường và khẳng định vị trí ở thị trường quốc tế mới dễ dàng, nếu riêng rẽ từng tỉnh thì khó mà cạnh tranh nổi”. Hiện nay, Hậu Giang đang đầu tư xây dựng vùng lúa chất lượng cao, tỉnh An Giang cũng tập trung củng cố vùng lúa chất lượng cao hiện có và đã hợp đồng bao tiêu với công ty Nhật Bản. TP Cần Thơ đang làm đề cương xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả việc làm thiết thực của từng địa phương, cả vùng cùng với đầu tư, quan tâm của Chính phủ trong phát triển hệ thống giao thông, đầu tư trạm bơm điện cho vùng... sẽ tạo nên diện mạo mới cho cây lúa nước ĐBSCL.
Gia Bảo
Từ khóa » Trồng Lúa Nước ở Việt Nam
-
Nghề Trồng Lúa Nước Của Dân Tộc Kinh
-
Văn Minh Lúa Nước – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nghề Trồng Lúa Nước - UBND Tỉnh Cà Mau
-
Nền Văn Minh Lúa Nước Việt Nam - Làng Tre Việt
-
Sự Ra đời Của Nghề Nông Trồng Lúa Nước Có Tầm Quan Trọng Như Thế ...
-
Cái Nôi Của Nền Văn Minh Lúa Nư - Hànộimới
-
Thành Tựu Của Ngành Trồng Trọt – Một Năm Nhìn Lại
-
Học Nghề Trồng Lúa Nước - Báo Đại Đoàn Kết
-
Sơ Lược Lịch Sử Trồng Lúa Việt Nam
-
Chuỗi Giá Trị Lúa Gạo Bền Vững Và Bao Trùm ở Việt Nam
-
Nền Nông Nghiệp Lúa Nước Việt Nam Hiện Nay
-
Đưa Cây Lúa Nước Lên Ngàn