Khới Phát Chuyển Dạ - Bệnh Viện FV - FV Hospital
Có thể bạn quan tâm
KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ LÀ GÌ?
Khởi phát chuyển dạ là quá trình sử dụng các loại thuốc hoặc các phương pháp để kích thích bắt đầu chuyển dạ không tự nhiên thay vì chờ đến lúc bắt đầu chuyển dạ tự nhiên. Sản phụ sẽ được đề nghị khởi phát chuyển dạ nếu bác sĩ cho rằng sản phụ nên sinh sớm thay vì tiếp tục thai kỳ để an toàn hơn cho thai nhi. Khởi phát chuyển dạ có thể là một quá trình kéo dài.
Tài liệu này sẽ giải thích về những điều mà sản phụ có thể mong đợi, nguy cơ và lợi ích của khởi phát chuyển dạ để giúp sản phụ có thể đưa ra lựa chọn cho mình.
Hãy yêu cầu bác sĩ giải đáp các thắc mắc về:
- Nguyên nhân đề nghị khởi phát chuyển dạ?
- Các nguy cơ có thể xảy ra nếu tiếp tục thai kỳ cho đến khi chuyển dạ tự nhiên?
- Các nguy cơ có thể xảy ra nếu thực hiện khởi phát chuyển dạ?
- Các thủ thuật và chăm sóc trong quá trình khởi phát chuyển dạ?
TẠI SAO SẢN PHỤ ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ?
Khởi phát chuyển dạ được đề nghị vì việc tiếp tục thai kỳ có thể dẫn đến các nguy cơ cho sức khỏe của sản phụ hoặc thai nhi. Sau đây là một số lý do thường gặp cần đề nghị khởi phát chuyển dạ:
- Thai kỳ kéo dài (hơn 41 tuần);
- Vỡ ối nhưng chưa bắt đầu chuyển dạ;
- Tiểu đường thai kỳ;
- Thai nhi nhỏ và/hoặc chậm tăng trưởng;
- Tình trạng đe dọa đến sức khỏe của sản phụ hoặc thai nhi (ví dụ như cao huyết áp, bệnh thận);
- Các lo ngại cho thai nhi (ít nước ối bao quanh thai nhi, thai nhi ít cử động).
SẢN PHỤ CÓ THỂ MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ?
Khởi phát chuyển dạ thường được lên kế hoạch trước. Sản phụ có thể thảo luận về các thuận lợi và bất lợi của khởi phát chuyển dạ với nữ hộ sinh và bác sĩ.
Quá trình khởi phát chuyển dạ có thể khác nhau ở mỗi người; hầu hết sản phụ sẽ sinh con trong vòng 24 giờ, nhưng đối với một số người thì khởi phát chuyển dạ có thể mất từ hai đến ba ngày. Khởi phát chuyển dạ thành công giúp sinh con qua ngã âm đạo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là độ mở và độ xóa cổ tử cung. Nếu cổ tử cung của sản phụ có độ mở và độ xóa càng lớn thì khả năng sinh con qua ngã âm đạo càng cao. Đôi khi cơn gò tử cung sẽ không xuất hiện và sản phụ không thể chuyển dạ sau khi đã vỡ ối. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị sinh mổ.
Khởi phát chuyển dạ thường được thực hiện trong Phòng Sinh tại bệnh viện. Điều này giúp bác sĩ theo dõi thai nhi trước khi khởi phát chuyển dạ để đảm bảo tình trạng của thai nhi ổn định.
CHUẨN BỊ
Tùy thuộc vào lý do khởi phát chuyển dạ mà sản phụ có thể phải nhập viện. Bác sĩ sẽ siêu âm để xác định tình trạng của thai nhi cũng như vị trí nhau thai và cân nặng thai nhi. Bác sĩ cũng sẽ xác định tuổi thai. Sau khi thực hiện xong các khảo sát, sản phụ được đặt đường truyền tĩnh mạch để dùng thuốc. Thai nhi được theo dõi bằng máy để ghi nhận nhịp tim thai và tần suất của các cơn gò tử cung.
Bác sĩ sẽ thăm khám để xác định độ mở cổ tử cung còn điều dưỡng sẽ đo nhiệt độ, nhịp tim và huyết áp để đảm bảo tình trạng của sản phụ ổn định.
Trước khi bắt đầu chuyển dạ, sản phụ có thể cân nhắc phương pháp giảm đau mà mình muốn thực hiện vì khi khởi phát chuyển dạ bắt đầu, các cơn co thắt có cường độ rất mạnh và rất khó chịu đựng.
TÁCH MÀNG ỐI
Khi đến ngày dự sinh, sản phụ có thể được đề nghị tách màng ối vào khoảng tuần thứ 40, sau đó là vào tuần thứ 41. Thủ thuật này đã được chứng minh làm tăng khả năng chuyển dạ tự nhiên trong vòng 48 giờ sau khi thực hiện thủ thuật và có thể hạn chế thực hiện các phương pháp khởi phát chuyển dạ khác.
Ngoài ra, sản phụ cũng được đề nghị tách màng ối nếu khởi phát chuyển dạ vì lý do y khoa. Bác sĩ phụ trách chăm sóc sản phụ sẽ đề nghị thời điểm thực hiện thủ thuật này. Tách màng ối không được đề xuất thực hiện khi sản phụ đã vỡ ối nhưng chưa chuyển dạ, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tách màng ối là một thủ thuật mà bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ đưa hai ngón tay vào cổ tử cung và di chuyển theo chuyển động hình tròn để tách màng ối ra khỏi cổ tử cung. Điều này giúp cơ thể tăng tiết ra các hoóc môn gọi là prostaglandin để kích thích chuyển dạ.
Thủ thuật này có thể làm khó chịu hoặc chảy máu nhưng không gây hại cho sản phụ hoặc thai nhi. Nếu không đồng ý thực hiện tách màng ối, sản phụ có thể chờ đến khi chuyển dạ tự nhiên hoặc dùng phương pháp khởi phát khác như giải thích dưới đây.
Nếu sau khi tách màng ối mà vẫn không chuyển dạ, sản phụ sẽ được đề nghị khởi phát chuyển dạ.
PHƯƠNG PHÁP KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ NÀO PHÙ HỢP VỚI SẢN PHỤ?
Có nhiều cách để khởi phát chuyển dạ. Để xác định phương pháp khởi phát chuyển dạ tốt nhất cho sản phụ, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ thăm khám âm đạo để kiểm tra cổ tử cung của sản phụ. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ đưa ra một trong các phương pháp khởi phát chuyển dạ sau:
- Hoóc môn prostaglandin
- Ống thông
- Bấm ối
- Hoóc môn oxytocin.
Quá trình khởi phát chuyển dạ sẽ khác nhau ở mỗi sản phụ và có thể cần kết hợp với một trong các phương pháp này.
CÁC PHƯƠNG PHÁP KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ
Prostaglandins
Prostaglandin là loại hoóc môn sản sinh tự nhiên giúp cơ thể chuẩn bị cho việc chuyển dạ. Các loại hoóc môn tổng hợp cũng được tạo ra có tác dụng tương tự như hoóc môn tự nhiên trong cơ thể. Loại hoóc môn này được đặt vào âm đạo dưới dạng gel, viên nén hoặc thuốc đạn (tương tự như băng vệ sinh dạng ống) giúp làm chín muồi (mềm) cổ tử cung của sản phụ.
Sau khi đặt prostaglandin vào âm đạo, thai nhi sẽ được theo dõi và sản phụ cần phải nhập viện.
Ống thông
Prostaglandins không phải luôn phù hợp cho tất cả các sản phụ, ví dụ như sản phụ đã từng sinh mổ hoặc có phản ứng với prostaglandins trước đây. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghị dùng ống thông để làm chín muồi cổ tử cung.
Ống thông này là một loại ống mỏng được đặt vào cổ tử cung sau đó bơm phồng bóng để tạo áp lực lên cổ tử cung. Áp lực này giúp làm mềm và mở cổ tử cung. Ống thông sẽ được giữ lại trong vài giờ cho đến khi ống tự tuột ra ngoài (điều này cho biết cổ tử cung đã mở) hoặc cho đến khi tái khám cho sản phụ.
Các phương pháp nong cơ học khác như nong cổ tử cung bằng cách hút ẩm giúp tạo áp lực và kích thích mở cổ tử cung.
Nếu sản phụ không chuyển dạ sau khi sử dụng các phương pháp này, bác sĩ có thể đề nghị sản phụ tiếp tục thực hiện phương pháp khởi phát chuyển dạ khác.
Bấm ối
Nếu sản phụ chưa vỡ ối, bác sĩ có thể đề nghị bấm ối. Phương pháp này chỉ thực hiện khi cổ tử cung đã mềm, mở một phần và ngôi thai bình thường.
Trong khi thăm khám âm đạo, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ chọc một lỗ nhỏ vào màng hoặc túi nước ối bao quanh thai nhi. Thủ thuật chỉ có thể thực hiện khi cổ tử cung đã mở bằng một dụng cụ nhỏ trong khi thăm khám âm đạo.
Khi đã vỡ ối, các cơn co thắt có thể bắt đầu một cách tự nhiên, nếu không thì bác sĩ sẽ bắt đầu cho truyền oxytocin (Oxytocin®).
Oxytocin
Oxytocin® là một loại hoóc môn tổng hợp có tác dụng tương tự như hoóc môn tự nhiên trong cơ thể. Hoóc môn này được truyền qua đường tĩnh mạch giúp kích thích các cơn co thắt của tử cung. Tốc độ truyền oxytocin sẽ tăng dần cho đến khi các cơn co thắt trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn và sẽ được tiếp tục truyền cho đến sau khi em bé chào đời.
Khi bắt đầu truyền oxytocin, nhịp tim thai sẽ được theo dõi trong suốt quá trình chuyển dạ bằng máy đo tim thai (CTG).
Các cơn co tử cung do oxytogin gây ra thường có khuynh hướng mạnh hơn các cơn co tử cung tự nhiên. Vì vậy sản phụ nên được đề nghị thực hiện giảm đau ngoài màng cứng.
CÁC NGUY CƠ KHI KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ?
Khởi phát chuyển dạ không hiệu quả
Đôi khi, quá trình làm chín muồi cổ tử cung không hiệu quả, điều đó có nghĩa là cổ tử cung không mở đủ rộng để làm vỡ ối. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn cho sản phụ như sản phụ có thể trở về nhà và chờ chuyển dạ, áp dụng phương pháp khởi phát chuyển dạ khác, hoặc có thể yêu cầu sinh mổ.
Kích thích tử cung quá mức
Một trong các tác dụng không mong muốn của hoóc môn tổng hợp là có thể làm cho tử cung co bóp quá mức, đôi khi có thể gây căng thẳng cho sản phụ và thai nhi. Nếu điều này xảy ra, sản phụ có thể được dùng thuốc để làm dịu tử cung. Nếu dùng hoóc môn dạng thuốc đặt âm đạo thì sản phụ sẽ được đề nghị lấy thuốc ra ngoài.
Từ khóa » Khám độ Mở Cổ Tử Cung Có đau Không
-
Khám Xóa Mở Cổ Tử Cung | TCI Hospital - Bệnh Viện Thu Cúc
-
Mẹ Bầu Cần Biết độ Mở Của Cổ Tử Cung Trong Quá Trình Chuyển Dạ
-
Làm Sao để Biết Tử Cung Mở Khi Chuyển Dạ | TCI Hospital
-
Cách Nhận Biết Cổ Tử Cung Mở để "tốc Hành" đến Bệnh Viện
-
Chuyển Dạ Kéo Dài: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, điều Trị Và Phòng Ngừa
-
8 Dấu Hiệu Sắp Sinh (chuyển Dạ) Mẹ Cần Ghi Nhớ để đón Con Yêu
-
Vai Trò Siêu âm Trong Chuyển Dạ | Vinmec
-
Theo Dõi Các Giai đoạn Chuyển Dạ | Vinmec
-
Khám Cổ Tử Cung Khi Chuyển Dạ - Nỗi ám ảnh Khó Quên Của Các Mẹ ...
-
6 Dấu Hiệu Cổ Tử Cung Mở Và Những Lưu ý Mẹ Cần Biết - Mamamy
-
Theo Dõi Chuyển Dạ
-
Giải đáp Tất Cả Các Vấn đề Liên Quan đến Ra Máu Báo Sinh | Medlatec
-
Bác Sĩ Sản Khoa Chỉ Ra Vì Sao Mẹ Bầu Bị Chuyển Dạ Kéo Dài | Medlatec
-
️ 5 Kiểu Cơn Gò Tử Cung Trong Thai Kỳ Và ảnh Hưởng Của Chúng