Không Chủ Quan Lơ Là Với Dịch COVID 19 | .vn

Ở tỉnh Ninh Bình, số các ca mắc mới cũng đã giảm nhiều, những ngày gần đây chỉ khoảng trên, dưới 200 ca/ngày. Số xã, phường, thị trấn chuyển thành cấp độ dịch màu xanh (nguy cơ thấp) ngày càng tăng lên, hiện không có đơn vị cấp độ dịch màu đỏ (nguy cơ rất cao). Dịch COVID-19 có xu hướng giảm làm cho mọi hoạt động kinh tế-xã hội trong những ngày qua gần như đã trở lại trạng thái bình thường mới.

Đặc biệt là hoạt động du lịch, sau những tháng, ngày rơi vào khoảng lặng do dịch, nay đã tấp nập, nhộn nhịp. Dịp nghỉ cuối tuần và ngày giỗ tổ 10/3 âm lịch vừa qua, các khu, điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thu hút rất đông du khách. Dự tính sơ bộ có khoảng 6 vạn khách du lịch trong nước và quốc tế đã đến Ninh Bình. Đó là điều đáng mừng cho tất cả mọi người.

Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể chủ quan, lơ là với dịch COVID-19 được. Bởi vì, tình hình dịch COVID-19 ở một số nước và khu vực trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Chủng vi rút tiếp tục tiến hóa, có thể xuất hiện những biến chủng mới của SARS-CoV-2 trong thời gian tới có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin hoặc miễn dịch, làm cho những người mắc mới có triệu chứng nghiêm trọng hoặc bị tử vong.

Hiện tại, đang có sự tồn tại và phát triển song song của biến chủng như Delta và Omicron (xuất hiện cả phân nhóm BA.1 và BA.2). Ngày 11/4, WHO thông báo đang theo dõi một số ca nhiễm 2 biến thể phụ mới của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh. "Cụ thể, WHO đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể "cùng lứa" với biến thể phụ, gốc BA.1 của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi".

"Cùng ngày, Bộ Y tế Nhật Bản cũng thông báo ca nhiễm biến thể mới mang tên XE đầu tiên ở nước này là một phụ nữ đến từ Mỹ". "Biến thể XE là biến thể tái tổ hợp giữa 2 biến thể phụ BA.1 và BA.2 của dòng Omicron". Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã phát hiện các dòng biến thể mới của SARS-CoV-2…. Như vậy là dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường.

Điều đáng lo ngại là trong xã hội hiện nay đã và đang xuất hiện tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh. Cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/10/2021 quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", khi có sự nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thích ứng linh hoạt theo chủ trương của Chính phủ đã kéo theo tâm lý chủ quan, lơ là của không ít người dân trước tình hình dịch bệnh.

Thực tế hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân ý thức chấp hành các quy định hoặc các khuyến cáo chống dịch chưa cao. Ngày nào cũng có nhiều người trở thành F0 và kéo theo rất nhiều người thuộc diện nguy cơ (F1), nhưng một số người không tự giác cách ly và khai báo y tế.

Không ít người hiện nay không còn thực hiện việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tâm lý chủ quan còn thể hiện ở nhận thức là "ai rồi cũng mắc", trước sau gì cũng mắc và đã mắc rồi sẽ không bị mắc lại nữa. Một bộ phận người dân lại cho rằng mình đã tiêm đủ các mũi vắc xin, nên sẽ không bị nhiễm hoặc không lo về COVID-19 nữa. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chưa đồng bộ và phù hợp với cấp độ dịch được đánh giá.

Hoạt động của tổ COVID cộng đồng tại nhiều thôn, xóm, tổ dân phố còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả, còn tình trạng bỏ sót, lọt hoặc không quản lý đối tượng mắc COVID-19. Diễn biến của dịch COVID-19, nhất là các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 trong thời gian tới là không thể xem thường.

Hiện nay, các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh ta gần như đã trở lại bình thường. Du lịch mở cửa đón khách; học sinh các cấp đều trở lại trường học trực tiếp…. Do vậy, các cấp, các ngành và đặc biệt là tất cả mọi người dân cần nâng cao nhận thức, không chủ quan, lơ là với dịch. Cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và các văn bản hướng dẫn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tiếp tục thực hiện phương châm chống dịch là: "đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết" và "cách ly, xét nghiệm là then chốt; vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết". Các địa phương xây dựng, bổ sung, triển khai kế hoạch sẵn sàng phòng, chống khi dịch bùng phát trở lại, trong đó, trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện về con người, nguồn lực, cơ sở vật chất và vắc xin. Khẩn trương mở rộng độ bao phủ vắc xin nhanh hơn nữa. Một trong những bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch thành công của chúng ta thời gian qua là tiêm nhanh vắc xin.

Vì vậy, trong thời gian tới phải tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 "thần tốc hơn nữa", đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vắc xin.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã nắm chắc tình hình, phát huy tính chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hiệu quả, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế. Tập trung kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm xử lý đảm bảo đúng, trúng linh hoạt, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ của dịch COVID-19, tác dụng của tiêm vắc xin, các quy định, khuyến cáo phòng, chống dịch và hướng dẫn kỹ năng tự điều trị, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mọi người.

NGUYỄN ĐÔNG

Từ khóa » Chủ Quan Lơ Là Là Gì