Không đòi đền Mạng, Chỉ Mong đền Tội đúng Người - PLO

Tôi nhận lời bảo vệ gia đình người bị hại - gia đình có hai trẻ là con cô, con cậu bị đâm chết mà tòa án cấp sơ thẩm vừa xét xử xong - với một sự cảm thông, xoa dịu hơn là mong muốn mang đến một sự hỗ trợ pháp lý lớn lao nào. Bởi tôi biết không dễ gì một vụ án đã được điều tra, truy tố và xét xử bị cáo với tội danh giết người có thể có nhiều sai sót. Tôi nói với gia đình bị hại rằng tôi không hứa có thể làm gì nhiều mà chỉ có thể hứa sẽ bên cạnh gia đình hết mình.

Không yêu cầu tăng án, thêm tiền

Vụ án xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn của hai gia đình trong việc buôn bán trái cây gần nhau. Và sau đó là trận ẩu đả giữa những đứa con của hai bên, dẫn đến hai đứa trẻ anh em con cô, con cậu trong cùng một gia đình đã qua đời do bị dao đâm. Khi đó, ông Nguyễn Văn Tuyn bị truy tố và xét xử về tội giết người.

Dù ông Tuyn thừa nhận toàn bộ vụ việc nhưng gia đình người bị hại vẫn một mực cho rằng ông Tuyn nhận tội thay cho con mình là Nguyễn Văn Bằng. Nếu hỏi họ những căn cứ pháp lý xác đáng, họ sẽ không nói được căn cứ rõ ràng nhưng họ có thể lập luận về sự hợp lý, về tình huống xảy ra cùng niềm tin cần lấy lại công bằng cho con cháu mình…

Án sơ thẩm đã tuyên ông Tuyn tù chung thân về tội giết người. Gia đình bị hại không yêu cầu tăng án lên tử hình, cũng không đòi tăng mức bồi thường. Họ chỉ có một yêu cầu duy nhất: Ai giết con, cháu mình thì người đó phải là người đền tội.

Tôi tiếp nhận một mớ hỗn độn những thông tin đó cùng niềm tin của gia đình để bước vào vụ án. Tới lúc xử phúc thẩm mà bụng vẫn cứ nhủ thầm nhỡ không làm được gì thì biết nói sao với gia đình người ta. Nhưng rồi tôi vẫn cứ tin rằng mình cố gắng làm được một trong hai điều: hoặc giúp họ tin là cái chết của con, cháu mình đã được xét xử đúng người, đúng tội, hoặc họ có một cơ hội lật ngược lại hồ sơ để tìm ra sự thật ai mới thật sự là thủ phạm.

Gần một năm sau, phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại TAND Cấp cao tại TP.HCM. Đó là một phiên tòa có rất nhiều thông điệp mà tôi muốn truyền tải cho người cầm cân nảy mực, cho gia đình người bị hại, cho những đồng nghiệp và cho bất kỳ ai trong cuộc sống vô thường này.

Chỉ mong xử đúng người, đúng tội

Lúc bắt đầu phiên xử, gia đình mang theo di ảnh của cháu đã chết. Tôi cứ nhìn thẳng vào di ảnh và nói thầm: “Con hãy giúp cô làm tròn công việc của mình, giúp cho mọi việc được sáng tỏ...”, như một sự bám víu vào niềm tin tâm linh.

Và tôi phải nói rằng mình đã may mắn khi gặp được vị đại diện VKS công tâm, một HĐXX đầy kinh nghiệm. Bước đầu nghe cách họ đặt câu hỏi, cách họ làm sáng tỏ sự thật vụ án mà tôi thấy nhẹ lòng. Tôi cảm nhận rằng điều họ đang tìm là giống mình: sự thật. Tôi bắt đầu nhen nhóm niềm tin. Với vai trò luật sư, tôi cũng góp những câu hỏi của riêng mình để làm sáng tỏ vụ án. Đó là nội dung mà tôi cho rằng cực kỳ quan trọng cần làm rõ (xin xem box).

Trong phần phát biểu quan điểm của mình, đại diện VKS cho rằng vụ án có nhiều tình tiết cần làm rõ, đề nghị hủy án để điều tra, xét xử lại. Vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo cũng đồng quan điểm về điều này, bởi vụ án còn có nhiều khuất tất.

Về phần mình, ngoài những quan điểm pháp lý, tôi chỉ xin tòa thêm hai phút để nói về mong muốn của gia đình bị hại. Tôi khẳng định rằng chúng tôi không yêu cầu tăng mức bồi thường hay tăng mức hình phạt của cấp sơ thẩm từ chung thân lên tử hình để “đòi mạng”. Chúng tôi chỉ có một mong mỏi duy nhất rằng ai giết con, cháu mình thì người đó đền tội, vì còn quá nhiều điều chưa được làm sáng tỏ để gia đình có thể có chút an lòng vào công lý.

Gia đình và những người tham dự phiên tòa đã vỗ tay rất lớn khi HĐXX tuyên án như ý kiến của đại diện VKS và các luật sư: hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Tự dưng tôi thấy lòng mình xúc động đến nghẹn ngào khi nhìn gia đình người bị hại. Mất mát quá lớn lao nhưng họ lại vui mừng, cái vui mừng vì bước đầu có được niềm tin vào công lý, vào điều họ nói đã được tòa lắng nghe.

Người mất đã xuôi tay, người ở lại cần sự công bằng cho người đã mất. Riêng tôi, tôi học được rằng phải tin vào công lý và làm tất cả vì niềm tin mãnh liệt đó, dù đôi lúc mình gặp phải bao nhiêu khó khăn, cản ngại. Nhưng trên tất cả, sự thật sẽ luôn được trả về sự thật, vào một thời điểm thích hợp nào đó.

Cha vẽ con dao theo hình vẽ của con

Tại phiên tòa sơ thẩm, trong phần xét hỏi về hình dáng con dao dùng để giết người được vẽ trên trang giấy (do bị cáo vứt dao và không tìm được), tòa hỏi bị cáo Nguyễn Văn Tuyn: “Bị cáo mô tả hình dáng con dao sử dụng”. Bị cáo đáp: “Đúng con dao mà bị cáo đã vẽ ở cơ quan điều tra”. “Sao bị cáo nhớ được con dao đã vẽ?”. Đáp: “Bằng (con bị cáo) vẽ lại con dao bị cáo đã lấy trên mặt bàn. Bị cáo thấy đúng nên vẽ lại con dao này. Con dao Bằng vẽ lại, bị cáo vẽ theo. Bị cáo đã nhận tội thì nhận đúng con dao”.

Vì vậy, tại phiên phúc thẩm, tôi bám vào nội dung này, rằng tại sao bị cáo không biết con dao mình cầm đâm chết hai người và đe dọa đâm tiếp mẹ của một trong hai bị hại? Trong khi đó, bị cáo khai rằng đây là một trong những con dao thường sử dụng trong nhà. Bị cáo khai từ lúc bị cáo cầm dao đến khi đâm chết người và vứt dao thì Bằng không hề nhìn thấy con dao đó, vậy sao Bằng vẽ ra con dao gây án để bị cáo vẽ theo? Và trong một lời khai khác, chính Bằng khai rằng Bằng có cầm dao đâm nhưng không biết có trúng ai không…

Từ những điều trên, tôi cho rằng có rất nhiều tình tiết cần được làm rõ mới tìm ra sự thật khách quan của vụ án, rằng ai mới là người đã giết chết hai mạng người.

Luật sư ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » đền Mạng Kinh Dị