Không Ngừng Sáng Tạo Trong Hoạt động Tình Nguyện Hè

Một buổi sáng tháng 7 oi ả, Nguyễn Thị Ngọc Ánh dậy thật sớm, chuẩn bị giáo án, bài tập về nhà cho học sinh rồi dắt xe máy ra phố. Gần 10km là quãng đường mà Ngọc Ánh phải di chuyển để đến với lớp học nhỏ của Dự án “Áo xanh sư phạm tới trường” tại Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

Lần đầu “đứng lớp”, cho nên việc sĩ số chỉ có tám học sinh cũng đủ để cô gia sư tình nguyện đang học năm thứ nhất Khoa Sư phạm, Trường đại học Thủ đô hồi hộp tới mất ngủ. Đêm trước buổi học đầu tiên, Ngọc Ánh thậm chí còn chuẩn bị một bài giới thiệu bản thân nhưng sau đó “run quá nên quên hết sạch”.

Mặc dù vậy, bằng đam mê với ngành sư phạm và tình yêu trẻ thơ, nữ gia sư tình nguyện đã nhanh chóng bắt nhịp với lớp học hè đặc biệt của cả cô và trò. Nguyễn Thị Ngọc Ánh chủ động coi học sinh như các em nhỏ trong gia đình thay vì quá “ra dáng” cô giáo, đồng thời dựa vào giáo án do Ban Tổ chức Dự án hỗ trợ để tìm kiếm, bồi đắp lỗ hổng kiến thức của các em sau thời gian dài giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Chẳng mấy chốc, cô và trò của lớp học nhỏ đã thân thiết như người nhà, đều mong có cơ hội được gắn bó thêm trong những khóa học tiếp theo của Dự án.

Cũng là gia sư của Dự án “Áo xanh sư phạm tới trường”, nhưng Đỗ Hương Giang lại sở hữu vốn kinh nghiệm dạy thêm dày dặn, nhất là đối với các chương trình tình nguyện tương tự. Từng tham gia dự án dạy học cho thiếu niên, nhi đồng tại Làng Trẻ em SOS trong suốt sáu tháng, cho nên Hương Giang nhanh chóng tìm ra phương pháp tiếp cận hiệu quả để bổ sung kiến thức, củng cố tác phong học tập cho các bạn nhỏ.

Những buổi học xen kẽ nắng mưa của mùa hè tháng 7 trôi qua thật nhanh. Cô gia sư trẻ và những học trò đôi khi còn nghịch ngợm rồi cũng phải nói lời tạm biệt. Thế nhưng, những cảm xúc đọng lại đã trở thành trải nghiệm vô giá.

“Không chỉ tôi, mà cả gia đình tôi đều coi đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, góp phần cụ thể trong đồng hành với thiếu nhi Thủ đô trong học tập, rèn luyện. Chắc chắn tôi sẽ tìm kiếm thêm cơ hội để sau này có thể đóng góp phần sức lực nhỏ bé, bồi dưỡng, rèn giũa các em bắt kịp tiến độ học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội”, Đỗ Hương Giang chia sẻ.

“Áo xanh sư phạm tới trường” là dự án cộng đồng do Thành đoàn, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội, Tổ chức Blacasa Việt Nam phối hợp triển khai trên địa bàn Thủ đô theo hình thức dạy kèm miễn phí cho học sinh. Không chỉ hỗ trợ các bạn nhỏ học tập, chia sẻ khó khăn về kiến thức, cuộc sống sau thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, Dự án còn san sẻ gánh nặng với các nhà trường, thầy cô giáo, đồng thời tạo cơ hội để sinh viên sư phạm trải nghiệm việc dạy học thực tế.

Theo thống kê, kể từ khi phát động vào cuối tháng 4/2022 đến nay, Dự án ghi nhận hơn 2 nghìn tình nguyện viên tham gia, trực tiếp giảng dạy hơn 3 nghìn lượt học viên, triển khai thành công khoảng 20 nghìn buổi học tại hơn 50 trường học của thành phố Hà Nội. Sau giai đoạn 1, thí điểm tại một số trường học ở quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội), Dự án được các nhà trường, cha mẹ học sinh, học viên đánh giá cao.

Em Đức Anh, học viên Dự án, hồ hởi nói: “Trước đây, khi xem phim tiếng Anh, con không hiểu diễn viên nói gì. Sau khi tham gia khóa học, con không còn phải dựa nhiều vào phụ đề nữa”. Chị Nguyễn Thị Thúy, mẹ bé Đức Anh, phấn khởi chia sẻ: “Không chỉ Đức Anh mà cả chị cháu cũng hứng thú hơn hẳn với môn tiếng Anh. Hai chị em còn tự động viên nhau học tập nên kết quả tốt hơn nhiều”.

Đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cho biết: Nền tảng của Dự án dựa trên phương châm “Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Học viên tham gia Dự án được cá nhân hóa việc học tập thông qua quy trình đánh giá, phân tích đầu vào và lên lộ trình học riêng biệt, đặt dưới sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ của Tổ chức Blacasa Việt Nam và theo dõi thường xuyên qua ứng dụng thông minh kết nối gia sư, nhà trường, cha mẹ học sinh.

Sôi nổi thi đua trong phong trào tình nguyện hè của tuổi trẻ cả nước, bằng niềm đam mê với nghề biển, Thạc sĩ Phạm Sỹ Tấn, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản Hải Phòng đã cùng đoàn viên, giảng viên nhà trường thực hiện công trình thanh niên “Khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp”. Công trình vừa xuất sắc giành giải nhất tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm của thành phố Hải Phòng năm 2022.

Công trình của anh Phạm Sỹ Tấn được “thai nghén” ngay trong những ngày triển khai các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá tại xã Lập Lễ, nơi có nghề khai thác hải sản truyền thống và đội tàu đánh cá xa bờ lớn nhất của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. “Trước thực trạng nguồn lợi hải sản suy giảm, giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều tàu cá của ngư dân buộc phải “nằm bờ”, chúng tôi đã trăn trở về 1 công trình tự động hóa giúp giảm chi phí và sự vất vả, tăng hiệu suất khai thác giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển”, anh Tấn bộc bạch.

Công trình của anh Tấn và các đồng nghiệp được thực hiện trên mẫu tàu đánh cá vỏ thép ở vịnh Bắc Bộ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sử dụng bộ điều khiển từ xa lắp trên tàu để điều khiển các máy tời thu dây, tăng-gông căng lưới, hệ thống đèn.

Từ đó, không chỉ tăng năng suất lao động, giảm thời gian căng thả hoặc thu lưới, mà quan trọng nhất là giảm từ 2-3 thuyền viên trên mỗi tàu, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động khai thác xa bờ, đồng thời hạ thấp chi phí các chuyến đi biển, tăng thu nhập, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Công trình đã được lựa chọn để tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, diễn ra cuối năm 2022 tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Không ngừng sáng tạo trong hoạt động tình nguyện hè ảnh 1

Tình nguyện viên chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2022 hỗ trợ thí sinh tại các điểm thi ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).

Những ngày qua, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2022 đã để lại ấn tượng tốt đẹp, được nhân dân đánh giá cao, nhất là về sự năng động, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ. Trong đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện tỉnh Bình Dương đã cho thấy tinh thần xung kích vì cộng đồng dựa trên khẩu hiệu “Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn”.

Với bảy đội hình tình nguyện cấp tỉnh, 26 đội hình cấp huyện tại 26 điểm thi, gần một nghìn bạn trẻ đã phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh tìm đường, tuyến xe buýt, địa điểm thi; kết nối “sĩ tử” với địa chỉ trọ miễn phí, giá rẻ; phát cẩm nang thông tin cần thiết về điểm ăn uống rẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng giao thông, trực bảo đảm an ninh; đưa đón thí sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Cùng với những hoạt động mang tính truyền thống, tuổi trẻ Bình Dương tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tuyên truyền thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội, vận hành đường dây nóng “Tiếp sức mùa thi”, tổ chức ôn tập cho các thí sinh có học lực yếu... Ông Đoàn Tấn Vinh, có con dự thi tại Trường trung học phổ thông Võ Minh Đức (thành phố Thủ Dầu Một) cho biết: “Tôi rất yên tâm về công tác tiếp đón thí sinh của các tình nguyện viên.

Không chỉ hướng dẫn chu đáo, các bạn trẻ còn tặng nước uống, đồ ăn, quạt cầm tay và hỏi han tận tình các bậc cha mẹ chờ con thi bên ngoài cổng trường, để lại ấn tượng đẹp về hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam”.

Theo thống kê, qua các đợt “Tiếp sức mùa thi” năm 2022, các đội tình nguyện của tỉnh Bình Dương đã huy động được 24 nghìn chai nước, một nghìn cây bút, 50 nghìn khẩu trang y tế, ba nghìn cẩm nang, một nghìn suất cơm, 75 dù che, một nghìn suất quà tặng thí sinh và người nhà trên địa bàn.

Thêm một mùa hè tình nguyện sôi nổi của tuổi trẻ cả nước đã bắt đầu với những chương trình thi đua, mô hình thiết thực hướng tới mục tiêu chung: tiên phong, xung kích phát triển kinh tế - xã hội, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Năm nay, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã mở rộng nội dung Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, ưu tiên triển khai các công trình, phần việc tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn, 33 làng thanh niên lập nghiệp, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số..., đồng thời thành lập hàng loạt đội hình “Chuyển đổi số cộng đồng” trên phạm vi cả nước.

Tin tưởng rằng, với hướng đi được cụ thể hóa nêu trên, Chiến dịch sẽ trở thành môi trường để mọi đối tượng thanh niên thể hiện tài năng, kỹ năng, nhiệt huyết, có cơ hội trải nghiệm, cống hiến, rèn luyện và trưởng thành.

Từ khóa » Không Ngừng Sáng Tạo Tiếng Anh Là Gì