Khu Di Tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Tỉnh Đồng Tháp

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là nơi yên nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích này tọa lạc ở đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992.

Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở tỉnh Đồng Tháp - ảnh 1 Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1894, cụ dự thi hương năm Giáp Ngọ và đỗ cử nhân. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) cụ đỗ Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu và được vua Thành Thái ban tặng biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn ban cho gia đình tốt). Tháng 6/1906, sau thời gian từ chối ra làm quan, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên đường vào kinh thành Huế nhậm chức Thừa biện bộ lễ. Năm 1917, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được ông Lê Quang Hiển, một điền chủ yêu nước ở Cao Lãnh, mời về Cao Lãnh, từ đây cơ duyên cụ Phó bảng gắn bó sâu nặng với người dân nơi đây. Sống ở làng Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cụ Nguyễn Sinh Sắc làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Cụ mất ngày 26/11/1929, thọ 67 tuổi. Cảm phục trước tấm lòng yêu nước thương dân của một chí sĩ, nhà nho yêu nước, sau khi cụ mất dân làng Hòa An an táng cụ tại địa phương.

Khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ban đầu an táng chỉ là ngôi mộ nhỏ, sau đó được người dân địa phương xây lên nấm mộ bằng xi măng. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, tỉnh Đồng Tháp xây dựng lại ngôi mộ khang trang, mộ được tôn cao hơn nhưng vẫn nằm đúng vị trí mà dân làng Hòa An an táng cụ. Chị Huỳnh Như, thuyết minh viên Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, kể: “Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng vào năm 1975, khánh thành vào năm 1977. Lúc đầu, Khu di tích gồm 3 hạng mục chính, gồm: khu mộ cụ Phó bảng, khu vực đền thờ và khu nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu làng Hòa An. Năm 1990 khu di tích xây dựng thêm nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo tỷ lệ 1/1 giống hệt nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2010, khu di tích được mở rộng với diện tích gần 9 ha”.

Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở tỉnh Đồng Tháp - ảnh 2Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. - Ảnh :Ngọc Anh/VOV5

Điểm nhấn của khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là khu mộ cụ. Ngôi mộ được ốp đá hoa cương. Mái che hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống, đầu mái đắp nổi hình tượng chín đầu rồng, tượng trưng cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Phía trước mộ là đỉnh trầm có tạc hình hoa sen búp được làm bằng đá cẩm thạch. Gần đó là Hồ Sen được xây dựng theo mô hình ngôi sao năm cánh tượng trưng cho hình ảnh Tổ quốc Việt Nam. Ở giữa là đài sen trắng vươn cao lên tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng gợi cho người ta liên tưởng đến làng Sen quê hương của cụ.

Một hạng mục tiêu biểu nữa trong khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là phục dựng lại làng Hòa An xưa nơi đã gắn bó với cụ Phó bảng những năm tháng cuối đời. Mô hình lưu trú Homstay ở làng Hòa An giúp du khách trải nghiệm một góc làng quê Nam Bộ truyền thống thu nhỏ. Đến tham quan khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bà Nguyễn Thu Lan, một người dân tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ: “Cảnh quan khu di tích đẹp, rộng rãi, khang trang. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi vinh dự, tự hào quê hương Đồng Tháp của tôi có khu di tích Nguyễn Sinh Sắc”.

Trong khuôn viên Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có nhiều cây xanh, hoa kiểng quý được các địa phương dâng tặng, trong đó có vườn cây lưu niệm do các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước trồng. Đặc biệt, ở đây có 2 tác phẩm điêu khắc bằng gỗ “Chín đầu rồng”; “12 con giáp” của Nghệ nhân Lê Trí Liên (tỉnh Đồng Tháp) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Tác phẩm về điêu khắc nghệ thuật từ gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam”.

Vào những ngày lễ lớn của đất nước, Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tổ chức các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: sinh hoạt đảng, triển lãm, hội thảo, thi hái hoa dân chủ… Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã được quy hoạch là công trình lịch sử, văn hóa vừa là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bà Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cho biết: “Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ký kết với Sở giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Tháp làm cho nơi đây trở thành địa điểm học tập lịch sử địa phương. Qua đó, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên được tìm hiểu lịch sử địa phương ngay tại nơi đây và nơi đây cũng là địa chỉ đỏ để các đoàn thể tổ chức báo công, lễ kết nạp đảng, kết nạp đoàn viên. Hiện nay các hạng mục đã có sẵn ngày càng chỉnh trang, phát huy tốt giá trị khu di tích để gắn với phát triển du lịch. Thời gian tới, khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sẽ ngày càng hoàn thiện và bổ sung một số hạng mục, trong đó có xây dựng thêm nhà trưng bày về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hàng năm, khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đón khoảng 500.000 du khách Việt Nam và nước ngoài. Vào dịp giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có hàng chục ngàn lượt khách khắp nơi về hành hương, viếng thăm mộ cụ. Hiện nay, lễ giỗ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được nâng lên lễ hội cấp tỉnh Đồng Tháp, tổ chức trong 4 ngày từ 24-27/10 âm lịch, chính hội, tức ngày giỗ cụ vào ngày 27/10 âm lịch.

Từ khóa » Giới Thiệu Về Lăng Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc