Khu đô Thị Lấn Biển Cần Giờ Có 5 Phân Khu Chức Năng - VnExpress

Nội dung này được đề cập trong các quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các phân khu thuộc Khu đô thị lấn biển Cần Giờ vừa được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình ký.

Theo đó, phân khu A rộng hơn 771 ha được quy hoạch thành khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf...), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng... Dân số tối đa ở đây là hơn 65.000 người.

Phân khu B rộng gần 587 ha được quy hoạch là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng...), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh. Dân số tối đa khu vực này là hơn 71.200 người.

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Phân khu C quy mô hơn 303 ha, là khu Trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu nhà ở (nhà liên kế, biệt thự, nhà cao tầng). Nơi đây được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật... Quy mô dân số tối đa hơn 26.000 người.

Phân khu D, E có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.208 ha (phân khu D gần 450 ha; phân khu E hơn 758 ha). Nơi đây được quy hoạch là khu Trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, khu nhà ở (nhà ở liên kế, biệt thự). Dân số tối đa khu vực này là gần 66.000 người.

Trước đó, ngày 12/6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng.

Dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến năm 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007).

Chính phủ yêu cầu quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn...

Hồi năm 2004, UBND thành phố quyết định giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư Dự án Lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi động dự án trên diện tích 600 ha theo quyết định giao đất nhưng dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính.

Đến giữa năm 2015, thành phố đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược để dự án được tiếp tục thực hiện. Do tổng vốn đầu tư dự án lớn hơn 5.000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng, kinh doanh sân golf nên thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng.

Hữu Công

Từ khóa » Cần Giờ Lấn Biển