Khủng Hoảng Kinh Tế đẩy Chênh Lệch Giàu - Nghèo ở Mỹ Lên Mức Kỷ Lục

TCCSĐT - Nhóm 20% dân số giàu nhất ở Mỹ có thu nhập cao gấp 14,5 lần nhóm 20% dân số nghèo nhất ở nước này. Đây là mức chênh lệch giàu - nghèo cao kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Sự gia tăng phân hoá giàu - nghèo là xu hướng ổn định trong suốt 30 năm nay, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy nhanh sự phân hoá đó. Chênh lệch giàu - nghèo đang là bài toán nan giải đối với chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma hiện nay.

Sự phân hoá giàu - nghèo ở Mỹ đang cao kỷ lục trong lịch sử nước này. Theo các số liệu thống kê mới công bố, chỉ riêng trong năm ngoái, chênh lệch giàu - nghèo giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất đã tăng từ 13,6 lần lên thành 14,5 lần. Nhóm 20% dân số giàu nhất chiếm tới 49,4% tổng thu nhập, trong khi nhóm 20% dân số nghèo nhất chỉ chiếm có 3,4% tổng thu nhập. Khủng hoảng kinh tế đã dồn gánh nặng lên những người nghèo nhiều hơn lên những người giàu có.

Hồi năm 1968, ở đỉnh điểm của sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất ở Mỹ chỉ là 7,7 lần. Tuy nhiên, suốt 30 năm tiếp theo, chủ nghĩa tân tự do kinh tế đã phá hủy nhanh chóng thành tích này. Kinh tế tăng truởng nhanh, nhưng thành quả đó được dồn về cho giới giàu có nhiều hơn hẳn cho nhưng tầng lớp nghèo trong xã hội. Nhiều người kỳ vọng khủng hoảng kinh tế làm nhóm giàu bị thiệt hại nặng hơn và phần nào phục hồi công bằng xã hội. Tuy nhiên, kết quả thống kê chính thức cho thấy nhóm giàu đã tận dụng tốt hơn sự sự hỗ trợ của nhà nước và lành vết thương nhanh hơn trong khi phần lớn những người nghèo vẫn chưa thể trở lại mức sống trước khủng hoảng. Tỷ lệ thấp nghiệp vẫn ở mức đỉnh của 30 năm nay - 9,5%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vai trò của tư bản tài chính lên ngôi trong suốt 30 năm qua khiến giới nhà giàu ngày càng giàu thêm. Chính sách nới lỏng thuế của các chính quyền Ri-gân và Bu-sơ cũng mang lại lợi lộc cho giới nhà giàu hơn hẳn cho những người nghèo.

Sự phân hoá giàu - nghèo về thu nhập đã lớn, phân hoá về tài sản còn lớn hơn. 1% dân số giàu nhất của Mỹ sở hữu tới 34,6% tài sản quốc gia (năm 1975 nhóm này chỉ mới sở hữu 20% tài sản quốc gia). Còn tổng tài sản của nhóm 20% dân số giàu nhất chiếm tới 85% tài sản quốc gia (cao hơn cả “tỷ lệ tối ưu Pareto”). 80% dân số còn lại chỉ nắm giữ có 15% tài sản quốc gia mà thôi. Nước Mỹ có tới 14,3% dân số sống dưới chuẩn nghèo (bằng 43,6 triệu người, tức là cứ 7 người Mỹ thì có 1 người có thu nhập dưới chuẩn nghèo); 6,3% dân số đặc biệt nghèo sống dưới 50% mức chuẩn nghèo, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2008. Năm mươi triệu người Mỹ không có tiền mua bảo hiểm y tế. Bốn mươi nhăm triệu người sống nhờ phiếu ăn miễn phí cho người nghèo.

Chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma hầu như bất lực trước các hệ quả của khủng hoảng kinh tế như phân hoá giàu - nghèo. Việc gia hạn trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp xã hội khác đã giúp 3,3 triệu người thoát nghèo trong năm 2009, nhưng không ngăn được nhiều triệu người mới sa vào cảnh túng bấn, khiến số người nghèo tiếp tục gia tăng. Sáng kiến siết thuế đánh vào giới nhà giàu vấp phải sự phản đối quyết liệt không những của đảng Cộng hoà, mà ngay cả trong hàng ngũ đảng Dân chủ. Đối với dân chúng Mỹ vốn đã quá quen với chế độ kinh tế tân tự do, việc can thiệp của nhà nước nhằm đảm bảo công bằng xã hội sẽ rất khó được chấp nhận. Và như thế, chính quyền của ông Ô-ba-ma chắc sẽ khó có thể làm được gì nhiều để giảm bớt chênh lệch giàu - nghèo đang ở mức cao kỷ lục hiện nay./.

Từ khóa » Chênh Lệch Kinh Tế