Khủng Hoảng Tuổi Trẻ: Không Biết Làm Gì Thì Phải... Làm Gì?

Khủng hoảng khi bước sang tuổi 20 trở nên phổ biến hiện nay (Nguồn: psychiatryadvisor)

Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi may mắn tìm thấy được hướng đi. Đó là một trường Đại học thuộc khối ngành xã hội, cách nhà rất xa. Tuy nhiên, sự may mắn của tôi không trọn vẹn, tôi bắt đầu khủng hoảng năm 19 tuổi: hoang mang, ngại tiếp xúc với đám đông, nhốt mình trong phòng trọ và luôn tự dằn vặt trong những hoài nghi không lời đáp. Và, bằng nhiều cách tôi đã và đang tự mình bước ra khỏi đống hỗn độn với nỗ lực mỗi ngày.

Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher

Khủng hoảng tuổi 20

Sơ đồ hoàn thành một mục tiêu (Nguồn: Linkedln)

Sau khi từng bước thoát khỏi vùng khủng hoảng, tôi nhận ra mình đã quá dễ dãi. Khi bước vào vùng tuyệt vọng, người ta thường dễ buông xuôi và những giải pháp chỉ toàn là viễn vong. Điều quan trọng khi nhìn lại là phải tìm ra những rắc rối mình gặp phải sau đó viết chúng ra giấy. Tôi học được cách này từ một chuyên gia trong một buổi hội thảo.

Tuy nhiên, bạn đừng quá kì vọng sẽ trả lời cho kì được tất cả các câu hỏi trong đầu mình. Không nhất thiết phải vò đầu bứt tóc suy nghĩ xem mình sẽ là ai trong tương lai, mình làm nghề gì và bao nhiêu tiền là đủ sau khi tốt nghiệp… Thay vào đó, hãy đặt những mục tiêu ngắn hạn và từng bước chinh phục nó.

Thời điểm đó, tôi đặt cho mình những mục tiêu hết sức nhảm nhí trong ngày như: uống 2 lít nước, chạy bộ 30 phút, viết một bài báo/ngày… Nhưng những điều này quả thực rất có tác dụng, chúng xoa dịu tinh thần tôi khá nhiều và lấp đầy khoảng thời gian rảnh rổi để suy nghĩ. Tôi thấy cuộc sống mình lành mạnh hơn.

Tiếp theo, tôi đặt ra những kế hoạch dài hạn hơn và khuyến khích bản thân bằng cách đặt mục tiêu kiếm tiền vào đó. Ví dụ, sau khi đã bắt nhịp với các kế hoạch ngắn hạn mỗi ngày, tôi viết vào giấy note dán trước cửa ra vào dòng chữ: “500 nghìn cho tuần này”. Đều đặn, tôi viết mỗi ngày, tìm kiếm các công việc part-time và thực hiện chúng lần lượt. Sau một tuần, số tiền tôi kiếm được là 600 nghìn bao gồm: nhuận bút, chi phí cho việc ngồi gấp bì thư, phát tờ rơi... Tôi dành ra 2 ngày nghỉ ngơi và dùng toàn bộ số tiền để đi xem phim, tiệc tùng với bạn bè và mua vài thứ mình thích. Lúc này, tinh thần tôi khá hơn một chút.

Sau 2 tuần xoay như một con thoi, như thói quen tôi không thể ngồi yên ở nhà. Tôi tiếp tục đặt mục tiêu ngắn hạn trong tuần, vẫn là kiếm tiền nhưng thử thách bản thân hơn ở mảng công việc. Nếu như tôi dành 50% thời gian vào viết tin bài và số còn lại để làm việc khác, thì nay con số đó được đẩy lên 60%. Sau nhiều tuần làm việc, tôi quên bẵng những suy nghĩ tích cực. Nhưng có một điều khiến nhiều người hoang mang, vẫn là trở thành ai khi trưởng thành. Tôi lại stress.

Khủng hoảng tuổi 20

Việc tái khủng hoảng là chuyện thường gặp sau khi bạn tưởng chừng đã thoát khỏi nó (Nguồn: the spirit science)

Tôi không thể làm những công việc như vậy suốt đời, không có sự thăng tiến, làm việc theo cảm hứng, không nguyên tắc… đã đẩy tôi trở lại vùng khủng hoảng. Tôi tìm kiếm những giải pháp mới bằng cách nhờ sự trợ giúp của bạn bè, anh chị, thầy cô. Nhưng, những người bạn không cho tôi câu trả lời thỏa đáng và họ cũng đang rất mơ hồ trên đường đi chính mình. Thầy cô lại càng không, họ khuyên tôi tiếp tục công việc và tìm kiếm các cơ hội khác để trải nghiệm.

Nhưng công việc của một freelance writer đã là một phần trong tôi và tìm kiếm một công việc khác, cơ hội khác quả là thách thức. Tôi sợ hãi, hoang mang và bỏ việc suốt 2 tuần. Không tiền, không động lực và không hy vọng.

Tôi dành nhiều thì giờ ở nhà: xem phim, ăn uống, ngủ và tái diễn mọi thứ. Một hôm, tôi nhận được tin nhắn rủ chạy bộ của người bạn. Địa điểm của chúng tôi là công viên gần nhà. Sau vài lần “tái thể thao”, tôi bắt đầu tập chạy mỗi ngày, đi bơi và chỉ tham gia thể thao. Lúc này, tinh thần tôi khá hẳn. Mọi căng thẳng biến mất. Tôi trở lại công việc và dũng cảm tham gia vào các công việc mới.

Khủng hoảng tuổi 20

Tôi đã tìm thấy hướng đi của mình, tuy không rõ ràng nhưng nhờ những mục tiêu ngắn hạn, tôi đã tự tin hơn! (Nguồn: Men set go)

Tôi chọn trở thành một thực tập sinh cho một công ty mới nổi. Tôi vẫn chọn việc gần với khả năng của mình và bắt đầu thích nghi với các nguyên tắc của chỗ làm. Khi đã đủ rong chơi, tôi ràng mình vào một công việc nghiêm túc, và đáp ứng được những nhu cầu của các khủng hoảng. Điều quan trọng, đừng quá bắt mình phải thành công trong một sớm một chiều, cách tốt nhất là đi từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

Tôi quen dần với chỗ làm, và tiếp tục ứng dụng các mục tiêu ngắn hạn. Một ngày phải làm bao nhiêu việc, tự lấp đầy các khoảng trống trong kĩ năng, đi bơi 3 buổi/tuần… Tất cả những điều đó được lập ra rõ ràng trong thời khóa biểu. Tôi luôn dành khoảng thời gian nghỉ ngơi cụ thể sau các hoạt động để tránh mất sức và tái tạo năng lượng. Tôi bây giờ đã ổn.

Có lẽ cách mà tôi vượt qua sẽ khó là mẫu số chung cho hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, với các mục tiêu ngắn hạn tăng dần kết hợp với thể dục thể thao đã mang lại cho tôi cách nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống. Tôi luôn khuyến khích mình sắp xếp mọi thứ một cách khoa học. Trở thành ai không quan trọng, quan trọng là làm tốt những việc hiện tại. Hơn hết, mỗi một ngày hãy sống có mục đích, điều này giúp xoa dịu bản thân bạn sau một ngày, hơn là việc ngồi chán chường với bàn tay trắng và bộ não trống rỗng.

Hãy vui vẻ với các thành quả nhỏ và dũng cảm bước từng bước một đến những nấc thang cao.

Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher

Phùng Hạo

Từ khóa » K Biết Làm Gì