Khuyến Khích Tái Chế, Tái Sử Dụng Rác Thải Công Nghiệp

Tại đây, các chuyên gia đầu ngành đã đưa ra những phân tích giúp nâng cao nhận thức để doanh nghiệp và cộng đồng thấy rõ giảm thiểu, tái sử dụng rác thải công nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi để tạo dựng môi trường sống được bền vững hơn.

Tại tọa đàm, các nhà hoạch định chính sách, các bộ ngành, cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các chuyên gia môi trường, các doanh nghiệp và người dân cùng thảo luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc để tìm ra những giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng rác thải công nghiệp để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Xử lý rác thải đã và đang là một vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong 10 năm qua, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Tính đến năm 2019, cả nước đã có hơn 335 khu công nghiệp và khu chế xuất, hình thành một hệ thống các khu công nghiệp phân bố ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Đăc biệt, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày...

Thực tế việc xử lý và quản lý rác thải công nghiệp mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi. Hiện nay, lượng rác ở các khu đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ đạt khoảng 60-65%, lượng rác còn lại bị ném xuống ao hồ, sông ngòi, ném bên vệ đường. Còn ở khu vực nông thôn, rác thải hầu như không được thu gom và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, rác thải công nghiệp bao gồm 2 loại là chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong đó, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.

Hiện nay, các quy định về quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải rắn công nghiệp nói riêng được thể hiện rất rõ trong Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38 và Nghị định 40 của Chính phủ.

Theo đó, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có trách nhiệm phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Các chất thải công nghiệp thông thường được phép tận dụng để tái sử dụng, tái chế làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành khác.

“Cụ thể như làm tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện hoặc nếu hợp chuẩn, hợp quy để làm vật liệu xây dựng thì có thể làm các vật liệu xây dựng. Ngoài ra, nếu chúng ta quản lý tốt những loại chất thải này thì có thể tận dụng để làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành sản xuất", ông Hiền nêu ý kiến.

Ông Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, giảm thiểu rác thải công nghiệp không chỉ là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý mà còn có cả nhiệm của doanh nghiệp. Xử lý chất thải công nghiệp, tái chế chất thải công nghiệp hiện nay được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vì họ được trả phí xử lý chất thải, họ lại được thu tiền từ các sản phẩm tái chế.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải có trách nhiệm với môi trường của người sản xuất, môi trường xung quanh và các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương”, ông Tuyên bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho biết theo Luật BVMT 2020, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.

Với chất thải rắn thông thường, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sử dụng, xử lý. 

Ngoài các trách nhiệm về phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định về trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân trong việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải.

Rác thải chỉ thực sự đem lại nguy cơ khi con người không quan tâm đến công tác quản lý, thu gom và xử lý. Nếu cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, và giúp họ làm quen với công nghệ xử lý rác một cách thân thiện thì ngược lại, rác thải sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng phục vụ con người.

Từ khóa » Tái Chế ở Việt Nam