Kido Quay Trở Lại Thị Trường Bánh Kẹo Sau 6 Năm Ngừng Kinh Doanh

(KTSG Online) - Ngày 20-10, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm tăng 42% so với cùng kỳ 2020, đồng thời hãng tung ra thị trường những sản phẩm bánh tươi, đánh dấu cột mốc chính thức quay trở lại thị trường bánh kẹo sau 6 năm vắng bóng.

Kido cho biết sản phẩm bánh tươi dưới thương hiệu Kido's Bakery được phủ khắp 450.000 điểm bán hiện hữu của tập đoàn trên toàn quốc.

Kido chính thức quay trở lại thị trường bánh kẹo. Ảnh: doanh nghiệp cung cấp

Cụ thể sản phẩm Kido's Bakery được bán ở kênh GT (General Trade - kênh phân phối hàng hóa truyền thống nhiều cấp), kênh MT (Modern Trade - kênh phân phối bán hàng hiện đại như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi,…); kênh online, sàn thương mại điện tử, đồng thời bán cùng chuỗi cửa hàng Chuk Chuk mà hãng vừa mới thành lập được vài tháng nay.

Trên thực tế đây là cột mốc đánh dấu sự trở lại thị trường bánh kẹo của Tập đoàn Kido (KDC) sau khoảng 6 năm vắng bóng trên thị trường khi Kido chuyển nhượng mảng kinh doanh này cho một đối tác nước ngoài với thương vụ gây tiếng vang lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Trước đó, cuối năm 2014, Kido đã chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ). Đến tháng 7-2020, khoản chuyển nhượng hết thời hạn và công ty được trở lại kinh doanh trong lĩnh vực này.

Việc tham gia thị trường bánh kẹo và sản phẩm snacking này của Kido vì hợp đồng nguyên tắc “đứng ngoài cuộc chơi” mảng kinh doanh này đã ký với Mondelez cách đây sáu năm đã hết hạn.

Sau sáu năm ngành bánh kẹo đã thay đổi nhiều, trong đó có nhóm hàng quà biếu, ăn chơi. Khi quay lại mảng bánh kẹo, KDC cho biết chọn những sản phẩm có nhu cầu lớn, không đi theo hướng đại trà như trước đây.

Cụ thể thay vì tung ra các dòng sản phẩm truyền thống thông thường, công ty chọn cách đưa ra các dòng mới, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp, sành điệu. Trong lần trở lại này, hãng cho ra mắt 3 nhóm sản phẩm bánh mì hoa cúc, bánh trân châu lava trứng muối và bánh chà bông xốt Singapore.

Trước đó, theo lãnh đạo Kido, dư địa thị trường mảng bánh kẹo còn khá lớn và tập đoàn kỳ vọng sau hai năm quay lại ngành hàng bánh kẹo thì KDC đứng thứ 2 thị trường, sau Kinh Đô Mondelez.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay cho thấy, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 doanh thu thuần của Kido vẫn đạt 7.444 tỉ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch năm và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 480 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 488 tỉ đồng, tăng mạnh 92% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài kinh doanh dầu ăn, kem, năm nay công ty này mở rộng thêm mảng bánh kẹo, F&B. Trong đó, từ cuối tháng 9, Kido đã triển khai mô hình kinh doanh online đối với Chuk Chuk...

Năm 2014, ban lãnh đạo Tập đoàn Kido quyết định chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International để phát triển lĩnh vực kinh doanh mới với quy mô và không gian thị trường rộng lớn hơn là thực phẩm thiết yếu (FMCG) với các sản phẩm dầu ăn, mì gói, ngành lạnh và gia vị.

Sau khi bán hoàn toàn mảng bánh kẹo, trong thời gian qua Kido đẩy mạnh đầu tư vào ngành hàng lạnh (như kem ăn, sữa chua…) và dầu ăn.

Tiến trình Kinh Đô trở thành thương hiệu 100% vốn nước ngoài

Tháng 11-2014, nhà sản xuất thức ăn nhẹ toàn cầu Mondelēz International công bố mua 80% số cổ phần mảng bánh kẹo của Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) – nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất Việt Nam – với khoản đầu tư khoảng 370 triệu đô la Mỹ và thương vụ này được hoàn tất vào giữa năm 2015. Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) cũng đồng thời đổi tên công ty thành Công ty cổ phần tập đoàn KIDO và tên mã chứng khoán vẫn giữ nguyên là KDC.

Ngày 30-6-2015: Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (chuyên về mảng bánh kẹo của KIDO trước đây) chính thức gia nhập Tập đoàn Mondelēz International.

Ngày 1-3-2016: Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương đổi tên thành Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, viết tắt là Mondelez Kinh Đô.

Tháng 8-2016: Công ty cổ phần tập đoàn Kido hoàn tất việc chuyển nhượng tiếp 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư Mondelēz International, thu về thêm khoảng 2.000 tỉ đồng.

Từ đó, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của doanh nghiệp trong nước mang tên Kinh Đô chính thức chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, đây được xem là thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo ở thị trường trong nước.

Từ khóa » Doanh Thu Của Kinh đô