Kiên định Với Mục Tiêu ổn định Kinh Tế Vĩ Mô - VnEconomy

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã bật mí bí quyết mà Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thành công trong suốt 5 năm qua. Với việc luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ đúng thời điểm và với liều lượng hợp lý để phản ứng nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước.

Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP bình quân cả nước đạt khoảng 6%, lạm phát bình quân được kiểm soát dưới mức 4%... Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng như thế nào, thưa ông?

Giai đoạn 2015-2020, nền kinh tế Việt Nam có thế và lực thuận lợi nhờ kế thừa thành tựu 30 năm đổi mới khi những nỗ lực cải cách cơ cấu kinh tế bắt đầu đơm hoa, kết trái. Tuy nhiên, khó khăn cũng chất chồng do nhiều nguyên nhân như xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19...

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, kinh tế trong nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, xuất siêu 5 năm liên tiếp trong bối cảnh thương mại quốc tế giảm mạnh; duy trì tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2016-2019 (bình quân 6,8%/năm) và đặc biệt là năm 2020 đạt 2,91%...

Những dấu ấn kinh tế nổi bật đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của hệ thống ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế, thể hiện trên 4 lĩnh vực chính.

Thứ nhất, hiệu lực, hiệu quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ ngày càng nâng cao. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Thứ hai, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu có bước đột phá cơ bản trên cơ sở phát hiện và hoàn thiện những "nút thắt" trong khung pháp lý hiện hành. Đến cuối năm 2020, hầu hết tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật (khoảng 11,65%); chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì dưới 3%; quy mô hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tăng.

Thứ ba, hệ thống thanh toán được kiểm soát và vận hành an toàn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Các tổ chức tín dụng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại như thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh...

Thứ tư, công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, nhờ đó trong 5 năm liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ xếp thứ nhất về chỉ số CCHC PAR-Index, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong năm 2020, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Đảng, Chính phủ, nhân dân ghi nhận. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đó?

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng vay vốn; ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh; kịp thời điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay tái cấp vốn khoản tín dụng có quy mô 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch...

Sự vào cuộc sớm, chủ động và quyết liệt của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi từ tháng quý II khi cầu tín dụng bắt đầu tăng, đến 31/12/2020, tín dụng tăng 12,13% so với cuối năm 2019. Toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Đối với cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 20,72 tỷ đồng cho 137 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 5.200 người.

Các giải pháp Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện bằng chính nguồn lực của các tổ chức tín dụng từ việc tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận kinh doanh đã phát huy tác dụng giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất - kinh doanh.

Trên cơ sở kết quả đạt được, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào những giải pháp đột phá nào trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, thưa ông?

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động khó lường, ngành ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó, tiếp tục đảm bảo vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục kiên định mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đặt ra và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững. Theo đó, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi, rõ ràng cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế và thông lệ quốc tế.

Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng.

Ba là, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để sử dụng linh hoạt các công cụ nhằm đạt được mục tiêu là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế.

Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, các đối tượng là tổ chức tín dụng còn yếu kém, đảm bảo giữ vững an toàn hệ thống.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để xử lý quyết liệt những tồn tại, yếu kém của hệ thống; đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh hướng tới chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tăng cường tính minh bạch và tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sáu là, tập trung xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của hoạt động ngân hàng số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0...

Bảy là, triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cuối năm 2025 đạt được các mục tiêu của chiến lược này đề ra cho giai đoạn 2020-2025.

Tám là, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế của ngành Ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế...

Từ khóa » Mục Tiêu ổn định Nền Kinh Tế