Kiến Nghị Bỏ Khẩu Hiệu 'Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn' - Báo Tuổi Trẻ

Kiến nghị bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn: Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói gì? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ tự học Ảnh: TRẦN HUỲNH

Ý kiến "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo" của GS Trần Ngọc Thêm tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT", do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngày 24-11, phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) về vấn đề này.

Ông Thêm nói: Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" ("ngoan" theo nghĩa là "dễ bảo, vâng lời", "giỏi" theo nghĩa "thuộc bài").

* Vì sao ông kiến nghị cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", thưa giáo sư?

- Bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1.

Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện.

"Tiên học lễ" rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau.

Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

Kiến nghị bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn: Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói gì? - Ảnh 2.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

* Vậy theo ông, để khuyến khích người học thể hiện tính chủ động, nội dung và phương pháp giáo dục cần đổi mới ra sao?

- Để người học thể hiện được tính chủ động và sức sáng tạo thì nội dung giáo dục cần chuyển trọng tâm từ truyền thụ kiến thức sang rèn luyện phương pháp. Cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, thay đổi quan niệm về công việc của người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.

Cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống cách học thuộc lòng; chấm dứt cách học theo bài mẫu; thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa (sách giáo khoa ngắn gọn, cô đúc là để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng); bỏ cách ra đề thi kèm theo đáp án (việc chấm thi theo đáp án giết chết tư duy sáng tạo của cả trò lẫn các thầy cô giáo bởi vì mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án buộc người chấm phải cho điểm kém và buộc người học phải nhận điểm kém).

Chừng nào còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển. Để khuyến khích sáng tạo và khuyến khích tư duy phản biện, cần thay việc giáo dục hàng loạt với quan niệm thành tích tính theo điểm số, theo số lượng trò điểm cao, thi đỗ bằng giáo dục cá nhân hóa.

Cần sớm thừa nhận và luật hóa mô hình giáo dục tại gia, hay gia thục (homeschooling) với tư cách là một giải pháp thay thế hợp pháp cho các trường công lập và tư thục.

* Còn ở góc độ người học, theo ông, giáo dục cần thay đổi ra sao để người học thực sự có được sự chủ động, sáng tạo?

- Để thực sự có được sự chủ động, sáng tạo thì người học phải tự tin trong giao tiếp, phải rèn luyện tư duy phản biện để đặt câu hỏi và đối thoại với người dạy. Người học phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông các bạn học còn lại, để thoát ra khỏi áp lực của họ. Để chủ động và tự tin trong hoạt động, trong công việc thì người học phải rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch.

Để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa "dễ bảo, vâng lời", giỏi theo nghĩa "thuộc bài").

Để đổi mới giáo dục và đào tạo cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa, có trọng tâm, trọng điểm. Chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục. Trong triết lý giáo dục, trọng tâm và trọng điểm phải là thay đổi mô hình văn hóa giáo dục nói chung và văn hóa học đường nói riêng từ mô hình hướng đến xã hội ổn định chuyển sang mô hình hướng đến xã hội phát triển.

Mong chữ "lễ" ngày càng tròn đầy hơn

Mối quan hệ học trò và thầy cô ở môi trường giáo dục hiện nay cần phải tháo bỏ những rào cản mang tính hình thức, rập khuôn duy ý chí. Các em cần được quyền thể hiện cái tôi và cái bản ngã trong giới hạn cho phép, trong cái nhìn bao dung. Thầy cô cần đặt mình vào hoàn cảnh của chính các em, những thấu hiểu sâu sắc đời sống của học trò hơn nhau khi biết mở lòng và thật tâm đến với nhau.

Để phản biện và sáng tạo thì người cầm trịch là thầy cô phải nghiêm túc, có trình độ, tư duy theo hướng đón nhận sự khác biệt để hoàn thiện. Đó là chìa khóa để các em được là chính mình và người giáo viên nâng cấp vị thế bản thân mình lên.

Với tôi "Tiên học lễ, hậu học văn" không mang tính giai đoạn mà vẫn đang mang ý nghĩa đặc biệt ảnh hưởng sâu rộng đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của người Việt Nam. Tôi thích cái quy tắc cúi chào người khác của Nhật Bản, tôi ấn tượng cái chắp tay giao tiếp của Thái Lan, tôi mong mỏi chữ "lễ" của người Việt Nam ngày càng tròn đầy hơn.

Bản thân tôi dù ở cương vị là giáo viên hay là học trò thì vẫn luôn tôn kính người thầy, tôn kính giá trị của sự lễ độ, lễ giáo và cách đối đáp nhau một cách trân trọng.

Mai Trang

Phát triển hài hòa trí tuệ và nhân cách

Muốn tạo ra một thế hệ con người mới với tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo cũng không đồng nghĩa với việc phải gạt bỏ hoàn toàn những truyền thống giáo dục tốt đẹp như "Tiên học lễ, hậu học văn".

Xét cho cùng, mục tiêu lớn nhất trong giáo dục chính là việc góp phần hình thành nên những thế hệ học sinh có sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ và nhân cách, biết tư duy sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải thấu hiểu đạo lý, biết cách yêu thương và ứng xử phù hợp với cộng đồng xung quanh.

Xã hội đang ngày một phát triển, quan niệm về giáo dục cũng vì thế mà đổi mới hơn, cho phù hợp với tiêu chí của đời sống hiện đại. Nhưng có những triết lý mang tính căn nguyên, bền vững như "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn luôn phải được giữ gìn trong mọi trường hợp.

Lê Thị Minh Vân

‘Tiên học lễ, hậu học văn’: Bỏ sao được ‘Tiên học lễ, hậu học văn’: Bỏ sao được

TTO - Nhiều ý kiến không đồng tính với kiến nghị "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo" của GS Trần Ngọc Thêm.

Từ khóa » Trình Bày Khẩu Hiệu Tiên Học Lễ Hậu Học Văn