'Tiên Học Lễ Hậu Học Văn' Thì Có Tội Tình Gì? - Báo Nông Nghiệp

Câu khẩu hiệu không chỉ có ý nghĩa trong môi trường giáo dục.

Câu khẩu hiệu không chỉ có ý nghĩa trong môi trường giáo dục.

“Tiên học lễ hậu học văn” dù có nguồn gốc từ Nho giáo, nhưng đã được thu nạp hữu ích trong đời sống người Việt Nam. “Tiên học lễ hậu học văn” quen thuộc không chỉ trong nhà trường mà còn trở thành lời răn trong từng gia đình, trong từng dòng họ.

Tại hội thảo do “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, giáo sư Trần Ngọc Thêm đã kiến nghị chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”. Ngay trong hội thảo, đã có ý kiến không đồng tình với giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng khuôn khổ một sự kiện trong điều kiện bình thường mới không cho phép tranh luận trực tiếp kéo dài.

Quan điểm “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” của giáo sư Trần Ngọc Thêm sau khi được đưa ra công luận, lập tức trở thành đề tài nóng bỏng. Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng: “Bất kỳ thời đại nào, câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đều hoàn toàn đúng, nên không nhất thiết phải bỏ. Đổi mới giáo dục ở phương pháp chứ không phải khẩu hiệu”

Giáo sư Trần Ngọc Thêm tỏ ra kiên định trước sự phản ứng của xã hội. Giáo sư Trần Ngọc Thêm phân tích: “Bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số một. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện.

"Tiên học lễ" rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều”.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Những ai đã từng đọc tác phẩm “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của giáo sư Trần Ngọc Thêm thì sẽ ít bất ngờ với kiến nghị xóa bỏ “Tiên học lễ hậu học văn”. Trong “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận xét: “Người Việt Nam có nhược điểm là thiếu tính quyết đoán. Để tránh phải quyết đoán, và đồng thời giữ được sự hoà thuận, không làm mất lòng ai, người Việt rất hay cười. Nụ cười là một bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt, người ta có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả những lúc ít chờ đợi nhất.

Thậm chí ngay cả trong việc chửi nhau, người Việt cũng chửi một cách bài bản, cân đối, nhịp nhàng, đầy chất thơ; không chỉ lời chửi, mà cả cách thức chửi, dáng điệu chửi cũng mang tính nhịp điệu. Với lối chửi có vần điệu, cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được”.

Những người ủng hộ giáo sư Trần Ngọc Thêm thì viện dẫn các nước phương Tây có câu khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” đâu mà giáo dục của họ vẫn phát triển. Bây giờ, xóa bỏ “Tiên học lễ hậu học văn” có khi sẽ tạo cơ hội cho giáo dục Việt Nam.

Thực chất, tẩy chay “Tiên học lễ hậu học văn” có đơn giản như vậy không? Nhà văn Nguyễn Hồng Lam bày tỏ: “Trong quan niệm phương Đông, “lễ” thuôc phạm trù đạo đức, là chuẩn mực để con người đạt đến giá trị của Nhân, nhờ thông lý của Đất, tỏ tường “văn” - cái đẹp rạng ngời của Trời. Chỉ như thế, con người mới thật sự hòa hợp vào Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân), thành một cấu thành đẹp đẽ cua Vũ Trụ. Nói đến sáng tạo là nói đến chữ “văn”. Người giàu khả năng sáng tạo về mặt nào đó, ta vẫn gọi đó là người có thiên khiếu. Chưa nắm vững, thực hành đầy đủ phần Lễ của Nhân, ắt hẳn đừng mơ sáng tạo, phát triển để tạo ra điều đẹp đẽ (của “văn”) vốn thuộc cõi trời (Thiên).

Tất nhiên, không chỉ phương Đông mới có chữ “lễ”. Diễn đạt duy lý của phương Tây có thể khác một chút, song chữ “lễ” vẫn là yêu cầu trong mọi mặt, mọi hoạt động và biểu hiện cụ thể của con người. Nói đơn giản, “lễ” là khi con người sống, tư duy, hành vi phù hợp chuẩn mực và phù hợp với chính mình.

Nhà văn Nguyễn Hồng Lam.

Nhà văn Nguyễn Hồng Lam.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm dường như không tiếp cận khái niệm theo chiều đó. Ông muốn tư duy cách riêng, tự đặt véc – tơ cho “lễ”, biến nghĩa chuẩn mực ứng xử thành quyền lực áp đặt theo chiều từ trên xuống dưới. Ông tự thu hẹp nội hàm, coi “lễ” chỉ thuần túy thuộc phạm trù đạo đức, riêng phương Đông và thuần phong kiến. Ông biến nó thành một công cụ kìm hãm, không nhìn nhận nó là điều kiện và phương tiện của sự phát triển.

Một người thầy giữ “lễ” làm thầy, có ai không khuyến khích trò phản biện, đổi mới, sáng tạo để hơn thầy? Có ai không muốn học trò mình bay xa, bay cao hơn nữa? Đó mới đúng “lễ” làm thầy đấy. Nhưng điều đó, ông lại đả phá, đòi loại bỏ. Quan niệm của ông làm méo mó toàn bộ cả “tiên lễ, hậu văn”, tán đồng thứ "văn hóa" của việc học trò cố học cho thành giáo sư – tiến sĩ rồi quay lại chê cô giáo tiểu học của mình dốt.

Cá nhân, tôi nghĩ rằng, sai lầm lớn nhất, kìm hãm sự tiến bộ, hủy hoại giá trị nhiều nhất đó là khi giáo dục Việt Nam đã quên không chịu dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò hai chữ viết hoa không thể thiếu ở con người: tự trọng”.

Từ khóa » Trình Bày Khẩu Hiệu Tiên Học Lễ Hậu Học Văn