Kiến Tánh Thành Phật | TRẦN ĐÌNH HOÀNH

Kiến tánh thành Phật

Chào các bạn,

Bodhidharma

Hôm qua chúng ta nói “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Đó là hai câu, mỗi câu bốn chữ, trong bài kệ 4 câu, tương truyền là của Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ đầu tiên của dòng thiền Trung quốc. Bài kệ này là kim chỉ nam của Thiền tông Đại thừa.

Bất lập văn tự Giáo ngoại biệt truyền Trực chỉ chân tâm (1) Kiến tánh thành Phật

Dịch nghĩa:

Không lập chữ nghĩa Truyền riêng ngoài giáo pháp Chỉ thẳng tâm thật Thấy tánh thành Phật.

Tương truyền, Phật Thích Ca truyền Thiền cho đệ tử Ma Ha Ca Diếp. Ca Diếp truyền cho các đệ tử ở Ấn Độ, và Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 của dòng thiền Ấn Độ. Khi Bồ Đề Đạt Ma sang Trung quốc dạy Thiền vào thế kỷ thứ 6, sư thành vị tổ đầu tiên (sơ tổ) của dòng Thiền Trung quốc.

Bồ Đề Đạt Ma là âm của Bodhidharma. Bodhi (bồ đề) là giác ngộ, tỉnh thức, awakened, enlightened. Dharma là pháp—giáo pháp, hay tất cả mọi thứ trong vũ trụ.

Ảnh của Bồ Đề Đạt Ma thường vẽ sư mang một cây gậy của các thiền sư đi bộ xa xôi, nhưng thay vì đeo một túi hành trang lủng lẵng thì đeo một chiếc dép, ‎ ý nói sư dạy tư tưởng nhất nguyên—tất cả là một.

Giải thích bài kệ chỉ nam của Thiền tông:

• “Bất lập văn tự”: Là không lập chữ nghĩa, kinh sách. Nói là không cần chữ nghĩa và kinh sách thì cũng có thể đúng, nhưng nói là không “chấp” vào kinh cách chữ nghĩa thì đúng hơn, vì Thiền tông viết rất nhiều kinh sách.

Tức là, đọc kinh sách thì đọc nhưng đừng lệ thuộc vào sách, vì chữ nghĩa không thể nói được hết điều người viết muốn nói. Phải nắm được tinh yếu của lời nói, bên sau lời nói.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là thực hành, tập luyện thường xuyên thì ta mới tự hiểu được những điều mà người nói/viết không thể giải bày hết được, vì ngôn ngữ rất hạn hẹp không đủ để diễn tả điều gì rốt ráo.

• Giáo ngoại biệt truyền: Là truyền riêng, truyền đặc biệt, bên ngoài giáo lý của kinh sách.

Điều này nhấn mạnh đến giới hạn của ngôn ngữ, và cách truyền dạy—thầy dạy học trò riêng rẽ từng người một. Dù là có thể có những giờ thuyết giảng chung cho cả lớp, nhưng mỗi trò luôn luôn được thầy dạy cách riêng. Và học trò ngộ đến đâu là do căn cơ của trò chứ không do biết kinh đến đâu. Lục tổ Huệ Năng được tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát để nối dòng các tổ sư mà thực ra Huệ Năng không rành kinh sách gì cả và chưa học kinh sách ngày nào của Hoằng Nhẫn (nhưng Huệ Năng đã ngộ ngay khi nghe ông hàng xóm đọc Kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (“không trụ vào đâu cả nên sanh tâm Bồ Đề”).

• Trực chỉ chân tâm: Chỉ thẳng vào tâm thật, tâm tĩnh lặng trong sáng nguyên thủy của ta.

Chân tâm là tâm thật của ta, khác với tâm vọng động.

Tâm vọng động là các xung động ta có một lúc nào đó–giận dữ, sợ hãi, lo lắng, tham lam…

Chân tâm là bản tánh (hay “tánh”) tĩnh lặng trong sáng của ta, là Phật tính trong ta, là tâm Phật trong ta, đã luôn luôn, và sẽ luôn luôn, có trong ta.

Chân tâm thì thường hằng, luôn như thế, không thay đổi–tĩnh lặng và trong sáng.

Tâm vọng động là những cơn sóng nhất thời, ngắn ngủi trong lòng, có rồi mất, do ta chưa làm chủ được mình.

Bình thường ta chỉ thấy tâm vọng động mà không thấy được chân tâm, cũng như ta chỉ quen thói nhìn sóng mà không nhìn biển, nhìn mây mà không nhìn trời.

Bây giờ ta phải quen nhìn chân tâm, để có thể thấy chân tâm.

• Kiến tánh thành Phật: Thấy được bản tánh của ta—tĩnh lặng trong sáng, tâm Phật của ta—thì thành Phật. “Tánh” của ta cũng chính là “chân tâm”.

Tất cả mọi chúng ta đều có Phật tính, tâm Phật trong ta. Thấy được tâm Phật đó là thành Phật.

Câu hỏi là: “thấy tánh” (kiến tánh, thấy tâm Phật) là thấy được điều gì? Và thấy là thấy thế nào?

Đây là câu hỏi hầu như chẳng có câu trả lời, và mọi người viết sách đều viết một kiểu như nhau, nhưng thực sự là chẳng trả lời được gì cả, ngoại trừ một mớ chữ.

Vì vậy, đây là câu hỏi mà mỗi người chúng ta sẽ có câu trả lời riêng, nếu ta tu tập thường xuyên.

Nhưng muốn “kiến” (thấy) thì phải “quán” (nhìn). Không nhìn thì không thấy được.

Vì vậy, các bạn:

1. Đừng quan trọng hóa các thói hư, tât xấu, các điểm yếu trong tâm mình. Đó là các đám mây che mờ tánh thật của mình, làm mình khó thấy tánh thật của mình.

2. Tập “nhìn” trái tim tĩnh lặng trong sáng của mình—tức là trái tim Phật của mình, tĩnh lặng, từ bi vô lượng, mà mình đã có sẵn từ lúc mới sinh.

Tập mỗi ngày. Lặng yên, hay ngồi Thiền, và “nhìn” trái tim trong sáng của mình, 5 phút, 10 phút, 15 phút, 30 phút…

3. Nếu không thành Phật ngay thì nhất quyết cũng trưởng thành tâm linh rất mạnh mẽ và liên tục.

Kiến tánh thành Phật.

Chúc các bạn một ngày thành đạt.

Mến,

Hoành

Chú thích: (1) “Trực chỉ chân tâm”, có người viết là “trực chỉ nhân tâm” hay “trực chỉ minh tâm”.

Bài liên hệ: Nhìn trái tim trong sáng của mình

© copyright 2012 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial use www.dotchuoinon.com

Chia sẻ:

  • Chia sẻ
  • Facebook
  • Reddit
  • Email
  • In
  • Twitter
Thích Đang tải...

Có liên quan

Tháng Ba 6, 2012 - Posted by Trần Đình Hoành | Buddhism, Thiền, Văn Hóa, Zen | Buddhism, Phật học, Thiền, Văn Hóa, Zen

Từ khóa » Trực Chỉ Chân Tâm Kiến Tánh Thành Phật