Kiến Thức Cơ Bản Văn Bản Mùa Xuân Nho Nhỏ - Blog Ngữ Văn

TÓM TẮT KIẾN THỨC CƠ BẢN VĂN BẢN

MÙA XUÂN NHO NHỎ

(Thanh Hải)

I. Khái quát

1. Tác giả

- Quê ở Thừa Thiên –Huế.

- Hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Sự nghiệp thơ văn gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

- Phong cách sáng tác: ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, cảm xúc chân thành, đằm thắm…

2. Tác phẩm

- Thể thơ: 5 chữ

- Hoàn cảnh sáng tác: 11/1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh. Tháng 12/1980 ông qua đời.

- Ý nghĩa nhan đề:

+ Gợi về mùa xuân của đất trời, của thiên nhiên vũ trụ.

+ Tầng nghĩa tượng trưng: khát vọng, lí tưởng muốn cống hiến tất cả điều đẹp đẽ nhất cho cuộc đời, quê hương, đất nước của nhà thơ.

+ Tính từ “nho nhỏ” đã cụ thể hóa, hữu hình hóa mùa xuân và mang đến nhiều tần ý nghĩa khác nhau cho bài thơ.

3. ND chính: cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của vạn vật vào mùa xuân, cùng với đó là ước nguyện chân thành của nhà thơ muốn cống hiến cho đời, cho quê hương.

II. Nội dung

1. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên – khổ 1. Khung cảnh thiên nhiên trong trẻo và tràn đầy sức sống của mùa xuân.

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

+ “Mọc”: Động từ “mọc” được đảo lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sức sống mạnh mẽ của mùa xuân.

+ Cảnh vật nổi bật với thị giác.

+ Cảnh vật với màu sắc tươi mới, mát mẻ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc. Trong hội họa, hai màu sắc này được xem là tông màu lạnh, màu của sự tươi sáng, của hi vọng. 5 năm sau ngày giải phóng, còn gì vui hơn khi đất nước thanh bình.

+ Ý nghĩa của hai gam màu: đó là màu xanh của hi vọng, màu xanh của đất trời thay áo mới, màu xanh của thanh bình. Một gam màu tươi sáng hiện lên trên nền xanh long lanh ấy. Cái màu tím đặc trưng xứ Huế trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Màu tím của bông hoa hay màu tím áo dài của cô gái Huế xinh xắn dễ thương?

- Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

+ Vận dụng cả thính giác để nhận ra mùa xuân vui tươi: tiếng chim hót rộn vang.

+ Từ “ơi”, “chi”: chất ngọt ngào, thân thương, gần gũi.

- Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

+ “Giọt”: sương – giọt sự sống. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tiếng hót của chim chiền chiện lại rơi thành từng giọt âm thanh trong trẻo. Thanh Hải quá tài ba, đã vẽ nên một bức tranh “trong động có tĩnh, trong tĩnh có động”, biến cái hữu hình trở thành cái vô hình mà lại hữu ý trong tâm hồn người đọc.

+ Đại từ “tôi” + động từ “hứng”: nâng niu, như trân quý. Nếu không phải là cái đẹp tao nhã của mùa xuân, của sự sống thì còn là gì? Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập vào thiên nhiên để cảm nhận được sức sống đang trỗi dậy.

2. Cảm xúc của nhà thơ về mùa xuân đất nước – 2 khổ tiếp:Mùa xuân được tạo nên từ máu và mồ hôi lao động của nhân dân đã góp phần tô điểm cho vẻ đẹp tươi mới của đất nước. Đó chắc chắc sẽ là một mùa xuân vĩnh hằng.

Mùa xuân người cầm sung

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao…

+ Mùa xuân của đất nước được gây dựng nên từ 2 lực lượng chính của đất nước. Hai hình ảnh hoán dụ “người cầm súng” là chỉ lực lượng bộ đội chiến đấu, “người ra đồng” để chỉ người nông dân vất vả ngoài đồng xa. Hai hình ảnh ấy còn là biểu trưng cho 2 nhiệm vụ chính của đất nước ta: chiến đấu và lao động xây dựng đất nước trong hoàn cảnh đất nước mới thống nhất, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách phía trước.

+ Phép đối xứng tương đồng giữa hai câu thơ trên cùng với phép điệp từ (mùa xuân, lộc, tất cả cùng với phép điệp cú pháp) làm cho hình ảnh thơ như hòa quyện vào nhau, âm điệu thơ trở nên giàu nhạc tính, mạch thơ hối hả.Điệp từ “tất cả” + từ láy “hối hả”, “xôn xao”: nhịp thơ trở nên nhanh, gấp, gợi một nhịp sống sôi động, hối hả, khẩn trương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

+ Từ “lộc” + “mùa xuân”: quang cảnh tươi đẹp của mùa xuân với những chòi non đâm lộc; gợi ra thành quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

] Giọng thơ đan xen chất nhạc, Thanh Hải đã phác họa được một bức tranh có cả cái hồn của 4 mùa xứ Huế. Nó đầy đủ cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh, từ đó bộc lộ được niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước thiên nhiên đất trời.

- Mùa xuân của đất nước hiện lên với vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt qua mấy ngàn năm lịch sử:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

+ 4000 năm: chặng đường lịch sử đầy gian lao của nước Việt. Nòi giống Lạc Hồng trải qua 4000 dựng nước, dùng máu xương bảo vệ và xây nên nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Sự cần cù lao động đã đưa đất nước ngày càng đi lên, tạo nên sức sống bền vững cho dân tộc. Cho nên, dù vất vả, gian lao, tổ quốc vẫn băng mình vươn lên phía trước như một vì sao sáng.

+ “Đất nước như vì sao” là một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa. Khi vì sao tổ quốc tỏa sáng, tất cả dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu vươn xa với bạn bè anh em quốc tế. Chúng ta tự hào giới thiệu về đất nước con Rồng cháu Tiên. Tổ quốc ra dù trải qua bao thắng trầm biến đổi bởi chiến tranh, bom đạn “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày”, dù trải qua thiên tai địch họa nhưng vẫn ngời sáng lung linh. Đây chính là sức sống trường tồn. Câu thơ thể hiện niềm lạc quan, tự hào của nhà thơ khi mình chính là người Việt Nam.

+ Cấu trúc song hành: đất nước 4000 năm – đất nước như vì sao: khẳng định sự chuyển mình vươn lên và sự trường tồn của đất nước.

]Giọng thơ tha thiết, sôi nổi, vừa trang trọng đã gói trọn niềm yêu mến tự hào, tư tưởng của Thanh Hải vào đất nước.

3. Khát vọng và lí tưởng sống cao đẹp của tác giả - 3 khổ cuối: Trước cảnh mùa xuân tươi đẹp và tự hào về lịch sử dân tộc, nhà thơ đã nói lên những suy nghĩ và ước nguyện của mình, muốn được “hóa nắm tro tàn bón đất xanh cây”:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

+ Đại từ “ta”: thể hiện ước nguyện của mình, không còn là cái tôi trữ tình nữa mà đã hóa thành cái ta chung. Cái ta ấy đại diện cho hơn 90 triệu người dân Việt ước nguyện hóa thành vạn vật hữu ích cho quê hương.

+ Điệp cấu trúc: “ta làm”, “ta nhập”: một lời thủ thỉ tâm tình về ước nguyện hóa thân, hiến dâng cho quê hương, đất nước của nhà thơ: nhấn mạnh khát vọng hòa nhập cuộc sống riêng vào sự sống chung của đất nước. Những hình ảnh mang tính ẩn dụ (con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm) là những sự vật tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui và tài trí của đất nước và con người Việt Nam. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta biết sẻ chia. Tố Hữu cũng đã từng nói: “ Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Đúng thế, đó là khát vọng tốt đẹp! Khát vọng đẹp đẽ ấy được thể hiện bằng những hình ảnh cũng thật đẹp.

- Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

+ Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” mang nhiều tầng ý nghĩa. Đó là mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời. Đó cũng là mùa xuân của đất nước đang chuyển mình vươn lên sau những tháng ngày vất vả và gian lao. Và đó còn là mùa xuân của vận mệnh con người. Với Thanh Hải, với 50 mùa xuân đã qua thì đó cũng chẳng là gì so với mùa xuân vĩnh hằng của đất nước.

+ Từ láy “nho nhỏ”: ước muốn, khát vọng khiêm tốn và giản dị.

+ Ông vui vẻ và hân hoan với khát vọng mãnh liệt và cháy bỏng “lặng lẽ dâng cho đời”. Tính từ “lặng lẽ”: vẻ đẹp tâm hồn, đó là sự âm thầm cống hiến, không ồn ào, không khoa trương. Triết lí nhân sinh thật cao cả. Ai cũng phải cống hiến, ai cũng phải sống thật có ích, đó chính là lẽ sống cao đẹp. Đó chính là những anh thanh niên là những cô kĩ sư trong “lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, là những người chiến sĩ lái xe trong tư thế hiên ngang của “bài thơ tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật..Sống hết mình, sống phục vụ, sống cống hiến cho đất nước ngày từ”tuổi 20” hay “khi tóc bạc” thì khát vọng đó vẫn không hề thay đổi.

+ Điệp ngữ “dù là” + điệp cấu trúc + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” với “khi tóc bạc”: một lời hứa, lời tự nhủ với chính mình, đồng thời khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng sống, lí tưởng sống là cống hiến, là hi sinh.

] Thanh Hải đã nói lên hết ước nguyện của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình. Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Bài thơ được sáng tác khi ông nằm trên giường bệnh. Nhưng người bệnh nhân ấy đã truyềnbiết bao cảm hứng lại cho bạn đọc, cho thế hệ trẻ đi sau một niềm tin, một nghị lực và cả động lực to lớn.

- Bài thơ khép lại trong giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu của làn điệu dân ca trữ tình của xứ Huế:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

+ Câu thơ “mùa xuân ta xin hát” đã diễn tả niềm khát khao, bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về.

+ Câu “Nam ai”: câu hát buồn thương, da diết – gợi con đường đầy hi sinh, gian khổ mà đất nước đã đi qua.

+ Câu “Nam bình”: khúc nhạc êm ái, dịu ngọt – gợi mùa xuân hiện tại với cuộc sống thanh bình, ấm no.

+ “Nhịp phách tiền”: một loại nhạc cụ dân tộc đệm nhịp cho lời ca – nhạc cụ đặc trưng xuất hiện trong làn điệu dân ca Huế, trong nhã nhạc cung đình Huế.

+ Điệp cấu trúc “nước non ngàn dặm…”: Quê hương đất nước trải ngàn dặm, chan chứa tình yêu thương.

] Tình yêu đời, yêu cuộc sống trỗi dậy thật mãnh liệt, trở thành khúc hát tâm tình trong những dòng thơ cuối. Khúc hát đó thật cảm động, cao quý và đáng trân trọng biết bao.

III. Nghệ thuật

Với thể thơ 5 chữ, bài thơ đã thể hiện giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn từ trong sáng, biểu cảm nhưng hàm súc đầy tính biểu tượng đã thể hiện tài hoa của nhà thơ Thanh Hải. Qua đó một lần nữa khẳng định ước nguyện cao cả của ông.

VI. Kết

Với tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, với tài hoa của một người nghệ sĩ, Thanh Hải đã góp phần cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân thật đẹp và ý nghĩa sâu sắc. Mỗi cuộc đời của mỗi con người hãy là “một mùa xuân nho nhỏ”, như Tố Hữu cũng không ít lần nhắn gửi:

“Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn?

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!”

Từ khóa » Hệ Thống Kiến Thức Mùa Xuân Nho Nhỏ