Kiến Thức Mà Ai Cũng Cần Bỏ Túi Về Bệnh Suy Tim Tâm Thu - Medlatec

1. Thế nào là suy tim tâm thu

Một chu kỳ hoạt động bình thường của tim được tính từ khi bắt đầu một nhịp đập đến khi nhịp tiếp theo được bắt đầu. Chu kỳ này gồm có 2 giai đoạn là:

- Giai đoạn tâm thu (co bóp): cơ tim phải co thắt mạnh để máu được tống vào trong động mạch rồi đưa đến các cơ quan khác của cơ thể.

- Giai đoạn tâm trương (thư giãn): cơ tim giãn nở và mở rộng để bắt đầu giai đoạn nạp máu từ tĩnh mạch vào tâm thất. Khi tâm thất đã được nạp đầy máu, giai đoạn tâm thu lại sẽ tiếp tục diễn ra.

Suy tim tâm thu xảy ra khi chức năng bơm máu của tim bị giảm đi

Suy tim tâm thu xảy ra khi chức năng bơm máu của tim bị giảm đi

Suy tim tâm thu là tên gọi cho tình trạng tim bị suy giảm chức năng bơm máu gắn liền với đặc điểm là phân số tống máu EF <45%. Lúc này, khả năng co bóp của thất trái giảm nên thể tích tống máu không đầy đủ, hệ quả là cung lượng tim giảm.

Dựa vào khả năng gắng sức và triệu chứng cơ năng của người bệnh, Hội Tim mạch New York (NYHA) đã chia suy tim tâm thu thành 4 cấp độ:

- Cấp độ 1: Người bệnh thường không cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp hay khó thở, vận động thể lực bình thường.

- Cấp độ 2: khả năng vận động thể lực hạn chế nhẹ, khi nghỉ ngơi người bệnh sẽ cảm thấy khỏe khoắn nhưng khi có hoạt động thể lực họ lại thấy khó thở, mệt mỏi, hồi hộp, đau ngực.

- Cấp độ 3: hoạt động thể lực đã bị hạn chế đi nhiều, chỉ cần vận động nhẹ đã có các triệu chứng đau ngực, mệt mỏi, khó thở.

- Cấp độ 4: dù nghỉ ngơi hay hoạt động thể lực người bệnh cũng luôn cảm thấy mệt mỏi, đau ngực, khó thở, hồi hộp.

2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh suy tim tâm thu

2.1. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay nguyên nhân gây suy tim tâm thu được cho là do các bệnh lý nền như:

- Bệnh động mạch vành: người bệnh bị thiếu máu cơ tim cục bộ và nhồi máu cơ tim.

- Tăng tải thể tích mạn: gặp ở người bị hở van tim, dòng chảy thông trong tim ở ngoài tim hoặc đi từ trái qua phải.

- Tăng tải áp lực mạn: bệnh van tim gây tắc nghẽn và huyết áp cao.

- Giãn cơ tim: đây là tình trạng rối loạn do di truyền, thâm nhiễm, nhiễm độc, virus, bệnh chuyển hóa, nhiễm trùng,...

- Rối loạn tần số và nhịp tim: tim đập nhanh hoặc chậm mãn tính.

- Tăng cung lượng tim.

- Mắc bệnh phổi mãn tính: đối với bệnh lý mạch máu phổi và tâm phế mạn.

- Rối loạn chuyển hóa: rối loạn dinh dưỡng hoặc cường giáp.

- Nhu cầu dòng máu thái quá: thiếu máu mãn và dòng chảy thông động tĩnh mạch hệ thống.

Bệnh động mạch vành là một trong các nguyên nhân gây ra suy tim tâm thu

Bệnh động mạch vành là một trong các nguyên nhân gây ra suy tim tâm thu

Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng sẽ góp phần làm nặng hơn bệnh suy tim tâm thu:

- Tự giảm hoặc điều chỉnh thuốc điều trị suy tim không đúng cách.

- Mắc các bệnh lý tim mạch: thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, hở van tim cấp,...

- Nghiện bia rượu.

- Thai phụ.

- Bị bệnh cao huyết áp, thiếu máu, nhiễm trùng.

- Chịu sự tác động của một số loại thuốc.

2.2. Triệu chứng nhận diện bệnh

Triệu chứng suy tim tâm thu xuất hiện không giống nhau ở mỗi người, nó có thể đến đột ngột hoặc dần dần, điển hình là:

- Khả năng gắng sức kém.

- Khó thở và tức ngực, nhất là vào buổi đêm.

- Ho kèm theo đờm bọt màu hồng và ho kéo dài.

- Cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể kể cả khi nằm.

- Sưng, phù ở: bụng, cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.

- Cơ thể tích nước nên bị tăng cân đột ngột.

- Nhịp tim không đều hoặc nhanh.

- Bị thiếu máu lên não nên đau đầu, chóng mặt, tỉnh táo kém.

- Tiểu đêm nhiều.

- Ăn không có cảm giác ngon miệng, chán ăn.

- Buồn nôn.

3. Cảnh báo mức độ biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tim tâm thu

Do suy tim tâm thu làm giảm sút lượng máu ra khỏi tim, khiến tim không đủ khả năng cung cấp máu cho các hoạt động của cơ thể nên người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, đau ngực, khó thở,... Khi bệnh lý này không được điều trị kịp thời và hiệu quả nó có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường:

Suy tim tâm thu có thể biến chứng làm suy giảm chức năng thận

Suy tim tâm thu có thể biến chứng làm suy giảm chức năng thận

- Chức năng thận suy giảm

Đây là tình trạng dễ gặp ở bệnh nhân bị suy tim tâm thu và bệnh thận cũng có thể khiến cho suy tim trở nên nặng nề hơn. Những trường hợp nặng có thể sẽ phải tiến hành lọc máu.

- Gan bị tổn thương

Do chất lỏng tích tụ ở tim nhiều nên tạo thành áp lực cho gan và gây sẹo tại đây nên khả năng hoạt động của gan sẽ ngày càng kém đi.

Những ảnh hưởng của suy tim tâm thu đến sức khỏe và sự sống của người bệnh là không thể chối cãi. Mặc dù đến nay các phương pháp điều trị bệnh lý này đã có nhiều tiến bộ nhưng hiệu quả mà nó mang lại vẫn chưa được như mong muốn của giới chuyên môn lẫn người bệnh. Việc trị liệu bệnh cần tới một quy trình chẩn đoán lâm sàng và phác đồ chính xác thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất. Thực tế từ việc điều trị hiện nay có thể thấy rằng khi được điều trị tích cực thì kết quả mới chỉ đạt ở mức người bệnh giảm được phân số tống máu EF.

Mặc dù suy tim tâm thu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng ở những giai đoạn đầu nếu được điều trị hiệu quả thì sẽ có những tiến bộ rõ rệt cho sức khỏe. Vì thế người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ do bác sĩ chỉ định đồng thời kết hợp thay đổi lối sống, giữ tinh thần lạc quan mới mong có được những kết quả tích cực.

Thăm khám sức khỏe định kỳ đều đặn là việc bất kỳ ai trong chúng ta cũng nên thực hiện, nhất là nhóm người có nguy cơ cao với bệnh suy tim tâm thu. Nhờ việc làm này mà bệnh sẽ được phát hiện sớm để có phương án xử lý kịp thời, ngăn chặn những biến chứng xấu có thể xảy ra.

Nếu bạn đang nghi ngờ triệu chứng suy tim tâm thu mà chưa biết nên làm gì để được chẩn đoán đúng bệnh, hãy liên hệ ngay tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56 để nhận được những hướng dẫn chính xác.

Từ khóa » điều Trị Suy Tim Tâm Trương