Kiên Trì Xây Dựng Văn Hóa Liêm Chính - Báo Tuổi Trẻ

Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính - Ảnh 1.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá hiện nay tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ.

Chống tham nhũng không làm cán bộ nhụt chí, chùn bước

Tổng bí thư nhấn mạnh tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, và không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại.

Theo đó, chính nhờ làm tốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

Từ đó, Tổng bí thư chỉ rõ việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm.

"Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây", Tổng bí thư khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư nhìn nhận việc phòng chống tham nhũng còn những hạn chế, tồn tại, như một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tổng bí thư cũng chỉ rõ tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Vì thế, không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn, không được né tránh, cầm chừng mà phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ".

Hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng

Thời gian tới, Tổng bí thư yêu cầu phải kiên trì giáo dục để cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tổng bí thư dẫn ra một số lời dạy từ cha ông như để nhắc nhở chung: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Có tài mà cậy chi tài, chữ "Tài" liền với chữ "Tai" một vần. Tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người"; "thượng bất chính thì hạ tắc loạn"; "cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào".

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Trong đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ" và ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Với việc thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng bí thư chỉ đạo phải được chú trọng, áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để ngay từ giai đoạn thanh tra đến khi thi hành án. Khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính - Ảnh 2.

Trong số các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, có việc kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính” trong cán bộ, đảng viên - Ảnh: HỮU HẠNH

Kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng

Theo Tổng bí thư, trong phát hiện, xử lý tham nhũng, phải quán triệt nguyên tắc có vụ việc phải xác minh; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng, đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc nêu hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó có việc kiên trì xây dựng "văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực" trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành.

Ông Trạc cũng lưu ý đến việc xây dựng quy định về xử lý xung đột lợi ích của cán bộ đảng viên, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ. Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng thời xây dựng các quy định, chế tài xử lý với tổ chức đảng, đảng viên, công chức, viên chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân tố giác, phản ảnh đảng viên, cán bộ tham nhũng, tiêu cực...

Một giải pháp khác nữa là chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; rà soát, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác cán bộ, đảm bảo lựa chọn, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ.

"Ngăn ngừa xử lý nghiêm các hoạt động can thiệp, tác động, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực", ông Trạc nhấn mạnh.

Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cuộc đấu tranh từ chính mỗi con người

Từ thực tiễn đấu tranh, phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư cho hay tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Ông cũng nhấn mạnh phòng chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ... với động cơ không trong sáng.

Vì thế, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Phòng chống tham nhũng ở ngay cơ quan chống tham nhũng

Theo Tổng bí thư, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh và phải trung thực, liêm chính, "chí công vô tư", thực sự là "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng, Nhà nước.

Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng chống tham nhũng.

Theo Tổng bí thư, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

* Ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP.HCM): Tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực địa phương dễ phát sinh tham nhũng

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ đảng viên vào nề nếp, thường xuyên và thực chất, gắn với thực hiện việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ.

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận 05 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện chỉ thị 50 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, các ý kiến kết luận của Tổng bí thư, trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương về công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án.

Lãnh đạo, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan nội chính phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị mình. Chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các ngành, lĩnh vực mà địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát các cơ quan nội chính trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng kinh tế, chức vụ, kịp thời xem xét xử lý nếu có vi phạm.

bat cdc Ha Giang VIETA 1(Read-Only)

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang thi hành quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Trần Tuấn, giám đốc CDC Hà Giang - Ảnh: TTXVN

* Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (thứ trưởng Bộ Công an): Cần rà soát những văn bản pháp luật đang có sơ hở dễ bị lợi dụng

Thực tiễn 10 năm qua đấu tranh phòng chống tham nhũng mặc dù rất đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên, một số trường hợp chưa biết sợ.

Ví dụ, tháng 4-2020, khi mới bắt đầu vào đại dịch COVID-19, chúng ta đã xử lý vụ CDC Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó, thường trực ban chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Rõ ràng đây là việc chưa biết sợ của nhóm này.

Do đó, chúng tôi kiến nghị trong việc kiểm tra phải có thống nhất cao trong việc kiểm tra các đơn vị trong đợt kiểm tra và có kiểm tra lại, yêu cầu khắc phục những tồn tại đã được kiểm tra chỉ ra để tránh việc có bất cứ chủ trương nào của Nhà nước về phát triển kinh tế lại lợi dụng để trục lợi. Như vậy, từ hành vi nhỏ biến thành hành vi lớn và mất đi những cán bộ đã thấy.

Bên cạnh đó, trong những văn bản pháp luật đang có sơ hở dễ bị lợi dụng, cần rà soát thông báo công khai thời gian sửa đổi để mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng và những cái nào cần phải sửa thì sửa chữa ngay.

Tăng phòng ngừa thay vì xử lý hình sự

"Phải tiếp tục vừa xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, cần bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm...".

Ông Lê Minh Trí, viện trưởng Viện KSND tối cao, đã chia sẻ tại hội nghị nội dung này.

6b5ae4f6c223017d5832 1(Read-Only)

Ban thường vụ Thành ủy và Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM tặng bằng khen và giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đề xuất cho người sai phạm được chủ động khắc phục

Theo ông Trí, phòng chống tham nhũng vốn phức tạp nên cần đồng bộ trong quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm, thậm chí dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt được hiệu quả tốt hơn.

Cụ thể là làm sao thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát và khắc phục hậu quả tốt hơn nữa, đồng thời tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta sẽ thành công hơn.

Đối với những trường hợp sai phạm nhưng chủ động khắc phục thì cho khắc phục. Trường hợp khắc phục không tốt mới khởi tố điều tra, xét xử hình sự. Đây là nội dung rất mới trong cải cách tư pháp của Trung Quốc từ năm 2017 tới nay.

Viện KSND tối cao kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, trung ương cho chủ trương, giao Ban Nội chính trung ương hoặc Viện KSND tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Làm như vậy sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự, và chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý nhiều cán bộ, đồng chí của mình.

Cần thiết xây dựng ban hành Luật đạo đức

Người đứng đầu Viện KSND tối cao cũng cho rằng phòng chống tham nhũng là cuộc chiến gay go, phức tạp, không chỉ trong nội bộ đảng mà cả đối tượng khác ngoài xã hội tham gia. Không chỉ đấu tranh với người khác mà đấu tranh với chính mình, không ai có thể nói trước được điều gì nếu không ý thức giữ gìn, và không biết sửa chữa sai phạm của mình.

Do đó, bên cạnh áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, cần thiết xây dựng ban hành Luật đạo đức, giáo dục cả cộng đồng xã hội chứ không chỉ bằng nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên mà phải giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, để nhằm góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm tốt hơn.

Giữ kỷ cương và tạo động lực phát triển

Theo ông Lê Minh Trí, thực tế chính sách pháp luật phục vụ phát triển thời gian qua chưa nhiều so với chính sách pháp luật quản lý, kiểm soát. Do vậy, cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo. Đồng thời phải đảm bảo các quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện nhưng vẫn giữ được kỷ cương.

Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị và trung ương xem xét có nghị quyết, có chủ trương và giao cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát và kịp thời ban hành văn bản pháp lý đảm bảo các yêu cầu trên.

"Nếu có khoảng trống, kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, người tốt sẽ có tâm lý lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thực tế cố ý làm trái và năng động sáng tạo, hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi", ông Trí phát biểu.

Tổng bí thư: Không được cậy quyền Tổng bí thư: Không được cậy quyền 'muốn làm gì thì làm, thẳng uốn thành cong'

TTO - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý. Đồng thời, ngoài xử lý tham nhũng phải xử lý hành vi dung túng, bao che can thiệp, cản trở chống tham nhũng.

Từ khóa » Bộ Liêm