Kiến Trúc Bền Vững, Công Trình Xanh Và Kiến Trúc Xanh Việt Nam

Phát triển bền vững và Kiến trúc bền vững Sự phát triển của văn minh xã hội, luôn gắn liền với khoa học công nghệ hiện đại và đô thị hóa. Dân cư từ nông thôn sẽ chuyển ra sinh sống tại các đô thị, từ lao động nông nghiệp thô sơ chuyển sang lao động có kỹ năng trong các nhà máy, xí nghiệp, văn phòng, công ty. Cuối TK XIX, năm 1880, toàn thế giới mới chỉ có 4% dân số sống trong các đô thị. Đến hết TK XX, năm 2000, đã có 47% dân số thế giới, tức 2,8 tỷ người sống ở các đô thị, trong đó các nước phát triển chiếm tỷ lệ 76%. Dự báo của Liên hợp quốc, tới năm 2025 sẽ có 2/3 dân số thế giới sống trong các đô thị. Tại Việt Nam, năm 1986, có 19% dân cư (khoảng 11,8 triệu) sống tại đô thị. Năm 2010, dân số đô thị đã chiếm tỷ lệ 30,52% (26,31 triệu người). Dự báo năm 2015 dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%, và đến năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 50%. Cuộc sống và lao động của xã hội văn minh tiêu thụ nhiều năng lượng và thải ra các khí độc hại, trong đó lượng khí CO2 tăng quá nhanh chỉ trong nửa thế kỷ qua là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ Trái đất, gây ra Biến đổi khí hậu.

Sống dựa vào thiên nhiên là tiêu chí đảm bảo tính bền vững

Trước tình trạng đó, năm 1991, ba tổ chức quốc tế (IUCN/UNEP/WWI) công bố văn kiện “Chăm lo cho Trái đất : Một chiến lược vì sự tồn tại bền vững”, trong đó định nghĩa Phát triển bền vững là “Sự nâng cao chất lượng đời sống con người trong lúc đang tồn tại, trong khuôn khổ đảm bảo của các hệ thống sinh thái”, còn Tính bền vững là “một đặc điểm đặc trưng của một quá trình hoặc một trạng thái có thể duy trì mãi mãi”. Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazin có 179 nhà lãnh đạo thế giới tham gia, đã thông qua Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21), đề xuất các giải pháp chung để phát triển bền vững cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Từ đó Phát triển bền vững đã trở thành cương lĩnh hoạt động của mọi lĩnh vực hoạt động tại tất cả các quốc gia trên trái đất. Kiến trúc bền vững (Sustainable Architecture) ra đời. Những cuốn sách đầu tiên viết về Kiến trúc bền vững xuất hiện vào năm 1997, 1998 [1,2]. Tuy nhiên, Kiến trúc bền vững không phải là một xu hướng kiến trúc mới, mà là kết hợp tất cả xu hướng kiến trúc có lợi cho Môi trường (Kiến trúc môi trường /Environmental Architecture), Sinh thái (Kiến trúc sinh thái /Biological Architecture), Năng lượng (Kiến trúc có hiệu quả năng lượng/Architecture efficiency energy), Thiên nhiên và con người (Kiến trúc khí hậu / Climatic Architecture). Mô hình kiến trúc bền vững chúng tôi đã giới thiệu trong TC Kiến trúc số 1-2008 [6] và số 12 – 2009 [8].

Công trình xanh và Biến đổi khí hậu Biến đổi khí hậu (BĐKH) – Climate Change –thể hiện rõ rệt bởi việc các sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao, nhấn chìm nhiều quốc đảo, lục địa ven biển. Đồng thời, BĐKH cũng gây thay đổi các yếu tố thời tiết cực đoan, rút ngắn chu kỳ và tăng cường độ của thiên tai (bão, lụt, hạn hán, sóng thần), gây thảm họa khủng khiếp và đói kém tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. BĐKH còn gây ra những biến động xã hội khó lường, làm xuất hiện các dòng di dân không thể kiểm soát, những cuộc xung đột tranh giành nguồn tài nguyên. Hiện nay, BĐKH mỗi năm cướp đi sinh mạng khoảng 300.000 người và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho trên 300 triệu người. Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra “Khí nhà kính (KNK) – Greenhouse Gas”, trong đó KNK có nồng độ lớn nhất trong khí quyển là Carbon dioxide (CO2), chủ yếu từ đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện năng phục vụ con người. Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), toàn bộ hoạt động xây dựng sinh ra gần một nửa lượng CO2 trong khí quyển. Nghiên cứu của ĐH Kiến trúc quốc gia Thành công (Đài Loan) cho thấy 1 m2 xây dựng phát thải 300 kg CO2 mỗi năm, vậy một nhà ở chiều cao trung bình có diện tích 116 m2 sẽ phát thải khoảng 34.000 kg CO2, tương đương lượng CO2 hấp thụ để quang hợp của một cây cổ thụ trong 40 năm. Tính đơn giản, để hấp thụ hết CO2 mỗi ngôi nhà xây dựng cần có 40 cây cổ thụ. Như vậy để cân bằng phát thải CO2 do xây dựng, mỗi đô thị 500.000 dân cần trồng 5 triệu cây (ứng với 40 cây cho 1 hộ dân, 4 người). Mỗi đô thị khi đó cần 5000 ha rừng cây (50 km2, với diện tích 10 m2 mỗi cây). Con số này quá lớn, khó có đô thị nào đáp ứng được. Trước tình trạng đó, đã xuất hiện một sáng kiến mới, đó là “Công trình Xanh / Green Building”, ban đầu chỉ như một làn sóng (the wave), đến năm 2006 đã trở thành cơn bão (the Storm) và đến 2009 – 2010 được trở thành “Cuộc cách mạng Công trình xanh / The Green Building Revolution” thực sự lan tỏa trong khoảng 80 nước trên thế giới [xem 8]. Những nội dung chính của Chương trình nghị sự 21 đều được cụ thể hóa trong những nội dung chính của Tiêu chí công trình xanh. Công trình xanh không phải là một cuộc thi, mà là một phong trào, và khi nó trở thành phổ biến, liên tục và rộng lớn thì ý nghĩa thực sự lớn lao. Đến cuối năm 2006 tại Mỹ đã có 5000 tòa nhà được cấp chứng chỉ “Công trình xanh”, và họ đang phấn đấu để đạt được hàng triệu tòa nhà (Building) và ngôi nhà (home) như vậy. Các tòa nhà đạt chứng chỉ “Công trình xanh” hiện nay đã giảm được trung bình 30 – 50% năng lượng và nước, và đang phấn đấu giảm tới 80 – 90% vào cuối những năm 2030. Khi đó các tòa nhà được coi là vận hành không carbon (carbon neutral). Chính vì vậy, “Công trình xanh” được coi là hoạt động có ý thức và hiệu quả nhất của ngành xây dựng để ứng phó với BĐKH.

Tận dụng năng lượng tự nhiên là yếu tố quan trọng của kiến trúc xanh

Công trình xanh và Kiến trúc xanh Sau khi CTX xuất hiện, Kiến trúc bền vững như tìm thấy mục tiêu cụ thể, có thể đánh giá bằng tính điểm, cho hoạt động của mình. Công trình xanh là kết quả của công việc thiết kế Kiến trúc bền vững. Năm 2000, hãng Nikken Sekkei xuất bản cuốn sách “Sustainnable Architecture in Japan – The Green Buildings of Nikken Sekkei” (Kiến trúc bền vững ở Nhật Bản – Các tòa nhà xanh của Nikken Sekkei) [3]. Khái niệm “Xanh” thay thế hoàn hảo cho khái niệm bền vững, được tiếp nhận rộng rãi trên khắp thế giới. Sau này Kiến trúc bền vững được gọi là Kiến trúc xanh – Green Architecture vừa hình tượng hóa, vừa thống nhất mục tiêu hoạt động của giới thiết kế kiến trúc với phong trào Công trình xanh. Như vậy, hiện nay có hai hoạt động mang tầm vóc quốc tế thực hiện song hành. Kiến trúc xanh là kim chỉ nam cho hoạt động nghề nghiệp của những người thiết kế – giới Kiến trúc sư, và Công trình xanh là hoạt động đánh giá chất lượng các công trình xây dựng – kết quả của hoạt động Kiến trúc xanh – theo các tiêu chí và chỉ tiêu bền vững của trái đất trong thế kỷ XXI. Hai hoạt động này cùng có chung mục đích vì sự phát triển bền vững của thế giới. Các nghiên cứu về Kiến trúc xanh phải đưa ra các Tiêu chí thiết kế và Chỉ dẫn phương pháp, đề xuất các chiến lược, cũng như các ví dụ thực tế điển hình, giúp người thiết kế phát huy sáng tạo, nhằm tìm ra các giải pháp thích ứng trong mỗi trường hợp cụ thể [9, 10]. Sơ đồ quan hệ giữa Kiến trúc xanh và Công trình xanh được mô tả trên hình 1. Mũi tên hai chiều trong hình thể hiện các hoạt động này không phải là sự áp đặt từ trên xuống, mà là sự đồng thuận trên/ dưới. Kiến trúc xanh Việt Nam – Văn hóa kiến trúc Việt nam Như vậy Kiến trúc bền vững / Kiến trúc xanh là công việc thiết kế kiến trúc để góp phần tạo ra các tòa nhà / ngôi nhà xanh. Kiến trúc xanh ở Việt Nam ngoài việc đáp ứng những tiêu chí mang tầm vóc và ý nghĩa toàn cầu, còn phải mang những nội dung đặc thù về lãnh thổ và dân tộc, tạo ra “Văn hóa kiến trúc Việt Nam” giai đoạn hiện nay – Văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ XXI [7]. Khi nói đến kiến trúc, chúng ta không được phép quên truyền thống dân tộc, nhưng truyền thống là những gì chắt lọc của quá khứ, nhiều khi bị hạn chế bởi công nghệ, vật liệu lạc hậu nên nó thuộc về quá khứ và không phải tất cả đều đáng noi theo. Chỉ có văn hóa mới tiến cùng với văn minh xã hội. “Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người… Chỉ có con người dựa vào văn hóa hơn là bản năng để đảm bảo cho sự sống còn của chủng loài mình. Con người tiếp thu văn hóa, bảo tồn nó đồng thời truyền đạt nó từ thế hệ này sang thế hệ khác” (Wikipedia). Để có Văn hóa Kiến trúc Việt Nam cần bổ sung thêm những nội dung sau đây: – Một là, Công trình xây dựng phải thích ứng với lãnh thổ, trong một vùng khí hậu đặc trưng, chỉ gần giống chứ không hoàn toàn giống bất cứ một nơi nào khác trên Trái đất. Điều này tạo ra một phong cách kiến trúc riêng, có thể góp chung vào “phong cách kiến trúc nhiệt đới, nhưng mát và ẩm ướt” của vùng gần biển. Ví dụ, một vỏ nhà toàn kính mà không cần che chắn – Đó là “Văn hóa kiến trúc vùng giá lạnh hiện đại”. Tại đây, BXMT (có cường độ không quá cao) có thể dùng để sưởi ấm những ngày lạnh, nhà càng được “phơi nắng” càng nhiều, càng tốt. Đồng thời suốt nửa năm mặt trời dậy muộn, ngủ sớm, cần tranh thủ lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên. Với công nghệ và vật liệu hiện đại có thể giảm thiểu tổn thất năng lượng khi cần sưởi ấm. Nếu chúng ta cảm thấy nó mới, nó đẹp, nó hiện đại, bắt chước mà không xử lý sẽ là sai lầm nghiêm trọng. – Hai là, Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có điều kiện lao động riêng, lối sống riêng, phong tục, tập quán riêng, dẫn đến tâm lý, tính cách con người, quan niệm sống, cách giao tiếp, cách ăn ở khác nhau. Kiến trúc phải tôn trọng và sáng tạo những không gian này. Ví dụ, cái sân, cái hiên với những chậu hoa, dàn cây, lồng chim đích thực là không gian của kiến trúc dân tộc. Người Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng, làng xóm, có câu “Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần”, vì vậy “không gian cộng đồng” chính là không gian Việt – Đó là cái sân đình, hiên nhà trong kiến trúc làng xã. Trong kiến trúc hiện đại, cần nghiên cứu những đặc trưng văn hóa này để ứng dụng cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. – Ba là, trong thế giới ngày nay, khoa học và công nghệ có những bước tiến không tính bằng thế kỷ, mà bằng thập kỷ. Nếu kiến trúc không có tầm nhìn xa, công trình có thể phải cải tạo, sửa chữa chỉ sau vài chục năm, trong khi niên hạn sử dụng của chúng là hàng trăm năm. Chính ở đây, Norman Foster đã nhấn mạnh tính thích ứng của kiến trúc với công nghệ để tạo ra sự bền vững của công trình kiến trúc. Khoa học, công nghệ tạo ra vật liệu mới, khả năng mới, giải pháp mới để khai thác, sử dụng và cải tạo tự nhiên, để thu nhận năng lượng vô hạn của tự nhiên, để biến những phế thải thành hữu dụng. Chính khoa học và công nghệ cũng có góp phần vào những đặc điểm của tính dân tộc trong kiến trúc, góp phần tạo ra phong cách kiến trúc. Đề xuất của chúng tôi là Kiến trúc xanh Việt Nam phải tạo ra “Văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ XXI” với 4 nội dung chủ yếu sau đây: (1) Kiến trúc xanh đáp ứng đòi hỏi của thế giới TK XXI: Phát triển bền vững của Trái đất TK XXI; (2) Thích ứng với khí hậu nhiệt đới ẩm Việt Nam, tạo thành phong cách Kiến trúc nhiệt đới Việt Nam (Vietnam Tropical Architectural Style); (3) Kết hợp với các Giá trị kiến trúc truyền thống của các dân tộc Việt Nam. (4) Áp dụng hợp lý, sáng tạo các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại.

Sau bản “Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam”, ngày 27/4/2011, Hội KTS Việt Nam đang hoàn thiện nghiên cứu để đưa ra các Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam, nhằm định hướng các hoạt động thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị Việt Nam để mang lại lợi ích không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ trái đất chống lại sự suy thoái của Hệ sinh thái và môi trường toàn cầu, đẩy lùi thảm họa Biến đổi khí hậu trái đất, làm cho đất nước ta và thế giới – “cái nôi của nhân loại” – được Phát triền bền vững.

Phạm Đức Nguyên

Tài liệu tham khảo 1- Ed Melet. Sustainable Architecture. Towards a diverse built environment. NAI Publishers.1998. 2- James Steele. Sustainable Architecture. Principles, Paradigms, and Case Studies. McGraw-Hill 1997. 3- Anna Ray – Jones (Edited). Sustainnable Architecture in Japan. The Green Buildings of Nikken Sekkei. 2000. Wiley- Academy. 4- James Wines. L’Architecture verte. Taschen. 2000. 5- Phạm Đức Nguyên_ “Kiến trúc Bền vững : Kiến trúc thế kỷ XXI”- TC Kiến trúc 153- 01-2008. 6- Phạm Đức Nguyên – “Xây dựng văn hóa kiến trúc Việt Nam TK XXI”. Website Kiến trúc Việt Nam 18/02/2009 – TC Người xây dựng – Số 210, Tháng 4-2009. 7 – Phạm Đức Nguyên – “Công trình xanh – Từ làn sóng trở thành cuộc cách mạng” – TC Kiến trúc – 176-12-2009. 8- Phạm Đức Nguyên “Kiến trúc xanh Việt Nam: Tiêu chí đánh giá” – TC Kiến trúc – 200-12-2011. 9- Phạm Đức Nguyên – “Biến đổi khí hậu với thiết kế kiến trúc các công trình có hiệu quả năng lượng. 55 năm VIAP với sự nghiệp kiến trúc và quy hoạch xây dựng” 12.2011.

Từ khóa » Kết Cấu Kiến Trúc Bền Vững