Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối - Chu Giai Kinh Tan Do

CHÚ GIẢI KINH TẬN ĐỘ THIÊN VÂN Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA

CHƯƠNG THỨ BA

KINH CẦU HỒN KHI HẤP HỐI

I.-KINH VĂN:

Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Rắp nhập cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống,

Chốn quê xưa giải mộng trần gian.

Dìu đường thoát tục nắm phan,

Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn.

Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ,

Phép Lục Nương gìn giữ Chơn hồn.

Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

(tên họ kẻ qui vị) thành tâm cầu nguyện,

Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh.

Ăn năn sám hối tội tình,

Xét câu minh thệ gửi mình cõi thăng.

Dầu nghiệt chướng số căn quả báo,

Đừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn.

Cửa Địa ngục, khá lánh chơn,

Ngọc Hư Cực Lạc, đon đường ruổi dong.

Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,

Dầu oan gia tội báo buộc ràng.

Chí Tôn xá tội giải oan,

Thánh, Thần, Tiên, Phật, cứu nàn độ vong.

Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Đẩu,

Kìa im lìm phúc hậu Nam Tào.

Cảnh thăng trổi gót cho mau,

Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh.

NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho chúng sanh để tụng đọc, cầu xin cho người đang cơn hấp hối.

Phàm là con người đều nặng mang nghiệp chướng nên phải chịu sự luân hồi sinh tử, tử sinh, tiếp nối mãi không ngừng, cho đến khi đã đạt được giải thoát, chứng ngộ niết bàn.

Nguyên nhân của luân hồi là do bởi vô minh mà tạo các nghiệp nhân để rồi phải thọ quả. Vì vậy, người tu phải có trí huệ để làm ngọn đèn hay cây đuốc soi sáng cho con người thoát khỏi bóng tối vô minh. Chẳng những con người phải có trí huệ lúc bình sanh mà còn phải có tinh thần sáng suốt trước buổi lâm chung để cầu xin với Chí Tôn và chư Phật, Tiên, bởi vì trong giai đoạn đó gọi là cận tử nghiệp , thân xác đau đớn, tinh thần bấn loạn, thần thức mê man, hoặc thương yêu mạng sống, vợ con, hoặc luyến tiếc tiền bạc, danh vọng...

Bí pháp Cầu Hồn Khi Hấp Hối của Đạo Cao Đài nhằm nhắc nhở, đánh thức tâm thần người sắp lâm chung phải định thần định tánh mà thành tâm cầu nguyện Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng hộ trì cho Chơn linh được nhẹ nhàng siêu thăng thoát hóa. Ngoài ra, theo quyển Thiên Đạo, hai Ngài Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh cho biết như sau: “Người ta chết là khi sợi từ khí cột dính Vật thể và Khí thể bị bứt đi, thế là Khí phách và Thần hồn lìa xác thịt”. Theo hai Ngài, sợi từ khí nhiều khi khó bứt ra, nên khiến cho kẻ hấp hối phải chịu nhiều đau đớn. Cho nên Đạo Cao Đài dùng Kinh Cầu Hồn tụng trong lúc người bệnh sắp tắt hơi là để giúp cho sợi từ khí nhờ sức rung động của những tiếng mầu nhiệm trong câu Kinh mà được bứt ra dễ dàng.

Người tu hành đầy đủ đạo đức thì Khí thể của họ nhẹ nhàng trong sạch, sợi từ ấy được tinh vi, nên khi thoát xác phàm, sợi từ khí bứt ra rất dễ, nên liễu trần một cách êm ái.

III.-CHÚ GIẢI:

Rắp nhập cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống,

Chốn quê xưa giải mộng trần gian.

Rấp: Sắp sửa.

Nhập: Đi vào.

Cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống: Cảnh giới Hằng sống (Sống mãi) nơi cõi Thiêng Liêng của những người đắc Đạo. Đây là chỉ chung các cõi giới vô hình của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Cõi ấy còn được gọi là cõi Vĩnh sanh, hay cõi Vĩnh hằng.

Chốn: Nơi, ở nơi.

Quê xưa: Hay quê cũ, dịch từ chữ Cố hương : Chỉ nơi được sinh ra và lớn lên, hay nơi chôn nhao cắt rốn. Theo nghĩa câu kinh, chốn quê xưa là chỉ cõi Thiêng Liêng, tức là cõi mà các Chơn linh từng ở trước khi xuống đầu kiếp.

Người ta thường bảo: Sống gởi, thác về (quê xưa cảnh cũ) là do bởi câu sinh ký tử qui . Đó là vì người ta cho rằng sự sống của con người nơi cõi trần là tạm bợ, mà quê hương đích thực của con người chính là cõi Thiêng Liêng. Hay nói cách khác, sự sống của thể xác là ngắn ngủi, tạm bợ, còn sự sống của linh hồn mới thực sự là hằng sống, miên viễn nơi cõi Thiêng Liêng.

Thực vậy, theo triết lý của Đạo Cao Đài, con người do ba thể hợp lại tạo nên sự sống nơi thế gian: Thể xác, Chơn thần và Chơn linh. Khi con người ta chết đi ấy là sự tan rã của thể xác, sự sống trường tồn, vĩnh cửu của Chơn thần và Chơn linh. Nhưng sự sống của Chơn thần và Chơn linh phải là cõi nhẹ nhàng, trong sạch, đó là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Giải : Cởi bỏ đi.

Mộng trần gian: Hay trần gian mộng : Giấc mộng trần. Chỉ cuộc sống con người ở trần gian như một giấc mộng.

Triết lý các Tôn giáo đều cho rằng cuộc đời của chúng sanh nơi cõi trần thì phù du, ngắn ngủi, dễ tan biến chẳng khác nào như một giấc chiêm bao. Ngoài ra, trong văn chương, người ta còn ví cuộc đời con người ngắn như một giấc mộng Nam Kha hay giấc mộng Huỳnh lương. Trong bài Kinh Khi Thức Dậy có câu:

Tử sinh, sinh tử là chi,

Gẫm trong giấc mộng cũng bì như nhau.

Giải mộng trần gian: Giải bỏ cuộc sống ở trần gian, tức chỉ sự chết rồi.

Câu 1: Chơn linh sắp sửa đi vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 2: Con người chết đi nơi cõi trần ấy là lúc Chơn linh trở về quê xưa cảnh cũ.

Dìu đường thoát tục nắm phan,

Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn.

Dìu đường: Dẫn dắt đường.

Thoát tục : Thoát khỏi cảnh trần tục. Chỉ sự chết.

Phan : Cây phướn, một cây tựa như lá cờ, bề ngang hẹp, có chiều dài, trong lá phướn có ren lụa thêu rũ xuống.Trong Đạo Cao Đài có nhiều loại phướn như: Phướn Thượng Sanh, phướn Thượng Phẩm, phướn Truy hồn...

Theo đạo Cao Đài, khi một người chết thì Chơn linh phải có cây phướn để dẫn dắt đường đi. Về thể pháp, nếu người chết từ phẩm Lễ sanh trở xuống chức việc, đạo hữu, thì Chơn linh người chết được hướng dẫn bằng cây Phướn Thượng Sanh, nếu người chết từ phẩm Giáo Hữu trở lên thì Chơn linh người chết được dìu dẫn bằng cây Phướn Thượng Phẩm. Về bí pháp, thì nơi Thiêng Liêng mỗi Chơn hồn đều được dẫn dắt bằng phướn Tiếp Dẫn hay phướn Tiêu Diêu.

Trông: Nhìn về.

Kinh Bạch Ngọc: Hay Bạch Ngọc Kinh 白玉京, tòa kinh thành bằng ngọc trắng, nơi ngự của Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Định Thần : Định tỉnh về tinh thần.

Giải căn : Giải bỏ mọi căn nghiệp, tức là giải bỏ hết cái gốc rễ đã gây ra những nghiệp quả.

Câu 3: Khi Chơn linh thoát khỏi cảnh trần tục thì phải do theo cây phướn để dẫn đường.

Câu 4: Chơn linh phải cởi bỏ hết mọi căn nghiệp nơi thế gian, rồi định tỉnh tinh thần mà trông về Bạch Ngọc Kinh.

Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ,

Phép Lục Nương gìn giữ chơn hồn.

Diêu Trì Cung : Diêu Trì hay Dao Trì là một cái ao được làm bằng ngọc dao. Ao Dao Trì nằm nơi cung ngự của Đức Phật Mẫu, nên cung này được gọi là Diêu Trì Cung, và Phật Mẫu được gọi là Diêu Trì Phật Mẫu hay Diêu Trì Kim Mẫu.

Tiên Nữ : Vị nữ Tiên. Đây chỉ một vị nữ Tiên trong Cửu Vị Tiên Nương.

Lục Nương : Vị Tiên Nương đứng hàng thứ sáu trong Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung. Bà thường cầm bửu pháp là cây phướn Tiêu Diêu hay phướn Truy Hồn để gìn giữ và dìu dắt các chơn hồn có căn duyên về cõi Tây Phương. Thi sĩ Huệ Phong có bài thi nói về Lục Nương như sau:

Cô Lục Nương phướn Tiêu Diêu nắm,

Để truy hồn say đắm biển mê.

Cõi Kim Thiên, Khổng tước kề,

Hữu căn tiếp dẫn hồn về Tây Phương.

Câu 5: Nơi Diêu Trì Cung Đức Phật Mẫu sai một vị Tiên nữ.

Câu 6: Đó là Lục Nương Diêu Trì Cung cầm cây phướn Tiêu Diêu để dẫn dắt Chơn hồn người mới chết.

Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

Tây Phương 西: Một cõi Tịnh độ do Đức Phật A Di Đà giáo hóa, đó là Cực Lạc Thế Giới hay An Lạc Quốc.Cõi này nằm ở hướng Tây nên còn gọi là Tây Phương Cực Lạc, Tây Phương Tịnh Độ.

Tiếp Dẫn Đạo Nhơn : Hay Tiếp Dẫn Phật là vị Phật cầm cây phướn Tiếp Dẫn có nhiệm vụ tiếp rước và dẫn dắt các Chơn linh đắc Đạo về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Phướn linh: Cây phướn Tiếp Dẫn linh thiêng.

Lôi Âm : Tức Lôi Âm Tự :Chùa Lôi Âm, là một ngôi chùa ở tại Cực Lạc Thế Giới nơi cõi Thiêng Liêng.

Trong “Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống”, Đức Hộ Pháp có nói về Lôi Âm Tự như sau: “Đêm nay Bần đạo rủ cả thảy vô Lôi Âm Tự, cũng như Bần đạo đã đến trình diện với Đức Di Đà.

Bởi Đức Di Đà đã giao quyền lại cho Đức Di Lặc, giao quyền chưởng quản Càn Khôn Vũ Trụ, Đức Di Lặc ngồi ngự nơi Kim Tự Tháp, còn Đức Di Đà vào ngự nơi Lôi Âm Tự”.

Câu 7: Nơi cõi Tây Phương Cực Lạc có vị Phật là Đức Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

Câu 8: Tay cầm phướn Tiếp Dẫn là một cây phướn linh thiêng để đi khai mở con đường dẫn đến Lôi Âm Tự.

(tên họ kẻ hấp hối)thành tâm cầu nguyện,

Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh.

Ớ...: Một từ đứng trước tên họ của người để kêu gọi. Ở đây dùng để gọi người đang hấp hối.

Kêu tên họ của người đang hấp hối nhằm đánh thức sự mê loạn tâm thần do đau đớn thân xác, nghiệp quả oan khiên tạo nên.

Ngoài ra, kêu tên họ cũng để nhắc nhở cho người ở trong cận tử nghiệp có lòng hướng về Chí Tôn và Đạo pháp.

Thành tâm: Lòng thành thật, thật tâm.

Cầu nguyện : Cầu xin, nguyện vái.

Thế thường, người đời hay quan niệm sự cầu nguyện là được đáp ứng những ước muốn mà mình van vái, khi hữu sự hay trong hoàn cảnh hoạn nạn. Sự cầu nguyện này, có ứng đắc hay không còn tùy sự mong cầu có đức tin, lòng bác ái hay lòng chân thành hay không.

Nếu một người trong tình trạng hấp hối thì sự cầu nguyện phải có đức tin vững chắc, thành tâm và tinh tấn. Bởi vì khi một người sắp chết, thần thức bị mê loạn, tinh thần hoảng hốt, ham tiếc mạng sống, danh vọng, tiền bạc...Ngoài ra còn bị ma vương, oan gia trái chủ vây quanh đòi nợ, hoặc thân xác đau đớn làm cho tâm thần không sáng suốt mà giữ chánh niệm.

Vì thế, ý nghĩa câu kinh là nhằm nhắc nhở người đang hấp hối không nên quyến luyến dương trần, mà phải định tỉnh tâm thần và thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn để được thực hiện chơn truyền tận độ của nền Đại Đạo trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Để việc độ hồn được cảm ứng với các Đấng Thiêng liêng hầu truyền giúp cho Chơn linh giảm bớt nặng nề ô trược mà nhẹ nhàng siêu thoát, thì những người cầu rỗi buộc phải thành tâm và tinh tấn.

Linh hiển: Hay hiển linh là linh thiêng mà hiển hiện ra.

Độ sanh : Hay độ sinh là cứu giúp cho một con người thoát khỏi biển khổ trầm luân nơi cõi Tà Bà Thế Giới để được hằng sống nơi cõi Thiêng Liêng.

Câu 9: Kêu gọi tên họ của người sắp chết nhằm nhắc nhở Chơn hồn hãy thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn.

Câu 10: Cầu xin Chí Tôn linh hiển mà cúu độ cho thoát khỏi bể khổ để được hằng sống nơi cõi Thiêng Liêng.

Ăn năn sám hối tội tình,

Xét câu minh thệ gửi mình cõi thăng.

Ăn năn: Lòng cảm thấy xót xa hối hận về những lỗi lầm của mình đã gây ra.

Sám hối : Biết tội lỗi của mình và thật tâm muốn sửa đổi.

Tội tình : Tội lỗi đã gây ra.

Thế gian là nơi chứa nhiều tội lỗi, bởi con người bị vô minh che mờ chân tánh, và bị thất tình, lục dục sai khiến làm những hành vi hung ác, mà gây ra nhiều tội lỗi.

Con người tuy có tội lỗi, nhưng biết sám hối ăn năn thì có thể tha thứ được.

Điều tốt hơn hết là trong phút lâm chung, người đang hấp hối, bị đau đớn, mê loạn, giựt giành từng tấc hơi, sự sống, mà vẫn có lòng thành khẩn sám hối ăn năn những tội lỗi của mình đã gây ra trong kiếp sanh và còn biết thành tâm cầu nguyện Trời Phật tha thứ tội tình, ấy là người có duyên phần, ắt được Chí Tôn xá tội và độ rỗi cho.

Minh thệ : Lời thề nguyền trước Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng phải thực hiện.

Bất cứ người nào xin nhập môn vào đạo Cao Đài đều phải lập lời minh thệ trước Thiên bàn hay Điện tiền Chí Tôn, có sự chứng kiến của vị Chánh Trị Sự hay Chức sắc sở tại để buộc người nhập môn phải thủ tín, tức là một lòng một dạ giữ gìn và thờ phượng nền chánh đạo, chẳng dám làm điều gì sái lời thệ nguyện hầu kềm thúc tâm phàm tánh tục của mình cho đến phút lâm chung.

Việc minh thệ rất quan trọng. Về mặt hữu hình, nó thúc đẩy người cầu Đạo phải nhất tâm mà gìn giữ luật lệ của Đạo và quyết chí tu hành; Về mặt thiêng liêng, các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật mới nhìn nhận người minh thệ là môn đệ của Đức Chí Tôn, nên mới hộ trì trên bước đường tu niệm. Thánh giáo Thầy có cho biết như sau: “Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập minh thệ, nên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận”.

Lời minh thệ gồm 36 chữ, do Đức Chí Tôn đã dạy vào ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1926 như sau: Tôi tên ............tuổi ............“Thề rằng: Từ đây biết một đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

Do có lời minh thệ, nên suốt kiếp sanh của người nhập môn lúc nào cũng phải giữ tròn Tân luật, Pháp chánh truyền, Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui…của Đạo và trọn lòng với Chí Tôn, Phật Mẫu.

Vì vậy, vào phút đang hấp hối, người môn đệ của Đức Cao Đài phải định tỉnh tâm thần mà suy xét những hành vi lúc đương sanh xem có phạm vào lời minh thệ không. Nếu có thì phải sám hối, ăn năn sửa lỗi, nếu vẹn bề một môn đệ của Đức Chí Tôn thì phải thành khẩn cầu xin để được siêu thăng thoát hóa.

Câu 11: Chơn hồn sắp lìa khỏi xác phải biết ăn năn, sám hối những tội tình trong lúc sanh tiền.

Câu 12: Nhất là tự xét mình xem có làm đúng lời minh thệ khi mới nhập môn vào Đạo. Nếu giữ vẹn lời minh thệ, làm tròn một môn đệ Chí Tôn thì sẽ được siêu thăng.

Dầu nghiệt chướng số căn quả báo,

Đừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn.

Nghiệt: Cái mầm của việc làm ác.

Chướng : Sự ngăn trở, sự trở ngại.

Nghiệt chướng : Sự trở ngại hay ngăn trở do các mầm ác gây ra.

Những hành vi hung ác trong kiếp trước do mình làm ra sẽ tạo nên nghiệp quả mà kiếp này phải thọ nhận. Ác nghiệp đó gây nhiều trở ngại trong kiếp sống hiện tại của chúng ta, nên được gọi là chướng. Như bệnh chướng, tai chướng, phiền não chướng...

Số căn : Cái số phận do căn nghiệp tạo ra.

Căn là gốc rễ, do gốc rễ đó mà kiếp sống hiện tại của con người phải thọ lãnh cái nghiệp, nếu kiếp trước làm những điều thiện, thì tạo căn lành cho kiếp sống hiện tại, nếu kiếp này làm những việc ác, thì tạo ác căn cho kiếp lai sinh. Như vậy căn hay gốc rễ sẽ tạo thành cái nghiệp cho con người , nên gọi là căn nghiệp hay căn quả.

Căn nghiệp hay căn quả đó mới định ra số phận của con người nên được gọi là số căn.

Quả báo : Cái kết quả được báo đáp do những hành vi thiện ác của thuở trước. Người làm lành thì được báo cho điều phước đức, kẻ làm ác thì bị báo cho điều tai họa: Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phước, vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa , , , .

Hãi kinh : Hay kinh hãi là sợ sệt, sợ hãi.

Cầu đảo : Cúng tế để cầu xin.

Câu13: Dầu cho số phận bị căn nghiệp gây thành quả báo đến mình đi nữa.

Câu14: Cũng đừng có kinh sợ mà phải cầu khẩn Đức Chí Tôn.

Khi người ta phạm tội thường hay bày lễ để cầu đảo. Tương truyền, Đức Khổng Tử bị đau nặng, học trò là Tử Lộ xin Thầy bày lễ cầu nguyện để mau được khỏi bệnh. Ngài nói rằng: Khâu chi đảo cửu hỹ , nghĩa là Khâu này cầu nguyện đã lâu rồi. Ý Ngài muốn nói chung thân Ngài làm điều nhơn nghĩa, như vậy lúc nào Ngài cũng cầu xin rồi vậy. Theo Ngài, nếu ai bất nhân bất nghĩa, làm điều trái đạo, mắc tội với Trời, dù có cầu xin cũng không ích gì: Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã , : Phải tội với Trời còn cầu xin vào đâu được.

Nhưng ở đây, một người làm lỗi đến phút cuối cùng (lúc hấp hối) mới ăn năn, sám hối và cầu đảo thì Đức Chí Tôn có tha thứ tội tình mà cứu độ cho hay không? Theo ý nghĩa những câu kinh, thì thật là may duyên cho chúng sanh gặp được Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn khai nền Đại Đạo, mở ra một thời kỳ Đại khai Ân Xá cho vạn linh và đóng Địa ngục mở từng Thiên, là để các Chơn linh có tội lỗi, nếu biết tu sửa, ăn năn sám hối thì được Chí Tôn tha thứ tội tình mà trở về ngôi cũ, còn các tội hồn không chịu cải quá thì phải ở lại cõi Âm Quang chờ ngày học đạo để được siêu thăng thoát hóa. Chính Thánh giáo Bát Nương Diêu Trì Cung có dạy như sau: “Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng lánh xa cửa Âm quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của Chơn hồn cầu rỗi”.

Nói như vậy, chỉ cần phút lâm chung cầu nguyện Đức Chí Tôn là xong. Cần gì lúc sanh tiền lo bồi công lập đức, hay tưởng Trời niệm Phật!

Chúng ta cần phải nghĩ một điều: Có được một lời cầu nguyện lúc lâm chung toàn là nhờ lúc bình thường chí tâm tưởng niệm Chí Tôn để tạo duyên phần cho phút cuối. Nếu không, bệnh tật hôn mê, đau đớn bức bách làm cho tâm thần mê loạn. Lại thêm vợ gào con khóc, anh em thương tiếc, chẳng thể dứt được nghĩa tình, hoặc bị nghiệp lực lôi kéo, nhiễu loạn khiến cho thần trí hôn mê. Lúc bấy giờ muốn ăn năn tự hối, hướng niệm Chí Tôn cũng không xong.

Vì vậy, lúc bình thời chúng ta tu trì, tạo phước chính là dự bị cho lúc lâm chung để mang theo làm hành trang thiện quả trong phút trở về quê xưa vị cũ.

Cửa Địa ngục, khá lánh chơn,

Ngọc Hư Cực Lạc, đon đường ruổi dong.

Địa ngục : Nơi giam cầm các tội hồn.

Lánh chơn: Bước chơn lánh đi nơi khác.

Ngọc Hư: Ngọc Hư cung là nơi cung ngự của Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đây chỉ nơi cõi Thiêng Liêng.

Cực lạc : Còn gọi là Tây Phương Cực Lạc, Cực Lạc Thế Giới, Tây Phương Tịnh Độ hay An Lạc Quốc là một cõi Tịnh độ do Đức Phật A Di Đà giáo hóa. Theo Phật, Cực Lạc là nơi hoàn toàn trong sạch, đẹp đẽ, an vui và hạnh phúc, không có phiền não, ô uế, thọ mạng dài lâu...Đây cũng chỉ nơi cõi Thiêng Liêng.

Đon đường: Tìm đường, dò đường.

Ruổi dong: Một mạch thẳng tới.

Câu 15: Câu Kinh nhắc nhở Chơn hồn nên xa lánh nơi cửa Địa ngục,

Câu 16: Mà nên tìm đường đi thẳng một mạch đến Ngọc Hư Cung và cõi Cực Lạc Thế Giới.

Kinh nhằm nhắc nhở linh hồn người chết xa lánh cõi Phong đô, mà tìm đường về cõi Thiêng Liêng. Chơn hồn có thực hiện được hay không là do duyên phần mà cả kiếp sanh người ấy đã tạo ra hoặc thiện hoặc ác, để mang theo làm hành trang nghiệp quả trong phút trở về quê xưa vị cũ.

Như vậy, thăng hay đọa là do kết quả của cả kiếp người lúc sanh tiền tạo ra, còn sự trợ giúp của các Đấng Thiêng Liêng, lời kinh tiếng kệ của người thành tâm cầu nguyện chỉ là một phần nào trợ giúp cho vong linh nhẹ nhàng siêu thoát mà thôi.

Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,

Dầu oan gia tội báo buộc ràng.

Dầu trọn kiếp: Dầu cho trọn một kiếp người.

Sống không nên đạo: Sống mà không làm nên người đạo đức, tức là không giữ trọn được nhơn luân đạo đức, không lợi ích cho nhơn quần xã hội, không trọn người tu hành.

Oan gia : Người có mối thù hận với mình.

Tội báo : Quả báo do tội lỗi gây ra lúc trước. Đây là kết quả việc làm ác đức của mình.

Buộc ràng: Hay ràng buộc là trói buộc lại.

Tội báo buộc ràng: Kết quả của những hành vi tội lỗi báo đáp cho người gây ra như những sợi dây ràng buộc, dấp dính theo mình không gở ra được.

Câu 17: Dầu cho lúc còn sống không trọn vẹn người đạo đức, không giữ tròn nhơn luân, không vẹn đạo tu hành.

Câu 18: Dầu cho oan gia hay quả báo do tội lỗi gây ra lúc trước đeo theo ràng buộc.

Chí Tôn xá tội giải oan,

Thánh, Thần, Tiên, Phật, cứu nàn độ vong.

Xá tội: Tha thứ tội lỗi.

Thế gian là nơi chứa nhiều tội lỗi. Bởi vô minh, con người mới tạo ra tội ác, tội ác tạo thành nghiệp quả, nghiệp quả đó lại tạo nên những chướng ngại, gọi là nghiệp chướng. Nghiệp chướng mới che mờ chân tâm bản tánh của con người chúng ta.

Do vậy, người tu hành, trước hết phải biết sám hối ăn năn tội lỗi, lo lập công bồi đức để được xá tội hiện tại và tội tiền khiên.

Giải oan : Cởi bỏ hết các mối oan nghiệt.

Cứu nàn: Cứu giúp khỏi tai nạn.

Độ vong : Cứu độ vong hồn người chết.

Câu 19: Cầu xin Đức Chí Tôn xá hết những tội lỗi và cởi bỏ hết các mối oan nghiệt.

Câu 20: Và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật cứu giúp các tai nạn và tế độ vong hồn cho được siêu thoát.

Đức Chí Tôn là Đấng Đại Từ Đại Bi có lòng thương xót tất cả chúng sanh, nhất là những chúng sanh có nhiều tội lỗi. Thánh giáo Thầy có dạy: “Buổi lập Thánh đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không có tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy.

Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui hơn hết”.

Lại nữa, trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, chính mình Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút mà khai nền Đại Đạo và Đại Ân Xá cho chúng sanh, nhất là ban cho các bí tích như: Giải oan, làm phép xác, cắt dây oan nghiệt...để các Chơn linh được nhẹ nhàng, trong sạch mà siêu thăng thoát hóa.

Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Đẩu,

Kìa im đìm phúc hậu Nam Tào.

Chiếu diệu 耀: Chiếu sáng rực rỡ.

Bóng hồng: Ánh sáng màu hồng.

Bắc Đẩu : Là một ngôi sao sáng nằm ở phương bắc. Sao Bắc Đẩu là một định tinh nằm trong bảy vì sao, gọi là Thất tinh .

Nam Tào : Là một ngôi sao ở phương nam, còn gọi là Nam Cực tinh .

Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vì sao nằm trên trục Nam Bắc của Địa Cầu. Khi Địa Cầu tự quay hay quay xung quanh mặt trời, hai vì sao này vẫn luôn luôn nằm theo hai hướng Nam Bắc của Địa Cầu.

Tương truyền, Nam Tào Bắc Đẩu là hai vị Tiên nắm bộ sanh và bộ tử của nhơn loại.

Nam Tào còn gọi là Nam Cực Tiên Ông coi về bộ sanh. Trong Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần có câu:

Rủi Thiên số Nam Tào đã định,

Giải căn sinh xa lánh trần ai.

Bắc Đẩu Tiên Ông coi về bộ Tử.

Theo Đức Hộ Pháp, nơi Cung Nam Tào Bắc Đẩu “có một quyển sách Thiên Thơ để trước mặt ta, dở ra xem thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì thì trong quyển Thiên Thơ ấy nó hiện tượng ra hết; chúng ta tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là đoạt đến địa vị nào, mình đứng đến mức nào, thì cũng do mình định đoạt lấy.

Vị chưởng quản nơi cung ấy theo tiếng phàm của chúng ta đặt tên là NAM TÀO BẮC ĐẨU”.

Im đìm: Im lặng.

Phúc hậu : Phước đức dày dặn.

Câu 21: Kìa Bắc Đẩu Tinh quân chiếu ánh sáng màu hồng rực

rỡ.

Câu 22: Kìa ngôi Nam Cực tinh quân yên lặng và phúc hậu.

Cảnh thăng trổi gót cho mau,

Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh.

Cảnh thăng: Hay Thăng cảnh : Cảnh của các Chơn linh được siêu thăng đến ở. Theo Cao Đài, đây là cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.

Trổi gót: Cất bước đi.

Tục lự : Tục là cõi trần tục, lự là sự lo lắng . Tục lự là những nỗi lo lắng, sợ sệt của kiếp sống con người ở cõi trần tục này.

Chầu: Hay triều : Hầu vua để chờ mệnh lệnh.

Chí Linh : Rất linh thiêng. Đây là Thánh hiệu Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Câu 23: Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống kia hãy cất bước lên cho mau.

Câu 24: Hầu xa lánh nơi cõi trần tục đầy sự lo âu này, đặng vào chầu Đức Chí Tôn.

Trần tục là cõi chứa nhiều phiền não, nên chúng sanh ở đây tâm thường bị tăm tối, lo lắng, ray rứt, bất an...

Tại sao cõi này chứa nhiều phiền não? Bởi vì chúng sanh bị năm động lực sau đây sai khiến, nên thân tâm lúc nào cũng âu lo, tính toán, sợ sệt...

Tham: Lòng ham muốn của con người vô tận, nên tâm bao giờ cũng lo tính, tìm đủ mọi cách để thỏa mãn dục vọng của mình.

Sân: Gặp cảnh trái ý liền giận dữ, lòng lúc nào cũng hờn giận nổi nóng.

Si: Tâm bị mê hoặc, không tỉnh táo để nhận định gọi là si.

Mạn: Kiêu căng, ngạo mạn, cậy mình tài trí có lòng khinh khi miệt thị người khác gọi là mạn.

Nghi: Đối với mọi việc, thường sanh lòng ngờ vực, chẳng thể nào phán đoán dứt khoát, gọi là nghi.

Do năm yếu tố trên làm cho con người sống ở thế gian phiền não, nên lúc nào cũng bất an, sợ sệt, lo tính...Vì vậy, thế gian còn được gọi là cõi tục lự.

Tiếp theo >

Top of Page

HOME

Từ khóa » Bài Kinh Cầu Siêu đạo Cao đài