Đời Ðường, Tây Thiên Trúc, SaMôn Già Phạm Ðạt Ma dịch Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật tại Phật Giáo Giảng Đường, San Francisco, Hoa Kỳ, năm 1969
(tiếp theo)
“TỤNG TRÌ THỬ ĐÀ LA NI GIẢ, KHẨU TRUNG SỞ XUẤT NGÔN ÂM, NHƯỢC THIỆN NHƯỢC ÁC, NHẤT THIẾT THIÊN MA, NGOẠI ĐẠO, THIÊN LONG QUỶ THẦN VĂN GIẢ, GIAI THỊ THANH TỊNH PHÁP ÂM, GIAI Ư KỲ NHÂN KHỞI CUNG KÍNH TÂM, TÔN TRỌNG NHƯ PHẬT.”
“Người trì tụng Đà La Ni này, khi miệng thốt ra lời nói gì, hoặc thiện hoặc ác, thì tất cả thiên ma, ngoại đạo, thiên long, quỷ, thần, đều nghe thành tiếng Pháp âm thanh tịnh, đối với người đó khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.”
[Quán Thế Âm Bồ-tát lại bảo Đại Phạm Thiên Vương:] “Người trì tụng Đà La Ni này…” Nếu quý vị chỉ nhớ Chú Đại Bi, học Chú Đại Bi một cách đơn thuần mà thôi chứ không tụng cũng không trì thì chẳng có tác dụng gì cả! Quý vị cần phải trì tụng! “Tụng” tức là lìa khỏi sách vở, không nhìn vào sách vở mà đọc tụng; còn “trì” nghĩa là kiên trì, đều đặn, không gián đoạn. “Trì tụng Đà La Ni” tức là mỗi ngày đều tụng niệm—chẳng phải là hôm nay tụng niệm, rồi ngày mai thì không tụng niệm, đến ngày mốt lại tụng niệm tiếp... Quý vị hôm nay tụng 108 biến, thì ngày mai cũng phải tụng 108 biến, ngày mốt cũng phải tụng 108 biến—ngày ngày phải liên tục, đều đặn, tinh tấn tụng niệm, không hề ngưng nghỉ—như thế mới gọi là “trì tụng”; nếu gián đoạn thì chẳng phải nghĩa “trì tụng” vậy!
Có người nói rằng: “Tôi thuộc rồi, tôi thuộc nằm lòng Chú Đại Bi rồi, cần gì phải tụng niệm nữa!” Song le, như thế thì không có công dụng gì cả! Quý vị cần phải “triêu ư tư, tịch ư tư,” nghĩa là buổi sáng thì tu hành như thế, buổi tối cũng tu hành như thế, không hề gián đoạn, chẳng có mảy may lười biếng, trễ nải—đó mới đích thực là “tụng trì Đà La Ni” vậy! Đà La Ni này chính là “tổng trì Đại Bi Chú.” “Tổng trì” có nghĩa là “tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa”; và cũng có nghĩa là tổng trì ba nghiệp thân, khẩu, ý, không sai phạm. Quý vị nếu thân không gây tạo sát, đạo, dâm; tâm không sanh khởi tham, sân, si; miệng không nói lời hung ác, dối trá, thêu dệt, đâm thọc, như vậy gọi là “tam nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh,” và mới đúng là một hành giả chân chánh trì tụng Đà La Ni. Nếu quý vị thường xuyên tụng niệm Chú Đại Bi, “khi miệng thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác…” Người trì niệm Chú Đại Bi thì vốn đã không nên có những lời lẽ độc ác, bất thiện rồi, song cũng có đôi khi do vô tình mà trót phạm phải tội ác khẩu, “thì tất cả thiên ma, ngoại đạo, thiên long, quỷ, thần đều nghe thành tiếng Pháp âm thanh tịnh.” Nói như thế không có nghĩa là: “A! Tôi cứ tha hồ mắng chửi người khác, bởi những lời ác độc, nguyền rủa, cũng là ‘thanh tịnh Pháp âm’ kia mà!” Không phải như thế! Nếu vô hình trung quý vị ngẫu nhiên gây tạo nghiệp ác khẩu, thì ngay lúc bấy giờ, đối với những người khác, đương nhiên đó vẫn là lời nói hiểm ác; nếu như người nào nghe mà không biết đó là lời nói hiểm ác, thì người ấy đích thị là một kẻ chẳng biết phân biệt thiện ác vậy!
Ở đây là nói đến các thiên nhân, thiên ma, hàng ngoại đạo, chúng rồng ở cõi trời, hoặc các quỷ thần, mặc dù họ có thể có Ngũ Thông, nhưng thần lực bất khả tư nghì của Chú Đại Bi sẽ khiến cho nhĩ căn của họ bị gián đoạn; cho nên âm thanh mà họ nghe thấy toàn là “Pháp âm thanh tịnh,” đối với họ đều là lời thuyết Pháp.
“Đối với người đó khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.” Ngày ngày họ đối với người tụng Chú này đều nhất mực cung kính và trân trọng lễ bái. Họ tôn trọng người tụng Chú Đại Bi này như tôn trọng mười phương chư Phật đời quá khứ vậy!
“TỤNG TRÌ THỬ ĐÀ LA NI GIẢ, ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN TỨC THỊ PHẬT THÂN TẠNG, CỬU THẬP CỬU ỨC HẰNG HÀ SA CHƯ PHẬT SỞ ÁI TÍCH CỐ.”
“Người nào trì tụng Đà La Ni này, nên biết người ấy chính là tạng Phật thân, vì chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý.”
“Người nào trì tụng Đà La Ni này, nên biết người ấy chính là tạng Phật thân.” Mọi người nên biết rằng người này, kẻ có thể trì tụng Chú Đại Bi, chính là “Phật thân tạng,” có nghĩa là nhất định sẽ thị hiện thân Phật. Vì sao vậy? Đó là nhờ sức gia trì của Tam-muội. Tuy rằng người trì tụng này chưa thành Phật, song người ấy cũng có thể khiến cho chân tướng của mình được sáng chói như thân của Phật vậy—đây chính là sức mạnh do sự gia trì Chú Đại Bi, là sự trợ lực từ công đức tụng trì Chú Đại Bi! Thế nhưng, trì tụng Chú Đại Bi thì quý vị cần phải theo quy cũ, khuôn phép; không được nói rằng: “Tôi là Phật thân tạng,” rồi có thể tùy tiện, buông lung.
Vì sao người ấy là “Phật thân tạng”? ”Vì chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý.” Chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đời quá khứ đều đã phát nguyện rằng: “Ta sẽ gia hộ cho người trì tụng thần chú Đại Bi Đà La Ni này như hộ trì mười phương chư Phật vậy.”
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN TỨC THỊ QUANG MINH TẠNG, NHẤT THIẾT NHƯ LAI QUANG MINH CHIẾU CỐ.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Quang Minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Quang Minh.” Quý vị tụng Thần Chú Đại Bi thì sẽ hiển xuất vô số ánh sáng, vì sao? “Vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình.” Bởi vì tất cả đức Phật trong mười phương đều phóng hào quang chiếu dọi đến thân của quý vị.
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ TỪ BI TẠNG, HẰNG DĨ ĐÀ LA NI CỨU CHÚNG SANH CỐ.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Từ Bi, vì thường dùng Đà La Ni cứu độ chúng sanh.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Từ Bi.” Người có thể tụng trì Chú Đại Bi là người có lòng đại từ đại bi, vì sao? “Vì thường dùng Đà La Ni cứu độ chúng sanh.” Bởi vì người đó thường dùng Đà La Ni để cứu hộ hết thảy chúng sanh, khiến tất cả chúng sanh đều được ly khổ đắc lạc, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, tội diệt phước sanh.
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ DIỆU PHÁP TẠNG, PHỔ NHIẾP NHẤT THIẾT CHƯ ĐÀ LA NI MÔN CỐ.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Pháp, vì thâu nhiếp tất cả các môn Đà La Ni.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Pháp.” Quý vị phải biết rằng người trì tụng Chú Đại Bi chính là “nơi” tụ hội các diệu pháp; vì sao? “Vì thâu nhiếp tất cả các môn Đà La Ni.”
Thần chú Đại Bi Đà La Ni có công năng thâu nhiếp tất cả các môn Đà La Ni. Sự thâu nhiếp này cũng giống như nam châm hút sắt vậy, có thể nhiếp trì, thu hút tất cả các môn Đà La Ni về một chỗ. Cho nên, quý vị trì tụng Chú Đại Bi tức là đem tất cả diệu pháp thâu nhiếp về một chỗ với nhau vậy.
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ THIỀN ĐỊNH TẠNG, BÁCH THIÊN TAM MUỘI GIAI HIỆN TIỀN CỐ.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Thiền Định, vì trăm, ngàn Tam-muội thảy đều hiện tiền.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Thiền Định.” Người có thể trì tụng thần chú Đại Bi chính là tạng Thiền Định. Vì sao người ấy được gọi là Thiền Định tạng? “Vì trăm, ngàn Tam-muội thảy đều hiện tiền, cả trăm, ngàn Tam-muội đều có thể thường xuyên hiện ra.”
“Trăm, ngàn Tam-muội thảy đều hiện tiền” không có nghĩa là cả trăm, ngàn Tam-muội đồng thời hiện ra, cũng không phải là không đồng thời hiện ra. Đó chính là một thứ cảnh giới vi diệu bất khả tư nghị, không diễn tả bằng lời nói được! “Tam-muội” chính là định lực; cả trăm, ngàn môn Tam-muội khác nhau đều có thể xuất hiện cùng một lúc.
Thế thì, nói “không đồng thời hiện ra” là thế nào? Bởi vì nếu quý vị hiển xuất một Tam-muội, nếu chỉ thành tựu được một loại Tam-muội mà thôi, thì đây không phải là “đồng thời hiện ra.” Tuy nhiên, có đôi khi, quý vị hiển xuất một loại Tam-muội mà có thể bao gồm được tất cả các Tam-muội khác, thì đó gọi là “đồng thời hiện ra” vậy.
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ HƯ KHÔNG TẠNG, THƯỜNG DĨ KHÔNG HUỆ QUÁN CHÚNG SANH CỐ.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Hư Không, vì thường dùng Không Huệ quán sát chúng sanh.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Hư Không.” Quý vị phải biết rằng người trì tụng Chú Đại Bi này cũng giống như tạng Hư Không vậy, “vì thường dùng Không Huệ quán sát chúng sanh.” Người này luôn luôn dùng trí huệ rộng lớn như hư không để quán sát nhân duyên của chúng sanh.
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ VÔ ÚY TẠNG, LONG THIÊN THIỆN THẦN THƯỜNG HỘ TRÌ CỐ.
“Nên biết người ấy chính là tạng Vô Úy, vì Thiên, Long, thiện thần thường theo hộ trì.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Vô Úy.” Quý vị nên biết rằng người này--người trì niệm Chú Đại Bi—không còn lo âu sợ hãi, “vì Thiên, Long, thiện thần thường theo hộ trì.” Thiên Long Bát Bộ và tất cả thiện thần luôn luôn gia hộ cho người này.
“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ DIỆU NGỮ TẠNG, KHẨU TRUNG ĐÀ LA NI ÂM VÔ ĐOẠN TUYỆT CỐ.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Ngữ, vì tiếng Đà La Ni trong miệng tuôn ra không dứt.”
“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Ngữ.” Quý vị nên biết người luôn luôn trì tụng Chú Đại Bi, ngày đêm không gián đoạn, chính là Diệu Ngữ Tạng. Những lời người này trì tụng đều là thứ ngôn ngữ bất khả tư nghì, “vì tiếng Đà La Ni trong miệng tuôn ra không dứt.” Người này lúc nào cũng niệm Chú Đại Bi Đà La Ni. “Không dứt” tức là luôn luôn, thường xuyên trì niệm.
Trong quá khứ, tôi đã từng gặp rất nhiều vị Tỳ Kheo như thế—ngày đêm tinh tấn trì Chú Đại Bi, không nghĩ ngợi chuyện gì khác, họ chuyên cần trì niệm đến nỗi tất cả mọi vọng tưởng đều không còn.
(còn tiếp)
Chú thích:
Tam-muội Môn: Là sự khác biệt giữa nhiều thứ Tam-muội nên gọi là “môn”. Tam-muội mà Bồ-tát chứng được là nhập vào cửa Phật sẵn có vô lượng Tam-muội nên gọi là “môn”.