Kinh Đại Nhật – Tỳ Lô Giá Na | Quán Đại Sĩ Tấn

Phần Giới Thiệu :

Kinh Đại Nhật có tên Phạn là Mahà vairocanàbhisambodhi vikurvitàdhisthana vaipulya sùtrendra vàja nàma dharma paryàya . Trong đó : 

Mahà : Đại, to lớn

Vairocana :Biến chiếu, soi chiếu khắp cả nên được ví như mặt trời (Nhật)

 

Abhisambodhi : Thành Chính Giác, thành Phật

Vikurvita : Thần lực, thần biến 

Adhistana : Gia trì

Vaipulya :Quảng bác, rộng rãi

Sùtra :Sợi chỉ, kinh

Indra :Trới Đế Thích

Vàja : Sức mạnh , khí lực, cường tráng, năng lực, nghị lực, tâm hồn, tinh thần, ma quỷ, mau lẹ, thành đạt, phát đạt, sức khỏe, giàu có, nhóm, phe cánh

Nàma : Danh, tên gọi

Dharma : Pháp, sự an định sâu xa nhất của một vật thể tức là cái duy trì được tự tính của nó khiến cho người ta nhận ra được nó là cái gì.

Paryàya : Xoay tròn, làm cho tròn trịa, viên mãn

Do đó tên đầy đủ của Kinh Đại Nhật có thể dịch là: Đại Biến Chiếu Thành Phật Thần Biến Gia Trì Quảng Bác Kinh Đế Thích Năng Danh Pháp Viên Mãn.

Bản của Phật Quang Sơn ghi nhận tên Phạn của Kinh này là : Mahà vairocanàbhisambodhi vikurvitàdhisthana vaipulya sùtraindra ràja nàma dharma paryàya (Đại Biến Chiếu Thành Phật Thần Biến Gia Trì Quảng Bác Kinh Đế Thích Vương Danh Pháp Viên Mãn) hoặc Mahà-vairocana-visambodhi-vikrinita-dhista-sùtram-indra-ràja (Đại Biến Chiếu Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Đế Thích Vương)

Khi dịch ra Hoa Văn thì các vị Đạo Sư thường dịch tên Kinh này là: Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh, Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh, Đại Tỳ Lô Giá Na Kinh và thường gọi tắt là Kinh Đại Nhật (Mahà-vairocana-sùtra)

_ Theo Huyền Thoại thì Kinh Đại Nhật có 2 nguồn gốc:

1_Ngài Long Thọ (Nàgàrjuna) tìm được Kinh Bản này trong cái tháp sắt ở Nam An , sau đó mới lưu truyền cho đời. Huyền thoại này được hệ Đông Mật ở Nhật Bản công nhận.

2_ Giáo Pháp bí mật được bảo tồn trong hang đá trên đỉnh núi cao ở phía Bắc kinh thành của xứ Bột Lỗ La (Bắc An Độ). Một ngày nọ hàng ngàn con khỉ đem Kinh Điển ra ngoài phơi thì có ngọn gió lớn cuốn bay một quyển Kinh chữ Phạn. Một ông tiều phu nhặt được Kinh Bản này và đem dâng cho vị vua xứ ấy. Ngay chiều hôm đó, một con khỉ lớn đến gặp nhà vua đòi Kinh. Nhà vua thuyết phục con khỉ cho phép sao chép Kinh Bản trong 3 ngày rồi trả lại Kinh Bản gốc. Sau đó nhà vua giao Kinh Bản đã sao chép cho Đông Cung Thái Tử gìn giữ. Một thời gian sau, nhà vua gặp được một tu sĩ Du Già có phẩm cách lạ thường nên mới tặng Kinh Bản này cho vị tu sĩ ấy. Huyền thoại này được hệ Thai Mật ở Nhật Bản công nhận.

_ Theo truyền thuyết thì Kinh Đại Nhật có 3 nguồn gốc:

1_ Bản Pháp Nhĩ thường hằng (Pháp Nhĩ Thường Hằng Bản): Dùng Tâm Vương, Tâm Số, chư Tôn mỗi một vị diễn nói sự nội chứng của chính mình

2_ Bản rộng lớn được lưu truyền( Phần Lưu Quảng Bản): Bồ Tát Long Thọ (Nàgàrjuna) vào cái tháp sắt ở Nam Thiên Trúc được Ngài Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva) trao cho Kinh Bản này gồm có 10 vạn bài Tụng.

3_ Bản tóm lược được lưu hành (Phần Sớ Lược Bản): Tức Kinh Đại Nhật (7 quyển) đang được lưu hành, là Kinh Bản có hơn 3 ngàn bài Tụng tức là phần rất tinh yếu của 10 vạn bài Tụng.

_ Theo truyền thống Hoa Văn thì Bản Phạn của Kinh Đại Nhật (6 quyển) đã được vị tu sĩ Trung Hoa là Vô Hành thu thập tại An Độ. Sau khi Ngài mất tại Bắc An (năm 674) thì Kinh Bản này được thu thập và gìn giữ tại chùa Hoa Nghiêm ở Trường An. Đến Niên hiệu Khai Nguyên, năm thứ 12 (Năm 724) , Tam Tạng Thiện Vô Úy (‘Subhakara simha) cùng với Thiền Sư Nhất Hạnh phụng chiếu của vua Đường Huyền Tông đến chùa Đại Phúc Quang ở Trường An dịch 6 quyển Kinh (31 phẩm) này ra đồng thời thêm vào phần Nghi Quỹ Cúng Dường gồm 5 Phẩm , gom thành một Bộ Kinh Đại Nhật (7 quyển 36 phẩm) lưu hành cho đến ngày nay.

Chính vì lý do này nên Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ sớ giải 6 quyển kinh đầu và được lưu hành qua 2 bộ : Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sớ (20 quyển) và Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Nghĩa Thích (14 quyển) .

Về Nội Dung thì 6 quyển đầu (31 Phẩm) của Kinh Đại Nhật trình bày Pháp tu Đốn, Tiệm bao gồm cả Lý và Sự. Toàn Kinh dùng chữ A( )với nghĩa Tâm Địa vốn chẳng sinh làm Tông . Dùng Như thật tự biết khai ngộ Trí Vô Sinh , chứng đ?ợc Tất Địa Vô Tướng làm Thú Hướng. 31 Phẩm đầu là chủ thể của Kinh Bản, còn 5 phẩm cuối của quyển thứ 7 thì thuộc Pháp Cúng Dường.

Trong quyển thứ nhất, Phẩm thứ nhất (Nhập Chân Ngôn Môn Trụ Tâm) chính là Phẩm Tựa của Kinh Bản , cũng là phần chủ yếu của Kinh Bản nhằm giải thích Giáo Nghĩa rất căn bản của Mật Giáo (Giáo Tướng) trong đó có 3 câu “Tâm Bồ Đề là nhân, Đại Bi là gốc rễ, Phương Tiện là cứu cánh” là tông chỉ của toàn Kinh.

Từ Phẩm thứ hai ( Nhập Mạn Trà La Cụ Duyên Chân Ngôn ) cho đến phẩm thứ 31 ( Chúc Lụy ) đều trình bày mọi loại Nghi Quỹ, Pháp Hành của Mật Giáo (Sự Tướng)

5 Phẩm cuối của quyển thứ 7 trình bày Pháp Cúng Dường theo thứ tự

Do Tâm Nguyện muốn góp chút ít công sức cho sự phát triển Phật Giáo Việt Nam, tôi không ngại tài hèn sức kém gia công tìm kiếm tài liệu phiên dịch Bộ Kinh Đại Nhật. Sau nhiều năm cố gắng vừa phiên dịch vừa sửa chữa dưới sự giúp đỡ của Thầy Pháp Quang, Thầy Thích Quảng Trí kèm với sự đóng góp chân tình của các bạn đồng tu nên ngày nay mới tạm hoàn thành Bộ Kinh này

Điều may mắn là Thầy Pháp Quang đã cho tôi đĩa CD (CBETA_ Điện Tử Phật Điển Đại Chính Tạng) trong đó có ghi nhận phần văn tự Tất Đàn (Siddham) nên tôi đã nhờ con trai tôi copy phần Phạn Văn và scand hình ảnh các tay An chèn thêm vào Kinh Bản nhằm hỗ trợ phần nào cho sự tham cứu của người đọc.

Ngoài ra với sự cố gắng đẩy mạnh nét văn hóa của Phật Giáo Việt Nam. Tôi xin mạn phép chuyển dịch tên Kinh , bỏ bớt phần phiên âm Hán Việt của các Chân Ngôn trong Bộ Kinh Đại Nhật (7 quyển) với bản Đại Tỳ Lô Giá Na Phật Thuyết Yếu Lược Niệm Tụng Kinh (1 quyển) và thay thế bằng văn tự Siddham kèm theo phần phiên âm Roman

Điều không thể tránh khỏi là phần phiên dịch các Kinh Bản này vẫn còn nhiều sự thiếu sót. Ngưỡng mong các Bậc Long Tượng của Mật Giáo, chư vị Cao Tăng Đại Đức hãy rũ lòng Từ Bi chỉ bảo và giúp đỡ cho các bản dịch được hoàn hảo hơn.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Từ khóa » đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sớ