Kinh Nghiệm Du Học Nhật Bản Hệ Thạc Sĩ Với Học Bổng Toàn Phần ...
Có thể bạn quan tâm
Hotcourses Vietnam đã liên hệ với bạn Nguyễn Trường Giang, hiện đang là du học sinh hệ Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Nhật Bản với học bổng 100% Asian Development Bank để thực hiện bài phỏng vấn này với mong muốn đem đến cho các bạn góc nhìn cận cảnh hơn về đời sống học tập và làm việc của du học sinh tại Nhật.
TRƯỚC KHI DU HỌC NHẬT BẢNChào Giang, bạn có thể cho HCVN biết Nhật Bản có những thế mạnh nào khiến bạn quyết định du học ở quốc gia này thay vì các địa điểm du học phổ biến khác như Anh, Úc hoặc Mỹ không?
Lý do đầu tiên khiến mình chọn Nhật Bản là vì từ nhỏ mình đã rất yêu mến quốc gia này từ ngôn ngữ, văn hoá, đến con người nơi đây. Thứ hai, Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống và nguyên tắc giáo dục rất phát triển nên nếu được học tập ở Nhật thì mình sẽ được học hỏi cách tư duy đặc trưng đó. Thứ ba, cuộc sống sinh hoạt ở Nhật nổi tiếng là an toàn, tiện lợi, ổn định và trật tự nên chọn học ở đây không chỉ khiến cho bản thân mình mà ngay cả người thân cũng cảm thấy an tâm hơn. Cuối cùng, hiện nay ở Nhật đang có rất nhiều chương trình học bổng hào phóng và toàn diện dành cho nhiều bậc học khác nhau (học chuyên sâu tiếng Nhật, Cử nhân, Cao học,...) khiến du học sinh cảm thấy an tâm hơn trong quãng thời gian học tập tại Nhật.
Bạn đã cùng lúc được cả hai trường Musashino University và Ritsumeikan Asia Pacific University (APU) tại Nhật nhận vào học với học bổng 100%. Vậy thì trường APU có những đặc điểm nổi trội nào khiến bạn quyết định chọn ngôi trường này để du học Nhật Bản?
Xét về vị trí địa lý thì trường Musashino nằm ở Tokyo còn APU nằm ở Oita thuộc phía Nam Nhật Bản nên cuộc sống của hai nơi này cũng hoàn toàn khác nhau. Một bên là thành phố hiện đại và phồn hoa còn một bên là vùng núi thanh bình yên ả. Mình nghĩ chương trình cao học phần lớn sẽ tập trung làm nghiên cứu là chính nên đã quyết định chọn vùng quê thanh bình để học cho đỡ bị phân tâm bởi nhịp sống hối hả và tấp nập của đô thị.
Bên cạnh đó, xét về môi trường học tập thì APU mang tính quốc tế hơn vì tỷ lệ sinh viên quốc tế và sinh viên Nhật là 50:50. Các chương trình của APU đều được xây dựng hướng đến tính chất toàn cầu hoá và đa quốc gia. Nếu học ở APU thì mình sẽ được cọ xát với nhiều nền văn hoá trên thế giới để giao lưu và học hỏi thêm nhiều điều hay. Cuối cùng, ở APU có khá nhiều chương trình học bổng do ban chấp hành trường, chính quyền địa phương, các công ty đoàn thể và cả chính phủ Nhật tài trợ nên để giảm bớt gánh nặng chi phí cho bản thân thì mình đã chọn việc học Thạc sĩ tại APU.
HCVN được biết bạn đã đạt được học bổng Asian Development Bank Japan Scholarship (ADB) để du học Nhật Bản. Bạn có thể chia sẻ sơ lược về học bổng này không?
ADB là gói học bổng lâu năm được điều hành bởi ngân hàng Asian Development Bank và được chính phủ Nhật trực tiếp đứng ra tài trợ toàn bộ chi phí. Đây là gói học bổng hướng đến việc hỗ trợ các bạn sinh viên ở các nước đang phát triển thực hiện mong muốn học lên cao tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Úc, Hong Kong, Hoa Kỳ,...
Buổi lễ gặp gỡ giữa người nhận học bổng ADB với chính phủ Nhật ở Tokyo
Học bổng sẽ đài thọ toàn bộ học phí, sinh hoạt và các chi phí phát sinh khác trong quá trình du học bao gồm bảo hiểm, sách vở, hỗ trợ đề án nghiên cứu,... Các yêu cầu để ứng tuyển cũng không quá khó nhưng học bổng đòi hỏi ứng viên phải có đủ kinh nghiệm 02 năm làm việc tại thời điểm nộp đơn. Sau khi tốt nghiệp, ứng viên được khuyến khích quay về góp sức cho sự phát triển của nước nhà và sự thịnh vượng chung của khu vực châu Á.
Các bạn quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại trang web chính thức của học bổng hoặc xem trực tiếp trên website của các trường đại học được ADB cấp học bổng.
Bạn đã phải trải qua bao nhiêu vòng xét duyệt trong quá trình xin học bổng? Bạn có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để tham gia từng vòng được không?
Đối với học bổng ADB mình chỉ phải nộp đơn chung với bộ hồ sơ khi xin nhập học ở trường APU. Tuy nhiên, theo mình được biết thì có một số trường hợp sẽ phải trải qua thêm vòng phỏng vấn nhưng lúc mình nộp đơn thì không có vòng này. Kinh nghiệm để đạt học bổng của mình chỉ đơn giản là các bạn cần chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, có mục tiêu và động lực phấn đấu học tập rõ ràng, có đủ năng lực ngoại ngữ để học cao học bằng tiếng Anh.
Các yêu cầu và hồ sơ cơ bản để nhập học hệ Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế ở APU của bạn là gì?
Tại thời điểm nộp đơn, các giấy tờ mình cần cung cấp là: Chứng chỉ ngoại ngữ (nhưng do bậc Cử nhân mình đã học chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh nên được miễn), bằng và bảng điểm Đại học, bài luận cá nhân (letter of motivation), đề cương nghiên cứu (research proposal) và các công trình nghiên cứu của bản thân (nếu có).
Thứ tự quy trình nộp hồ sơ nhập học APU của bạn diễn ra như thế nào?
Quy trình nộp hồ sơ của APU cũng khá giống các trường Đại học trên thế giới. Sau khi điền hồ sơ online và nộp lệ phí xét duyệt (application fee), mình sẽ gửi bản cứng các giấy tờ kể trên sang Nhật để nhà trường xem xét. Trong quá trình xét duyệt, nhà trường sẽ phối hợp với phía ADB để đánh giá hồ sơ của mình xem có đạt yêu cầu hay không. Trong một số trường hợp, nhà trường sẽ yêu cầu phỏng vấn.
Sau đó tầm hai tháng, nhà trường sẽ thông báo kết quả tuyển sinh và gửi thư nhập học về nhà mình theo đường bưu điện kèm theo thông báo về các giấy tờ mình cần hoàn thiện cho việc xin visa. Để du học Nhật, các bạn cần được Cục xuất nhập cảnh Nhật cấp Giấy chứng nhận tư cách (Certificate of Eligibility). Giấy này nhà trường sẽ hỗ trợ xin giúp bạn ở phía Nhật và gửi về Việt Nam để bạn xin visa.
Bạn có lưu ý gì cho mọi người về những thứ nên và không nên mang trong hành lý khi du học Nhật Bản không?
Lúc sang Nhật mình mang nhiều nhất là sách và thực phẩm để dành ăn dần trong mấy tuần đầu tiên. Theo mình biết thì một số thực phẩm gây mùi nặng như nước mắm và mắm tôm sẽ bị kiểm duyệt khá gắt gao ở một số sân bay như Tokyo, Narita hoặc Haneda nên các bạn cần lưu ý. Sách mình sẽ mang những quyển mà chắc chắn ở Nhật không có, số còn lại thì mình lưu dưới dạng e-book để khi nào cần sẽ in ra. Nhật Bản nói riêng và các quốc gia phát triển nói chung đều có quy định nghiêm ngặt về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ nên việc sao chép photo tài liệu không phổ biến.
Ngoài ra, mình gợi ý các bạn nên mang một số vật dụng vô cùng hữu ích trong những ngày mới đến Nhật gồm:
-
Cục chuyển đổi đầu cắm điện vì ổ cắm ở Nhật là dạng 2 đầu dẹt
-
Bộ dao kéo tua vít đa năng
-
Ô (dù) dạng nhỏ, gấp bỏ vào cặp được
-
Một số thuốc men cơ bản như hạ sốt, đau bụng, đau bao tử, say tàu xe,... vì nếu không biết tiếng Nhật thì thời gian đầu nếu bị bệnh sẽ rất bất tiện trong việc đi khám và mua thuốc.
Hiện bạn đã học tập tại trường APU được khoảng 1 năm, bạn có thể chia sẻ nhận xét của mình về chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy của trường APU nói riêng và Nhật Bản nói chung được không?
Ở APU mình đang học Cao học thiên về nghiên cứu (Master of science) nên phần lớn thời gian của mình sẽ dành để làm nghiên cứu và luận văn. Ở bậc cao học thì việc rèn giũa kỹ năng tự học và tự nghiên cứu là quan trọng nhất.
Ngoài ra, mình vẫn phải tham dự một số môn học chuyên đề nhưng dung lượng không nhiều. Với các môn học dạng này, mỗi giáo viên sẽ có một khung chương trình khác nhau những vẫn đảm bảo có các bài thi và kiểm tra như bình thường.
Một điểm nổi trội đáng kể ở APU đó là sinh viên quốc tế và sinh viên Nhật sẽ học cùng nhau nên việc một lớp có hơn 20-30 quốc tịch khác nhau là rất bình thường. Điều này tạo điều kiện cho mỗi sinh viên được giao lưu quốc tế rất mạnh mẽ. Tương tự, các giáo sư ở trường cũng đều là giáo sư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tất nhiên số lượng giáo sư người Nhật vẫn chiếm đa số.
Bên cạnh đó nhà trường cũng tạo điều kiện để sinh viên tự chọn học thêm những chuyên đề mà ngành học chính không có để mở rộng kiến thức sang nhiều lĩnh vực. Mình cũng có làm trợ giảng cho giáo sư ở một số lớp ở bậc Cử nhân thì nhận thấy chương trình đào tạo của APU khá toàn diện nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể học chuyên sâu. Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện tại thì mình khá hài lòng với chất lượng đào tạo, phương pháp sư phạm của nhà trường.
Bạn có thể giới thiệu sơ lược về những nội dung bạn được học trong chương trình Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại APU được không?
Ngành của mình học chuyên về quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một nhánh thuộc khoa học chính trị nên mình sẽ được học khá nhiều về các vấn đề liên quan đến quan hệ ngoại giao của các quốc gia.
Một buổi thuyết trình ở APU
Ở bậc Cử nhân, sinh viên ngành này sẽ được học khá nhiều kiến thức bao quát như lý thuyết trong quan hệ quốc tế, lý thuyết về chiến tranh, lý thuyết trò chơi, lịch sử thế giới, địa chính trị, kinh tế quốc tế, chính sách toàn cầu và các môn học bổ trợ khác. Đến bậc cao học, mình sẽ được học các chuyên đề sâu hơn như Kinh tế chính trị quốc tế (International political economy), Luật quốc tế (International law), Chính trị học so sánh (Comparative Politics), Giải quyết tranh chấp (Conflict resolution), An ninh quốc tế (International Security), Toàn cầu hoá (Regionalism and globalization),...
Vì là Cao học thiên về nghiên cứu nên từ học kỳ đầu tiên mình đã phải tiến hành tìm đề tài và bắt đầu viết đề cương cho luận văn thạc sỹ dưới sự chỉ dẫn của một giáo sư ở khoa.
Sinh hoạt phí cụ thể hàng tháng của bạn trong thời gian học tập tại APU ở Nhật Bản là bao nhiêu?
Hàng tháng, mình chi tiêu như sau:
-
Khoảng 25,000¥ (tầm 5 triệu 500 ngàn đồng) cho tiền nhà đã bao gồm điện, nước, gas và internet. Khoản tiền này có thể cao hơn nếu bạn không ở ghép hoặc sinh sống ở các thành phố lớn như Tokyo/ Osaka/ Nagoya. Vào mùa đông thì tiền điện có thể cao hơn một chút so với thường ngày.
-
25,000¥ cho việc ăn uống, nếu ăn ngoài thì sẽ đắt hơn một tí
-
Tầm 3,000¥ (khoảng 650 ngàn đồng) cho việc đi lại
-
20,000¥ (khoảng 4 triệu 200 ngàn đồng) cho các khoản linh tinh khác như tiền điện thoại, sách vở, quần áo.
Như vậy, sinh hoạt phí hàng tháng của mình dao động khoảng 75,000¥ (tương đương 15 triệu 500 ngàn đồng).
Bạn đã gặp phải những khó khăn gì trong lúc du học Nhật Bản và đã vượt qua chúng như thế nào?
Một trong những khó khăn lớn nhất của mình trong lúc du học Nhật Bản là việc bắt kịp với nhịp sống ở đây. Ở Nhật, mình cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh nên gây ra áp lực cho việc học vì đôi lúc mình thấy không đủ thời gian để làm được nhiều việc. Mình mất cũng tầm 3 đến 4 tháng để tạm theo kịp được nhịp độ thời gian nhanh như thế.
Ngoài ra chương trình học cũng khá nặng cộng với bản tính cầu toàn nên đôi lúc mình hay tự tạo nhiều áp lực, nhất là vào những mùa thi cử. Cuối cùng, thời tiết cũng là rào cản lớn khi mình không quen với tiết trời lạnh giá vào mùa đông ở Nhật nên mình từng bị nhiễm lạnh và cúm gần 10 ngày. Hiện tại mình vẫn đang cố gắng để quen dần với cuộc sống ở đây để còn dành tâm sức cho việc học và công việc.
Mùa đông ở Nhật
Mùa xuân ở Nhật
Bạn có được phép đi làm trong lúc du học Nhật Bản không? Công việc của bạn hiện tại là gì?
Theo pháp luật Nhật Bản, du học sinh được phép đi làm không quá 28 tiếng/ tuần và không được làm việc trong một số ngành nghề nhất định. Hiện tại mình có ba công việc chính như sau:
-
Trợ giảng cho giáo sư hướng dẫn: Mình tham gia giảng dạy và hỗ trợ thầy trong các lớp ở bậc Cử nhân. Ngoài ra mình cũng hỗ trợ thầy trong một số dự án nghiên cứu với tư cách là thư ký.
-
Freelance dịch thuật tiếng Anh – Nhật – Việt: Mình chủ yếu làm việc cho một số đối tác ở các tỉnh nhưng tần suất của công việc này không nhiều và chỉ mang tính thời vụ.
-
Nhân viên thu ngân bán thời gian: Mình làm công việc này ở cửa hàng tiện lợi gần nhà vào mỗi cuối tuần. Giờ giấc làm việc khá tự do và công việc cũng đơn giản nên cũng không chiếm nhiều thời gian.
Bạn có trải qua cú sốc văn hóa nào trong lúc du học tại Nhật Bản không? Nếu có thì bạn đã giải quyết vấn đề bằng cách nào?
Nhật Bản là một quốc gia có nhiều quy củ và trật tự. Sở dĩ, Nhật Bản phát triển được như ngày hôm nay là do họ sở hữu một kho tàng các nguyên tắc và kỷ luật rất đặc trưng mà khó nơi nào trên thế giới có được. Hiển nhiên, là người Việt Nam thì dù đã học tiếng Nhật và tiếp xúc với vài người Nhật trước đó nhưng khi mới sang mình vẫn chạm trán nhiều ca sốc văn hoá, chủ yếu liên quan đến cung cách ứng xử của người Nhật vì cuộc sống nơi đây có sự phân tầng địa vị xã hội sâu sắc. Trong cách làm việc của người Nhật họ cũng đề cao tinh thần tập thể và luôn làm việc theo đúng quy trình. Mình đã cố gắng đọc thêm nhiều bài viết, lắng nghe người Nhật giải thích chia sẻ và mở lòng ra để hiểu họ hơn thì dần thích nghi được với lối sống đó.
Bạn đánh giá như thế nào về cuộc sống và con người ở tỉnh Oita nói riêng và Nhật Bản nói chung?
Oita là một tỉnh không quá lớn và sầm uất ở Nhật. Hoạt động chính ở đây vẫn là sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái. Dân số ở Oita, so với các nơi khác thì đa phần đều là người cao tuổi. Các thanh niên hầu như đã chuyển đi các đô thị lớn khác như Tokyo, Osaka, Sapporo, Fukuoka,... để làm việc và sinh sống.
Còn người Nhật nói chung thì rất hiền hoà, cực kỳ thân thiện, cởi mở và hết lòng vì người khác. Sự riêng tư và tự do cá nhân cũng rất được đề cao ở Nhật nên miễn bạn không làm gì ảnh hưởng đến ai thì sẽ không có ai đánh giá hoặc đối xử một cách không công bằng với bạn bất kể bạn là người như thế nào.
Người Nhật tử tế, hoà nhã và tốt bụng từ lời nói đến hành động đôi khi quá mức nên thỉnh thoảng khiến một số bạn cho rằng họ giả tạo. Nhưng đối với mình thì nếu sự “giả tạo” đó đem lại sự thoải mái, niềm vui và lạc quan cho người khác cũng như góp phần tạo dựng được một cộng đồng thân thiện thì mình thấy vẫn rất đáng trân quý.
Bạn ấn tượng điều gì về tỉnh Oita, Nhật Bản sau một thời gian sinh sống và học tập ở đây?
Ngoài cảnh vật thanh bình và nên thơ thì điều mình cực kỳ ấn tượng với nơi mình đang sinh sống đó chính là số lượng mạch suối nước nóng (onsen) dày đặc. Thành phố Beppu nơi mình đang sinh sống ở Oita được mệnh danh là “thiên đường suối nước nóng” tại Nhật khi số lượng mạch nước nóng ngầm xếp thứ nhì thế giới chỉ sau vườn quốc gia Yellowstone của Mỹ.
Đi tắm osen
Do địa hình có nhiều núi lửa nên mạch nước nóng ngầm ở Nhật rất nhiều. Mình rất thích đi tắm onsen ở Nhật vào những ngày mệt mỏi để cơ thể và tinh thần được giải tỏa, da dẻ trở nên mịn màng và ngủ ngon hơn vào buổi tối. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh sự “thần kì” của onsen ở Nhật như nguồn nước này chứa vô số khoáng chất và có tác dụng chữa bệnh từ trí não đến thể chất và chữa lành vết thương. Vì là thành phố của onsen nên đi đâu bạn cũng dễ bắt gặp mô hình kinh doanh suối nước nóng với nhiều mức giá khác nhau tuỳ dịch vụ mà nơi đó cung cấp. Rẻ nhất là các onsen công cộng giá 100¥ (khoảng 20 ngàn đồng) cho đến các khu du lịch onsen cao cấp khác.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Nhật Bản du học sinh có được phép ở lại làm việc không? Nếu có thì bạn sẽ tìm cơ hội ở lại Nhật Bản làm việc chứ?
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ở Nhật Bản, theo tinh thần của học bổng ADB mình sẽ quay về nước để cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam. Nếu có cơ hội, mình mong sẽ được ở lại Nhật để làm việc khoảng 1 – 2 năm để tích luỹ thêm kinh nghiệm trước khi về nước. Tuy nhiên, dự tính hiện tại của mình là sẽ tiếp tục học lên Tiến sĩ (PhD) nếu mình có thể xin gia hạn tiếp học bổng và khi khả năng của bản thân cho phép.
Bạn có thể đưa ra một số lời khuyên cho những ai có dự định du học Thạc sĩ tại Nhật Bản trong tương lai không?
Đối với những bạn có dự định học Thạc sĩ ở Nhật Bản, mình có ba lời khuyên nho nhỏ cho các bạn. Trước hết, các bạn nên vạch ra lộ trình và động cơ học tập rõ ràng. Các bạn cần xác định mình thật sự muốn học sâu về lĩnh vực gì và trong quá trình học hai năm mình sẽ làm gì và hướng đi sau khi học xong.
Tiếp theo, để việc học trở nên dễ dàng hơn thì các bạn cần trang bị cho mình một số kỹ năng học thuật cần thiết bao gồm tạo dần thói quen đọc sách (sách học thuật càng tốt) để nắm ý nhanh, kỹ năng viết nghiên cứu và kỹ năng thuyết trình. Đây là ba kỹ năng mà các bạn sẽ được trau dồi rất nhiều trong quá trình học Thạc sĩ.
Cuối cùng, để cuộc sống sinh hoạt được thuận tiện và chủ động hơn, các bạn nên trang bị sẵn một số vốn tiếng Nhật ở Việt Nam trước khi sang do người Nhật rất ít (và sợ) nói tiếng Anh. Vì chương trình Cao học của mình giảng dạy bằng tiếng Anh nên dù nhà trường có các chuyên đề dạy tiếng Nhật (Japanese communication) thì cũng khá nhẹ nhàng và đơn giản. Nếu muốn giỏi tiếng Nhật hơn thì các bạn cần tự học và trau dồi nhiều. Tối thiểu các bạn cần nắm vững trình độ tầm N4 hoặc tốt hơn nữa là N3 để đáp ứng được giao tiếp cơ bản hằng ngày.
Hotcourses Vietnam chân thành cảm ơn bạn đã dành thời gian thực hiện buổi phỏng vấn này. Chúng tôi xin chúc những dự định sắp tới của bạn sẽ thành công tốt đẹp.
>> Ba tháng thực tập tại Nhật đã cho mình những trải nghiệm tuyệt vời như thế này
Profile nhân vật
Nguyễn Trường Giang
-
Cử nhân ngành Kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại Thương TP.HCM.
-
Hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Ritsumeikan APU, Nhật Bản
Từ khóa » Học Thạc Sĩ ở Nhật Có Khó Không
-
Xin Học Cao Học Thạc Sĩ ở Nhật Có Khó Không? Thủ Tục Ra Sao? - Echigo
-
Chia Sẻ Của Sempai: Thi Cao Học Tại Nhật Có Khó Không - Tomoni
-
Có Nên Hay Không Du Học Thạc Sĩ Nhật Bản? | WeXpats Guide
-
Du Học Thạc Sĩ Nhật Bản: Điều Kiện, Học Phí, Lộ Trình Học Tập
-
Du Học Thạc Sĩ Nhật Bản Có Khó Không? Trình Tự Thế Nào?
-
Du Học Thạc Sĩ Nhật Bản Có Khó Không? Cần Những điều Kiện Gì?
-
Kinh Nghiệm Học Thạc Sĩ Tại Nhật Bản - Hướng Dẫn DHNB Từ ...
-
Những điều Có Thể Bạn Nên Biết Trước Khi Học Thạc Sĩ-tiến Sĩ ở Nhật (1)
-
Du Học Nhật Bản Sau Đại Học - Gửi Bạn Trọn Vẹn Những Gì Cần Biết!
-
Kinh Nghiệm Chọn Trường Cao Học ở Nhật | ISenpai
-
Du Học Cao Học Tại Nhật, Nên Hay Không?
-
LÀM SAO ĐỂ VÀO CAO HỌC NHẬT BẢN, HỌC... - Echigo Education
-
Có Nên đi Du Học Thạc Sĩ Tại Nhật Không
-
Du Học Nhật Bản Hệ Sau Đại Học: Điều Kiện, Học Phí, Học Bổng++