Kinh Nghiệm Giúp Học Sinh Nhận Biết Từ đơn, Từ Ghép, Từ Láy
Có thể bạn quan tâm
Kinh nghiệm giúp học sinh nhận biết Từ đơn, Từ ghép, Từ láy.
PHẦN MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
“ Ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy. Càng đọc càng nâng cao ngôn ngữ, càng phát triển trí tuệ. Sự giáo dục đầy đủ tiếng mẹ đẻ từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành, quyết định sự hình thành và phát triển văn hóa, văn minh dân tộc của mỗi người”. (Ngữ pháp, Tiếng Việt – Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Hữu Quỳnh).
Tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp trong toàn xã hội Việt Nam. Để hoàn thành một vấn đề thông tin nào đó trong tất cả các phương diện: đối thoại, thư báo,…thì khi nói, viết câu văn phải gẫy gọn chính xác, đủ ý. Đó chính là tiêu chuẩn của phép văn minh lịch sự. Việc nói đúng, viết đúng, nói hay, viết hay, Tiếng Việt là nhu cầu cần thiết của học sinh. Bởi vậy Tiếng Việt là một trong các môn học chiếm vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh Tiểu học. Thông qua môn Tiếng Việt, bằng các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết sẽ cung cấp cho các em một kho tàng ngôn ngữ phong phú, nuôi dưỡng tâm hồn các em, hướng dẫn các em sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác. Phân môn đảm nhiệm chính chức năng trên là phân môn Luyện từ và câu . Ở bậc Tiểu học dạy cho học sinh những từ ngữ thông dụng tối thiểu về thế giới xung quanh như công việc của học sinh ở trường, ở nhà, tình cảm gia đình, vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, con người….Những từ ngữ được dạy ở Tiểu học gắn liền với việc giáo dục học sinh tình yêu gia đình, nhà trường, tổ quốc, quê hương…
Muốn rèn luyện được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thì phải hiểu được từ, từ là đơn vị trung tâm, cơ bản của ngôn ngữ. Từ là một loại vật liệu đặc biệt mà thiếu nó thì không có sự tồn tại của ngôn ngữ. Trong các đơn vị ngôn ngữ, từ là đơn vị đảm nhận nhiều chức năng, là đơn vị hiển nhiên có sẵn, có tính độc lập cao.
Vai trò của từ trong hệ thống ngôn ngữ quy định tầm quan trọng trong việc dạy từ ngữ ở Tiểu học. Không có một vốn từ đầy đủ thì không thể nắm ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp. Vì vậy việc bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng từ ngữ cho học sinh là việc làm vô cùng quan trọng.
Với cương vị là một giáo viên có nhiệm vụ dẫn dắt các em tìm đến kiến thức mới với tinh thần học tập tự giác, tích cực. Bản thân tôi nhận thấy khi học Luyện từ và câu các em thấy khô, khó, khổ bởi vì phân môn Luyện từ và câu bao gồm nhiều kiến thức khác nhau, giữa các phần không có sự phân biệt rõ ràng nên có sự nhầm lẫn: từ đơn, từ ghép, từ láy, từ tượng thanh, từ tượng hình…Để nói viết thành câu các em phải nắm chắc bản chất, cấu tạo của từ, biết sử dụng từ đúng vị trí. Song thực tế viết văn đòi hỏi các em không chỉ đơn thuần viết câu văn đủ ý mà phải biết vận dụng vốn từ linh hoạt tạo ra các câu văn giàu hình ảnh, gợi tả, gợi cảm…Như vậy để có vốn từ đã khó, việc phân biệt và sử dụng chúng như thế nào lại là cả một vấn đề.
Trong thực tế giảng dạy, tôi thấy nắm khái niệm từ, phân biệt ranh giới tổ hợp từ, từ ghép, từ láy quả là khó đối với các em. Các em thường nhầm tổ hợp hai từ: từ đơn với từ ghép, từ ghép với từ láy hay những từ ghép Hán Việt có hình thức ngữ âm ngẫu nhiên giống từ láy.
Ví dụ: chuồn chuồn nước ( từ ghép), các em thường cho đây là tổ hợp từ đơn.
– Tung cánh ( tổ hợp từ đơn) – các em cho đây là từ ghép.
– Bình minh ( ghép Hán Việt), các em cho là từ láy.
Đôi khi gặp các bài tập khác yêu cầu tìm từ loại của từ, mặc dù không nói đến việc phân cắt từ nhưng nếu không vạch ra ranh giới từ chính xác thì các em sẽ làm bài không đầy đủ.
Ví dụ: Tìm các tính từ trong khổ thơ sau :
“ Việt Nam đẹp khắp trăm miền
Bốn mùa một sắc trời riêng đất này .
Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây
Non cao gió dựng sông đầy nắng chang.
Sum sê xoài biếc cam vàng
Dừa nghiêng, cau thẳng, hàng hàng nắng soi.”
Nếu học sinh không biết phân cắt từ sẽ cho: Trời riêng, non cao, xoài biếc, cam vàng, dừa nghiêng, cau thẳng là từ ghép nên sẽ tìm thiếu các tính từ: riêng, cao, biếc, vàng, nghiêng, thẳng.Có lúc vì cách xác định từ sai mà dẫn đến việc hiểu nghĩa và sử dụng thiếu chính xác.
Ví dụ: Học sinh đặt câu: Bé Linh để nhà và cửa bừa bộn.
Các em chưa rõ nhà cửa là từ ghép tổng hợp lại sử dụng chúng như tổ hợp 2 từ đơn. .Khái niệm từ đơn, từ ghép, từ láy được dạy ở phân môn dạy học Luyện từ và câu lớp 4.
Thực tế giảng dạy, trao đổi với giáo viên, học sinh dự giờ khảo sát chất lượng tôi thấy: việc phân biệt ranh giới từ là việc khó khăn không chỉ đối với học sinh trung bình mà còn khó với tất cả học sinh khá giỏi, đôi khi còn là nhiều vấn đề tranh cãi đối với cả giáo viên. Học sinh có thể học thuộc lòng, định nghĩa nhưng hiểu chưa đầy đủ, thiếu vững chắc nên không có khả năng phân biệt chúng. Các em khó phân biệt tổ hợp hai từ đơn với từ ghép, từ ghép với từ láy, nếu chúng có bộ phận của tiếng lặp lại. Các em không biết đến các trường hợp láy khuyết các âm đầu, láy âm viết bằng con chữ khác nhau. Nguyên nhân này do đâu: Tài liệu dạy học chưa thống nhất?, trình độ giáo viên chưa đảm bảo?, do chưa chuẩn bị chu đáo cho tiết dạy? hay chưa nhận thức được tầm quan trọng của từ?.Để đi tìm lời giải đáp ấy tôi đã nghiên cứu vấn đề: “ Giúp học sinh phân biệt từ đơn- từ ghép- từ láy lớp 4 ”.
I.2 Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài
– Giúp học sinh tháo gỡ một số khó khăn trong việc phân biệt từ đơn, từ ghép, từ láy.
– Các em hiểu chính xác vốn từ, tích cực hóa vốn từ, tạo nền móng cho các em sử dụng đúng từ trong giao tiếp, trong viết văn và học tốt môn Tiếng Việt.
– Giáo dục các em yêu quý Tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
– Giúp giáo viên nhận thức rõ vai trò của từ và khả năng phân biệt chúng.
I.3 Đối tượng nghiên cứu
– Phần kiến thức về từ loại (Từ đơn, từ ghép, từ láy) ở Phân môn LTVC lớp 4
– Học sinh lớp 4 và giáo viên trường Tiểu học
I.4 Giới hạn phạm vi nghiên cứu
– Đề tài nghiên cứu thực trạng việc lĩnh hội kiến thức và vận dụng kiến thức vào luyện tập thực hành về từ loại: (Từ đơn, từ ghép, từ láy) ở Phân môn Luyện từ và câu lớp 4 trong chương trình bậc Tiểu học hiện nay. Từ đó đưa ra hệ thống giải pháp tối ưu giúp học sinh phân biệt (Từ đơn, từ ghép, từ láy) nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập
I.5 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp tổng hợp lí luận.
- Phương pháp điều tra.
- Phương pháp phỏng vấn đàm thoại.
- Phương pháp so sánh phân tích.
- Phương pháp thử nghiệm.
PHẦN NỘI DUNG
II.1 Cơ sở lý luận:
Phân môn Luyện từ và câu lớp 4 ở trường Tiểu học chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Góp phần cung cấp cho học sinh một lượng kiến thức sơ giản về cấu tạo của tiếng, cấu tạo của từ. Cung cấp một số kiến thức sơ giản về các từ loại cơ bản của tiếng Việt. Nhận diện, phân tích cấu tạo của tiếng, cấu tạo của từ. Mở rộng và hệ thống hóa vốn từ ngữ thông qua các dạng bài tập sau:
– Phân loại từ theo cấu tạo. Luyện tập sử dụng vốn từ
– Nhận diện từ theo từ loại. Tìm từ và phân loại từ theo từ loại
– Tìm từ ngữ theo chủ điểm. Hiểu nghĩa của từ. Phân loại từ ngữ
– Tìm hiểu nghĩa của thành ngữ, tục ngữ
– Cung cấp các kiến thức sơ giản về cấu tạo, công dụng và cách sử dụng các kiểu câu
– Nhận diện các kiểu câu. Phân tích cấu tạo câu
– Đặt câu theo mẫu. Lựa chọn kiểu câu để bảo đảm lịch sự trong giao tiếp
– Luyện sử dụng câu trong các tình huống khác nhau. Luyện mở rộng câu …
Như chúng ta đã biết: Muốn học sinh viết được câu văn đúng ngữ pháp, đầy đủ ý nghĩa thì trước hết phải có vốn kiến thức về từ vựng. Phải hiểu được nghĩa của từ, phân loại từ chính xác. Bởi vậy tôi đặc biệt chú trọng nghiên cứu tìm giải pháp tốt nhất để dạy cho học sinh hiểu nghĩa của từ, phân loại từ và có kỹ năng sử dụng vốn từ ngữ trong giao tiếp và viết văn được tốt hơn.
II.2 Thực trạng
- Thuận lợi – Khó khăn
* Thuận lợi
Đề tài được nghiên cứu trong thời gian tôi trực tiếp giảng dạy ở lớp mà tôi chủ nhiệm nên cũng khá thuận lợi. Đa phần học sinh ngoan và chăm học, hăng say xây dựng bài, sách vở và dụng cụ học tập đầy đủ, phụ huynh học sinh quan tâm chăm lo cho con em mình. Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp thường xuyên dự giờ thăm lớp, góp ý kiến xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi nghiên cứu đề tài thành công và áp dụng vào giảng dạy đạt hiệu quả.
* Khó khăn
Tuy có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, trong lớp có 12 học sinh dân tộc các tỉnh phía bắc theo bố mẹ vào xây dựng kinh tế nên các em nói tiếng Việt chưa rõ, đọc và viết chưa được trôi chảy điều đó đã ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu đề tài.
I. Phân tích, đánh giá các vấn đề về thực trạng mà đề tài đặt ra
1 Tìm hiểu chương trình sách giáo khoa
Phần cấu tạo từ hay phân biệt từ loại theo cấu tạo được dạy trong phân môn Luyện từ và câu lớp 4:
– Tuần 1: cấu tạo của tiếng.
– Tuần 3: từ đơn, từ phức.
– Tuần 4: Từ ghép, từ láy.
Ta thấy chưa có sự thống nhất quan điểm để phân loại một số từ giữa giáo trình Tiếng Việt trường sư phạm với sách giáo khoa Tiểu học.
Ví dụ: Từ chuồn chuồn, lúc lắc, thằn lằn…theo giáo trình sư phạm xếp đây là từ đơn đa âm, còn sách giáo khoa Tiểu học xếp chúng là từ láy.
Hoặc từ: tắc kè, bồ hóng, a pa tít,… giáo trình sư phạm gọi là từ đơn đa âm, nhiều tài liệu khác gọi là từ ghép ngẫu kết. Còn sách giáo khoa Tiểu học xếp chúng vào từ ghép. Vì có sự chưa thống nhất ấy khiến ngay bản thân giáo viên cũng hoang mang, không biết dạy như thế nào cho học sinh. Ngay định nghĩa từ ghép và từ láy cũng chưa có sự phân biệt rõ ràng, nếu chỉ dựa vào định nghĩa thì chưa xác định rõ là từ loại nào?
2 Thực tiễn dạy học
*Hoạt động dạy:
Qua dự giờ, thăm lớp đàm thoại với giáo viên của trường Tiểu học nơi tôi công tác, tôi nhận thấy giáo viên lên lớp tuân thủ đúng các bước, nhiệt tình giảng dạy, xử lí kiến thức đảm bảo đúng, đủ nội dung của sách giáo khoa. Song đa số giáo viên thường hay ngại việc dạy Luyện từ và câu và không phải mọi giáo viên đều có thể phân cắt từ trong đoạn văn, khổ thơ hay, phân biệt rõ từ đó là từ ghép hay từ láy… một cách chính xác.
* Hoạt động học:
Qua nhiều năm dạy lớp 4 tôi nhận thấy các em không thích học giờ Luyện từ và câu, đặc biệt là những tiết “ lý thuyết từ”. Dựa vào những từ ngữ hàng ngày các em đã có thể phân tích nhận biết về đặc điểm cấu tạo, về ý nghĩa của từ. Tuy nhiên các em thấy quá khó khi tách từ trong câu, các em thấy khó hiểu khi nhiều từ, bản thân nó có thể tách làm hai từ đơn.
Ví dụ: Sách vở là 1 từ ghép hay 2 từ đơn…
Hoặc một số từ có bộ phận âm thanh, của các tiếng lặp lại sao không xếp vào từ láy ( mà lại là từ ghép như: tươi cười, thúng mủng…)
Mặt khác học sinh không hề biết đến các từ vắng khuyết các âm đầu như: ọc ạch, ồn ào…Là từ láy hoặc các từ mà các tiếng có âm đầu là một âm nhưng ghi bằng các con chữ khác nhau, là từ láy như: cong queo, kệch cỡm,…
* Tóm lại: Qua thực tế dạy học tôi thấy việc phân biệt từ đơn, từ ghép, từ láy một cách chính xác với học sinh lớp 4 đặc biệt là đối tượng học sinh khá giỏi là một yêu cầu cấp bách. Để giúp học sinh đạt được những yêu cầu này mỗi giáo viên phải làm gì, làm thế nào?. Đi tìm lời giải đáp ấy, bản thân tôi nghiên cứu, tìm tòi, đúc rút được một số kinh nghiệm về việc phân biệt từ đơn, từ ghép, từ láy và áp dụng trong việc giảng dạy học sinh lớp 4, học sinh giỏi và thu được kết quả đáng kể.Chính vì vậy năm học 2011-2012 tôi đã đưa kinh nghiệm bản thân thành những phương pháp cụ thể để vận dụng vào việc giảng dạy cho học sinh lớp 4. Cụ thể tôi thực nghiệm trên lớp 4A2 là lớp tôi chủ nhiệm .
– Qua khảo sát chất lượng lớp 4A2 đầu năm, lớp mà tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm với sĩ số 33 em trong đó có :
Lớp | Sĩ số | HTT | HT | CHT | |||
SL | % | SL | % | SL | % |
Nhìn vào kết quả trên tôi thấy số lượng học sinh đạt giỏi còn khiêm tốn và vẫn còn học sinh yếu vì lý do đó nên tôi đã đi sâu tìm hiểu nghiên cứu và đề xuất một số biện pháp để nâng cao chất lượng dạy phân môn Luyện từ và câu nói chung nhằm nâng cao chất lượng dạy học sinh cách phân biệt từ đơn, từ ghép, từ láy nói riêng .
CÁC GIẢI PHÁP
- Mục tiêu của giải pháp, biện pháp
– Giúp học sinh tìm hiểu ý nghĩa của từ, biết phân loại từ thao cấu tạo
– Xác định đúng từ loại (từ đơn, từ ghép, từ láy) trong văn cảnh cụ thể
– Biết sử dụng từ ngữ phù hợp để viết được câu văn, đoạn văn, bài văn hay
- Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp
- TÌM HIỂU Ý NGHĨA PHÂN LOẠI THEO CẤU TẠO Ở MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU.
-Với nhiệm vụ dạy về “ từ đơn, từ ghép, từ láy” giáo viên cần chú trọng đến phân tích hình thức cấu tạo của từ, cấu trúc của từ: Từ đơn gồm một tiếng có nghĩa. Từ ghép gồm 2 , 3…tiếng; từ láy gồm 2,3…tiếng láy tạo thành.
– Trong từ ghép ta xem mối quan hệ của chúng: các tiếng có quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ. Trong từ láy ta cần quan tâm đến dạng thức láy, kiểu láy, cần làm rõ sự lặp lại của phụ âm đầu, vần, tiếng, thanh điệu.
– Dạy về “từ đơn, từ ghép, từ láy” mục đích mở rộng vốn từ cho học sinh theo quan hệ cấu tạo từ qua các phương thức tạo từ láy và ghép. Môn học này học sinh phải hiểu rõ nghĩa của từ, cấu tạo từ theo yêu cầu, theo chủ đề.
-Từ ghép gồm các tiếng ghép lại thành một nghĩa chung. Nghĩa của từ ghép là nghĩa tổng hợp hay phân loại.
– Từ láy làm nổi bật giá trị biểu trưng gợi tả, gợi cảm, sự tăng nghĩa, giảm nghĩa, thậm chí giá trị biểu trưng của một số khuôn vần tiêu biểu.
3. HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM TỪ, TỪ ĐƠN, TỪ GHÉP, TỪ LÁY.
Quy luật của nhận thức là đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng rồi trở về thực tiễn.Việc hình thành khái niệm “từ” cho học sinh Tiểu học không nằm ngoài quy luật ấy.Mặt khác ta tiến hành đổi mới phương pháp nên có thể tự lựa chọn nội dung giảng dạy không cần câu lệ vào sách giáo khoa, giúp các em độc lập suy nghĩ và hiểu bài sâu sắc hơn.
* Dạy về từ đơn, từ ghép, từ láy, ở lớp 4, tôi hình thành khái niệm như sau:
a, Trước tiên cho học sinh phân biệt “từ đơn, từ phức”:
Bước 1: Giáo viên đưa ngữ liệu sách giáo khoa để học sinh phân tích:
Cho câu sau đây có 14 từ, mỗi từ được phân cách bằng dấu gạch chéo.
“Nhờ/ bạn/ giúp đỡ/ lại/ có/ chí/ học hành/ nhiều/ năm/ liền/ Hanh/ là/ học sinh/ tiên tiến.”
Yêu cầu học sinh chia các từ trên thành 2 loại:
– Từ chỉ gồm 1 tiếng ( từ đơn)
– Từ chỉ gồm 2 tiếng (từ phức)
Vậy câu trên các từ gồm 1 tiếng ( từ đơn ) là: nhờ, bạn, lại, có, chí, nhiều, năm, liền, Hanh, là.
Các từ gồm nhiều tiếng (từ phức) là: giúp đỡ, học hành, học sinh, tiên tiến.
Bước 2: Hình thành khái niệm từ đơn, từ phức.
– Yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi:
1, Tiếng dùng để làm gì?
Tiếng dùng để cấu tạo từ:
+ Có thể dùng 1 tiếng để cấu tạo nên 1 từ. Đó là từ đơn.
+ Cũng có thể phải dùng 2 tiếng trở lên để tạo nên 1 từ. Đó là từ phức.
2, Từ dùng để làm gì?
Từ dùng để:
+ Biểu thị sự vật, hoạt động, đặc điểm… (tức là biểu thị ý nghĩa)
+ Cấu tạo câu.
b, Sau khi học sinh phân biệt được từ đơn, từ phức thì tôi giúp học sinh phân biệt từ láy, từ ghép. Qua bài dạy “từ láy và từ ghép” ở lớp 4.
*Tôi giúp hs hình thành khái niệm từ ghép, từ láy như sau :
Bước 1: Cho học sinh phân tích ngữ liệu đi đến phân biệt trong các từ phức:
Truyện cổ, thì thầm, ông cha, chầm chậm, cheo leo, lặng im, se sẽ thì các từ: Truyện cổ, ông cha , lặng im là do các tiếng có nghĩa tạo thành được gọi là từ ghép, còn các từ: thì thầm, chầm chậm, cheo leo, se sẽ, do các tiếng có âm đầu (thì thầm ), vần (cheo leo ), cả âm và vần (se sẽ, chầm chậm) được lặp lại thì gọi là từ láy.
Bước 2: Hình thành khái niệm từ ghép, từ láy
+ Ghép các tiếng có nghĩa lại với nhau là từ ghép .
+ Ghép các tiếng có âm đầu hay vần hoặc cả âm và vần hoặc cả tiếng giống nhau đó là từ láy.
c, Sau khi học song 2 bài “ từ đơn và từ phức”, từ ghép, từ láy, tôi khái quát và giúp học sinh hình thành khái niệm từ đơn, từ ghép, từ láy như sau:
+ Từ đơn là từ do 1 tiếng có nghĩa tạo thành.
+ Từ ghép là do các tiếng ghép lại thành một nghĩa chung.
+ Từ láy là do các tiếng láy lại tạo thành.
d , So sánh khái niệm từ ghép và từ láy.
– Các tiếng trong từ ghép có quan hệ về nghĩa:
VD- Học tập, gia đình, xe đạp ….
– Các tiếng trong từ láy có quan hệ về âm:
VD – chăm chỉ, loắt choắt, xinh xinh.
e, Luyện tập: Hệ thống bài tập được nâng dần từ dễ đến khó. Đầu tiên tôi đưa những từ dễ dàng nhận biết đó là từ đơn, từ ghép hay từ láy.
Ví dụ:
– Từ đơn: Đi, đứng, học, chơi, ăn, sách, vui, bé, bố, mẹ,…
– Từ láy: Long lanh, chói chang, xinh xinh,…
– Từ ghép: Xanh lè, tròn xoe, thẳng tắp, nhà cửa, cơm nước, sách vở, thông minh,…
Bên cạnh các bài tập học sinh dễ dàng nhận biết “từ đơn, từ ghép, từ láy ” trên, tôi nâng dần mức độ cao hơn ở các dạng bài: Tìm từ đơn, từ ghép, từ láy trong đoạn văn, đoạn thơ xác định tổ hợp là 2 từ đơn hay 1 từ ghép.
Ví dụ 1: Xác định từ đơn, từ ghép, từ láy trong đoạn thơ sau:
“ Những chú nghé lông tơ mũm mĩm
Mũi phập phồng dính cánh hoa mua
Cổng trại mở trâu vào chen chúc
Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ ”
Ví dụ 2: Trong các tổ hợp từ sau, tổ hợp nào là 2 từ đơn, tổ hợp nào là 1 từ ghép: bánh rán, rán bánh, xe kéo, kéo xe, xe cộ, sách vở,…
Qua 2 ví dụ trên:
Ví dụ 1: Học sinh còn khó khăn trong việc xác định “ cánh hoa mua”; “ cổng trại”, “ tiếng nghé” là từ ghép hay tổ hợp những từ đơn.
Ví dụ 2: Học sinh khó khăn trong việc xác định “rán bánh”, “ kéo xe” là từ ghép hay tổ hợp 2 từ đơn.
Để khắc phục những khó khăn trong việc xác định, phân biệt từ đơn, từ ghép hay phân biệt từ ghép với từ láy tôi đã đưa ra một cách phân biệt như sau.
4. MỘT SỐ CÁCH PHÂN BIỆT TỪ ĐƠN, TỪ GHÉP.
3.1 Chêm xen
Chúng ta biết rằng từ có tính hoàn chỉnh về cấu tạo và về nghĩa, từ ghép có mối quan hệ giữa các yếu tố trong tổ hợp chặt chẽ, khó tách rời, mang tính cố định,..
Kết cấu 2 từ đơn mối quan hệ giữa các yếu tố trong tổ hợp lỏng lẻo, dễ tách rời, có thể chêm xen một yếu tố khác, từ bên ngoài vào mà nghĩa của tổ hợp về cơ bản không đổi. Để kiểm nghiệm tính hoàn chỉnh về cấu tạo ta có thể dùng cách “chêm xen ” để thử.
Trước hết tôi giúp cho học sinh hiểu “ chêm xen ” là việc xen một yếu tố khác của tổ hợp từ nếu:
* Nghĩa của tổ hợp từ không thay đổi thì tổ hợp từ đó là tổ hợp từ đơn.
* Nghĩa của tổ hợp từ thay đổi thì tổ hợp từ đó là một từ ghép.
Ví dụ: “ Bánh rán ” – ta không thể chêm xen vào giữa 2 tiếng 1 yếu tố nào để nghĩa của nó không thay đổi nên “ bánh rán ” là một từ ghép.
“Rán bánh” ta có thể chêm xen “cái” vào giữa 2 tiếng cụ thể “rán cái bánh” mà nghĩa không thay đổi.Vậy “rán bánh” là tổ hợp 2 từ đơn.
Tương tự học sinh sẽ xác định được “kéo xe”, “tiếng nghé”, “cổng trại” là những tổ hợp 2 từ đơn.
Còn “xe kéo” là một từ ghép.
Mặt khác, Tiếng Việt là ngôn ngữ không có sự biến đổi hình thức của từ trong sử dụng, do đó có nhiều trường hợp nếu chỉ căn cứ vào mặt hình thức thì khó biết được đâu là từ ghép, đâu là tổ hợp những từ đơn. Vì vậy ta phải xem xét chúng trong văn cảnh cụ thể rồi dùng cách “chêm xen”.
Ví dụ: Tổ hợp từ “Anh em” trong câu”
“Anh em đi vắng rồi” là tổ hợp 2 từ đơn vì:
Ta có thể nói “Anh của em đi vắng rồi”
Tổ hợp “Anh em” trong câu:
“Anh em như thể chân tay” là 1 từ ghép vì kết hợp giữa các tiếng rất chặt chẽ không thể thêm tiếng vào giữa chúng.
Sau đó tôi đưa ra một số dạng bài tập tiêu biểu nhằm củng cố cách chêm xen để xác định tổ hợp từ là từ ghép hay là 2 từ đơn như sau:
*Xác định phần gạch chân trong các câu sau đây là 1 từ ghép hay là 2 từ đơn:
- Cánh én dài hơn cánh chim sẻ . ( 2 từ đơn )
- Mùa xuân những cánh én lại bay về . ( 1 từ ghép)
- Chị ấy thích ăn cánh gà . ( 2 từ đơn )
- Chị ấy đứng lấp ló sau cánh gà . ( 1 từ ghép )
- Bánh dẻo lắm bà ạ . ( 2 từ đơn )
- Em chỉ thích ăn bánh dẻo, không thích ăn bánh nướng . ( 1 từ ghép)
3.2, Lược bỏ bớt yếu tố
Vì tính hoàn chỉnh, chặt chẽ về cấu tạo, về nghĩa của từ mà nhiều khi ta có thể sử dụng một yếu tố thay cho cả một từ đó hay là cách lược bỏ một yếu tố của tổ hợp nếu nghĩa của tổ hợp không thay đổi thì đó là từ ghép.
Ví dụ: Nói về việc mua hoa ta nói: “ mua cúc ” thì được hiểu rằng mua hoa cúc. Vậy “cúc” ở đây có nghĩa là “hoa cúc” nên “hoa cúc” là một từ ghép.
Ngược lại nếu ta nói “mua ngô” thì “ngô” được mang nghĩa là “bắp ngô” chứ không phải là “lá ngô” hay “hoa ngô” nên “bắp ngô” là một từ ghép, còn “hoa ngô” hay “lá ngô” là những tổ hợp 2 từ đơn. Mặt khác nếu trong một tổ hợp từ, một yếu tố của từ mở nghĩa cho các tiếng có kết cấu chặt chẽ, không nằm trong thể đối lập của tổ hợp nào khác thì tổ hợp từ đó là từ ghép.
Ví dụ: “xòe ra”; “quắt lại” là từ ghép vì “ra” và “lại” đã mở nghĩa nên
“xòe ra” nghĩa là “xòe”, “quắt lại” nghĩa là “quắt” và không có sự tồn tại của thể đối lập.
Ví dụ: “xòe vào”,…
Sau đó tôi đưa ra một số bài tập để học sinh rèn luyện kỹ năng, sử dụng cách “lược bỏ một yếu tố của tổ hợp”.
Bài tập: Cho các kết hợp từ sau và chỉ ra kết hợp nào là một từ ghép, kết hợp nào là 2 từ đơn: Chạy đi, cụp vào, bò vào, hoa hồng, lá hồng.
Học sinh đã xác định được “cụp vào”, “hoa hồng” là một từ ghép còn “chạy đi”, “bò vào”, “ lá hồng” là những tổ hợp 2 từ đơn.
3.3, Loại trừ – suy xét
Với học sinh Tiểu học, “ loại suy ” cũng là một thủ thuật có hiệu quả để xác định cương vị từ “ loại suy” là cách ta đưa ra mẫu tiêu biểu là tổ hợp từ đơn, (hay 1từ ghép).
Ví dụ: Tổ hợp “cái bàn” là 2 từ đơn suy ra “cái bút”, “quyển sách”, “ con gà”,… cũng là tổ hợp 2 từ đơn.
Tổ hợp mẫu “hoa hồng” là 1 từ ghép, suy ra “hoa cúc”, “hoa đào”…cũng là từ ghép.
Tuy nhiên khi sử dụng “loại suy” cần chú ý nhận dạng cho đúng mẫu và phân biệt các trường hợp nhìn qua về hình thức bề ngoài tưởng như giống nhau nhưng thực chất mối quan hệ về nghĩa lại khác nhau.
Ví dụ: “xòe ra” là 1 từ ghép nhưng “đi ra” lại là 2 từ đơn ( đã trình bày ở phần tỉnh lược ).
Sau khi học sinh hiểu được phương pháp “ loại suy”, tôi đưa ra các bài tập nhằm rèn kỹ năng sử dụng phương pháp này để xác định ranh giới từ.
Trên đây là 3 cách cơ bản để phân biệt từ đơn, từ ghép nhưng không phải một phương pháp nào là vạn năng mà trong từng bài tập cụ thể, các em cần có sự vận dụng linh hoạt các cách.
Tôi đã đưa ra bài tập tổng hợp để các em thực hành.
Ví dụ: Dùng gạch dọc để tách đoạn văn sau thành các từ:
“Trời nắng chang chang, tiếng tu hú gần xa ran ran. Hoa ngô xơ xác như cỏ may, lá ngô quắt lại rủ xuống. Những bắp ngô đã mập và chắc chỉ chờ tay người đến bẻ mang về .”
Với bài tập này các em dễ dàng phát hiện ra các từ: trời nắng, chang chang, ran ran, xơ xác, những, đã, mập, chắc, và, chỉ, còn, chờ, đến, bẻ.
Các em lưỡng lự khi tìm lời giải đáp cho tổ hợp: Tiếng tu hú, gần xa, hoa ngô, cỏ may, lá ngô, quắt lại, rủ xuống, bắp ngô, tay người, mang về.
Với các tổ hợp từ trên các em đã dùng cách “chêm xen”.
Tiếng của tu hú ( được ) nên “tiếng” là 1 từ, “tu hú” là 1 từ, gần xa là 1 từ.
Tương tự các em dùng cách tỉnh lược để nhận ra: cỏ may , quắt lại, rủ xuống là những từ ghép vì các yếu tố: may, lại, xuống đều mở nghĩa, còn tay người chính là nói người nên tay người là 1 từ.
Hoa ngô, lá ngô, mang về có kết hợp lỏng lẻo nên chúng là những tổ hợp từ đơn, còn bắp ngô có kết cấu chặt nên là 1 từ ghép.
Đáp án: Trời / nắng/ chang chang / tiếng / tu hú / gần xa / ran ran /. Hoa / ngô/ xơ xác / như / cỏ may /. Lá / ngô / quắt lại / rủ xuống /. Những / bắp ngô / đã / mập / và / chắc / chỉ / còn / chờ / tay người / đến / bẻ / mang / về/.
5. CÁCH PHÂN BIỆT TỪ GHÉP, TỪ LÁY.
Theo định nghĩa từ ghép, từ láy “sách Tiếng Việt 4”
– Từ ghép là do các tiếng ghép tạo thành một nghĩa chung.
– Từ láy là từ gồm các tiếng láy lại nhau ( âm đầu, vần), cả âm và vần, tiếng.
Như vậy dựa vào định nghĩa học sinh sẽ xếp được các từ mà:
– Các tiếng trong từ có quan hệ về nghĩa, không có quan hệ về âm như: học tập, anh em, gà trống, …là từ ghép.
– Các tiếng trong từ có quan hệ về âm, không có quan hệ về nghĩa như: chăm chỉ, cần cù, lon ton,…là từ láy. Còn các từ mà các tiếng trong từ vừa có quan hệ về nghĩa, vừa có quan hệ về âm như: “học hành, tươi tốt, hư hỏng”…Thực chất là từ ghép nhưng dựa vào định nghĩa các em dễ nhầm là từ láy, vậy dạy như thế nào?
Tôi bổ sung cho từ ghép một dấu hiệu để phân biệt: “ các tiếng trong từ ghép có mối quan hệ về nghĩa ’’ nên khi các từ mà các tiếng vừa có quan hệ về nghĩa, vừa có quan hệ về âm thì ta ưu tiên quan hệ về nghĩa nên xếp chúng là từ ghép.
– Mặt khác còn có các từ mà các tiếng trong từ không có quan hệ về âm, cũng chẳng có quan hệ về nghĩa như: mồ hôi, bồ hóng, … theo giáo trình Trường sư phạm thì xếp chúng là từ đơn đa âm, vấn đề này rất khó đối với học sinh Tiểu học nên ta không lấy ra làm ví dụ để xem xét hoặc dùng để ra đề thi kể cả với học sinh giỏi. Nếu học sinh đưa ra yêu cầu xếp loại ta nên nói vấn đề này các em sẽ được học sau ( tránh nói đây là từ ghép).
– Về từ láy cũng có quan niệm khác nhau giữa giáo trình Trường sư phạm và sách giáo khoa Tiểu học. Theo giáo trình Trường sư phạm thì phương thức láy,chỉ ra được hình vị gốc, vì vậy các trường hợp: chôm chôm, đu đủ, thằn lằn, …không được xem là từ láy, còn sách giáo khoa Tiểu học nhất loạt xét theo hình thức ngữ âm nên xếp đây là từ láy, đó cũng là quan điểm phù hợp với tâm lí học sinh Tiểu học.
Ta có thể hệ thống về mối quan hệ giữa các tiếng trong từ như sau:
Quan hệ về nghĩa Quan hệ về âm | Các tiếng có quan hệ về nghĩa | Các tiếng không có quan hệ về nghĩa |
Các tiếng có quan hệ về âm | A | C |
Các tiếng không có quan hệ về âm | B | D |
- A – B: Nhóm các từ ghép
- C: Nhóm các từ láy
- D: Không nên lấy ra xem xét
– Để xếp 1 từ vào nhóm từ láy phải chỉ ra được sự lặp lại của cả tiếng hoặc 1 bộ phận âm đầu, vần, nên các trường hợp ồn ào, ầm ĩ, ọc ạch…cần được xếp vào từ láy vì các tiếng trong từ có sự giống nhau về hình thức ngữ âm: Cùng vắng khuyết phụ âm đầu.
– Ngoài ra giáo viên cần nắm chắc về ngữ âm: /k/ được viết bằng 3 con chữ: c, q, k, âm /z/ viết bằng 2 con chữ: d, gi; âm /y/ viết bằng 2 con chữ: i, y…nên cần giúp học sinh nắm được các từ láy phụ âm đầu được ghi bằng các con chữ khác nhau như: kệch cỡm, kính coong, cong queo, cồng kềnh, ngô nghê, gồ ghề …
Để củng cố cho học sinh phần này tôi cho học sinh làm bài tập sau:
Ví dụ: Xếp các từ sau đây thành 2 nhóm: từ ghép, từ láy:
Mập mạp, lom khom, tươi tốt, ầm ĩ, học tập, học hỏi, cồng kềnh.
– Học sinh đã xác định đúng như sau:
+ Từ ghép: tươi tốt, học hỏi, học tập.
+ Từ láy: mập mạp, lom khom, ầm ĩ, cồng kềnh
– Trong thực tế học sinh còn gặp phải 1 số từ ghép Hán – Việt có bộ phận âm thanh ngẫu nhiên giống từ láy. Gặp những trường hợp này giáo viên nên giải nghĩa và giảng cho các em hiểu đó là những từ ghép Hán – Việt ( các em sẽ được tìm hiểu k ỹ ở bậc THCS )
Ví dụ: Bình minh, hoan hỉ, căn cơ, ban bố,…
Khi học sinh nắm được các cách phân biệt từ đơn, từ ghép, từ láy ngoài việc ra các bài tập để các em luyện tập kĩ năng sử dụng để tách từ, tôi đưa ra một số dạng bài tập khác giúp các em nhận diện, phân loại, phát triển vốn từ.
5, CÁC DẠNG NHẬN DIỆN, PHÂN LOẠI, PHÁT TRIỂN TỪ ĐƠN, TỪ GHÉP, TỪ LÁY.
* Dạng 1: Tìm từ theo kiểu cấu tạo.
Ví dụ: Tìm 5 từ đơn, 5 từ ghép, 5 từ láy.
* Dạng 2: Cho sẵn các từ rồi yêu cầu xếp loại.
Ví dụ: Hãy xếp các từ: thật thà, bạn bè, học hành, chăm chỉ, đi đứng, khó khăn, tươi tốt vào 2 nhóm:
- Từ ghép:
- Từ láy:
* Dạng 3: Cho sẵn 1 đoạn, 1 câu, yêu cầu học sinh tìm 1 hay 1 số kiểu từ theo cấu tạo có trong đoạn, trong câu đó.
Ví dụ: Tìm các từ đơn, từ ghép có trong các câu sau:
Mùa xuân mong ước đã đến. Đầu tiên từ trong vườn mùi hoa hồng, hoa huệ sực nức bốc lên.
* Dạng 4: Cho sẵn các yếu tố cấu tạo từ, yêu cầu học sinh kết hợp chúng theo từng cặp để tạo thành 1 kiểu từ theo cấu tạo nào đó.
Ví dụ: Ghép các tiếng sau thành những từ ghép:
Ăn, mặc, ở, xe, nổ, máy, điện, dệt, nói.
Đầu bài cho sẵn 1 yếu tố cấu tạo từ (1 tiếng) yêu cầu học sinh tìm từ có tiếng gốc đó theo những kiểu cấu tạo khác nhau.
Ví dụ: Điền tiếng thích hợp vào chỗ chấm (…) để có:
- Các từ ghép Các từ láy
- Mềm… – Mềm…
- Xanh… – Xanh…
- Khỏe… – Khỏe…
- Lạnh… – Lạnh…
- Vui… – Vui…
- Nhỏ… – Nhỏ…
* Dạng 5: Tìm từ theo kiểu cấu tạo nào đó, theo một chủ đề cho trước. Đặt câu với từ tìm được.
Ví dụ: Tìm 2 từ đơn, 2 từ ghép, 2 từ láy nói về chủ đề Tổ quốc. Đặt câu với mỗi từ tìm được.
* Dạng 6 :Tìm từ theo kiểu cấu tạo nào đó theo chủ đề cho trước. Viết thành đoạn văn.
Ví dụ: Tìm 5 từ ghép hoặc từ láy nói về đức tính của 1 học sinh giỏi. Viết đoạn văn về bạn học sinh giỏi đó.
* Dạng 7: Tìm từ theo cấu tạo giải nghĩa từ.
Ví dụ: Tìm 5 từ ghép chỉ sắc độ trắng khác nhau. Giải thích ý nghĩa của mỗi từ.
Mức độ khó của bài tập không phụ thuộc vào các dạng, kiểu bài tập mà phụ thuộc vào chính những ngữ liệu đem ra xem xét. Tùy từng đối tượng học sinh mà ta đưa ra những ngữ liệu phù hợp. Với học sinh trung bình chỉ cần đưa ra những dạng đơn giản, cơ bản. Học sinh giỏi ta có thể gài một số trường hợp dễ nhầm lẫn. Với những trường hợp có nhiều đáp số khác nhau cần hướng dẫn học sinh tìm ra đáp số của để bài và phải biết lý giải vì sao mình lại đi đến kết quả ấy.
Ví dụ ở dạng 2: Học sinh băn khoăn khi xếp từ bạn bè là từ ghép hay từ láy.
Ở đây có 2 quan điểm; nếu xét “ bè” có nghĩa như trong “bè phái”, thì “ bạn bè” là từ láy. Như vậy trong quá trình hình thành khái niệm “từ đơn, từ ghép, từ láy” cho học sinh tôi đã kết hợp các phương pháp giảng dạy để phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động tìm ra kiến thức, đưa ra những ví dụ phân tích để rút ra phương pháp phân biệt: “ từ đơn, từ ghép, từ láy” sau đó ra các bài tập tổng hợp để các em luyện tập phương pháp đã làm, rèn kĩ năng, kĩ xảo nhận diện từ.
- Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề cần nghiên cứu
Sau khi nghiên cứu, tìm tòi phương pháp và áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, tôi thấy chất lượng nhận diện từ của học sinh nâng lên rõ rệt. Các em không còn cảm thấy quá khó khăn với các bài tập tách từ trong đoạn văn, đoạn thơ, hoặc phân biệt từ ghép, từ láy – và khả năng tạo từ tương đối phong phú.
Tôi đã ra đề khảo sát chất lượng các em như sau:
ĐỀ KHẢO SÁT
Câu 1: Dùng 1 gạch ( / ) tách các từ trong khổ thơ sau:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Câu 2: Xếp các từ sau đây thành 2 nhóm: Nhóm từ láy, nhóm từ ghép.
Học tập, học giỏi, siêng năng, ồn ào, tươi tỉnh, tươi cười, tươi tốt, tươi tắn, cuống quýt, vui vẻ, ngộ nghĩnh.
Câu 3: Xác định phần gạch chân dưới đây là 1 từ ghép hay 2 từ đơn.
Tai voi giống như cái quạt.
Tôi vừa mua chiếc quạt tai voi.
Câu 4: Ghép thêm tiếng vào sau tiếng: “ nhỏ ” để được 3 từ láy, 3 từ ghép
Kết quả:
Lớp | Sĩ số | HTT | HT | CHT | |||
SL | % | SL | % | SL | % |
- BÀI HỌC KINH NGHIỆM
- Đối với giáo viên:
– Thường xuyên thăm lớp, dự giờ học hỏi kinh nghiệm giảng dạy nói chung, phân môn Luyện từ và câu nói riêng, đặc biệt phần lí thuyết từ, phải hiểu rõ ý đồ, quan điểm của tài liệu.
– Nghiên cứu tài liệu để nâng cao trình độ, khi giảng dạy cần theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người gợi mở giúp học sinh chủ động nắm giữ kiến thức.
– Để giúp học sinh tránh được những sai phạm về phân loại từ, nhận diện từ khi dạy chú ý cần chọn ví dụ cho thích hợp, mở rộng kiến thức hợp lý, đưa ra các biện pháp để học sinh phân biệt.
2.Đối với học sinh
– Học sinh phải chủ động, tích cực nắm kiến thức, tích cực làm việc, các em đóng vai trò là nhân vật trung tâm trong quá trình dạy học.
– Các em tự học hỏi làm các bài tập nâng cao không biết thì hỏi bạn ,hỏi thày..
– Các em biết biện luận cho đáp số của mình với nhiều trường hợp có nhiều khả năng xảy ra.
– Thường xuyên rèn luyện, đặt từ trong văn cảnh và hiểu nghĩa của từ để có thế sử dụng đúng .
PHẦN KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ
III.1 KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu thực trạng phân biệt từ đơn, từ ghép, từ láy của học sinh lớp 4 trường tôi đang công tác và nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc phân loại, nhận diện từ, tôi đã bước đầu tìm ra giải pháp giúp các em không quá khó khăn khi tiến hành công việc này. Các em đã chuyển được suy nghĩ phải học, sợ học Luyện từ và câu sang thích thú tìm hiểu chúng. Nhiều từ trước đây còn phải tranh cãi đến nay các em đã có phương pháp để xem xét chúng một cách khoa học. Học sinh có thể tự tin và biết biện luận và lý giải cho bài làm của mình. Trong quá trình nghiên cứu và tích lũy, đúc rút kinh nghiệm với khả năng của bản thân có hạn, còn nhiều hạn chế, tôi rất mong bạn đọc và hội đồng khoa học cấp cơ sở góp ý để sáng kiến kinh nghiệm của tôi được áp dụng rộng rãi và có hiệu quả.
III.2 KIẾN NGHỊ
- Chương trình sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy.
– Nên tăng thời lượng mỗi tuần từ 2 tiết đến 3 tiết để học sinh có khả năng học tập nhận diện từ tốt
– Cần bổ sung cho định nghĩa từ ghép và từ láy một dấu hiệu để phân biệt.
- Đối với giáo viên.
– Giáo viên phải nắm vững nội dung, phương pháp giảng dạy sát với đối tượng học sinh để sử dụng phương pháp thích hợp giúp các em phát triển tư duy trong quá trình nhận thức lĩnh hội kiến thức.
– Giáo viên phải học tập thường xuyên, tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy để nâng cao tay nghề.
– Giáo viên phải biết tổ chức cho học sinh học tập có nề nếp, giúp học sinh chủ động học tập một cách tự giác, say mê, sáng tạo.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 – Tập 1 – Nhà xuất bản giáo dục.
- Sách giáo viên Tiếng Việt 4 – Tập 1.
- Thiết kế bài giảng Tiếng Việt 4- Tập 1
BẤM VÀO ĐÂY TẢI BẢN ĐẦY ĐỦ
Mời thầy cô xem thêm:
Sáng kiến kinh nghiệm tiểu học miễn phí
Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non miễn phí.
Sáng kiến kinh nghiệm THCS miễn phí
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bài giảng LTVC Tính từ
- Cách tạo avatar Facebook World Cup 2018
- Bài giảng SHL Triển lãm sơ đồ tư duy
- Kế hoạch bài dạy môn Đạo đức lớp 3 tuần 12 sách Cánh diều
- Đáp án tự luận Môn Tin học Module 3.0
- Kế hoạch buổi 2 bài 24, Toán 1 sách kết nối tri thức
Bài viết cùng chủ đề
- Một số kinh nghiệm giúp học sinh học tốt môn Đạo Đức lớp 5 ở trường Tiểu học
- Một số giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng môn Tin học
- Một số biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm để giáo dục nề nếp…
- Biện pháp rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 1 khi học môn Tiếng Việt
- Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt nội dung giải toán về tỉ số phần trăm
- SKKN Nâng cao hiệu quả giải toán có lời văn bằng hai phép tính lớp 3
Từ khóa » Trình Bày Khái Niệm Từ đơn Từ Phức Từ Láy Từ Ghép
-
Từ đơn Là Gì? Từ Phức Là Gì? Phân Biệt Với Từ Ghép
-
Trình Bày Khái Niệm Từ đơn, Từ Phức, Từ Láy, Từ Ghép
-
Trình Bày Khái Niệm Từ đơn, Từ Phức, Từ Láy, Từ Ghép - Haylamdo
-
Nêu Khái Niệm Từ đơn, Từ Phức - Trần Thị Trang - Hoc247
-
Từ đơn Là Gì, Từ Phức Là Gì? Ví Dụ Và Phân Biệt - Daful Bright Teachers
-
Nhắc Lại Khái Niệm Từ đơn, Từ Phức (nêu Ví Dụ Minh Họa ... - Tech12h
-
Từ đơn Là Gì? Từ Phức Là Gì? Phân Biệt Với Từ Ghép - Sen Tây Hồ
-
Cách Nhận Biết Từ đơn, Từ Phức - Từ Ghép, Từ Láy Không Phải Ai Cũng ...
-
[CHUẨN NHẤT] Từ Phức Là Gì? - TopLoigiai
-
Từ đơn, Từ Phức, Từ Ghép, Từ Láy Lớp 6 - Blog Của Thư
-
Khái Niệm Từ đơn, Từ Phức ? Phân Biệt Các Loại Từ Phức - Hoc24
-
Nhắc Lại Khái Niệm Từ đơn, Từ Phức (nêu Ví Dụ Minh Họa). Chỉ Ra Sự ...
-
Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 - Chân Trời Sáng Tạo - Học Tốt
-
Từ đơn Là Gì? Từ Phức Là Gì? - Luật Hoàng Phi