Kinh Tế Tri Thức: Việt Nam đang ở đâu? - Tuổi Trẻ Online

Phóng to

Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ. Cạnh tranh công nghệ lại phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học (NCKH). Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, NCKH đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số KEI: xếp hạng 106/145

Ngân hàng Thế giới đã phát triển một số chỉ số để đo lường một nền kinh tế tri thức. Những chỉ số này bao gồm chỉ số tri thức, chỉ số sáng tạo, chỉ số về giáo dục, công nghệ thông tin. Từ các chỉ số này người ta có thể tổng kết thành một chỉ số chung gọi là chỉ số kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index hay KEI). Nhìn toàn cục, các chỉ số này phản ánh phần nào tình trạng kinh tế tri thức của một nước và cho phép chúng ta so sánh với các nước khác.

Trong báo cáo về tình hình khoa học trên thế giới năm nay của Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), có 145 nước được xếp hạng về kinh tế tri thức. Kết quả phân tích và xếp hạng cho thấy (dựa vào chỉ số KEI) nền kinh tế tri thức của Việt Nam đứng hạng 106 trên 145.

Nếu dựa vào chỉ số H thì Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ khoa học quốc tế?

Theo số liệu của SCOPUS, chỉ số H của Việt Nam trong thời gian 1996-2009 là 84. Nói cách khác, trong số hơn 8.000 bài báo khoa học công bố thời gian trên có 84 bài được trích dẫn ít nhất là 84 lần. Với chỉ số H này, Việt Nam đứng hạng 61 (trong số 235 nước), trong khi Thái Lan hạng 39, Malaysia 54, Indonesia 58 và Philippines 56. Các cường quốc khoa học châu Á như Singapore hạng 31, Hàn Quốc 21 và Trung Quốc 18, cách Việt Nam khá xa.

So với năm 1995, thứ hạng của Việt Nam tăng 14 bậc. Song so với các nước tương đương trong vùng, kinh tế tri thức của Việt Nam thấp nhất (Indonesia hạng 103, Philippines hạng 89, Thái Lan 63, Malaysia 48 và Singapore hạng 19). Việt Nam thậm chí còn ở thứ hạng thấp hơn cả bán đảo Fiji (hạng 86)! Đấy là bảng xếp hạng trong tình hình Philippines đã giảm 16 bậc, Indonesia giảm 2 và Thái Lan giảm 9 bậc.

Sản phẩm của NCKH ngoài những bài báo công bố trên các tập san quốc tế còn thể hiện qua số bằng sáng chế - một hình thức chuyển giao công nghệ. Từ năm 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế, có năm như năm 2007 chẳng có bằng sáng chế nào. Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng ký được 310 bằng sáng chế, Singapore 3.644, Indonesia có 85, Philippines 256 và Malaysia có tới 901 bằng sáng chế.

Nếu nhìn vào tình hình xuất khẩu hàng hóa kỹ thuật cao (hi-tech) - một chỉ số quan trọng của nền kinh tế tri thức - thì thấy năm 2008, Việt Nam xuất khẩu đạt 48,6 tỉ USD. Con số này có vẻ ấn tượng nhưng vẫn chưa bằng 1/3 của Thái Lan (153,6 tỉ USD) và chỉ bằng 16% của Singapore (399,3 tỉ USD). Và thật ra, xuất khẩu hàng hi-tech của Việt Nam thấp nhất so với các nước trong khu vực. Hơn 1/5 tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam là khoáng sản và có tới 41% là hàng công nghiệp mà chủ yếu là gia công, dệt may. Trong khi đó, ngành xuất khẩu chủ đạo của Thái Lan là máy móc và thiết bị (chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu) và hàng công nghiệp (24%). Singapore cũng tương tự Thái Lan.

Những kết quả phân tích trên cho thấy vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới còn rất thấp. Những số liệu một lần nữa cho thấy lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo của Việt Nam là y sinh học và vật lý chứ không phải toán. Và cho thấy ngay “nội lực” khoa học cũng kém vì có tới 62% công trình nghiên cứu phải hợp tác với nước ngoài và vì xuất khẩu hàng hóa hi-tech ở mức thấp nhất trong vùng.

Định vị khoa học Việt Nam trên trường quốc tế

Kết quả nghiên cứu khoa học thể hiện qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trong những tập san chuyên ngành có bình duyệt quốc tế (peer review). Tuy có tới hơn 100.000 tập san khoa học trên toàn thế giới, chỉ có những tập san được liệt kê trong danh mục của Institute of Scientific Information (ISI) là được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Do đó, trên bình diện quốc gia, người ta dựa vào số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san thuộc thư mục ISI như là một thước đo để đánh giá và xếp hạng các nước.

Trong vài năm gần đây, nhiều người đã phân tích số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học của nước ta, so sánh với các nước trong vùng cho thấy khoa học nước ta nói chung còn kém. Từ năm 2001-2010, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 8.220 bài báo khoa học trên các tập san ISI, dù đã tăng 3,4 lần so với thập niên trước đó (1991-2000) song vẫn chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/3 Malaysia và 1/6 Singapore.

Tuy vậy, các phân tích trên chưa định vị khoa học Việt Nam trên trường quốc tế ra sao.

Để xác định vị trí của nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế, người viết bài này sử dụng dữ liệu của ISI và SCOPUS (các thư mục khoa học quốc tế) trong thời gian 14 năm (từ 1996-2009). Có nhiều cách định vị (hay xếp hạng) khoa học, nhưng tựu trung là dựa vào số lượng và một chỉ số hỗn hợp giữa số lượng và chất lượng. Đơn giản nhất là dựa vào số lượng ấn phẩm khoa học, vì chỉ số này phản ánh khối lượng thông tin khoa học “sản xuất” của một nước.

Nhưng cách xếp hạng này có vấn đề, vì có nước công bố rất nhiều công trình khoa học nhưng chẳng ai quan tâm vì chất lượng quá thấp. Tiêu biểu cho xu hướng này là Trung Quốc: từ năm 1996-2009, Trung Quốc công bố 1,5 triệu ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, đứng thứ 2 sau Mỹ với gần 4,77 triệu bài báo khoa học, nhưng nếu dựa vào tầm ảnh hưởng thì Trung Quốc đứng hạng 10 trong số 235 nước có thể xếp hạng.

Số lượng công trình khoa học chỉ phản ánh lượng mà không phản ánh phần chất. Một nhà khoa học có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng chẳng ai trích dẫn hay quan tâm thì không thể xem là một nhà khoa học giỏi. Do đó, cách xếp hạng khách quan và hợp lý hơn là dựa vào chỉ số H (một sáng kiến của nhà vật lý học Jorge Hirsch - Đại học California San Diego). Có thể hiểu như sau: nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu, mỗi công trình được trích dẫn ít nhất 20 lần.

Cần nói thêm rằng một nhà khoa học với chỉ số H 20 là ở vào đẳng cấp giáo sư. Các nhà khoa học y sinh học, vật lý học, hóa học từng đoạt giải Nobel thường có chỉ số H trên 30. Do đó, chỉ số H “dung hòa” giữa lượng và chất trong xếp hạng khoa học của một nước (xem bảng).

Cần chuẩn mực mới và cách mạng khoa học, công nghệ

Những kết quả phân tích trên một lần nữa cho thấy khoa học Việt Nam chẳng những ở một vị trí thấp trên thế giới mà còn thấp so với các nước trong vùng. Tính chung, ta chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar.

Cả nước hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, cùng với trên 3 vạn tiến sĩ nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 900 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Đó là một năng suất cực kỳ khiêm tốn, nếu nhìn theo chuẩn mực quốc tế mỗi giáo sư phải có ít nhất một bài báo khoa học mỗi năm.

Vấn đề là ở nước ta vẫn tồn tại một sự nhầm lẫn giữa bài báo khoa học và bài báo phổ thông. Chẳng hạn, gần đây báo chí nói đến một nhà khoa học có số lượng bài báo kỷ lục về rùa, nhưng tìm hiểu thì ông này chỉ có hai công trình nghiên cứu và chưa có bài nào trên một tập san quốc tế! Không ít nhà khoa học nghĩ rằng những bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hay thậm chí trên báo chí phổ thông là công trình nghiên cứu! Với cách làm khoa học như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy năng suất khoa học quốc gia rất thấp so với quốc tế.

Vấn đề là cộng đồng khoa học Việt Nam chưa nhất trí tạo ra những chuẩn mực khách quan để đánh giá thành tựu một nhà khoa học. Vì thiếu một chuẩn mực khách quan nên có sự lẫn lộn giữa bài báo phổ thông, bảng tóm tắt trong hội nghị và một bài báo khoa học nghiêm chỉnh. Từ sự lẫn lộn này dẫn đến những sai lầm trong đánh giá và đề bạt các chức danh khoa học. Từ đó chúng ta có rất nhiều nhà khoa học “phổ thông”, nhưng rất ít những nhà khoa học thứ thiệt.

Theo thông lệ quốc tế, một công trình khoa học chỉ có thể xem là hoàn tất nếu kết quả công trình đó được công bố trên những tập san khoa học có bình duyệt, để người ta có thể công khai đánh giá công trình khoa học đó giá trị ra sao. Một công trình mang tiếng là nghiên cứu khoa học, tiêu nhiều triệu, thậm chí nhiều tỉ đồng (tiền thuế của dân đóng) mà không được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt, tức không công khai quốc tế, thì không thể xem là hoàn tất được và như vậy tác giả vẫn còn nợ người dân.

Đã đến lúc thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học và cần thay thế quy trình “nghiệm thu” bằng những bài báo khoa học quốc tế - cách mà Quỹ Nafosted của Bộ Khoa học - công nghệ đang áp dụng.

Những nước tiến rất nhanh trên con đường công nghiệp hóa như Hàn Quốc và Singapore đều có đặc điểm nổi bật là khoa học rất mạnh. Chỉ trong vòng 20 năm, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành cường quốc về khoa học với nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu.

Năm 2020 được xem là thời điểm đến đích của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước của Việt Nam, tức chỉ còn chín năm. Đại hội Đảng XI mới đây nhấn mạnh đến “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Từ vị trí hiện nay, mục tiêu cao cả đó có thể hoàn thành được không nếu không có một cuộc cách mạng trong khoa học và công nghệ?

__________

Để xây dựng một nền kinh tế tri thức, các đô thị như TP.HCM đều đang đứng trước những chọn lựa gay cấn về đường hướng phát triển.

Trong khi vẫn phải tiếp tục xử lý những tồn tại như hạ tầng quá tải, kinh tế, an sinh xã hội tiềm ẩn nhiều thách thức và nhân lực thiếu hụt, các nhà lãnh đạo hôm nay còn phải đối diện với những thách thức mới của quá trình phát triển bền vững.

“Bền vững hóa” - làn sóng thứ tư

“Phát triển bền vững” là một khái niệm cần được cụ thể hóa như trả lời sáu câu hỏi: tại sao, cho ai, làm gì, khi nào, ở đâu và như thế nào, nhằm tránh việc đề ra những tiêu chí không thực tế, mà hệ lụy luôn là lãng phí đầu tư cơ bản và làm tăng tính bất ổn về lâu dài.

Nếu xem TP.HCM là một “đầu tàu kinh tế” có thương hiệu, uy tín trên toàn quốc và quốc tế, ta có thể thấy được những tiêu chí của “phát triển bền vững” phải bao gồm từ việc nâng cao giá trị và uy tín của TP trong thu hút đầu tư và các cơ chế hành chính, thuế thông thoáng...; gia tăng GDP của TP phải đi đôi với việc giảm dần tỉ lệ chi tiêu công, tức gia tăng hiệu quả của bộ máy hành chính và các dự án đầu tư kinh tế - xã hội trên địa bàn TP...

Khi bước vào giai đoạn “phát triển bền vững”, nền kinh tế các quốc gia phát triển đã hoàn thiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp tri thức và dịch vụ, sản phẩm của họ đã được toàn cầu hóa (sản xuất toàn cầu, tiêu thụ cũng toàn cầu) và năng suất lao động cùng trình độ quản lý đạt mức cao nhờ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hoàn thiện.

Nói cách khác, xã hội của họ đã từ nền tảng pháp trị phát triển lên thành xã hội học tập, xã hội thông tin, và kinh tế tri thức với các quan hệ sản xuất không còn như thời kỳ mới đi lên công nghiệp hóa. Với lao động tri thức, rất khó lòng chỉ ra đâu là người làm công, đâu là giới chủ, ai bóc lột hay phụ thuộc ai, bởi vì mọi thành viên đều phụ thuộc lẫn nhau và mọi người tự do chọn nơi để cống hiến tri thức của mình mọi lúc mọi nơi, nhờ mạng thông tin của thời đại số hóa.

Tương tác thành công giữa các thế hệ

TP.HCM (và cả nước) đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành công nghiệp hóa. Chuyển từ “đi tắt” sang giai đoạn “phát triển bền vững” trong khi những điều kiện phát triển chín muồi và nhận thức xã hội vẫn còn trong quá trình hình thành và hoàn thiện là một quyết định không dễ dàng.

Đây chính là thời điểm lựa chọn ngặt nghèo, vấn đề lớn nhất làm thế nào để sử dụng hữu ích công nghệ của các nền kinh tế phát triển cao tiếp nhận được, giữ vững nhịp độ phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện đại vừa được gầy dựng, năng suất lao động và trình độ sản xuất công nghiệp bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể... Trong đó, yếu tố con người và môi trường cần được phục vụ, quan tâm và bảo vệ bằng tất cả kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất nhằm phát huy tối đa năng lực lao động và sáng tạo không ngừng của xã hội nói chung và cư dân TP nói riêng.

Nếu giải thích của lãnh đạo TP Hà Nội vừa qua về việc chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tụt 10 bậc là vì “TP phải lựa chọn các nhà đầu tư do có quá nhiều nhà đầu tư muốn vào” là đúng thì việc tụt hạng này biết đâu lại là cần thiết. Cần nói thêm là Hà Nội đã nhìn thấy việc có tới 35 sản phẩm công nghiệp chủ lực song chưa có giá trị công nghiệp cao xứng với tiềm năng là một vấn đề nghiêm trọng.

Các nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên “phát triển bền vững” cần có tầm nhìn, hiểu biết tổng hợp về hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, có tri thức và kinh nghiệm lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ còn phải có kỹ năng thiết kế chiến lược và lãnh đạo hệ thống chính trị thi hành những chiến lược có tính khả thi cao và lâu dài.

Thực thi chiến lược ấy đòi hỏi người lãnh đạo phải tương tác thành công với các thế hệ khác nhau, đặc biệt là kỹ năng hiểu để tạo lập nền móng và trao đổi thành công với các lực lượng sản xuất nòng cốt trong tương lai: thế hệ Z (9X) và thế hệ An-pha (10X) vì các thế hệ này sinh ra, lớn lên và tiếp thu hoàn chỉnh những tinh hoa của kỷ nguyên số hóa và là những nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của kỷ nguyên “phát triển bền vững”.

Lịch sử phát triển cho thấy ba làn sóng cách mạng kinh tế trong ba thế kỷ vừa qua của các quốc gia hàng top trên thế giới đã diễn ra theo trình tự: thứ nhất là công nghiệp hóa (thế kỷ 18 và 19), thứ hai là toàn cầu hóa (đầu thế kỷ 20) và thứ ba là số hóa (cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21). Các làn sóng ấy sẽ được tiếp nối bằng làn sóng phát triển thứ tư, đó là “bền vững hóa” (sustainability) trong nửa sau của thế kỷ 21.

Theo đó, làn sóng “phát triển bền vững” thuộc thế hệ thứ tư sẽ kế thừa và phát triển dựa trên những thành quả và cơ chế hình thành từ cách mạng công nghiệp hóa, được tăng chiều rộng lẫn chiều sâu bằng quá trình toàn cầu hóa và được nâng tầm hiệu quả bằng cuộc cách mạng số hóa.

Từ khóa » Chỉ Số Kinh Tế Tri Thức Việt Nam