Phát Triển Kinh Tế Tri Thức ở Việt Nam Trong Cách Mạng Công Nghiệp 4.0

  1. Đầu tư - Kinh doanh

Bài viết trao đổi những vấn đề chung của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tri thức trong bối cảnh mới.

Tổng quan về nền kinh tế tri thức

Các quan điểm về nền kinh tế tri thức

Nền kinh tế tri thức (Knowledge - Based Economy) là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức, trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao. Khái niệm kinh tế tri thức manh nha xuất hiện từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, tiên phong bởi Fritz Machlup và Peter Drucker. Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu nhằm xác định và giải thích cơ chế của nền kinh tế này.

Năm 1996, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đưa ra khái niệm tổng hợp về kinh tế tri thức: "Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất phân phối và sử dụng tri thức và thông tin". Năm 1999, Ngân hàng Thế giới định nghĩa, “Kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng”.

Năm 2000, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã đưa ra một khái niệm mới hơn và cụ thể hơn: "Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế". Năm 2001, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng “Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin”.

Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1

Như vậy, dù tiếp cận theo các góc độ khác nhau, thì bản chất của nền kinh tế tri thức vẫn là vai trò quyết định hàng đầu của tri thức đối với sự phát triển kinh tế. Trong nền kinh tế tri thức, việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo các chuyên gia kinh tế, sự ra đời và phát triển của nền kinh tri thức là kết quả tất yếu của quá trình phát triển mức độ cao hơn của lực lượng sản xuất xã hội. Nó được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với sự phát triển nhanh, mang tính đột phá của công nghệ thông tin.

Xu thế phát triển nền kinh tế tri thức trên thế giới

Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, điển hình như: Mỹ, Canada, Tây Âu, Australia, Nhật Bản, Singapore - nơi các yếu tố của nền kinh tế tri thức ở mức khá cao, trong đó các ngành công nghiệp dựa trên tri thức đã đóng góp trên 40% GDP. Cụ thể, theo Báo cáo của nhóm nghiên cứu đặc trách thuộc APEC về kinh tế tri thức cho thấy, tỷ lệ đóng góp các ngành công nghiệp dựa trên tri thức vào GDP ở Singapore 57,9%, Mỹ 55,3%, Nhật Bản 53%, Canada 51% và Australia 48%.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và ngày càng dựa vào công nghệ, hiện nay, nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức. Cùng chung xu thế đó, Việt Nam đã và đang thúc đẩy kinh tế tri thức gắn với kinh tế số. Ở Việt Nam, quan điểm phát triển kinh tế tri thức đã được đề cập, bàn bạc từ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý…và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau từ những năm đầu thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và nhiều văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vị trí, vai trò kinh tế tri thức trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta, rất coi trọng vận dụng các yếu tố của kinh tế tri thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã khẳng định: “… Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”.

Trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc CMCN 4.0, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng. Do vậy, để tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030.

Nền kinh tế tri thức trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Nền kinh tế tri thức trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

Nền kinh tế tri thức trong bối cảnh bùng nổ của CMCN 4.0 có nhiều đặc điểm nổi bật sau:

- Con người là yếu tố quan trọng nhất. Bất chấp nền kinh tế tri thức phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, kỹ thuật, muốn phát triển nền kinh tế tri thức trong CMCN 4.0, thì vấn đề con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Tuy nhiên, phải chấp nhận những sự thay đổi như: Máy móc sẽ dần thay thế con người trong một số khâu phức tạp; Sẽ có sự chuyển dịch từ lao động chân tay sang lao động đầu óc, lao động cơ bắp chiếm tỷ lệ nhỏ và được thay thế bằng lao động trí tuệ...

- Đổi mới, sáng tạo cần được thúc đẩy nhiều trong hoạt động của DN nói chung và của nền kinh tế nói riêng. Trong cuộc CMCN 4.0 này, tri thức khoa học phải được chuyển hóa vào trong các phát minh sáng tạo, các phát minh cốt lõi của sản xuất vật chất. Do vậy, đổi mới sáng tạo sẽ quyết định sự thành bại của kinh tế tri thức.

- Sở hữu quan trọng nhất và chủ yếu của nền kinh tế tri thức trong CMCN 4.0 đó chính là sở hữu trí tuệ. Theo Hoàng Bích Thủy (2022), xung đột lớn nhất của nền kinh tế tri thức trong cuộc cách mạng này cũng chính là xung đột về sở hữu trí tuệ. CMCN 4.0 sẽ làm bùng nổ một cuộc đấu tranh xoay quanh quan hệ sở hữu trí tuệ của con người.

Thách thức của nền kinh tế tri thức trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

Phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0 đang là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế phát triển cho thấy, kinh tế tri thức trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, như:

- Trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ, các tư liệu sản xuất sẽ chuyển sang nguồn lực vô hình - trí tuệ nhân tạo, công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, Internet vạn vật, thông tin, dữ liệu lớn (big data), bằng sáng chế, phát minh... Tuy nhiên, đây là vấn đề mới đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

- Nguồn lực đầu tư cho kinh tế trí thức, khoa học công nghệ tuy đã có sự cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

- Trong quá trình phát triển của kinh tế tri thức, công nghệ số làm phát sinh những ngành kinh tế mới, hình thức kinh doanh mới mà nếu không quản lý được sẽ gây ra bất ổn xã hội, hoặc thất thu thuế.

- Kinh tế tri thức gây ra sức ép lớn cho người lao động, đòi hỏi họ phải học tập không ngừng, tìm tòi sáng tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển giao công nghệ... Do việc tập trung vào lao động trí óc nhiều hơn nên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Các chính sách thu hút nhân tài nhằm phát triển kinh tế tri thức vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Đề xuất một số giải pháp

Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0 hiện nay, trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi và giải pháp thích hợp, xác định rõ những khâu, những bước đột phá, không dàn trải; trước mắt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức gắn với kinh tế số và phát triển những ngành ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm để tạo nền tảng, lan tỏa đến các ngành, địa phương khác.

Thứ hai, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần có cơ chế đặc thù để các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu khoa học - công nghệ nhằm tạo nền tảng công nghệ phục vụ phát triển đất nước theo hướng hiện đại và tạo ra các yếu tố nền tảng của kinh tế tri thức. Tăng cường năng lực khoa học - công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học - công nghệ mới nhất của thế giới. Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các khâu, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế tạo ra khả năng lan tỏa trong nền kinh tế theo hướng hiện.

Thứ tư, phát triển mạnh nguồn lao động trí tuệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Đẩy nhanh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nhân... Cần coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là đột phá để đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức.

Thứ năm, cần quan tâm, thu hút, đãi ngộ đối với nhân tài, những người hoạt động trong các ngành công nghệ cao, đóng góp thiết thực và to lớn vào sự phát triển của các ngành nghề và xã hội.

Tài liệu tham khảo:

Vũ Văn Phúc (2020), Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và nền kinh tế tri thức, Tạp chí Cộng sản;

Nguyễn Thành Phong (2021), Phát triển kinh tế tri thức - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ TP. Hồ Chí Minh;

Hoàng Bích Thủy (2022), Một số thách thức trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1/2022;

World Bank, “Knowledge for development”, World Development Report, 1999;

APEC (2000), Báo cáo của Ủy ban kinh tế APEC, tháng 11/2000;

Organization for Economy Cooperation and Development (OECD), “The new economy: Beyond the hype”, Final report on the OECD Growth Project, 2001.

(*) Nguyễn Thị Luyến - Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 4/2022

Quảng Ninh: Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ
Chính thức điều chỉnh chủ trương đầu tư Sân bay Long Thành
Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện
Cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Tập đoàn Bảo Việt chi trả hơn 745 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt
Vàng miếng SJC giảm 200.000 đồng/lượng
Triển khai dự án thí điểm nhà ở thương mại trên toàn quốc với 4 trường hợp
Cần dành quỹ đất để phát triển logistics và kho bãi
Quảng Ninh: Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ
Chính thức điều chỉnh chủ trương đầu tư Sân bay Long Thành
Nỗ lực nâng chất lượng quản trị công ty trên mức bình quân của ASEAN
Hiệp đồng chặn dòng pháo lậu dịp cuối năm
Đề xuất trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản công
Hiệp đồng chặn dòng pháo lậu dịp cuối năm
7 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1.1.2025
Thiết lập đường dây nóng 24/7 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Giấc mơ 100.000 USD xa dần với Bitcoin
Cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhìn từ bài học của Canada

Từ khóa » Chỉ Số Kinh Tế Tri Thức Việt Nam