Kỳ 1: Hướng Dần Chăn Nuôi Heo Theo Mô Hình Khép Kín

Trang trại heo áp dụng nuôi trên sàn. Ảnh: Minh Dương

Việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị hiện đang là mô hình khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Bởi hình thức này bảo đảm cho các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, bảo đảm việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, mở đường cho sản phẩm sạch đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Chăn nuôi heo đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, góp phần tăng tỷ trọng và giải quyết lao động nông thôn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, chăn nuôi heo chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn phát triển khá nhanh, tập trung tại các khu vực xa dân cư, vùng biên giới, có diện tích đất nông nghiệp lớn như các huyện Tân Châu, Tân Biên, Bến Cầu và Châu Thành.

Các trang trại chăn nuôi heo có ứng dụng công nghệ chuồng sàn, tiết kiệm nước, chuồng kín có trang bị hệ thống phun sương, quạt hút làm mát, núm nước uống và có trang bị hệ thống silo cung cấp thức ăn tự động. Từ năm 2016-2021 đã thu hút 58 dự án chăn nuôi heo được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với 743.584 con heo (112.600 nái, 284 nọc, 513.300 heo thịt, 61.400 hậu bị, 56.000 heo con). Trong đó, 8 dự án đang hoạt động, 13 dự án đang triển khai, 34 dự án chưa triển khai và 3 dự án dừng đầu tư.

Nhận thức được chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phát triển chăn nuôi heo phải gắn với bảo vệ môi trường và cải tạo môi trường đất trồng trọt.

Ông Văn Thanh Phong- Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp sạch Futifarm (ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) cho biết: “Với sự phát triển của nền kinh tế, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang có sự chuyển dịch nhanh chóng, chính vì vậy, tôi quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo mô hình kinh tế công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về heo thịt và nguồn thực phẩm phục vụ trong nước”.

Ông Phong cho biết thêm: “Trang trại chúng tôi sẽ gia công heo cho Công ty cổ phần chăn nuôi JAPFA Việt Nam. Ngoài đầu ra của trang trại sẽ được công ty trên thu lại thì nguồn con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật sẽ được JAPFA cung cấp với tiêu chuẩn và chất lượng cao. Do vậy, chúng tôi định hướng dự án có tính khả thi và phát triển ổn định”.

Theo kế hoạch, công ty đầu tư 4 trại chăn nuôi với 6.000 heo thịt để cho ra những heo giống tốt nhất nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Ông Phong chia sẻ, phát triển chăn nuôi heo phải tăng hiệu quả các nguồn nguyên liệu, phế phụ phẩm từ nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội và xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi heo phải gắn chặt với quy hoạch phát triển kinh tế tổng hợp của tỉnh.

Dự án chăn nuôi heo công nghệ trang trại lạnh khép kín với diện tích 3 ha đã chính thức đi vào hoạt động, với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Hiện trang trại đã hoàn thành 3 trại thả nuôi được 4.500 heo giống và bảo đảm các hạng mục xử lý nước thải theo đúng quy định. Dự kiến đến tháng 9.2022, trang trại sẽ hoàn thành và hoạt động thêm 1 trại chăn nuôi, bảo đảm hoạt động khép kín như kế hoạch đề ra.

Theo ông Phong, dự án đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp và lành mạnh hoá môi trường xã hội tại địa phương.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ cấu lại đàn heo theo hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, hình thành các trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín nhằm giải quyết đồng thời vấn đề ô nhiễm môi trường và tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, mặc dù số lượng heo năm 2020 giảm gần 50 ngàn con nhưng trên địa bàn đã hình thành được 106 trang trại, 250 gia trại với tỷ lệ heo nuôi trang trại, gia trại đạt 83,8% tổng đàn heo. Trong đó, 59 trang trại (chiếm 47% tổng đàn heo) nuôi tập trung theo hình thức trang trại lạnh, khép kín và ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, 15 trang trại nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP hoặc an toàn dịch bệnh. Đây là những kết quả đạt được trong nỗ lực cơ cấu lại chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Hiện nay, giá thành sản xuất heo ở quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh có khả năng cạnh tranh với các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển trong vùng Đông Nam bộ và chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại mang lại giá trị gia tăng cho người chăn nuôi heo cao hơn nhiều so với chăn nuôi nhỏ lẻ.

Cụ thể, tại huyện Bến Cầu đã hình thành một số trang trại lạnh chăn nuôi heo khép kín, qua đó xử lý được vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường. Do đó, xu hướng chăn nuôi trang trại, gia trại có sự liên kết chủ động với doanh nghiệp về con giống, thức ăn, tiêu thụ và chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới

Trại chăn nuôi heo theo mô hình trại lạnh, khép kín tại ấp Long Bình, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, do ông Huỳnh Quốc làm chủ được chọn là mô hình tiêu biểu trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh. Trại có quy mô 600 heo nái và 4.000 heo thịt với 14 dãy chuồng, tổng diện tích trại 24.787,8m2. Trại heo sản xuất theo quy trình chăn nuôi VietGAHP nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường… góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh. Hằng tháng, trại sản xuất được 1.200 con heo giống và 1.150 con heo thịt. Lợi nhuận thu được hằng tháng từ 600-700 triệu đồng.

Để thu được kết quả trên, trại đã đầu tư áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi heo như: đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại lạnh, chăn nuôi khép kín theo quy trình VietGAHP, heo nái giống tốt, tiêm phòng đầy đủ… nên heo ít bị bệnh, giảm chi phí thuốc thú y, heo mau lớn, chất lượng sản phẩm được bảo đảm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, trại đầu tư hệ thống silo bơm cám tự động, việc đầu tư các silo chứa thức ăn và băng chuyền tải thức ăn đã giúp tiết kiệm được 2 nhân công lao động/trại và tiết kiệm 10.000 đồng/bao thức ăn. Như vậy, giảm được giá thành sản xuất, thức ăn trong hệ thống chảy đến máng ăn theo nhu cầu của heo, không gây dư thừa thức ăn. Bình quân qua 1 lứa nuôi heo thịt 5 tháng, với quy mô đàn 4.000 con, doanh nghiệp tiết kiệm được 330 triệu đồng.

Trại sử dụng công nghệ xử lý chất thải (phân, nước thải…) để sản xuất biogas, khí do biogas sinh ra sử dụng chạy máy phát điện. Với lượng điện năng này đủ phục vụ 50% nhu cầu trong sinh hoạt và sản xuất của trại, vì vậy, hằng tháng giảm được hơn 40.000.000 đồng chi phí tiền điện, đồng thời giảm tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, qua 1 lứa nuôi heo thịt 5 tháng, trại tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.

Đây là một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, góp phần phát triển ngành chăn nuôi ổn định, bền vững.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được tỉnh tập trung triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đã thấy được hiệu quả. Những mô hình nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh và không sử dụng hàm lượng kháng sinh thì rất cần được nhân rộng. Tỉnh luôn khuyến khích những hộ nuôi theo hình thức trang trại có hiệu quả. Mô hình nuôi khép kín, nếu vệ sinh chuồng trại đúng quy trình thì vật nuôi không mắc bệnh, thịt đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng thời, trong quá trình nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới như: hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ... để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Đó là mục tiêu mà ngành chăn nuôi của tỉnh đang hướng tới.

Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, tỉnh phát triển vùng chăn nuôi heo thịt trên địa bàn xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Hiện nay, tổng đàn heo thịt của xã Suối Ngô là 3.674 con. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương 5 dự án chăn nuôi heo tại xã Suối Ngô với tổng đàn heo thịt là 232.000 con/năm. Trong đó có các dự án quy mô lớn như Công ty TNHH chăn nuôi Thảo My với 80.000 con/năm, Công ty CP chăn nuôi công nghệ cao Hải Đăng với 60.000 con/năm.

Theo đó, tỉnh xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi heo thịt với tổng đàn trên 40.000 con/lứa. Đầu tư xây dựng hệ thống đường, điện, thu hút doanh nghiệp ký kết hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị.

Kinh phí thực hiện (xã hội hoá): 505 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư hạ tầng (đường, điện…) 5 tỷ đồng và vốn khác (giống, thức ăn, chuồng trại, đất đai, xử lý môi trường…) 500 tỷ đồng.

Nhi Trần

Từ khóa » Hình Khép Kín