KỲ ÁN 30 NĂM CHƯA CÓ LỜI GIẢI ĐÁP

logo MEGASTORY
  • Kỳ án 39 năm chưa có lời giải
  • Hơn 30 năm đi tìm hung thủ giết mẹ
  • Người 2 lần "biến mất" đầy bí ẩn
  • Nhiều nghi vấn nhưng không khởi tố
  • Tan nát một gia đình
  • Cần thận trọng xem xét lại vụ án
  • Chia sẻ Facebook
Kỳ án 39 năm chưa có lời giải Hơn 30 năm đi tìm hung thủ giết mẹ

TTO - 45 tuổi, không nhà cửa, không vợ con, anh chỉ có một chiếc xe chạy thuê dịch vụ hằng ngày rong ruổi trên các nẻo đường rày đây mai đó, cơm hàng cháo chợ với chỉ mục đích duy nhất: dò tìm tung tích người đã giết mẹ mình 39 năm trước.

Đó là một câu chuyện thật buồn của Đỗ Thanh An (hộ khẩu thường trú ở Bình Định).

39 năm trước, vào một buổi chiều tối, khi đó An mới hơn 6 tuổi, đang ngồi ngóng mẹ đi bẻ bắp trên rẫy về thì nhận được hung tin mẹ bị giết chết với hàng chục nhát dao.

An mồ côi cha khi vừa mới sinh ra đời, giờ mẹ lại ra đi đầy oan khuất...

 - Ảnh 1. - Ảnh 3.

Giọng đượm buồn, An kể mẹ anh là bà Phan Thị Khanh, lấy chồng ở Bình Định. Khi An sinh ra được vài tháng thì ba mất.

Năm 1977, chồng chết, cuộc sống khó khăn nên mẹ An đưa con từ Bình Định về xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận sống với bà ngoại. Lúc đó An mới được 3 tuổi. Anh trai đầu lớn hơn An 2 tuổi mẹ phải để lại Bình Định cho ông bà nội nuôi.

Ở cùng bà ngoại, mẹ An là lao động chính trong nhà, phụ bà nuôi người em trai còn nhỏ. Đến khi cậu lớn lấy vợ, mẹ anh chặt chiếc vòng tay bằng vàng đưa cậu 2 chỉ để làm đám cưới.

"Hồi đó nhà tôi bằng gỗ lợp lá buông. Có lần nhà bị cháy rụi. Mẹ tôi phải cào đống tro than còn chưa nguội hết đào chỗ chân giường lên tìm vàng mẹ chôn giấu. Tôi nhớ, đó là một cái vòng tay đã cắt ra một đoạn cho cậu tôi mượn để cưới vợ, một ít nhẫn và dây chuyền. Từ sau lần cháy nhà, mẹ may một cái túi yếm cột trước bụng để cất gia tài của mình" - An kể.

 - Ảnh 1.

Lên 6 tuổi, An đã biết giúp mẹ đi rẫy bẻ bắp rồi theo mẹ gánh về nhà.

Buổi chiều định mệnh vào ngày 31-7-1980, bà Khanh thấy trời tối nên kêu An ở nhà để bà đi một mình. Rẫy ngay sát quốc lộ nhưng vắng người qua lại, cỏ mọc um tùm. An ở nhà ngóng mẹ nhưng mãi vẫn không thấy về.

Đến gần 7h tối, An nghe giọng ai đó hốt hoảng: "Mẹ An chết rồi An ơi". Rồi tiếng bà ngoại khóc thảm, rồi hàng xóm, công an đến. Người ta thông báo mẹ An bị giết với hàng chục nhát dao trên đầu, mặt, tay...

Chiếc túi yếm đựng vàng của mẹ bị xé, toàn bộ số vàng bị lấy mất. Lúc ấy An còn nhỏ, bà ngoại lại già yếu không có người chăm sóc, vợ chồng người cậu ở phía sau nhà chuyển lên ở chung để chăm bà. Không còn mẹ, An ở cùng cậu, trông giữ hai đứa em con cậu và làm việc nhà.

 - Ảnh 1.

"Mẹ chết, tôi thành mồ côi phải ở với cậu. Làm gì không vừa lòng cũng bị đánh, bị mắng đến nỗi ba năm sau, một người hàng xóm thương tình phải lặn lội về tận Bình Định tìm bà nội đưa đến đón tôi về", An kể.

Thế là chưa đầy 10 tuổi, An rời ngôi nhà của mẹ để về quê nội ở Bình Định. Nhưng ông bà nội cũng đã già, An không được đến trường như các bạn. Thỉnh thoảng An có về lại ngôi nhà cũ của mẹ thăm bà ngoại. Mỗi lần về thăm ngoại, An lại nghe những người hàng xóm nói lại nghi vấn về hung thủ thực sự giết mẹ mình.

"Người ta nói, đó là người anh em cọc chèo với cậu ruột tôi. Trước mấy ngày mẹ tôi bị giết, vợ chồng ông ấy ở nhờ nhà cậu. Sau khi mẹ tôi bị giết hai ngày, vợ chồng ổng lập tức bỏ đi đâu không rõ cho đến bây giờ" - An nói.

 - Ảnh 1. - Ảnh 1. - Ảnh 4.

Năm 1986, An bắt đầu tìm đến những người hàng xóm từng làm đơn tố cáo với công an nghi can của vụ án và tự đi tìm những dấu vết của kẻ giết người. Anh thu thập, ghi chép vào sổ.

Đến năm 1990, An viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra.

Người An tố cáo là ông Trương Đình Chi (còn có tên Trương Đình Khôi). Tuy nhiên, thông tin ông Chi ở đâu thì anh tìm không ra. Bởi người này chỉ xuất hiện trước khi mẹ anh bị giết vài ngày và hai ngày sau khi vụ án xảy ra, ông ta cùng vợ con biến mất.

Để truy tìm hung thủ giết chết mẹ mình, An không dám lập gia đình vì sợ vướng bận vợ con. Anh đi làm thuê, làm mướn nhiều nơi từ TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu rồi xuống tận miệt Sóc Trăng để dò la tin tức.

 - Ảnh 1.

Đơn thư của anh An được gửi nhiều cơ quan tố tụng từ trung ương đến địa phương. Thậm chí đến cả các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội.

Tất cả nơi nào nghĩ có thể giúp thúc đẩy cơ quan điều tra trả lời về cái chết của mẹ mình, An đều gửi tới. Nhưng hầu hết hồi đáp anh nhận được đều có nội dung giống nhau: chuyển đơn về Công an tỉnh Bình Thuận và đều rơi vào im lặng.

Năm 2017, anh An tiếp tục đến Văn phòng Bộ Công an phía Nam gửi đơn tố cáo. Anh được các cán bộ điều tra lấy lời khai, cung cấp bằng chứng. Tuy nhiên sau đó, mọi việc tiếp tục rơi vào im lặng.

 - Ảnh 2. - Ảnh 3. Người 2 lần "biến mất" đầy bí ẩn

TTO - Khi ông Võ Tê bị bắt và được thả, nhiều người dân ở xã Tân Minh đã đặt nghi vấn lên một người đàn ông có nhiều dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, sau nhiều năm tố cáo mọi việc chỉ dừng lại ở một tờ thông báo trong khi người này vẫn "bóng chim tăm cá".

Sau khi bà Phan Thị Khanh bị giết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Võ Tê (một người dân ở địa phương), nhưng sau đó ông Tê được thả vì không đủ bằng chứng kết tội.

Tuy nhiên khi ông Tê bị bắt, những người dân ở xã Tân Minh lại đặt nghi vấn lên một người khác vì có nhiều dấu hiệu bất thường.

 - Ảnh 1. - Ảnh 2. - Ảnh 3.

Hệ thống lại các báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận cho thấy đầu năm 1980, vợ chồng ông Khôi cùng một số hộ dân khác đến xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang cũ (nay thuộc Sóc Trăng) lập nghiệp.

Quá trình sinh sống tại đây, ông Khôi có xảy ra mâu thuẫn nên ngày 27-7-1980, ông Khôi và vợ là Võ Thị Bung về lại xã Tân Minh.

Tuy nhiên, khi về lại nơi cũ, ông Khôi không có nhà ở nên được người em cọc chèo là ông Phan Thanh (em ruột nạn nhân Phan Thị Khanh) cho ở nhờ. Hoàn cảnh vợ chồng ông Khôi lúc đó rất khó khăn, toàn bộ tài sản mang theo chỉ có 30kg phân bón.

Ngày 31-7-1980 xảy ra vụ án giết bà Khanh cướp tài sản thì hai ngày sau vợ chồng ông Khôi đánh tiếng với hàng xóm đưa con đi Cam Ranh. Tuy nhiên, họ không đi Cam Ranh như đã nói mà trở về lại xã Lịch Hội Thượng.

Báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận ghi theo ông Phan Đình Bảo, một trong những người dân xã Tân Minh đi Hậu Giang cùng gia đình ông Khôi, khi trở lại Hậu Giang, gia đình ông Khôi đến căn nhà bỏ hoang của bà Mai Xuân Soạn (bà Soạn cũng là người từ Tân Minh xuống Hậu Giang làm thuê) ở.

Căn nhà này sát vách nhà ông Bảo nên khi nghe vợ chồng ông Khôi rầm rì nói chuyện, sinh nghi, ông Bảo vạch vách nhà rình xem thì thấy vợ chồng Khôi tính tiền mặt được 300 đồng, 2 chiếc cà rá và một số vàng nữ trang khác.

Trước đó vợ chồng ông Khôi rất nghèo, con bệnh không có tiền mua thuốc chữa trị, nhưng đột nhiên sau khi trở lại Hậu Giang, ông Khôi mua một chiếc xuồng trị giá 1.400 đồng (lương hiệu phó một trường liên cấp I, II lúc đó khoảng 45 đồng/tháng).

Chi tiết này, ông Bảo có kể cho những người hàng xóm khác ở Lịch Hội Thượng nghe, trong đó có bà Soạn. Sau đó bà Soạn và ông Bảo về lại Tân Minh kể cho nhiều người nghe. Đồng thời, các thông tin này cũng được họ báo lên ban chuyên án.

Khi đó, ban chuyên án đã cử điều tra viên đến Hậu Giang làm việc với ông Khôi. Sau buổi làm việc, điều tra viên thu giữ chứng minh nhân dân của ông Khôi và hẹn hôm sau trở lại làm việc tiếp. Ngay lập tức, ông Khôi đưa gia đình bỏ trốn.

Thế nhưng, điều rất lạ là việc truy tìm ông Khôi không được Công an tỉnh Bình Thuận thực hiện.

Cũng kể từ đó, vợ chồng ông Khôi biệt tích khỏi Hậu Giang. Họ cũng không quay về lại Tân Minh, dù nơi này vẫn còn những người thân quen của ông Khôi sinh sống.

 - Ảnh 4. - Ảnh 4.

Sau khi đi khỏi Hậu Giang, ông Khôi về nhà cha vợ là ông Võ Mạnh ở Bình Định. Tại đây, ông Khôi thay tên đổi họ thành Lê Minh Sơn, sinh ngày 10-11-1954 và nhập hộ khẩu vào nhà ông Mạnh. Vợ ông Khôi tên Võ Thị Bung cũng đổi tên thành Võ Thị Bông.

Khi truy tìm kẻ giết mẹ mình, anh An đã lần ra manh mối của ông Khôi. Anh An kể năm 1992, em họ anh (tức con gái ông Phan Thanh) đã gặp ông Khôi ở nhà ông ngoại (tức cha vợ ông Khôi). Lần đó ông Khôi về dự đám giỗ cha vợ.

Sau khi thu thập được chứng cứ và xác định chính xác ông Khôi đổi tên thành Lê Minh Sơn, anh An đã cung cấp thông tin này cho Công an tỉnh Bình Thuận.

Nhận tin báo, Công an tỉnh Bình Thuận cử điều tra viên lên đường đi Bình Định. Tại đây, điều tra viên đã xác định được ông Trương Đình Khôi đổi sang tên mới là Lê Minh Sơn, đúng như những gì anh An cung cấp.

Cũng giống lần trước, điều tra viên thu giữ chứng minh nhân dân của ông Khôi có tên mới Lê Minh Sơn và hẹn hôm sau trở lại làm việc. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, ông Khôi lại... biến mất.

Điều rất lạ lại xảy ra thêm một lần nữa, Công an tỉnh Bình Thuận cũng không bắt giữ hay truy tìm ông Khôi sau khi ông này bỏ trốn khỏi Bình Định.

 - Ảnh 5. - Ảnh 6. - Ảnh 1. - Ảnh 8.

Sau khi Công an tỉnh Bình Thuận tiếp cận các thông tin do anh Đỗ Thanh An cung cấp nhưng không làm rõ được nguồn gốc bất minh về tài sản, cũng như sự biến mất bí ẩn của ông Khôi trước đây hay Lê Minh Sơn sau này và không trả lời kết quả xác minh ra sao, anh An tiếp tục gửi nhiều đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Mãi đến năm 1999, tức 7 năm sau khi manh mối của Lê Minh Sơn được thu giữ, Công an tỉnh Bình Thuận mới ra thông báo truy tìm số 206 đối với người mang tên Lê Minh Sơn.

Công an tỉnh Bình Thuận có động thái này do khi đó đơn của anh An may mắn đến được tay trung tướng Nguyễn Việt Thành (lúc này là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và ông Thành có văn bản chỉ đạo trực tiếp cho Công an tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở một tờ thông báo gửi đến Bộ Công an và công an các tỉnh thành trong cả nước, trong khi Lê Minh Sơn vẫn "bóng chim tăm cá".

 - Ảnh 3.

Hễ nghe nơi nào có người tên Lê Minh Sơn, có lai lịch giống ông Trương Đình Khôi, anh đều tìm đến. Các thông tin thu nhặt được anh ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ rồi hệ thống lại.

Đến năm 2017, anh đã tìm ra nhiều manh mối liên quan đến Lê Minh Sơn như số điện thoại, các nơi ông này thường lui tới, nơi sinh sống của em ruột ông Sơn tại Đồng Nai, nơi ở của em ruột bà Võ Thị Bông tại Bình Định...

Chưa hết, nghe tin vợ chồng Lê Minh Sơn có xe khách chạy chuyến TP.HCM - Phan Thiết, anh An cũng mua một chiếc xe cũ chạy khách để tìm kiếm thông tin. Cuối cùng anh cũng tìm ra được xe của gia đình ông Sơn và ghi lại biển số cẩn thận.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, lập tức anh cung cấp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phía Nam. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, Đỗ Thanh An cũng không nhận được thông tin phản hồi gì.

Và đương nhiên, tung tích của Lê Minh Sơn đến nay vẫn... biệt vô âm tín, mặc dù một số người quen vẫn thấy Lê Minh Sơn - Trương Đình Khôi xuất hiện đâu đó tại Phan Thiết, Đồng Nai.

 - Ảnh 9. - Ảnh 10. Nhiều nghi vấn nhưng không khởi tố

TTO - Sau hơn 30 năm im lặng không trả lời đơn thư tố cáo của công dân, mới đây Công an tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Công an. Công an tỉnh Bình Thuận khẳng định có nhiều dấu hiệu cho thấy Trương Đình Khôi (Lê Minh Sơn) liên quan vụ án.

Năm 2017, anh Đỗ Thanh An mang đơn tố cáo đến báo Tuổi Trẻ. Thời điểm đó, báo Tuổi Trẻ có hỗ trợ anh An mang hồ sơ và đơn tố cáo đến Bộ Công an.

Một phần, vì sợ nếu thông tin được đăng trên báo, Lê Minh Sơn bị đánh động sẽ bỏ trốn, bởi thông báo truy tìm ông Sơn của Công an tỉnh Bình Thuận vẫn còn hiệu lực.

Mặt khác, chúng tôi cũng tin rằng với sự vào cuộc của Bộ Công an sẽ làm sáng tỏ ông Sơn có liên quan đến vụ án hay không.

 - Ảnh 1. - Ảnh 1.

Ngày 1-7, phóng viên Tuổi Trẻ đến Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị được làm việc về đơn tố cáo của anh Đỗ Thanh An.

Ngày 3-7, Công an tỉnh này đã ký văn bản gửi Bộ Công an xin ý kiến để trả lời đơn tố cáo về cái chết của mẹ anh An xảy ra vào ngày 31-7-1980.

Theo báo cáo, vào khoảng 16h20 ngày 31-7-1980, bà Phan Thị Khanh đi từ nhà vào rẫy (cách nhà 3km) để hái bắp.

Đến gần 19h cùng ngày, mọi người trong gia đình không thấy bà Khanh về nên tổ chức đi tìm, phát hiện bà Khanh nằm chết gần rẫy sát quốc lộ 1. Sau đó công an khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ việc.

Kết quả điều tra cho thấy bà Khanh bị nhiều vết thương trên cơ thể. Các vết thương trên đầu làm bà bể hộp sọ, ngón tay cái của bàn tay phải bị đứt một đốt và các vết thương ở lưng.

Trong chiếc túi vải buộc quanh lưng còn chùm chìa khóa. Người thân khai trong túi vải bà Khanh có 1,6 lượng vàng nữ trang bị lấy mất.

Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố vụ án giết người cướp của theo sắc lệnh số 03/1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Một báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận khẳng định Trương Đình Khôi (Trương Đình Chi) có nhiều nghi vấn liên quan đến vụ án vì thời gian điều tra từ 16h đến 17h ngày 31-7-1980 không ai biết Khôi làm gì, ở đâu, cùng với ai.

Trong báo cáo này, Công an tỉnh Bình Thuận nhận định điều kiện kinh tế của gia đình Chi (tức Khôi) khó khăn, con bệnh cũng không có tiền để chữa trị nhưng sau khi vụ án xảy ra, Chi có số tiền lớn để mua xuồng làm ăn.

Từ khi xảy ra vụ án đến nay Chi không về địa phương trong khi có chị em họ hàng ở xã Tân Minh. Vợ chồng Chi có dấu hiệu lẩn trốn không tìm được để làm việc, đồng thời thay tên đổi họ.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Thuận cho rằng vụ án là thật, nhưng thời hiệu điều tra chỉ có 20 năm mà thời gian xảy ra vụ án đến nay đã 39 năm, không còn thời hiệu để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Đồng thời thủ tục tố tụng theo sắc lệnh 03/1976, theo quy định hiện hành là không thể khắc phục được.

 - Ảnh 3. - Ảnh 1.

Trong quá trình tìm hung thủ giết bà Phan Thị Khanh, một trong những điều tra viên mà anh Đỗ Thanh An tìm gặp là ông Nguyễn Sỹ Nam.

Ông Nam là người từng giáp mặt Trương Đình Khôi tại Hậu Giang (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) khi đi xác minh thông tin tố cáo của người dân.

Theo lời ông Nam, sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Võ Tê và ông Tê thừa nhận giết người. Đến khi di lý lên Công an tỉnh, ông Tê kêu oan.

Nhận được tin tố cáo về nguồn tiền bất minh và sự giàu lên bất thường của Khôi, cơ quan điều tra đã cử ông Nam đi xác minh.

Theo lời kể của ông Nguyễn Sỹ Nam (đã nghỉ hưu), khi đó ông còn rất trẻ, mới 24 tuổi. Đến Hậu Giang, ông đã thực hiện các bước nghiệp vụ để kiểm tra nhân thân của ông Khôi.

Với sự hỗ trợ của Công an huyện Long Phú, toàn bộ dân ngụ cư tại khu vực được tập hợp để kiểm tra chứng minh nhân dân.

Việc kiểm tra được công an thông báo "nhằm thuận tiện cho việc đăng ký tạm trú", trong đó có 10 hộ dân đến từ Tân Minh. Hôm đó, ông Nam thu được một số chứng minh nhân dân, trong đó có ông Trương Đình Khôi.

"Ban ngày người dân đi làm nên phải đợi buổi tối mới yêu cầu người ta tới được. Buổi tối lại không có điện, chỉ thắp bằng đèn dầu. Khi Công an huyện Long Phú điểm danh đến Trương Đình Khôi, tôi có hỏi ngoài tên Khôi ra còn tên gì khác nữa không, Khôi trả lời còn có tên là Trương Đình Chi.

Sau khi tạm giữ chứng minh nhân dân, tôi dặn Khôi cùng những người khác sáng mai lên khai báo để đăng ký tạm trú. Thế nhưng sáng hôm sau Khôi không quay lại mà bỏ trốn mất" - ông Nam kể.

 - Ảnh 5. - Ảnh 6.

Ông Nam cho rằng khi giáp mặt để đưa chứng minh nhân dân và cung cấp nhân thân, có thể ông Khôi đã nhận ra ông Nam chính là điều tra viên trong vụ án giết bà Phan Thị Khanh trước đó.

"Tôi còn nhớ khi xảy ra vụ án đến lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và hướng điều tra nhằm vào ông Võ Tê thì Trương Đình Khôi đều có mặt nên biết rõ về tôi. Có lẽ vì vậy anh ta biết tôi đến Hậu Giang với mục đích gì nên bỏ trốn liền" - ông Nam nói.

Nhật ký điều tra của ông Nam ghi rõ: "Ngày 6-12-1980, tôi lấy được lời khai của một người tại Long Phú. Người này xác nhận đã nhìn thấy vàng, tiền của Trương Đình Khôi, đặc biệt trong đó có sợi dây chuyền mà theo mô tả thì phù hợp với sợi dây chuyền mà bà Khanh bị cướp".

Ông Nam cũng bày tỏ do còn thiếu kinh nghiệm nên đã để người bị tình nghi bỏ trốn mất. Sau đó, ông Nam trở về làm báo cáo xin lệnh bắt nhưng bị lãnh đạo cho "ngồi không" 22 ngày rồi chuyển đi làm nhiệm vụ khác, kết thúc nhiệm vụ của mình ở vụ án bà Khanh.

"Từ trong thâm tâm tôi rất ray rứt với vụ án mạng của bà Khanh. Dù chưa hỏi được Trương Đình Khôi câu nào nhưng tôi thấy có căn cứ hắn chính là thủ phạm giết bà Khanh.

Sau này, An (Đỗ Thanh An, con bà Khanh) có đến tìm gặp tôi, khi biết An không dám lấy vợ sinh con, dành cả cuộc đời để đi tìm kẻ giết mẹ mình, tôi cảm thấy rất ân hận vì sai sót của mình" - ông Nam nói.

Day dứt về việc để trượt mất kẻ tình nghi nên sau này dù đã chuyển công tác về huyện, ông Nam vẫn dành thời gian để dò la tung tích của Trương Đình Khôi.

"Tôi đã dành nhiều tháng ròng đi các bến xe ở Sài Gòn để tìm những người trên chuyến xe đã chứng kiến việc bà Khanh bị giết. Vì lúc đó, một chiếc xe khách chạy hướng vào TP.HCM đã gọi người dân ở khu vực đó đến cứu nạn nhân.

Tôi đi bến xe Miền Đông, bến xe Lê Hồng Phong và các địa điểm có xe khách đường dài đậu để hỏi nhưng không tìm ra chiếc xe khách đó" - ông Nam kể.

 - Ảnh 7. - Ảnh 8. Tan nát một gia đình

TTO - Không chỉ sự thờ ơ của các cơ quan tố tụng trong việc truy tìm hung thủ để vụ án hết thời hiệu mà còn có dấu hiệu khởi tố, bắt giam oan một người dân. Hậu quả, cả gia đình người này tan nát, con cái thất học, gia cảnh xác xơ...

Người đó là ông Võ Tê (sinh năm 1932, ngụ thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Ông Tê bị khởi tố, bắt giam và mang thân phận bị can 39 năm qua, đến khi chết đi vẫn chưa được rửa oan.

Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 1.  - Ảnh 1. Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 3.

Ngay sau khi vụ giết bà Phan Thị Khanh xảy ra, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tê. Tuy nhiên, sau 5 tháng tạm giam, ông Tê được thả về nhà với thân tàn ma dại, hàng xóm xa lánh vì cho rằng ông là kẻ giết người cướp của.

Bệnh tật, nghèo khó và mặc cảm, ông Tê chết trong buồn tủi.

Ông Tê ở căn nhà nhỏ cách hiện trường nơi xảy ra vụ án không xa. Là người biết lấy thuốc nam, cắt lể cạo gió chữa bệnh nên ông Tê thường được hàng xóm nhờ giúp mỗi khi có người bị cảm mạo, thương hàn.

Tối hôm xảy ra án mạng, ông Tê đang ngồi trong căn nhà tranh uống rượu thì nghe tiếng người la khóc inh ỏi. Rồi ông Bồi (hàng xóm) chạy đến nói: "Chú ra gấp, chị Khanh bị trúng gió".

Với thói quen thầy thuốc, ông Tê liền bật dậy hớt hải chạy đến chỗ bà Khanh. Lúc ông tới đã thấy mẹ bà Khanh và ông Phan Thanh (em ruột bà Khanh) cùng vài người ở đó.

Ông Thanh kêu lên: "Trời ơi, chị tôi bị chém rồi, máu không", rồi nhặt cây rựa dính máu đưa cho ông Tê cầm xem. Sau đó, ông Tê bắt mạch, sờ bụng nạn nhân và lắc đầu nói bà Khanh đã chết rồi.

Đang ôm thi thể con gái khóc, nghe vậy bà Hồng (mẹ bà Khanh) chồm sang ôm chân ông Tê kêu: "Nhờ chú cứu lấy con Khanh". Lúc này tay bà Hồng còn dính máu nên dây sang ống quần ông Tê.

Ông Tê không ngờ đó là vết máu định mệnh của đời mình.

Tối đó, sau khi về đến nhà, ông Tê bị công an tới bắt và hỏi về vết máu trên ống quần. Rồi họ đưa ông lên xã và từ xã lên huyện.

Rất nhanh, một ngày sau (1-8-1980), đồng thời với việc khởi tố vụ án, Công an huyện Hàm Tân khởi tố bị can và tạm giam ông Tê để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.

Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 4.  - Ảnh 2.

Ngay từ khi bị bắt, ông Tê đã khai chiều hôm đó ông cùng hai con trai (Võ Ngọc, 16 tuổi và Võ Cường, 8 tuổi) đi câu ở suối gần nhà. Mấy cha con chỉ câu được mấy con cá nhỏ đem về nướng ăn bữa cơm tối và ông Tê ngồi nhắm rượu.

Miếng cá nuốt chưa xong thì xảy ra chuyện.

Ông Tê bị bắt, cả hai con ông cũng bị nhốt ở Công an huyện một ngày, không được ăn uống gì.

Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 6.

"Mẹ có mang lên cho tôi ít bắp luộc, nhưng tôi không được ăn. Tôi bị nhốt một ngày một đêm và bị bắt viết đi viết lại lời khai nhiều lần. Viết sao họ cũng không vừa lòng. Họ hỏi tại sao ba cha con đi câu mà mỗi người đi một hướng? Tại sao cần câu lại nhỏ như thế này? Ba cha con câu được mấy con cá, tại sao lại ít như thế?

Cha tôi không thể ngờ được vì biết bốc thuốc cứu người, vì muốn cứu người mà cả gia đình phải chịu những năm tháng tủi nhục như vậy" - anh Võ Ngọc kể.

Không chỉ ông Võ Tê bị bắt, căn nhà lợp bằng lá buông cũng bị gỡ từng nắm lá xuống để tìm vàng, tiền. Tủ quần áo, thùng đựng gạo, bắp, mì khô trong nhà cũng bị đổ hết ra lục lọi.

"Không một ngóc ngách nào trong nhà không bị đào bới lên. Bữa đó, mấy mẹ con vừa bưng mâm cơm lên chưa kịp ăn thì họ đổ cả nồi cơm ra đất, khoắng cả nồi canh lên, bới từng tí tro than trong bếp. Cha bị bắt, nhà tan hoang" - con gái ông Võ Tê vừa nói vừa khóc.

Lúc mới bị bắt, ông Tê một mực kêu oan, nói mình không giết bà Khanh. Tuy nhiên, sau nửa tháng bị bắt giam, ông thay đổi lời khai và nhận mình chính là hung thủ.

Lời khai của ông Tê tại cơ quan điều tra thể hiện: Khoảng 17h chiều 31-8-1980, ông đi câu cá, đến khoảng 18h về dọc đường lộ lên rẫy rình bắt kẻ trộm mía nhưng không phát hiện ai nên đi về nhà.

Trên đường về, thấy chị Khanh gánh bắp ra gần đường lộ, ông Tê hỏi: "Bẻ bắp hết rồi hả Khanh?", rồi đưa tay phải sờ vào âm hộ chị Khanh. Chị Khanh gạt tay ông Tê ra la lớn, rồi bỏ gánh bắp xuống, dùng đòn gánh đánh ông Tê.

Ông Tê liền chụp lấy cây rựa ở đầu gánh bắp chém tới tấp vào người chị Khanh, rồi bỏ về nhà.

Sau khi ông Tê nhận tội, ông được đưa về Công an tỉnh để tiếp tục điều tra nhưng sau khi lên tỉnh, ông Tê không nhận tội nữa mà khai lại như lời khai ban đầu.

Căn cứ kết quả khám nghiệm tử thi, hiện trường và các chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh cho rằng không đủ cơ sở để kết tội ông Tê nên ngày 30-12-1980, ông được lệnh tạm tha.

Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 7.  - Ảnh 3.

Sau 5 tháng bị giam và được tạm tha kèm lời dặn bất kể khi nào gọi cũng phải trở lên công an, ông Tê trở về nhà với "tiếng tăm" kẻ giết người, cướp của và có ý định hiếp dâm nạn nhân Khanh.

"Năm đó tôi đang học lớp 7, từ nhà đến trường toàn gặp những ánh nhìn dè bỉu vì là con kẻ giết người. Cha bị bắt, nhà đã nghèo càng nghèo hơn, nên cuối cùng tôi nghỉ học, các em cũng nghỉ học" - anh Võ Ngọc, cựu chiến binh chiến trường Campuchia, cay đắng kể.

Căn nhà nhỏ của ông Tê hiện không có người ở, do con út của ông đi làm ăn xa. Giữa nhà có chiếc ban thờ đặt di ảnh vợ chồng ông.

"Ba tôi đã sống những năm tháng cuối đời đầy tủi nhục và cay đắng. Ông kể 5 tháng ở trong tù ông bị biệt giam, chân tay bị cùm cả ngày, khắp người lở loét. Khi được thả về, ông không đứng nổi.

Quãng đường từ tỉnh về nhà chừng 60km mà ông phải đi trong nhiều ngày, vừa đi vừa ăn cỏ cây dọc đường rồi mới về đến nhà" - anh Ngọc kể.

Nỗi đau của gia đình ông Võ Tê không chỉ dừng lại ở việc con cái thất học, gia cảnh tan hoang, xơ xác... mà "án treo" giết người, cướp của còn đeo đuổi con cái ông đến tận tuổi trưởng thành.

Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 9.

Anh Võ Ngọc sau khi nghỉ học đã xung phong đi bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Anh nghĩ đó là con đường để mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với gia đình anh.

Chiến trường K., nhiều đồng đội đã hi sinh, anh may mắn sống sót trở về. Thế nhưng khi tìm hiểu và yêu một người con gái ở xóm khác thì bị người ta dị nghị: "Lấy chi con thằng giết người".

"Lúc ấy nghe người ta dị nghị vậy nhưng người anh họ của tôi đi nghĩa vụ cùng ảnh nói người ta nói vậy thôi chứ ba nó không giết người đâu, nó tốt lắm. Cha mẹ tôi cũng thương nên không ngăn cản" - chị Chung Thị Hạnh, vợ anh Ngọc, nhớ lại.

Từ trại giam trở về, ông Võ Tê cũng ít tiếp xúc với hàng xóm, hằng ngày ông đi rẫy hoặc đi câu con tôm con cá để cải thiện bữa ăn. Và từ đó cũng không dám đi chữa bệnh cho ai nữa.

Năm 1994, ông Võ Tê qua đời và đến nay vẫn mang thân phận bị can.

Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 10. Kỳ 4: Tan nát một gia đình - Ảnh 11. Cần thận trọng xem xét lại vụ án

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan điều tra cần phải xem xét lại toàn bộ vụ án, nhất là chuyện kêu oan của gia đình ông Võ Tê và đơn thư tố cáo nghi phạm Trương Đình Khôi - Lê Minh Sơn của con trai nạn nhân là anh Đỗ Thanh An.

Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Thuận nhận định vụ án xảy ra đến nay đã 39 năm, trong khi pháp luật hiện hành quy định thời hiệu điều tra chỉ 20 năm. Do đó, vụ án bà Phan Thị Khanh đã hết thời hiệu để điều tra, giải quyết.

 - Ảnh 2.

Năm 1984, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định tạm kết thúc điều tra vụ án. Điều này được hiểu rằng vụ án đã được khởi tố, nhưng sau 4 năm điều tra mà không bắt được hung thủ nên tạm khép lại.

Theo một thẩm phán đang công tác tại TP.HCM, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi vụ án được tạm đình chỉ nhưng có manh mối hung thủ thì cần phục hồi điều tra.

Nếu người bị tình nghi được hưởng thời hiệu và không thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới đình chỉ vụ án theo quy định.

Từ khóa » Những Vụ án Không Có Lời Giải ở Việt Nam